Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Trên tay Oppo Find 7a

untitled.

Find 7a vừa bắt đầu được bán ra với giá 10,5 triệu đồng và với cấu hình thì ngang ngửa với các máy cao cấp như S5, M8 hay Z2 sắp được giới thiệu tại Việt Nam. Find 7 là bản nâng cấp của Find 5 khá thành công của Oppo tại thị trường Việt Nam. Find có màn hình LCD 5"5 độ phân giải FullHD, vi xử lý Snapdragon 801 2,3Ghz và RAM 2GB cùng bộ nhớ trong 16GB. Điểm khác biệt của Find 7a so với các máy cao cấp khác là ở giải pháp cho máy ảnh, âm thanh, thiết kế và hệ điều hành Android 4.3 được tùy biến mạnh để thành hệ điều hành mà Oppo gọi là ColorOs.


Thiết kế và hoàn thiện
Oppo Find 7 có thiết tương tự như thế hệ Find 5 của hãng, với hình thù khá đặc trưng và không có gì nổi bật như là Oppo N1 với thiết kế camera xoay. Find 7 được hoàn thiện dạng nắp có thể tháo được như là điện thoại của Samsung hay các hãng khác. Nếu so với các máy có thiết kế nguyên khối như iPhone, Z2 hay M8 thì Find 7 sẽ không chắc chắn bằng nhưng nếu so với các máy có thiết kế và hoàn thiện tương như như các máy Galaxy S5, G2 xách tay... thì Find 7 chắc chắn hơn. Find 7 màn hình 5"5 với trọng lượng 170g cầm trên tay cũng khá là nặng.

untitled-3.
Việc để các nút cở bản của Android lên trên phần viền của máy giúp cho người dùng trải nghiệm tốt hơn màn hình của điện thoại. Mình đã dùng qua nhiều điện thoại chỉ những máy có màn hình cực lớn như Z Ultra thì việc hy sinh phần dưới màn hình cho 3 nút của Android và phần trên cho thanh trạng thái mới có thể chấp nhận được. Nêu các máy năm nay giới thiệu mình thích cách làm của Oppo và Samsung hơn.

Màn hình
Mình từng thích màn hình của Find 5 ví nó khá đẹp, Find 7 màn hình cũng giống Find 5 nhưng năm nay các hãng đã nâng cấp màn hình khá nhiều rồi nên màn hình Find 7 trở nên bình thường mà không nổi bật. Hy vọng là phiên bản 2K thì màn hình sẽ không chỉ mịn hơn mà màu sắc còn đẹp hơn.

Chụp hình
Find 7 được trang bị cảm biến 13Mp của Sony và Oppo cho biết đây là chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị thế hệ cảm biến mới nhất này của Sony. Mình có dùng thử Find 7 bản demo và mình ấn tượng với giải pháp 50Mp hơn là cảm biến. Do điện thoại hiện tại được trang bị cấu hình rất mạnh nên Oppo đã khai thách cấu hình cho điện thoại bằng cách cho điện thoại chụp nhiều tấm 13Mp sau đó ghép lại thành một hình 50Mp. Mục đích của 50Mp không phải là độ phân giải cao mà là tăng chất lượng hình cũng như hạn chế các nhược điểm của chụp đêm...

untitled-10.
Máy ảnh 13Mp với cảm biến mới nhất của Sony. Oppo cũng như các hãng khác khai thác tối đa sức mạnh phần cứng điện thoại để đưa ra các giải pháp nhằm tăng chất lượng của ảnh. Việc nhân nhiều tấm lên thành 1 tấm độ phân giải cao ở chế độ HD Photo là một ví dụ.

Sạc nhanh
Oppo đã thiết kế một cục sạc đặc biệt với nguồn điện lớn cũng như những thay đổi ở đầu cắm và việc nguồn điện đi vào pin để có thể sạc 75% pin trong vòng 30 phút. Rất may là cổng này chúng ta vẫn dùng với các cáp microusb bình thường. Cục sạc
untitled-15.
Cục sạc nhanh của Find 7 có dòng 4,5A, gấp khoảng 4 lần nếu so với các điện thoại khác và 2 lần nếu so với cục sạc iPad lớn.

untitled-25.
ColorOS dựa trên Android 4.3. Rất vui nếu nó dựa trên Androdi 4.4.

Cấu hình cơ bản của Find 7a bán ra tại Việt Nam
  • CPU: Snapdragon 801, 2,3Ghz
  • RAM: 2GB
  • Bộ Nhớ trong: 16GB
  • Camera: Sau 13Mp, Trước 5Mp
  • Màn hình: 5"5 IPS LCD FullHD (1920x1080)
  • Pin: 2700mAh
  • OS: ColorOS dựa trên Android 4.3

untitled-2.
Phần trên màn hình có Camera 5.0Mp và các cảm biến ở bên phải. Loa thoại ở giữa.

untitled-3.
Find 7 có thiết kế tương tự Find 5. Phần phía dưới của 3 nút cơ bản Android, nhô lên là phần đèn thông báo.

untitled-4.
Nút Khóa/mở máy được để ở bên cạnh trái, phía trên. Khi bạn cầm tay trái thì ngón cái sẽ để ngay nút này. Sường của Oppo Find 7 dược chia làm 5 phần khác nhau: nắp, đường chỉ kim loại, phần nhựa trắng, đường chỉ kim loại và màn hình. Đây là phần mình không hài lòng nhất trên thiết kế của Find 7.

untitled-6.
Cạnh trên có cổng cắm tai nghe 3,5mm

untitled-7.
Cạnh phải có nút tăng/giảm âm lượng ở trên và một nút ở ở dưới để giúp mở nắp. bạn lấy đầu bút bi hay cái tăm nhấn vào đây thì nắp sẽ bung ta. Tuy nhiên bạn vẫn có thể dùng móng tay để bật nắp ra mà không cần đến cái chốt này.

untitled-5.
Cổng kết nối MicroUSB này trên Find 7 được thiết kế lại để có thể dùng với bộ sạc nhanh. Tuy nhiên chúng ta vẫn dùng nó bình thường được.

untitled-8.
Mặt lưng của Find 7 nhìn cũng chung chung, không đẹp. Khu vực Camera khá là xấu.

untitled-11.
Find 7 được thiết kế có thể tháo được lắp lưng. Khi MicroSim và khe thẻ MicroSD ở trong này.

[Tại sao] Bầu trời có màu xanh?

banner_troi_xanh.

"Trời xanh, mây trắng,..." đều là những hiện tượng tự nhiên hết sức bình thường mà chúng ta gặp mỗi ngày. Bầu trời xanh bao la luôn là chủ đề bất tận cho những bức ảnh, tranh vẽ, bài hát,... và nhiều vấn đề khác có liên quan đến nghệ thuật. Bầu trời xanh là nơi gắn liền với cánh diều tuổi thơ hay những chiếc drone mà anh em công nghệ vẫn hằng đam mê. Tuy nhiên, có bao giờ bạn thắc mắc tại sao bầu trời có màu xanh mà không phải là những màu khác? Trong nhiều thế kỷ qua, các nhà khoa học bao gồm cả Aristotle, Isaac Newton, Thomas Young, James Clerk Maxwell và Hermann von Helmholtz,... cũng đã có câu hỏi giống như vậy.

Và bằng những lý giải dưới góc độ khoa học với nhiều yếu tố khác nhau như màu sắc trong ánh sáng mặt trời, góc chiếu của ánh sáng mặt trời trong khí quyển, kích thước và thành phần của các nguyên tố trong không khí, cách mắt người cảm nhận màu sắc,... các nhà khoa học đã tìm thấy lời giải đáp cho hiện tượng tưởng chừng như hiển nhiên như thế. Chuyên mục "Tại sao" lần này, mình sẽ cùng các bạn đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi "Tại sao bầu trời có màu xanh?" nhé. Qua câu hỏi chính trên, chúng ta sẽ còn giải đáp những câu hỏi khác cũng có cùng lời giải đáp như: "Tại sao hoàng hôn màu đỏ? Tại sao mặt trời có màu vàng?, thực chất bầu trời màu gì?"

Để trả lời cho câu hỏi chung, trước tiên chúng ta sẽ nói về khái niệm đầu tiên nhé.

Khí quyển

thanh_phan_chinh_cua_khi_quyen.

Bầu khí quyển là một hỗn hợp các phân tử khí và các loại vật liệu khác trên Trái Đất. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là khí Nito (78%) và khí Oxy (21%). Tiếp theo là khí Argon và nước (dưới dạng hơi, hạt mưa, hoặc tinh thể băng). Ngoài ra, còn có một lượng nhỏ các khí khác và nhiều hạt nhỏ như bụi, muội, tro, phấn hoa,...

Thành phần của khí quyển rất đa dạng phụ thuộc vào vị trí địa lý, thời tiết và nhiều nhân tố khác. Núi lửa cũng đóng góp một lượng không nhỏ vào trong bầu khí quyển. Ngoài ra còn có các chất thải từ hoạt động của con người. Bầu không khí càng gần mặt đất thì càng dày đặt. Và sau đó sẽ loãng dần khi càng lên cao cách xa mặt đất hơn.

Sóng ánh sáng

Dưới góc độ vật lý học, ánh sáng mặt trời là 1 dạng năng lượng bức xạ điện từ có bước sóng nằm trong vùng quang phổ khả kiến (nhìn thấy được bằng mắt thường, khoảng từ 380 nm đến 740 nm). Giống như các bức xạ điện từ khác, ánh sáng cũng được mô tả như những đợt sóng hạt chuyển động với các hạt gọi là photon ánh sáng.

Ánh sáng là một sóng dao động điện và từ trường. Nó là 1 phần nhỏ trong dải tất cả các tần số có thể có của bức xạ điện từ. Dải các tần số này gọi là phổ điện từ. Phổ điện từ của 1 đối tượng là phân bố đặc trưng của các bức xạ điện từ phát ra hoặc hấp thụ bởi các đối tượng cụ thể.

Sóng điện từ di chuyển trong không gian với vận tốc 299.792.458 m/s. Đây chính là vận tốc của ánh sáng.

Năng lượng của bức xạ điện từ phụ thuộc vào bước sóng và tần số của nó. Bước sóng chính là khoảng cách giữa các đỉnh sóng. Tần số là số đỉnh sóng đi qua 1 điểm trong 1 đơn vị thời gian (mỗi giây). Ánh sáng có bước sóng càng dàu, tần số càng ngắn và càng chứa ít năng lượng.

Màu sắc của ánh sáng

Ánh sáng khả kiến (ánh sáng nhìn thấy được) là một phần của phổ điện từ mà mắt người có thể nhìn thấy được. Ánh sáng từ mặt trời hay bóng đèn điện được gọi là ánh sáng trắng. Tuy nhiên, bên trong ánh sáng trắng là một tập hợp của những màu sắc khác nhau. Khi chúng ta chiếu một chùm ánh sáng trắng qua một lăng kính, chúng ta sẽ có thể thấy được những màu sắc khác nhau bên trong ánh sáng trắng. Quang phổ này tương tự như các màu sắc của cầu vòng mà bạn nhìn thấy được.

lang_kinh.

Các màu sắc trong ánh sáng trắng được pha trộn một cách liên tục từ màu này đến màu khác. Dải màu này bắt đầu từ đỏ, cam. Tiếp theo sẽ là vàng, lục, lam, chàm và kết thúc bởi màu tím. Mỗi màu sắc tương ứng với 1 bước sóng, tần số và mang năng lượng khác nhau. Ánh sáng tím có bước sóng ngắn nhất trong dải quang phổ khả kiến. Điều này đồng nghĩa với việc tần số và năng lượng của ánh sáng tím là cao nhất trong dải quang phổ khả kiến. Ngược lại, ánh sáng đỏ có bước sóng dài nhất, tần số thấp nhất và sẽ mang ít năng lượng nhất.

buoc_song_anh_sang.

Ánh sáng trong không khí

Ánh sáng di chuyển trong không gian theo đường thẳng nếu không có gì làm nó bị nhiễu loạn. Khi ánh sáng di chuyển vào trong bầu khí quyển, nó tiếp tục đi theo đường thẳng cho đến khi gặp phải các hạt bụi nhỏ hoặc các phân tử khí cản lại. Kể từ lúc này, những gì xảy ra với ánh sáng phụ thuộc vào bước sóng của nó và kích thước của những vật mà nó chiếu vào.

Những hạt bụi và nước trong không khí có kích thước lớn hơn so với bước sóng của ánh sáng khả kiến. Khi ánh sáng chiếu vào những hạt có kích thước lớn hơn, nó sẽ bị phản xạ lại theo nhiều hướng khác nhau hoặc bị các vật cản hấp thu. Do các màu sắc khác nhau trong ánh sáng đều bị phản xạ lại từ các hạt theo cùng một hướng nên ánh sáng phản xạ từ các hạt cản vẫn là ánh sáng trắng và chứa tất cả các màu ban đầu.

Ngoài bụi và nước, trong khí quyển cũng chứa các phân tử khí. Các phân tử khí này có kích thước nhỏ hơn so với bước sóng của ánh sáng khả kiến. Nếu ánh sáng trắng chiếu vào các phân tử khí, thì chuyện không đơn giản như khi chiếu vào bụi hay các hạt nước.

Khi ánh sáng chiếu vào phân tử khí, "một phần" của nó có thể bị phân tử khí hấp thụ. Sau đó, các phân tử khí sẽ bức xạ ánh sáng theo nhiều hướng khác với ban đầu. Sở dĩ có khái niệm "một phần" xuất hiện ở đây là vì sẽ có một số bước sóng trong ánh sáng trắng (tương ứng với các màu sắc) dễ bị hấp thụ, một số bước sóng khác khó bị hấp thụ hơn. Nói cách khác, một số bước sóng ngắn (như màu xanh dương) sẽ bị hấp thụ nhiều hơn so với các bước sóng dài (như màu đỏ).

John William Strutt, 3rd Baron Rayleigh.
Nhà vật lý học người Anh John William Strutt, 3rd Baron Rayleigh (1842-1919) Người đề xuất phương trình xác định hệ số tán xạ Rayleigh giúp lý giải nguyên nhân bầu trời có màu xanh​

Quá trình trên được gọi là tán xạ Rayleigh. Hiện tượng được đặt theo tên của người phát hiện ra nó: Lord John Rayleigh, một nhà vật lý học người Anh. Vào năm 1871, Rayleigh đã đưa ra phương trình tính hệ số tán xạ của một vật tỷ lệ nghịch với bước sóng ánh sáng (ký hiệu là lamda) mũ 4. Nói cách khác, ánh sáng có bước sóng càng ngắn thì càng bị tán xạ nhiều hơn và ngược lại.

Đã có thể trả lời câu hỏi ban đầu: Màu xanh của bầu trời là do tán xạ Rayleigh

Do bước sóng của ánh sáng (100~1000 nm) lớn hơn so với kích thước của các phân tử khí (10 nm) nên chúng ta có thể áp dụng công thức tán xạ Rayleigh cho hiện tượng tán xạ ánh sáng trong khí quyển của Trái Đất.

bluesky1_large.

Khi ánh sáng đi vào khí quyển của Trái Đất, hầu hết những bước sóng dài đều không bị các phân tử khí hấp thụ nên có thể đi xuyên qua. Một ít ánh sáng đỏ, cam, vàng có thể bị ảnh hưởng của không khí. Tuy nhiên, một lượng lớn bước sóng ngắn đã bị các phân tử khí hấp thụ. Ánh sáng bước sóng ngắn bị hấp thụ sau đó sẽ được tán xạ ra ngoài theo rất nhiều hướng khác nhau.

Lúc này, ánh sáng xanh sẽ tán xạ khắp bầu trời. Vào ban ngày, cho dù bạn đứng ở bất cứ đâu và nhìn theo hướng nào thì một số ánh sáng xanh bị tán xạ luôn hướng tới mắt của bạn. Do đó, khi bạn ngước nhìn lên phía trên đầu mình thì bầu trời sẽ luôn có màu xanh.

Nếu bạn chú ý kỹ hơn, thì khi nhìn càng gần về phía đường chân trời thì bầu trời có vẻ nhạt màu hơn. Đó là do, để đến được vị trí của bạn, ánh sáng xanh sau khi bị tán xạ phải đi qua thêm nhiều lớp không khí. Một phần tiếp tục bị tán xạ theo nhiều hướng khác. Do đó, có ít ánh sáng xanh từ phía gần chân trời tiến đến vị trí của bạn hơn so với lượng ánh sáng xanh từ đỉnh đầu bạn.

bluesky2_large.

Một điểm khác đáng chú ý là chắc chắn nếu theo dõi đến đây, các bạn sẽ có thắc mắc rằng: Bước sóng của màu tím và màu chàm thậm chí còn ngắn hơn màu xanh, vậy lẽ ra bầu trời phải có màu tím chứ? Câu trả lời đã sẵn sàng cho các bạn.


Vậy tại sao bầu trời không phải là màu tím? Đó mới là bước sóng ngắn nhất mà!

Một nguyên nhân chính là do hoạt động của mắt người trong việc nhìn thấy màu sắc. Mắt người nhạy cảm với ánh sáng có bước sóng từ 380 đến 740 nm. Trên võng mạc bình thường có 10 triệu tế bào que cảm biến ánh sáng và 5 triệu tế bào hình nón phát hiện ra màu sắc. Mỗi tế bào nón có chứa sắc tố giúp phản ứng với từng loại bước sóng khác nhau. Có 3 loại tế bào nón chính tương ứng với các loại bước sóng ngắn, trung bình và dài. Chúng ta cần phải sử dụng cả 3 loại tế bào này để nhìn thấy màu sắc chính xác nhất.

Mỗi tế bào nón có phản ứng với các bước sóng tối đa là: 570 nm đối với bước sóng dài, 543 đối với bước sóng trung bình, và 442 nm đối với bước sóng ngắn. Dù vậy, 3 loại tế bào nón này có thể phản ứng với số bước sóng trên diện rộng và chồng chéo nhau. Điều này có nghĩa là sẽ có trường hợp 2 quang phổ khác nhau có thể gây ra cùng 1 phản ứng trên các tế bào nón.

2 quang phổ khác nhau nhưng cùng tạo 1 phản ứng giống nhau trên tế bào nón được gọi là đồng phân dị vị. Trở lại vấn đề bầu trời, khi bầu trời là một hỗn hợp giữa màu xanh và tím. Các tế bào nón trong mắt người sẽ phản ứng khi nhìn thấy hỗn hợp này thành hỗn hợp của màu xanh và trắng. Và cuối cùng, tín hiệu đưa về hệ thần kinh chỉ là màu xanh. Điều này tương tự như thủ thuật trộn màu đỏ và xanh lá để thành màu vàng vậy.

Dù vậy, một số loài động vật nhìn bầu trời không phải có màu xanh như con người. Ngoài con người và một số loại linh trưởng, hầu hết các loài động vật khác đều có 2 loại tế bào hình nón trong võng mạc. Do đó, các loài động vật này, như chim chẳng hạn, sẽ nhìn thấy bầu trời là màu tím.


Tại sao chúng ta nhìn thấy mặt trời có màu vàng?

Trên Trái Đất, chúng ta nhìn thấy mặt trời vào ban ngày có màu vàng. Nếu bạn đi ra không gian hoặc lên trên Mặt Trăng, bạn sẽ nhìn thấy Mặt Trời có màu trắng. Tại sao vậy? Đó đơn giản là do: Trong vũ trụ không có bầu khí quyển để tán xạ ánh sáng mặt trời.

Trên Trái Đất, một vài bước sóng ngắn của ánh sáng mặt trời (xanh dương hoặc tím) đã bị các phân tử khí loại bỏ ra khỏi chùm ánh sáng chiếu trực tiếp từ mặt trời tới mắt người. Do đó, các màu còn lại cùng nhau xuất hiện chính là màu vàng.


Cuối cùng: Tại sao hoàng hôn có màu đỏ?

Khi mặt trời bắt đầu lặn, ánh sáng cần phải đi một đoạn đường dài hơn qua không khí trước khi đến vị trí mà bạn nhìn thấy. Lúc này, sẽ có càng nhiều ánh sáng bị phản xạ và tán xạ hơn. Càng có ít ánh sáng trực tiếp từ mặt trời tiếp cận tới vị trí của bạn, thì bạn sẽ nhìn thấy mặt trời càng ít phát sáng hơn. Cũng trong thời điểm này, màu sắc của mặt trời bắt đầu có sự thay đổi, từ màu vàng lúc ban ngày bắt đầu chuyển dần sang cam và sau đó đến đỏ.

bluesky3_large.

Nguyên nhân chính là: Mặc dù lượng ánh sáng xanh vẫn bị tán xạ như lúc ban ngày nhưng bị tán xạ nhiều lần do phải xuyên qua lớp không khí dày mới tới được mắt người. Bên cạnh đó, các bước sóng dài (cam, vàng) trong chùm sáng chiếu trực tiếp đến vị trí của bạn ngày một ít đi. Các bước sóng dài phải vượt qua quãng đường dài hơn so với ban ngày để trực tiếp đến với vị trị của bạn. Chỉ còn lại ánh sáng đỏ ít bị tán xạ được truyền thẳng đến mắt nhiều hơn.

Do đó, bạn sẽ nhìn thấy bầu trời ngày càng đỏ dần lên. Sau khi Mặt Trời đã khuất sau đường chân trời, chúng ta không thấy trực tiếp ánh sáng của Mặt Trời; nhưng nếu có các đám mây trên cao, chúng sẽ phản xạ lại ánh sáng đỏ xuống mặt đất, tạo nên cảnh tượng tuyệt đẹp của hoàng hôn.

Kết

hoang_hon.

Cuối cùng thì chúng ta đã tìm được câu trả lời cho các câu hỏi ban đầu. Một lần nữa, các hiện tượng tưởng chừng như hiển nhiên lại ẩn chứa bên trong nó nhiều vấn đề như vậy. Thật sự là bất cứ điều gì đều có nguyên nhân của nó. Dĩ nhiên, con người ta vẫn đang ngày đêm nghiên cứu để cố gắng lý giải thêm thật nhiều hiện tượng xung quanh mà trước đây chưa có lời giải đáp. Đó là mong ước của tất cả chúng ta và đặc biệt là các nhà khoa học. Mỗi người đều có nhiều câu hỏi tại sao cho riêng mình. Cuối cùng, cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết của mình. Hẹn gặp lại trong một câu hỏi khác trong chuyên mục "Tại sao" nhé. Chúc vui.


Các thủ thuật giúp bạn sử dụng Windows Phone 8.1 hiệu quả hơn

Thu_thuat_Windows_Phone.

Vậy là Windows Phone 8.1 ra mắt cũng được khoảng một tuần nay rồi. Bên cạnh những thay đổi lớn liên quan đến giao diện hay cách sử dụng máy mà anh em đã thấy trong nhiều bài viết, hôm nay mình xin chia sẻ một vài thủ thuật và mẹo nho nhỏ để giúp anh em sử dụng chiếc điện thoại Windows Phone của mình một cách hiệu quả hơn. Nếu anh em có gì muốn chia sẻ thêm thì hãy comment ngay trong topic này luôn nhé.

Nếu vẫn chưa rõ về các tính năng chính của Windows Phone 8.1 thì mời anh em xem trước hai bài này:

1. Bật tắt nhanh Cortana

Cortana là cơ trợ lý ảo mới có thể làm được rất nhiều thứ, từ nhận lệnh giọng nói để điều khiển thiết bị cho đến tìm kiếm và nhắc nhở thông tin. Tuy nhiên trong một số trường hợp bạn không thích dùng Cortana, muốn tiết kiệm pin hoặc cần truy cập thường xuyên vào trình quét mã Bing Vision thì sao? Đừng lo, có cách hết cả. Tất cả những gì bạn cần làm là truy cập vào trình Settings của thiết bị > Notification + Actions > chọn lấy một trong 5 ô lệnh truy xuất nhanh (ô nào cũng được, nên chọn cái nào bạn ít dùng đến nhất, như tính năng Airplane chẳng hạn). Sau đó, chọn tiếp mục Location. Kể từ bây giờ trở đi khi bạn nhấn kéo Action Center xuống và nhấn vào ô này thì tính năng định vị của máy sẽ bị vô hiệu hóa, kéo theo đó Cortana cũng sẽ “tạm nghỉ” và trả lại giao diện Bing Search như trước. Khi cần kích hoạt lại thì bạn cũng thực hiện tương tự là Cortana sẽ xuất hiện, rất nhanh.

Cảm ơn bạn @genius3008 đã chỉ mình thủ thuật này nhé.

Location.

2. Trượt ngón tay sang trái phải trong IE 11

Thủ thuật này nhỏ xíu, cực dễ làm nhưng lại cực kì có ích trong quá trình sử dụng máy. Internet Explorer 11 trên Windows Phone 8.1 cho phép chúng ta trượt ngón tay về phía bên trái màn hình thay cho phím back (tải lại trang web trước), còn khi vượt về bên phải sẽ là tính năng forward (chuyển đến trang web phía sau). Quá tiện phải không? Chúng ta chẳng cần nhấn nút nào cả. Nếu anh em nào xài máy to như Lumia 1520 và 1320 thì sẽ thấy được “sức mạnh” của thủ thuật này. Lưu ý rằng những thiết bị màn hình nhơ cỡ 4,5" trở xuống thì không dùng thủ thuật này được nhé.

IE_11.

3. Cài đặt trình quản lí tập tin

Trên Windows Phone 8 chúng ta có một nút riêng để kích hoạt chế độ im lặng cho máy, rất tiện khi đến giờ đi làm hoặc chuẩn bị vào họp. Nhưng trên Windows Phone 8.1 thì nút này đã biến mất, không lẽ phải trượt thanh âm lượng thủ công à? Không không, anh em vẫn có một nút để chuyển nhanh sang chế độ rung hoặc im lặng, có điều nó không hiện nguyên hình là một nút. Thay vào đó, anh em hãy nhấn nút volume rồi chạm vào biểu tượng hình chiếc chuông trong hộp thoại âm lượng xuất hiện trên màn hình. Chỉ cần như vậy là máy đã chuyển sang im lặng rồi. Còn nếu muốn tắt luôn cả rung thì nhấn vào chữ "Vibrate On".

Am_luong.
4. Cài đặt trình quản lí tập tin

Trên Windows Phone 8.1 Microsoft không tích hợp sẵn một trình quản lý tập tin như những gì chúng ta đã kỳ vọng, tuy nhiên hãng có tích hợp một số hàm để lập trình viên bên thứ ba khai thác tính năng này. Aerize Explorer là một trong những app đầu tiên tận dụng điều đó.

FIle_Manager.

Phần mềm này không hẳn là một trình duyệt file đầy đủ như File Explorer trên máy tính, bù lại, bạn chỉ được duyệt trong một số khu vực giới hạn, bao gồm: hình ảnh, nhạc, video, tài liệu, tập tin đã download và nhạc chuông. Khi thêm từng “phân vùng” nói trên vào Aerize Explorer, bạn sẽ thấy được tất cả các file trong đó, ngoài ra chúng ta cũng có thể đổi tên file, copy, cắt file, thậm chí là xóa tập tin hay thư mục nữa. Bạn cũng được phép xem đường dẫn cụ thể của từng mục cũng như chia sẻ tập tin (gửi mail, up lên Facebook…) ngay từ trong app này.

Aerize Explorer được cung cấp hoàn toàn miễn phí, anh em có thể tải về tại đây hoặc quét mã QR bên dưới.
QR.

5. Thiết lập nhạc chuông tin nhắn như thế nào?

Đây là một vấn đề khiến nhiều bạn thắc mắc bởi trên bản cập nhật GDR3 cho WP8.0 thì các bạn vẫn có thể thiết lập nhạc chuông riêng cho tin nhắn và email một cách dễ dàng còn trên WP8.1 khi mở phần này ra lại không có. Thực ra Microsoft đã cho nó vào một phần khác để bạn có thể thiết lập nhiều hơn. Khi mở Ringtones + Sound, bạn kéo xuống dưới sẽ thấy nút “Manage App Sounds” và tại đây bạn có thể làm nhiều thứ hơn nữa thay vì chỉ có tin nhắn và email.

Bạn còn có thể:
  • Thay đổi các nút thiết lập nhanh trên Action Center
  • Tắt mở thông báo cho các ứng dụng và thiết lập
  • Thiết lập cách hiển thị thông báo như bảng thông báo (banner), nhạc chuông riêng, rung hay không rung cho tin nhắn, từng hộp mail và các ứng dụng có hỗ trợ Action Center khác.
Doi_am_thanh.

6. Bật tính năng theo dõi thời tiết trong ứng dụng lịch

Tính năng này thì dễ dàng thôi: khi bạn xem lịch ở chế độ tuần, ứng dụng sẽ thông báo thêm một icon nhỏ đi kèm theo dự báo thời tiết cho từng ngày (thông tin về vị trí địa lý sẽ được tự lấy, bạn không phải lo). Các icon này sẽ cho bạn biết trời có mây hay không, có mưa giông, gió mạnh hay sấm sét gì không. Tất nhiên bạn cũng có thể theo dõi nhiệt độ nữa. Để bật tính năng này thì mời anh em vào Calendar > nút menu > Settings > cuộn xuống cuối cùng > dòng Peferences > chọn ô “Use my location to show the weather and suggested places”.

Calendar.

7. Truy cập Action Center ngay từ màn hình khóa

Ngay cả khi bạn đã khóa mật khẩu PIN (hoặc không khóa) thì bạn vẫn có thể kéo khu vực trung tâm thông báo Action Center xuống từ cạnh trên màn hình. Tại đây bạn có thể nhanh chóng liếc xem bạn gái nhắn Facebook gì, có cuộc gọi nhỡ nào của vợ hay không mà không cần phải mở khóa thiết bị, tiết kiệm khi bạn chỉ muốn xem thông tin nhưng chưa muốn tương tác với điện thoại. Nếu bạn có sử dụng PIN code thì bạn chỉ có thể xem được thông tin của Action Center ngoài màn hình khóa chứ không mở các thông báo đó ra được. Muốn mở phải có mã, vẫn đảm bảo an toàn nhé.

8. Bật tắt chế độ tự cập nhật ứng dụng

Nhiều anh em có than với mình là sao mấy cái ứng dụng từ lúc lên Windows Phone 8.1 nó cứ tự cập nhật, tốn tiền 3G với tốn pin quá. Sẵn đây hướng dẫn luôn cho anh em cách tắt tính năng auto update nếu anh em không thích dùng: vào Store > Settings > mục App updates, bạn gạt dòng “Update apps automatically” sang thành Off là xong. Trong trường hợp vẫn muốn tự cập nhật ứng dụng nhưng chỉ khi có Wi-Fi, đảm bảo rằng dòng “Only get updates over W-Fi” đã được bật thành On.

Store.

9. Tự tải về ảnh trong email

Nhiều trình email tự động chặn tính năng tải hình ảnh vì lo ngại vấn đề virus và phần mềm mã đọc, và trình email mặc định của Windows Phone 8 cũng không là ngoại lệ. Điều thú vị đó là trên Windows Phone 8.1 thì chúng ta có thể vô hiệu hóa chức năng này đi, tiện cho những người thường xuyên phải check các email đính kèm nhiều hình ảnh như mình. Để thực hiện việc này, các bạn vào Email > nút menu > Settings > cuộn xuống dưới > chọn vào ô “Always download full message and internet images”. Vậy là xong rồi đó, kể từ giờ trở đi khi mở thư thì ảnh cũng sẽ xuất hiện cho bạn xem sẵn luôn.

10. Tắt thông báo của một cuộc hội thoại SMS

Nếu như chế độ Block sẽ chặn hoàn toàn việc liên lạc (cả gọi và nhắn tin) từ một người thì việc tắt thông báo (mute) chỉ đơn giản là máy sẽ không báo hiệu cho chúng ta biết khi có tin SMS mới từ một ai đó. Nói cách khác, ở tính năng Block thì tin nhắn sẽ không bao giờ tồn tại trên điện thoại, còn tính năng mute này thì tin nhắn vẫn tới, có điều nó sẽ không hiện ra Live Tile hay trong Action Center. Bạn sẽ phải mở ứng dụng nhắn tin của máy ra để coi.

Mute_tin_nhan.

Để tắt thông báo SMS, bạn hãy chạy trình nhắn tin của Windows Phone 8.1 lên, chọn lấy đoạn hội thoại giữa bạn và một người mong muốn, nhấn nút menu ở cạnh dưới màn hình, chọn nút Mute Thread. Khi cần bật thông báo lên lại thì thực hiện tương tự, có điều khi đó bạn sẽ cần chạm vào nút Unmute Thread.

11. Thiết lập danh sách gọi nhanh

Cuối cùng thì trình quay số nhanh cũng đã xuất hiện trên Windows Phone, xin cảm ơn Microsoft. Cách sử dụng tính năng này cũng không có gì phức tạp, có điều nhiều anh em không để ý nên không thấy nó xuất hiện. Bạn hãy chạy ứng dụng gọi điện của hệ thống lên, mặc định app sẽ mở trang “History” là lịch sử cuộc gọi. Trượt sang phải một cái là sẽ xuất hiện giao diện Speed Dial để bạn gọi nhanh các số thường liên lạc. Muốn thêm ai vào danh sách này thì bạn nhấn vào nút dấu + ở cạnh dưới màn hình nhé.

Speed_Dial.

NASA phát hiện mặt trăng mới nhất và có thể là cuối cùng của sao Thổ

Peggy.

Các hình ảnh được tàu thăm dò Cassini của NASA gởi về hôm 15 tháng 4 vừa qua đã gợi ý về sự hình thành của một mặt trăng mới của sao Thổ. Vật thể băng có tên gọi Peggy được cho là có đường kính chưa đầy nửa dặm và vừa được hình thành trong các vành đai ngoài cùng của sao Thổ.

Các nhà khoa học đã khám phá ra sự hình thành của mặt trăng mới này khi họ phát hiện các dấu hiệu xáo trộn trong vành đai ngoài của sao Thổ, còn gọi là vành A. Bằng camera góc hẹp trên tàu Cassini, NASA đã có thể nhận biết một vòng cung dài 1.207 km, sáng hơn 20% so với các vành đai vật chất xung quanh. Chỗ lồi bất thường này cũng bị phát hiện dọc theo rìa của vành đai A vốn rất đều, qua đó các nhà khoa học kết luận rằng sự lồi lõm không đều tại đây có thể được gây ra bởi trọng lực của một vật thể, nó làm méo hình dạng của vành đai ngoài nhưng lại quá nhỏ để có thể quan sát trực tiếp qua kính thiên văn.

Sao Thổ có 62 mặt trăng đã được xác nhận nhưng rất ít trong số đó có kích thước lớn hoặc lý tưởng. Peggey cũng không lớn và không quá bất thường về thành phần nhưng nó là mặt trăng mới nhất và cũng là cuối cùng của sao Thổ theo NASA. Các nhà khoa học NASA tin rằng do kích thước nhỏ bé của Peggy, và dự đoán là sẽ không phát triển lớn hơn, các vành đai của sao Thổ đã quá yếu để có thể tạo ra thêm mặt trăng và đưa ra định đề rằng những vành đai chúng ta quan sát hôm nay thực ra chỉ là cái bóng của ánh sáng rực rỡ trong quá khứ của chúng.

sao_Thổ.
Sao Thổ và các vành đai.

Carl Murray - giáo sư toán học và thiên văn học tại đại học Queen Mary, London kiêm tác giả bài báo cáo về phát hiện trên cho biết: "Theo giả thuyết, sao Thổ từ xa xưa đã có một vành đai khổng lồ hơn rất nhiều và đây là một hệ thống có thể sản sinh ra các mặt trăng to lớn. Khi các mặt trăng hình thành gần vành đai ngoài cùng, chúng làm suy yếu các vành đai và phát triển, do đó những mặt trăng ra đời sớm nhất là những mặt trăng to nhất và nằm xa nhất."

Do đó, những quan sát tiếp theo về Peggy có thể giúp làm sáng tỏ sự hình thành của các mặt trăng hiện có của sao Thổ. Qua một phân tích về thành phần của các mặt trăng và vật chất trong vành đai, các nhà nghiên cứu đã vừa đưa ra một giả thuyết rằng các mặt trăng được hình thành trong vành đai của hành tinh khí này trước khi di chuyển ra ngoài và sáp nhập với các mặt trặng khác cho đến khi chúng đạt quỹ đạo ổn định. Bằng việc quan sát Peggy trong vài năm tới, các giả thuyết như vậy có thể được chứng minh hoặc bác bỏ, qua đó chúng ta có thể tăng tầm hiểu biết và kiến thức về các mặt trăng của hành tinh lớn thứ 2 hệ Mặt Trời.

Phát hiện của NASA về mặt trăng mới của sao Thổ đã vừa được đăng tải trên tạp chí Icarus.

Nguồn: NASA

Nhiều ảnh thực tế về nguyên mẫu điện thoại lắp ghép Project Ara

Tại hội nghị lập trình viên mới diễn ra tuần rồi, Google đã mang những nguyên mẫu của chiếc điện thoại lắp ghép Project Ara đến cho các nhà phát triển xem. Được phát triển bởi một nhóm nhỏ bao gồm những kĩ sư từng làm cho Bộ quốc phòng Mỹ và một số những người tài giỏi nhất công ty, Ara mang nhiệm vụ trở thành một chiếc smartphone có thể dùng từ 3 đến 5 năm mà không phải mua mới hoàn toàn. Thay vào đó, người dùng có thể nhanh chóng nâng cấp phần cứng cho máy bằng các module riêng lẻ, từ màn hình, pin cho đến cả vi xử lí. Vào đầu năm sau thì chiếc Ara đầu tiên sẽ bắt đầu xuất hiện trên thị trường, còn trong thời gian chờ đợi thì mời các bạn cùng xem qua hình ảnh thực của một chiếc Ara nguyên mẫu được ghi nhận bởi các phóng viên của trang The Verge.

Một số thông tin khác liên quan đến Ara:

Project_Ara_hinh_anh_9.

Project_Ara_hinh_anh_3.

Project_Ara_hinh_anh_10.

Project_Ara_hinh_anh_1.

Project_Ara_hinh_anh_7.

Project_Ara_hinh_anh_12.

Project_Ara_hinh_anh_6.

Project_Ara_hinh_anh_11.

Project_Ara_hinh_anh_8.

Project_Ara_hinh_anh_2.

Project_Ara_hinh_anh_4.

Project_Ara_hinh_anh_5.

Một số tính năng hay của dòng điện thoại Galaxy Trend

tinhte.vn-samsung.
Chúng ta đã nói nhiều về tính năng hay của các dòng máy cao cấp như S5 và Note 3 nên hôm nay mình sẽ nói về một dòng máy thấp hơn đó là Galaxy Trend của Samsung. Trend là dòng máy smartphone phổ thông, tuy giá bán không phải thuộc dạng thấp nhất nhưng ở tầm giá từ 2,6 - 3,6 triệu thì chúng cũng đáng để ta có thể cân nhắc lựa chọn, đặc biệt là khi được Samsung ưu đãi cho nhiều dịch vụ cộng thêm khi sử dụng. Tóm tắt một số cái hay mình sẽ nói bao gồm tính năng tìm kiếm bằng giọng nói tiếng Việt, xem bản đồ kẹt xe theo thời gian thực với VOV và ăn uống mua sắm luôn được giảm giá với Galaxy Gift.

Thật ra về mặt cấu hình mà nói thì những chiếc Trend mới nhất như Trend Plus hay Trend Lite Duos (trong bài mình sẽ gọi tắt là Trend) đều không có gì nổi bật trong phân khúc. Do đó Samsung đã chuyển sang dùng một thế mạnh khác để hấp dẫn người dùng đó chính là các dịch vụ đi kèm (VOV giao thông, Galaxy Gift). Nhưng trước tiên mình sẽ nói về phần mềm trước.

1. Tìm kiếm bằng giọng nói tiếng Việt (Google Now)

tinhte.vngoogle-now-trend.

Trend có Google Now, đây là một tính năng hay kể từ thời Android 4.1 và là tính năng cạnh tranh trực tiếp với Siri của Apple. Đặc điểm của Google Now ngoài việc là một trợ lý ảo cần cù còn có một điểm hay nữa đó là hỗ trợ gần như mọi loại máy, dù cho đó là một chiếc máy Android rẻ tiền, chỉ cần chạy bản 4.1 trở lên là đã có Google Now. Tính năng này giúp chúng ta tìm kiếm bằng giọng nói theo cú pháp rất tự nhiên chứ không cần phải gõ từ khóa như trước đây. Trên Trend, chúng ta kích hoạt Google Now bằng cách nhấn và giữa phím cảm ứng bên trái nút Home.
Cái hay của Google Now so với Siri của Apple và thậm chí là Cortana mới nhất của Microsoft đó là hỗ trợ giọng nói tiếng Việt, thứ mà hai đối thủ trên tạm thời bó tay. Chúng ta có thể tìm kiếm bằng cách nói "chợ Bến Thành", "hồ Xuân Hương" hay "Tinh Tế", máy sẽ nhận dạng với độ chính xác khá cao và bắt đầu quá trình tìm kiếm của mình.
2. ChatON
Không cần cài thêm Viber hay Zalo, dòng máy Trend (cũng như các máy Samsung khác) đã được cài sẵn một ứng dụng gọi điện và nhắn tin miễn phí khá mạnh đó là ChatON, phần mềm do chính Samsung phát triển. Đây là một ứng dụng chat đa nền tảng, hỗ trợ Android, iOS và có cả bản dành cho máy tính nên khả năng giao tiếp của nó là rất tốt. Về tính năng thì hiện nay ChatON cũng không hề thua kém các ứng dụng phổ biến khác, bạn có thể dùng nó để chat, gửi tin nhắn âm thanh và cả tin nhắn video hoàn toàn miễn phí.

Một số tính năng khác bao gồm chia sẻ vị trí cá nhân, sticker, hỗ trợ dịch văn bản trong lúc chat, gửi nhận tập tin, văn bản viết tay... ChatON luôn có sẵn trên các smartphone của Samsung, hoặc bạn có thể tải lại trên kho ứng dụng Google Play: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.sec.chaton

3. Xem bản đồ kẹt xe với ứng dụng VOV giao thông

[​IMG]

Hôm trước mình có làm một bài khá chi tiết về ứng dụng bản đồ của VOV, bạn có thể xem lại tại đây: Tránh kẹt xe, xem camera giao thông với ứng dụng bản đồ của VOV.

Nói một cách tóm tắt thì đây là phần mềm bản đồ giống như Google Maps nhưng được tích hợp thêm các dữ liệu về giao thông của kênh radio VOV giao thông (đài Tiếng nói Việt Nam). Phần mềm sẽ liên tục cập nhật các dữ liệu về kẹt xe, tai nạn và tình hình giao thông ở trên khắp thành phố. Dữ liệu này do chính người dân cung cấp cho tổng đài VOV và truyền xuống bản đồ của điện thoại Trend. Ngoài ra nó còn có các chức năng xem camera giao thông trực tiếp, xem tin tức giao thông và nghe radio VOV.

Lưu ý là phần mềm chỉ tương thích với các máy Galaxy của Samsung, trong đó có Trend. Nếu muốn cài trên máy khác thì bạn có thể tham khảo hướng dẫn sau đây: link.

4. Ăn uống và mua sắm luôn được khuyến mãi giảm giá với Galaxy Gift

[​IMG]

Cái sau cùng là một dịch vụ do Samsung tài trợ với các cửa hàng và thương hiệu ở Việt Nam thông qua ứng dụng "Quà tặng Galaxy", ứng dụng này miễn phí, có thể tải trên Google Play và cũng chỉ hỗ trợ các máy Galaxy/Trend mà thôi (xem hướng dẫn cài trên mọi máy Android tại đây).

Mình cũng từng làm một bài chi tiết về nó, xem tại đây: Quà tặng Galaxy: phần mềm cập nhật các khuyến mãi và nhận coupon miễn phí cho các máy Galaxy.

Phần mềm có chức năng liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi đang diễn ra trên các thành phố lớn. Cái hay là nó sẽ cung cấp coupon để bạn được hưởng giảm giá khi mua sắm tại các nơi đó, có khi lên tới 100%. Có nhiều thể loại bao gồm ăn uống, mua sắm, giải trí, làm đẹp... Bạn chỉ cần mở ứng dụng này lên, chọn cửa hàng, bấm nút nhận coupon sau đó đưa coupon đó cho cửa hàng để được giảm giá khi thanh toán.