Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Toyota hồi sinh mẫu xe địa hình huyền thoại Land Cruiser 70 tại Nhật trong vòng 1 năm

Toyota-Land-Cruiser-70-0.

Để kỷ niệm 30 năm bán ra dòng xe Land Cruiser 70, Toyota cho biết họ sẽ lắp ráp và bán lại mẫu xe địa hình huyền thoại này trong vòng 1 năm tại quê nhà Nhật Bản. Ngoài ra, Toyota cho biết còn một lý do khác đưa họ đến quyết định này là nhu cầu tăng cao của khách hàng kể từ khi mẫu xe này chính thức ngừng sản xuất vào năm 2004.

Hãng xe hơi lớn nhất thế giới cho biết họ nhắm đến mục tiêu 200 đơn hàng 1 tháng, và chương trình bán hàng sẽ trải rộng khắp nước Nhật. Đợt hồi sinh này sẽ có 2 phiên bản Land Cruiser 70 được lắp ráp, bao gồm 1 phiên bản van 5 cửa và 1 phiên bản pickup khoang đôi double-cab. Tất cả đều được lắp ráp tại nhà máy Yoshiwara.

Toyota-Land-Cruiser-70-18.

Land Cruiser 70 ra mắt thị trường lần đầu tiên vào năm 1984, và là hậu duệ thay thế xứng đáng cho chiếc Land Cruiser 40 đã có mặt 25 năm trước đó. Cả 2 đều là những chiếc xe vượt địa hình chuyên nghiệp với khung chassis rời (ladder frame). Toyota phát triển Land Cruiser 40 và Land Cruiser với mục tiêu chỉ tập trung vào khả năng vượt địa hình nên 2 chiếc xe này nổi tiếng với độ bền và sự dẻo dai vượt trội, tách biệt so với những chiếc xe khác trong gia đình Land Cruiser về sau, thường hướng đến sự thoải mái của hành khách nhiều hơn.

Các phiên bản Land Cruiser 70 được hồi sinh sẽ trang bị một động cơ xăng V6 4,0 lít và hệ thống truyền động 4 bánh bán thời gian. Động cơ này sở hữu block máy bằng nhôm và công nghệ van biến thiên VVT-i nổi tiếng của Toyota. Công suất tối đa chiếc xe đạt được là 228 mã lực và mômen xoắn cực đại đạt 360 Nm. Tất cả các phiên bản đều đi kèm hộp số sàn 5 cấp và Toyota công bố mức tiêu hao nhiên liệu trung bình là 15,1 l/100km.

Toyota-Land-Cruiser-70-49.

Ngoài ra, Toyota cũng mang đến nhiều bộ phận thiết kế mới để giúp nội ngoại thất chiếc xe hiện đại hơn, thể hiện ở lưới tản nhiệt mạ chrome, hệ thống đèn pha gộp chung với đèn xi nhan. Các bảng tên có dòng "kỷ niệm 30 năm" đặt ở 2 bên hông xe cũng góp phần tăng thêm sự đặc biệt cho phiên bản Land Cruiser 70 hồi sinh này bên cạnh các phụ kiện độc đáo khác Toyota dành cho chủ xe như bọc chìa khoá và bóp đựng sổ bảo dưỡng đều làm từ da. Tuy nhiên, trang bị an toàn của các phiên bản chỉ có túi khí và hệ thống chống bó cứng phanh ABS.


 

11 cách các máy bay drone đang thay đổi thế giới

Drone.

Drone là những máy bay không người lái, còn được gọi bằng cái tên unmanned aerial vehicle (UAV). Chúng sẽ được điều khiển từ xa để bay đến mục tiêu rồi quay ngược trở lại để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, từ việc phục vụ quân sự cho đến vận chuyển hàng hóa hay chỉ đơn giản là để ghi lại những khoảnh khắc đẹp từ một góc nhìn trên cao. Sau đây là 17 cách mà các máy bay drone đang thay đổi thế giới. Mời các bạn xem qua.

1. Giao thức ăn nhanh, đồ tạp hóa...

Hiện nay khi chúng ta cần mua đồ gì đó thì phải tự mình đi ra siêu thị hoặc gọi điện cho người khác mang đến, tuy nhiên việc này tiêu hao thời gian, tiền bạc và cả công sức của người mua lẫn doanh nghiệp. Thay vào đó, các cửa hàng có thể chuyển sang dùng drone và đưa mặt hàng đến tay khách chỉ trong tích tắc, lại tiết kiệm được chi phí vận chuyển và thời gian di chuyển nữa. Cửa hàng pizza Domini lẫn ông lớn trong ngành bán lẻ trực tuyến Amazon đã thấy được tiềm năng của loại hình vận chuyển này và đang cân nhắc triển khai nó trong tương lai.


2. Phục vụ báo chí

Việc những phóng viên chiến trường bị thiệt mạng khi đang đưa tin bài về các cuộc giao tranh không còn là chuyện lạ. Họ cũng có thể bị bắt cóc, bị giết và gặp rất nhiều rủi ro khác trong quá trình tác nghiệp. Thay vì phải tự mình đi vào các khu vực chiến sự, các nhà báo trong tương lai có thể xài drone để ghi lại hình ảnh, video cần thiết mà không phải đối mặt với nguy cơ bị mất đi mạng sống. Hiện nay một số trường báo chí trên thế giới cũng đã bắt đầu dạy sinh viên về việc sử dụng drone để tác nghiệp.

Drone_bao_chi.

3. Khảo sát dàn khoan dầu khí

Dầu và khí là hai nguồn tài nguyên cực kì quan trọng với loài người hiện nay, và nó cũng là sự sống còn của cả nhiều nền kinh tế và nhiều quốc gia. Để khai thác hai thứ này, người ta sử dụng những giàn khoan lớn ngoài biển hoặc trên đất liền, nhưng vấn đề là để khảo sát, đảm bảo rằng các giàn khoan luôn trong tình trạng tốt là một chuyện khó khăn. Giờ đây, với drone, người ta có thể dễ dàng "bay" vào những ngóc ngách của giàn hoặc kiểm tra những vị trí trên cao mà nếu để người làm thì hết sức nguy hiểm.

4. Vận chuyển thuốc men, đồ cứu trợ

Đây có lẽ là một trong những ứng dụng thú vị nhất của drone. Khi thiên tai hoặc chiến tranh xảy ra, không phải lúc nào đội cứu hộ cũng có thể tiếp cận được với những người đang gặp nguy hiểm và bị thiếu thốn về các điều kiện y tế, lương thực. Đã có nhiều trận động đất diễn ra khiến cả một khu vực bị cô lập, hay những vụ sập mỏ mà người ngoài không thể chui vào để đưa đồ tiếp tế cho công nhân bên trong. Trong khi đó, nếu sử dụng drone, chúng ta có thể làm việc này hiệu quả hơn và cũng an toàn hơn cho những người cứu hộ. Công ty hàng không Matternet hiện đang xây dựng một mạng lưới để vận chuyển thuốc đến các khu vực gặp nguy hiểm. Google mới đây cũng tiết lộ về Project Wing dùng drone để thực hiện mục đích tương tự.

Drone_thuoc+men.

5. Cứu người

Một sinh viên Áo để tạo ra một hệ thống sử dụng drone để thả bộ sốc điện giúp cứu những nạn nhân bị lên cơn đau tim. Tất nhiên là ngoài drone ra thì còn những thiết bị phụ trợ khác, tuy nhiên việc vận chuyển hàng bằng drone sẽ giúp tiết kiệm thời gian, vốn cực kì quan trọng trong các tình huống như thế này. Thậm chí nó còn có thể mang theo một hệ thống liên lạc để y sĩ hướng dẫn những người xung quanh bệnh nhân thực hiện việc sơ cứu trước khi chuyển đến một cơ sở y tế gần nhất.


6. Hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn

Việc sử dụng máy bay trực thăng để tìm kiếm người bị nạn có thể quá tốn kém và phức tạp, vậy tại sao không dùng Drone rồi truyền hình ảnh từ máy bay về lại trung tâm cứu nạn? Với "tai mắt" của mình, drone sẽ giúp các nhóm tìm kiếm đến được với nạn nhân nhanh hơn, tăng cao cơ hội sống sót cho người đó.

7. Giám sát động vật hoang dã

Một nhóm các nhà hoạt động tại Indonesia đang thử nghiệm việc sử dụng máy bya không người lái để theo dõi một nhóm khỉ đang có nguy cơ tuyệt chủng. Việc này giúp tiết kiệm được nhiều chi phí về nhiên liệu cho nhóm, lại không gây hoảng sợ cho các động vật. Nhờ vào drone, các nhà hoạt động có thể đảm bảo rằng cuộc sống của động vật hoang dã đang diễn ra một cách tốt đẹp, và việc đó có thể làm từ một trung tâm chứ không cần phải tự mình đi đến những nơi đó.


8. Giúp đỡ nông dân

Thay vì phải tự mình ra kiểm tra ruộng vườn trong mọi điều kiện thời tiết, những người nông dân có thể dùng drone để giám sát một vùng rộng lớn trên mảnh đất mà họ đang canh tác. Một số máy đo hồng ngoại và những cảm biến đặc biệt có thể được lắp lên drone để giúp theo dõi sự tăng trưởng của thực vật, động vật. Với những nông trại lớn thì điều này là vô cùng hữu ích.

9. Chống tội phạm

Đây là thứ mà mọi quốc gia đều phải đâu đầu giải quyết. Với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, cảnh sát có thể phát hiện tội phạm một cách an toàn và bí mật hơn, các cuộc đột kích có thể diễn ra thành công nhờ những tai mắt trên cao. Drone còn có thể giúp dự đoán được những hiểm họa sắp xảy ra nữa. Có thể việc này sẽ gây ra những tranh cãi về quyền riêng tư, tuy nhiên ít ra nó cũng có lý và đang được sử dụng cho việc tốt.

May_bay_UAV.

10. Canh gác biên giới

Việc nhập cư trái phép hoặc buôn lậu đang là vấn nạn với nhiều quốc gia trên thế giới, chính vì thế việc kiểm soát dọc biên giới là rất quan trọng. Và cũng giống như cảnh sát, các cơ quan biên phòng đã bắt đầu sử dụng drone để tìm kiếm những mối nguy hiểm hoặc phát hiện những ai đang có ý định xâm phạm lãnh thổ của quốc gia sở tại. Việc canh gác sẽ diễn ra hiệu quả hơn nhờ vùng nhìn rộng từ trên cao và khả năng di chuyển nhanh của drone, thay vài trước đây người ta dùng xe hoặc đi bộ để tuần tra. Chính phủ Úc mới đây cũng đã đặt mua rất nhiều drone để phục vụ cho mục đích này.

predator-drone.

11. Tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mới lạ

Trong thời gian gần đây thú chơi drone đang ngày càng phổ biến hơn vì giá của thiết bị ngày càng hợp lý hơn, bên cạnh đó là sự xuất hiện của các bộ ổn định hình ảnh và camera thể thao (như GoPro chẳng hạn). Một người chơi bình thường cũng có thể gắn máy ảnh lên chiếc drone nhỏ nhỏ của mình, sau đó điều khiển nó bay đi vòng vòng để ghi lại những tấm không ảnh hết sức ấn tượng. Các đoạn video quay từ drone cũng mang lại sức hấp dẫn kì lạ. Và bởi vì sự sáng tạo không có giới hạn, ai mà biết được người ta sẽ còn nghĩ ra những trò vui vẻ gì nữa với drone cơ chứ.


Tham khảo: The Next Web
 

Sense: thiết bị theo dõi giấc ngủ thông minh giá 99$

sense.

Sense là một thiết bị theo dõi giấc ngủ, giúp người sử dụng có thể giám sát những gì đang xảy ra trong môi trường xung quanh khi họ đang ngủ, từ đó có thể đưa ra những điều chỉnh kịp thời, giúp tạo một giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn, cơ thể sảng khoái và khỏe mạnh hơn. Sense có thiết kế hình cầu, có thể đặt ở kế bên giường ngủ và nó sẽ thay ta giám sát các điều kiện xung quanh khi ta đang ngủ như ánh sáng của phòng, tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm. Mọi thông tin Sense ghi được sẽ đồng bộ với smartphone của người dùng thông qua ứng dụng hỗ trợ Android, iOS.

sense (3).

Được thiết kế để đặt lên bàn, do đó Sense sẽ không gây vướng víu cho người dùng như các thiết bị đeo được. Chất lượng giấc ngủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chu kỳ ngủ của bạn, nhiệt độ trong phòng, tiếng ồn của môi trường, nhịp độ hô hấp của cơ thể, nhịp tim... Đi kèm với Sense là Sleep Pil, một phụ kiện nhỏ hình tròn, có thể kẹp lên cái gối kê đầu của bạn. Khi 2 thiết bị này đồng bộ với nhau, nó sẽ theo dõi toàn bộ giấc ngủ của bạn, ví dụ lúc 3h sáng có tiếng xe chạy ngoài đường, tiếng chó sủa, hoặc ánh đèn pha xe chơi chiếu qua cửa sổ làm bạn trở mình, Sense sẽ ghi nhận lại và thông báo cho chúng ta vào sáng hôm sau.

sense (2).
Sleep Pil gắn lên gối kê đầu

Những lúc Sense phát hiện chúng ta trở mình vì ngủ không ngon, nó có thể tự động phát ra những âm thanh dễ chịu nhằm dỗ cho chúng ta ngủ sâu hơn, ví dụ giả tiếng dế kêu, tiếng mưa rào, hoặc một đoạn nhạc êm dịu, thông qua chiếc loa tích hợp bên trong thân máy. Ngoài ra, Sense còn biết đánh thức chúng ta dậy đúng thời điểm khỏe khoắn nhất, hạn chế trường hợp đang mơ ngủ mà bị đánh thức khiến tâm trạng không được thoải mái.

Sense đã hoàn tất quá trình gây quĩ trên Kickstarter với số tiền thu về hơn 2,4 triệu USD. Thiết bị này có giá bán 99$ và sẽ giao hàng trong năm 2015.

sense (4).
Linh kiện bên trong trái cầu Sense

sense (5).



 

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Cách ẩn tập tin, thư mục trên các hệ điều hành phổ biến (Windows, OS X, Linux, Android, WP, iOS)

AN_TAP_TIN_THU_MUC.

Đôi khi bạn có những dữ liệu bí mật cần được cất giấu kĩ để hạn chế càng ít người xem càng tốt, hay thậm chí là chẳng ai xem được thì tốt hơn nữa. Trong bài viết này mình xin chia sẻ với các bạn cách ẩn bớt những tập tin như thế trên các hệ điều hành phổ biến hiện nay, bao gồm Windows, OS X, Linux, Android, Windows Phone và iOS. Nếu các bạn có thêm cách nào khác thì đừng quên chia sẻ cho mọi người nhé.

Windows

Để ẩn một tập tin hoặc thư mục trong Windows:
  1. Mở File Explorer, duyệt đến tập tin hay thư mục mà bạn cần ẩn
  2. Nhấp phím phải chuột vào nó, chọn Properties
  3. Ở thẻ General, tích vào ô "Hidden"
  4. Nhấn OK và nhấn Apply thêm lần nữa, tập tin hoặc thư mục sẽ bị ẩn đi
Windows_1.

Để xem được những tập tin ẩn này:
  1. Với Windows 8, bạn mở File Explorer, chuyển sang thẻ "View" > Chọn vào ô "Hidden". Các tập tin hoặc thư mục đã ẩn sẽ có icon hơi mờ hơn so với bình thường.
  2. Với Windows 7, bạn nhấn nút Organize > Folder and Search Options > Hidden files and folders > Show hidden files, folders, and drives. Nhấn OK là xong.
Windows_2.

Ngoài ra, bạn còn một cách khác nữa mạnh hơn, đó là thiết lập tập tin hoặc thư mục bạn cần ẩn thành tập tin hệ thống. Khi đó, chỉ khi nào tùy chọn "Hide protected operating system files" trong mục Folder Options được chọn thì tập tin/thư mục mới xuất hiện, và không nhiều người biết đến tùy chọn này đâu nên bạn không phải quá lo lắng.

Còn việc biến tập tin, thư mục thành dữ liệu hệ thống thì bạn phải làm như sau:
  1. Nhấn Windows + R để mở hộp thoại Run. Gõ vào chữ cmd rồi nhấn Run
  2. Trong giao diện dòng lệnh, gõ attrib +s +h "<đường dẫn đến tập tin hoặc thư mục>".
    Ví dụ:
    Code:
    attrib +s +h "C:\Users\Luan.Nguyen\Desktop\SieuBiMat"
  3. Khi cần cho tập tin/thư mục hiển thị lại, bạn gõ attrib -s -h "<đường dẫn đến tập tin hoặc thư mục>".
    Ví dụ:
    Code:
    attrib -s -h "C:\Users\Luan.Nguyen\Desktop\SieuBiMat"
OS X

Mặc định, hệ điều hành của Apple sẽ ẩn những tập tin nào có tên bắt đầu bằng dấu chấm. Tuy nhiên, bạn không thể chỉ đổi tên tập tin bởi vì Finder sẽ nói rằng "cái tên này chỉ dành cho hệ thống". Chính vì thế, chúng ta phải nhờ đến giao diện dòng lệnh để kích hoạt thuộc tính ẩn của một file hoặc folder trong OS X. Cách làm như sau:
  1. Chạy ứng dụng Terminal (Application > Utilities > Terminal)
  2. Nhập vào dòng lệnh sau, nhưng khoan hãy nhấn Enter: chflags hidden
  3. Đánh thêm một khoảng trắng phía sau chữ hidden
  4. Mở Finder, duyệt đến tập tin hoặc thư mục cần ẩn, kéo thả nó vào cửa sổ Terminal. Bạn sẽ thấy rằng đường dẫn đến file sẽ tự động được điền vào.
    Ví dụ:
    Code:
    chflags hidden /Users/duyluan/Desktop/SieuBiMat
  5. Nhấn Enter để chạy lệnh này. Dữ liệu của bạn sẽ được ẩn đi.
OS_X.

Để tập tin hoặc thư mục này hiện lại như bình thường, bạn cũng dùng đúng lệnh như trên, nhưng thay vì dùng chữ "hidden" thì thay thế bằng chữ "nohidden". Ví dụ:
Code:
chflags nohidden /Users/duyluan/Desktop/SieuBiMat

Ngoài ra bạn còn có thể yêu cầu Finder hiển thị trực tiếp những folder hoặc file đã ẩn mà không cần bỏ thuộc tính hidden của chúng. Chúng ta cũng vào Terminal, gõ tuần tự các lệnh sau:
Code:
defaults write com.apple.finder AppleShowAllFiles TRUE[/INDENT][/INDENT] killall Finder
Để các file hoặc folder này không xuất hiện trên Finder, bạn gõ lệnh sau:
Code:
defaults write com.apple.finder AppleShowAllFiles FALSE killall Finder
Lưu ý: Trên các bản OS X cũ hơn 10.9, bao gồm OS X 10.8, 10.7, 10.6, bạn nhớ thay chữ "com.apple.finder" trong lệnh trên thành "com.apple.Finder".

Linux

Linux cũng tương tự như OS X, nó cũng ẩn những tập tin nào bắt đầu bằng dấu chấm ở đầu tên tập tin hoặc thư mục. Chính vì thế, để ẩn một tập tin nào đó, bạn chỉ việc đổi tên và thâm dấu . vào là xong. Ví dụ, mình có thư mục SieuBiMat cần giấu, mình sẽ đổi tên nó thành .SieuBiMat. Các trình quản lý file sẽ ẩn nó khỏi mắt "người khác". Còn để những tập tin này hiện lên lại, bạn sẽ cần phải vào phần cài đặt của trình quản lý đang dùng, chọn "Show Hidden Files". Phần cài đặt này thường nằm trong menu "View", tuy nhiên nó vẫn có thể nằm ở vị trí khác nữa nhé.

Linux.

iOS và Windows Phone

Bản thân iOS không có một trình quản lý file cụ thể (trừ khi bạn jailbreak máy), thế nên việc ẩn tập tin cũng tương đối khó. Mặc định, các ứng dụng ảnh, video hay trình chơi nhạc được cài sẵn trên iOS sẽ không cho phép chúng ta giấu file, thay vào đó, bạn phải dùng các ứng dụng bên thứ ba và khóa file/folder bằng mật khẩu. Khi đó tính tích hợp với hệ thống sẽ giảm xuống, nhưng bù lại bạn sẽ đạt được mục đích của mình. Bạn có thể tham khảo qua ứng dụng File Locker (giá 1,99$), PhotoTank (miễn phí) hoặc iVault (miễn phí).

iOS.

Với Windows Phone cũng tương tự như thế, chúng ta không thể truy cập đến từng tập tin cụ thể và ra lệnh cho hệ thống ẩn đi như những gì chúng ta làm trên Windows. Giải pháp khả thi hiện giờ đó là sử dụng các ứng dụng bên thứ ba để khóa và ẩn tập tin bằng mật khẩu, ví dụ như Lock & Hide (miễn phí).

Lưu ý rằng khi sử dụng những app dạng này, bạn phải chép file thẳng vào ứng dụng nhé (dùng iTunes để chép, hoặc trong từng app sẽ có nút để chép). Sau đó, bạn có thể xóa đi những hình ảnh trong thư viện của máy.

Android

Android được xây dựng dựa trên nền Linux, chính vì thế nó cũng ẩn những tập tin nào bắt đầu bằng dấu chấm ở đầu tên tập tin hoặc thư mục. Bạn sẽ cần đến một trình quản lý file, ví dụ như ES File Manager hay Astro File Manager chẳng hạn, để đổi tên cho những tập tin và thư mục mà mình muốn. Chỉ đơn giản là sửa tên tập tin thôi, ví dụ "HinhCuaGau.jpg" thành ".HinhCuaGau.jpg" rồi lưu lại là hoàn tất. Tập tin đó sẽ không còn xuất hiện trong Thư viện ảnh hay bất kì app nào khác bạn cài vào máy, kể cả trong trình quản lý file luôn.

Android.

Vậy là sao để tập tin xuất hiện trở lại? Trước tiên bạn sẽ cần tìm tùy chọn hiển thị tập tin bị ẩn trong trình quản lý file mà bạn dùng, thường nó sẽ nằm trong menu Settings > Show Hidden Files / Folders. Sau đó, bạn đổi tên lại file hoặc folder của mình, bỏ dấu chấm ở đầu đi là hoàn tất.
 

Google tiết lộ Project Wing - dự án dùng máy bay drone chuyển hàng hoá tiếp tế

Project_Wing_01.

Bên cạnh xe hơi tự lái thì Google mới đây cũng đã tiết lộ một dự án phát triển phương tiện tự động có tên gọi Project Wing. Theo thông tin từ BBC và The Atlantic, nhóm nghiên cứu dự án mật Google X đã theo đuổi Project Wing trong 2 năm qua nhằm tạo ra một hệ thống chuyển phát hàng hoá bằng máy bay drone.

Mục tiêu chính của dự án sẽ là dùng máy bay drone để tiếp tế cho các khu vực bị thiên tai, thảm hoạ. Quản lý chương trình Google X - Astro Teller cho biết: "Ngay cả với chỉ một vài chiếc máy bay này, nếu hoạt động liên tục như con thoi, chúng có thể phục vụ một số lượng lớn người dùng trong các trường hợp khẩn cấp." Bên cạnh đó, Google cũng đề cập đến dịch vụ chuyển phát hàng bằng máy bay drone nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua sắm - tương tự ý tưởng về dịch vụ Prime Air của Amazon.


Mỗi máy bay drone có chiều dài sải cánh 1,5 m, nặng khoảng 8,6 kg và trên cánh có gắn 4 động cơ cánh quạt nhỏ chạy điện. Theo BBC, tổng trọng lượng tối đa mà drone có thể cất cánh là 9,9 kg do đó nó chỉ có thể mang theo một gói hàng nặng dưới 1,3 kg. Máy bay được tích hợp một thành phần xử lý đặt gần đuôi và bộ nguồn cấp điện nằm gần phần đầu. Trên drone còn có hệ thống định vị GPS, các camera, radio và một cảm biến đo quán tính đóng vai trò là gia tốc kế và con quay hồi chuyển để giúp nó xác định vị trí.

Project_Wing_02.

Trong quá trình phát triển dự án này, Google nhận thấy rằng khi người dùng tóm lấy gói hàng từ máy bay drone, họ có thể bị thương bởi các cánh quạt nhỏ. Do đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một hệ thống thả hàng bằng dây câu và kẹp giữ. Hàng được thả xuống từ trên cao và khi chạm đất, drone chỉ việc thu dây lại.

Google mường tượng rằng hệ thống sẽ được điều khiển bởi máy tính lẫn con người. Người điều khiển sẽ có thể giám sát các máy bay drone đang làm gì và thực hiện các thao tác điều khiển. Điều này sẽ rất hữu ích trong trường hợp gói hàng bị mắc kẹt. Hiện tại dự án Project Wing chủ yếu được thử nghiệm tại Úc bởi Google cho biết các luật về việc sử dụng máy bay drone tại đây được nới lỏng hơn so với quê nhà Hoa Kỳ.

Nguồn: The Atlantic; BBC
 

Apple có thể sẽ ra mắt nhiều thiết bị wearable, giá cao nhất từng được thảo luận là 400$

Apple_watch.

Một số nguồn tin của trang Recode mới đây tiết lộ rằng Apple không chỉ ra mắt một thiết bị đeo được tại sự kiện ngày 9/9 tới đây. Thay vào đó, hãng sẽ công bố nhiều model với các mức giá khác nhau, và con số cao nhất từng được các quan chức Apple thảo luận là 400$. Nếu một thiết bị wearable có giá này thì nó đắt hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh chạy Android Wear, ví dụ như chiếc LG G Watch có giá 229$, mẫu Samsung Gear Live là 200$, còn chiếc Gear 2 chạy Tizen là 300$. Tất nhiên, mức 400$ chỉ là mức cao nhất, Apple vẫn còn nhiều lựa chọn giá rẻ hơn cho khách hàng của mình, và nhiều khả năng chúng sẽ có màn hình nhỏ hơn, ít tính năng hơn hoặc cấu hình thấp hơn.

Nguồn tin nói trên cho biết thêm rằng chưa rõ Apple đã quyết định xong giá bán cho những thiết bị đeo được mới hay chưa, và cũng có khả năng hãng sẽ tiết lộ chi tiết này vào một thời điểm sau khi sự kiện hôm 9/9 kết thúc. Một bài báo gần đây còn nói chiếc "iWatch" có thể phải đến năm sau mới bắt đầu có mặt trên thị trường.

Nguồn: Recode
 

GSM vs CDMA: khác biệt ra sao và cái nào sẽ là tương lai của mạng di động?

tinhte_GSM_vs_CDMA_khac_biet_4G_LTE.

Hầu hết những người muốn mua điện thoại chỉ phải nghĩ về một công nghệ viễn thông duy nhất có tên Global System for Mobile Communications, hoặc viết ngắn lại là GSM. Cái tên này có nghĩa là "hệ thống toàn cầu dành cho việc liên lạc di động", và đúng như vậy, nó đã được phát triển để dùng tại nhiều quốc gia, nhiều nhà mạng khác nhau. Tuy nhiên thế giới luôn có sự đa dạng, không phải hãng viễn thông nào cũng chọn GSM, thay vào đó họ sử dụng một chuẩn khác gọi là Code Division Multiple Access, hay viết tắt là CDMA. Hai chuẩn này tồn tại song song, thậm chí ở một số nơi các nhà mạng CDMA vẫn còn rất mạnh. Vậy tại sao lại có hai chuẩn này? Chúng khác nhau ra sao? Và chuẩn nào sẽ là tương lai?

1. GSM vs CDMA

CDMA sử dụng một công nghệ gọi là trải phổ (spread spectrum) để tối ưu hóa việc sử dụng băng thông. Nó cho phép nhiều bộ gửi nhận tín hiệu gửi thông tin cùng lúc thông qua một kênh duy nhất. Hay nói cách khác, người dùng sẽ chia sẻ chung một dải tần số rộng dùng cho mục đích truyền tải dữ liệu. Mỗi một cuộc gọi sẽ được gán cho một "khóa độc nhất" (key) trước khi truyền đi, sau đó nó sẽ được giải mã bởi thiết bị nhận tín hiệu để tách thành những cuộc gọi riêng lẻ. Qualcomm là hãng đầu tiên phát triển nên CDMA.

Trong khi đó, GSM sử dụng công nghệ phổ nhọn (wedge spectrum) để cung cấp một thứ gọi là carrier (tạm dịch: sóng mang). Carrier này được chia thành nhiều "khe thời gian" khác nhau, mỗi người dùng sẽ được gán cho một khe và khe đó sẽ không bị ai khác truy cập cho đến khi cuộc gọi kết thúc. Chuẩn mạng GSM sử dụng cả hai phương thức phân chia theo thời gian (TDMA) và theo tần số (FDMA) để phục vụ mục đích tách riêng người dùng và trạm phát sóng. TDMA sẽ "cắt" kênh truyền tải thông tin thành các "miếng" thời gian, còn FDMA thì tách riêng các tần số trong dải tần của nhà mạng.

Sự phát triển của GSM bắt đầu vào năm 1987, khi đó Châu Âu ra luật bắt buộc các nhà mạng phải xài công nghệ này. Chi phí để các công ty xây dựng nên hạ tầng GSM cũng ít hơn là CDMA.

Hiện nay ở Việt Nam tất cả các nhà mạng lớn đều vận hành mạng GSM, bao gồm MobiFone, VinaPhone, Viettel, VietnamMobile. Trước đây CDMA đã từng có mặt ở nước ta thông qua mạng S-Fone và CityPhone nhưng giờ hai nhà mạng này đã không còn xuất hiện nữa. Nếu bạn đi du lịch sang Châu Âu thì tất cả các nhà mạng tại đây là GSM, còn nếu bạn sang Mỹ thì sẽ có cả hai chuẩn này (Verizon và Sprint dùng CDMA, T-Mobile và AT&T dùng GSM).

2. Điện thoại GSM vs Điện thoại CDMA

Một điểm đáng chú ý trên thiết bị di động của chúng ta đó là khe SIM. Ở Việt Nam thì khe SIM là chuyện bình thường, bởi chúng ta dùng mạng GSM và các nhà mạng sẽ xài thẻ SIM để xác định người dùng. Trong khi đó, các mạng CDMA thì sẽ đối chiếu cả một chiếc điện thoại với danh sách thuê bao của họ, chính vì lý do này mà hầu hết các điện thoại CDMA không có khe SIM (trừ vài máy mới, cái này sẽ mình nói đến ở bên dưới).

Droid_X.
Droid X, một chiếc smartphone CDMA của nhà mạng Verizon, không có khe SIM

Cũng trên mạng CDMA, việc chuyển thiết bị sử dụng sẽ khó khăn hơn bởi bạn phải liên hệ với nhà mạng để chuyển thông tin tài khoản thuê bao sang máy mới. Trong khi đó, với GSM, bạn chỉ việc rút SIM ra rồi gắn vào thiết bị mới là xong, bạn chẳng phải đăng kí gì lại cả, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức hơn.

Điều đáng nói là hầu hết những điện thoại của chúng ta chỉ hỗ trợ một trong hai chuẩn GSM hoặc CDMA mà thôi. Chính vì thế, việc lựa chọn điện thoại sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhà mạng mà bạn đăng kí gói cước và khu vực bạn đang ở. Ví dụ, ở Việt Nam, bạn sẽ không thể dùng một chiếc điện thoại chỉ hỗ trợ CDMA.

Với một chiếc điện thoại CDMA mà có thêm khe SIM thì bởi vì chiếc điện thoại đó hỗ trợ công nghệ 4G LTE. Công nghệ đòi hỏi phải dùng SIM như là một phần trong đặc tả kĩ thuật. Ngoài ra, một số nhà mạng như Verizon còn muốn khách hàng của mình có thể sử dụng được máy khi đi đến các quốc gia GSM khác trên thế giới để du lịch hoặc công tác. Tuy nhiên, những nhà mạng này vẫn sử dụng CDMA để xác thực điện thoại trên mạng viễn thông của mình tại quê nhà khi người dùng gọi điện, nhắn tin. Chỉ khi nào xài dữ liệu Internet thì mới dùng đường 4G LTE qua SIM.

SIM.

Khi mua điện thoại GSM, bạn cũng nên để ý đến băng tần mà mạng này hỗ trợ. Có nhiều băng tần kéo dài từ 380MHz đến 1900MHz. Ở thời điểm hiện nay, hầu hết các điện thoại đều hỗ trợ 4 tần số chính là 850MHz, 900MHz, 1800MHz và 1900MHz, đó cũng là những tần số hỗ trợ bởi hầu hết các nhà mạng GSM trên toàn cầu.

3. 3G GSM (UMTS) và 3G CDMA

Các mạng 3G CDMA (còn được đến với cái tên "EV-DO" hay "Evolution Data Optimized") không thể thực hiện cuộc gọi và gửi nhận dữ liệu Internet cùng lúc. Nói cách khác, khi bạn đang gọi điện thoại thì bạn sẽ không thể check mail hay cập nhật trạng thái Facebook được. Mạng CDMA có một chuẩn khác gọi là "SV-DO" hay "Simultaneous Voice and Data Optimization" để hỗ trợ tính năng nói trên, tuy nhiên không phải nhà mạng CDMA nào cũng dùng SV-DO.

Palm_Pre.
Palm Pre, một trong số các sản phẩm nổi tiếng có hỗ trợ EV-DO

Ngược lại, tất cả mọi mạng 3G GSM đều hỗ trợ gửi nhận tiếng và dữ liệu cùng lúc, bởi vì điều đó đã được quy định trong cấu hình của mạng 3G GSM rồi. (Thực chất thì 3G GSM cũng là một loại CDMA đấy. Các bạn bình tĩnh, mình sẽ giải thích ngay bên dưới).

Vậy tại sao nhiều nhà mạng lại chọn CDMA? Tất cả đều xoay quanh vấn đề thời gian. Khi công ty tiền nhiệm của Verizon và Sprint chuyển từ công nghệ analog sang kĩ thuật số vào năm 1995 và 1996, CDMA đang là công nghệ mới nhất, hot nhất và nhanh nhất. Nó mạng lại công suất hoạt động cao hơn, chất lượng cuộc gọi tốt hơn và có nhiều tiềm năng hơn là mạng GSM thời bấy giờ. Sau này GSM đã bắt kịp, thế nhưng lúc đó một số nhà mạng đã chọn xong con đường đi của mình.

Vẫn có khả năng chuyển đổi một mạng từ CDMA sang GSM. Hai nhà mạng Bell và Telus của Canada đã làm điều đó để khách hàng của họ có thể xài được nhiều loại điện thoại hơn. Tuy nhiên, một số nhà như Verizon và Sprint thì đã quá lớn nên họ có thể yêu cầu nhà sản xuất làm riêng cho mình một phiên bản CDMA của chiếc máy mới nhất, đó là điều đã diễn ra với iPhone và nhiều smartphone khác. Chính vì thế, những nhà mạng này không cần phải tốn tiền chỉ để chuyển đổi hạ tầng 3G, thay vào đó họ sẽ tập trung đầu tư cho mạng 4G của mình.

Nói về vấn đề 3G, các mạng 3G "GSM" hiện nay sử dụng công nghệ CDMA, gọi là WCDMA (wideband CDMA) hoặc UMTS (Universal Mobile Telephone System). Đó cũng là thứ đang được áp dụng tại Việt Nam. WCDMA đòi hỏi các kênh truyền dữ liệu rộng hơn so với CDMA cũ, nhưng nó có thể đáp ứng nhu cầu gửi dữ liệu tốt hơn.

Trong quá trình phát triển theo thời gian, GSM có nhiều biến thể và bản nâng cấp hơn là CDMA. Ví dụ, WCDMA vẫn được xem là một phiên bản 3G trên công nghệ GSM. Cơ quan giám sát cho GSM còn đưa ra thêm một phần mở rộng gọi là HSPA để đẩy tốc độ truyền tải dữ liệu của mạng GSM lên nhanh nhất khoảng 42Mbps.

Trong khi đó, mạng 3G CDMA bị kẹt lại ở con số 3,6Mbps. Có một số công nghệ CDMA nhanh hơn, tuy nhiên nhiều nhà mạng không triển khai nó mà đi thẳng lên 4G LTE để tương thích tốt hơn với toàn thế giới.

4. 4G LTE chính là tương lai

Khoảng cách giữa CDMA và GSM sẽ ngày càng thu hẹp lại bởi vì mọi người đang có xu hướng chuyển sang dùng 4G LTE (Long Term Evolution). Mặc dù cũng sử dụng cùng nguyên lý như GSM nhưng LTE có nhiều điểm nổi trội hơn. Nó thật sự là một mạng di động thế hệ thứ 4 như cái tên của mình. Chuẩn này được chấp nhận trên toàn cầu và nhiều nhà mạng lớn trên thế giới cũng đã hoặc đang nghiên cứu triển khai hạ tầng mạng theo công nghệ 4G LTE.

Hàn Quốc là nơi có tốc độ ứng dụng mạng 4G nhanh nhất thế giới. Mỹ, Nhật cũng là hai quốc gia có lượng người dùng 4G nhiều. Hiện tốc độ mạng LTE vào khoảng 75Mbps (9,3MB/s) cho đường tải xuống và 18,5Mbps (2,3MB/s) cho đường tải lên.

3GPP_Long_Term_Evolution_Country_Map.svg.
Màu đỏ là các quốc gia đã triển khai mạng 4G LTE thương mại. Màu xanh đậm là các nước đang có kế hoạch hoặc đang triển khai 4G LTE, còn màu xanh nhạt là các nơi đang thử nghiệm công nghệ này​

Hồi tháng 6 năm 2013, nhà mạng SK Telecom ở Hàn Quốc đã chính thức triển khai mạng LTE-Advanced (LTE-A) thương mại đầu tiên của thế giới. LTE-A là một cải tiến lớn của 4G LTE. Nó có thể cung cấp tốc độ tải về lý thuyết lên đến 150Mbps (18,75MB/s) và tốc độ tải lên là 37,5Mbps (4,68MB/s), nhanh gấp đôi so với LTE và gấp 10 lần tốc độ của 3G. Trong thực tế, tốc độ download trên hạ tầng LTE-A của SK Telecom hoàn toàn có thể đạt mức 102-115Mbps (12,75 - 14,4MB/s). Hiện sóng LTE-A đã phủ khắp thủ đô Seoul và nhà mạng sẽ tiếp tục mở rộng nó sang 84 tỉnh thành khác của Hàn Quốc trong tương lai, còn giá cước thì vẫn giữ nguyên như chi phí sử dụng mạng LTE. Như vậy, Hàn Quốc đã đi trước thế giới một bước khi mà hiện nay nhiều quốc gia chỉ mới bắt đầu đưa vào sử dụng mạng LTE mà thôi.

Video so sánh LTE-A và LTE

Vấn đề là mỗi nhà mạng lại sử dụng các băng tần 4G khác nhau, kèm theo đó là các hệ thống 3G để dự phòng. Ngoài ra còn có mạng Sprint Spark mới ở Mỹ dùng một biến thể TD-LTE, không giống với bất kì nhà mạng nào ở nước sở tại. Điều đó cũng gây ra những vấn đề liên quan đến tính tương thích, cũng tương tự như việc điện thoại CDMA thì không xài được trên mạng GSM và ngược lại. Một số công ty như Qualcomm, Broadcom, Samsung và Intel đã cố gắng tung ra các giải pháp chip thu nhận tương thích với nhiều băng tần 4G LTE nhất có thể nhằm xoa dịu tình trạng khác biệt nói trên ở thiết bị đầu cuối.

Và mặc dù hiện nay 4G LTE đã có mặt khá nhiều nhưng nó vẫn chưa phổ biến. Mạng 2G và 3G vẫn còn tồn tại trong một thời gian dài nữa. Như Việt Nam và nhiều nước Châu Âu hiện vẫn chưa có 4G LTE. Các nhà mạng từng dự đoán rằng phải ít nhất đến năm 2020 thì các hạ tầng UMTS/WCDMA và EVDO mới ngừng hoạt động.

Khi nhắc đến 4G LTE, các bạn cần biết một điều rằng hiện nay các nhà mạng sử dụng 4G LTE chỉ để truyền tải dữ liệu Internet mà thôi, còn dữ liệu giọng nói vẫn đi con đường GSM hoặc WCDMA truyền thống. Trong tương lai, chuyện này sẽ không còn nữa nhờ vào công nghệ VoLTE (Voice-over-LTE). VoLTE sẽ chuyển dữ liệu cuộc gọi thành dữ liệu Internet để gửi nhận với nhà mạng, tương tự như cách mà tin nhắn Facebook, email đi vào hoặc đi ra khỏi chiếc điện thoại của bạn.

verizon-volte-rcs-video-call-examples.
Giao diện khi có cuộc gọi VoLTE của nhà mạng Verizon

Bằng cách sử dụng VoLTE, người dùng sẽ có cuộc gọi chất lượng cao hơn (một số thiết bị và nhà mạng hỗ trợ HD Voice, chính là VoLTE) bởi công nghệ này nén âm thanh tốt hơn. Thời gian kết nối cuộc gọi cũng nhanh hơn, cuộc gọi có thể được truyền thông qua Wi-Fi (ở các nơi mất sóng 4G), tính tương thích giữa nhà mạng - thiết bị cũng cao hơn. Bù lại, ở thời gian đầu, VoLTE có thể không ổn định do còn quá mới mẻ, số lượng thiết bị hiện hỗ trợ VoLTE cũng chưa nhiều lắm và cước phí cũng có thể tăng lên (hoặc giảm xuống, cái này thì chúng ta khó mà biết chắc được).

5. Kết

Nãy giờ nhiều thông tin quá, chúng ta hãy cùng điểm lại vài điểm chính như sau:
  • GSM và CDMA không có cái nào thật sự tốt hơn cái nào, cả hai đều cung cấp các dịch vụ tốt như nhau, còn chất lượng mạng như thế nào thì phụ thuộc nhiều hơn vào nhà mạng và hạ tầng của họ.
  • Phần lớn thiết bị GSM có dùng SIM, CDMA không dùng SIM, vài máy CDMA có khe SIM để dùng với mạng 4G LTE hoặc đó bản world
  • Khi mua điện thoại, bạn cần kiểm tra xem băng tần GSM được hỗ trợ bởi thiết bị của bạn có tương thích với nhà mạng hay không. Hầu hết thiết bị và nhà mạng đều hỗ trợ dải 850MHz, 900MHz, 1800MHz và 1900MHz nên chuyện này không quá nghiêm trọng.
  • 4G LTE sẽ là tương lai, nhiều nước trên thế giới đang cho triển khai chuẩn mạng này. VoLTE sẽ được dùng như là phương tiện truyền tải cuộc gọi thông qua Internet trên hạ tầng 4G LTE.
Hi vọng bài viết này giúp bạn hiểu được phần nào về thế giới viễn thông ngày nay. Nếu các bạn có thêm kiến thức nào hay muốn chia sẻ thì mình rất hoan nghênh, hãy bình luận ngay trong topic này nhé.

 

Trên tay viên pin di động 4 cổng USB của Limefuel: sạc thông minh và giá tốt

Limefuel là công ty khởi nghiệp rất ấn tượng với sản phẩm sạc di động Limeade của họ mà bạn @culong từng giới thiệu trước kia. Có lẽ vì là công ty khởi nghiệp nên sản phẩm của họ có giá hấp dẫn hơn rất nhiều so với các công ty lâu năm khác, một viên pin 15.600mAh với 4 cổng USB thông minh tự nhận dòng có giá chỉ 49.99$ chưa thuế ở thị trường Mỹ. Đó là viên pin mà mình nhắc tới trong bài viết này, nếu bạn muốn tiết kiệm 10$ thì có thể mua viên pin cũng 15.600mAh nhưng không sạc thông minh và chỉ có 2 cổng USB đã nhắc đến trước kia.

Do không có sự thay đổi về dung lượng pin nên Limefuel L156X mới vẫn giữ nguyên kích cỡ như cũ, chỉ có điều trên đỉnh có 4 cổng USB thay vì 2. Limefuel không công bố họ sẽ trang bị công nghệ nhận dòng tối đa điện thoại chịu được để cung cấp điện phù hợp nhưng khi cầm vào viên pin bạn sẽ thấy không còn biểu tượng cổng nào 1A cổng nào 2A như trước kia nữa. Bạn cắm bất cứ cổng nào thì dòng ra tối đa (nếu máy chịu được) cũng có thể lên tới 2.4A.

Tuy nhiên, cần lưu ý là giới hạn dòng ra tối đa của viên pin vẫn là 4.8A, ví dụ bạn sạc 4 cái điện thoại giống nhau có chung mức pin như nhau thì mỗi điện thoại sẽ nhận được dòng 1.2A. Nếu sạc chỉ 2 cái thì mỗi cái sẽ nhận tối đa là 2.4A, 3 cái thì mỗi cái tối đa 1.6A (mình đang chia cho các bạn dễ hình dung, thực tế thì mỗi máy sẽ có mức chịu tải khác nhau). Thử nghiệm với máy Lumia thì cục sạc này vẫn đẩy dòng cao, không bị kén, rất tốt :D

Viên pin Limeade được tích hợp mạch sạc tự động, tức bạn chỉ cần cắm cáp USB vào là nó tự động kích hoạt sạc cho điện thoại. Đây là một tính năng mình cực kỳ thích nhưng nó sẽ làm tốn khoảng 10-15% tổng dung lượng của một viên pin, do vậy mà một vài dòng như Anker Astro Pro với mục đích tiết kiệm pin nhất có thể sẽ không tích hợp.

Có một bất ngờ nho nhỏ cho bạn nào mua viên pin Limefuel mới: họ sẽ tặng chúng ta một sợi cáp dẹp có cả đầu microUSB và đầu Lighting. Điểm đặc biệt là sợi cáp này hoạt động tốt với iPhone 5s và iPad Air, không bị tình trạng kén sạc như các sợi cáp dỏm. Nếu chỉ xài MicroUSB thì bạn có thể bẻ đầu Lightning ra tặng bạn bè:D Đầu chuyển microUSB sang Lightning Apple đang bán với giá 10$.

Với mức giá cực kỳ hợp lý thì rõ ràng Limefuel 156X là một lựa chọn cực kỳ tốt cho chúng ta sử dụng, nhất là khi đi kèm với sợi dây cáp tuyệt vời mà họ tặng. Điểm đáng tiếc là nó dùng pin Lithium Ion thay vì Lithium Polymer có thể ép mỏng ra để có thiết kế gọn gàng và cũng an toàn hơn.​

Limefuel_4_port.
4 cổng USB ra, không cần quan tâm cổng nào sạc nhanh cổng nào sạc chậm nữa
Limefuel_4_port-2. Đèn LED báo dung lượng còn lại của pin



Limefuel_4_port-6.Limefuel_4_port-3. Nhìn kết cấu này chắc chắn là ghép nhiều cell phim lithium ion Limefuel_4_port-4. Bấm vào đây để xem dung lượng còn lại hoặc nhấn lâu để kích hoạt đèn pin Limefuel_4_port-5. L156X Pro Limefuel_4_port-7.
Sợi dây rất tuyệt

Cảm ơn Nhật Huy Mobile đã hỗ trợ Tinhte.vn thực hiện bài viết này