Planetary Resource - công ty khai khoáng vũ trụ được gây quỹ 1,5 triệu
USD trên Kickstarter
Planetary Resource, Inc. - công ty khai khoáng trên các hành tinh có trụ sở chính tại Bellevue, bang Washington đã vừa hoàn tất chiến dịch vận động trên mạng đầu tư Kickstarter vào hôm chủ nhật vừa qua. Sau 33 ngày, Planetary Resource đã nhận được gây quỹ 1.505.366 USD từ 17.600 người ủng hộ. Mục tiêu của chiến dịch là thu hút sự chú ý của cộng đồng về công ty và kế hoạch khai mỏ trên các hành tinh. Quỹ tài trợ sẽ được dùng để phát triển kính thiên văn không gian Arkyd 100, dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2015.
Theo Planetary Resources, đây là chiến dịch gây quỹ thành công nhất đối với một dự án không gian và là một trong số 25 chiến dịch được tài trợ hàng đầu trên Kickstarter.
Peter H. Diamandis, đồng sáng lập kiêm đồng chủ tịch Planetary Resources cho biết: "Chúng tôi rất phấn khích khi chiếc kính thiên văn vũ trụ Arkyd đang tiến gần đến ngày được đưa lên quỹ đạo. Do có hơn 17.000 người hỗ trợ cho dự án này thông qua chiến dịch trên Kickstarter nên chúng tôi sẽ đưa một công cụ mới để nghiên cứu và khám phá đến các nhà khoa học, học sinh và giáo viên."
Liên quan đến dự án, Planetary Resource cũng đã công bố ông Richard Branson - chủ tịch Virgin Group đã chính thức gia nhập nhóm các nhà đầu tư nòng cốt của công ty. Richard nói: "Tôi rất lấy làm vinh hạnh khi trở thành một phần của đội ngũ nghiên cứu về dự án khai khoán các khoáng sản trên những hành tinh gần Trái Đất của Planetary Resources. Cách duy nhất để khám phá thật sự hệ Mặt Trời là phát triển công nghệ và tiềm lực để xác nhận sự hiện diện của chúng ta trong vũ trụ mà không làm suy kiệt các nguồn tài nguyên trên Trái Đất."
Bên cạnh việc hỗ trợ các sứ mạng khai khoáng của Planetary Resources, Branson đã tự mở một chiến dịch riêng với số vốn 100.000 USD để hỗ trợ cho các chương trình tương tác nhằm củng cố hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học.
Khi được phóng lên quỹ đạo vào năm 2015, Arkyd 100 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng khoa học, sinh viên và giáo viên:
- Space Selfie: Hơn 17000 người tài trợ cho dự án sẽ được chụp hình Space Selfie (hình "tự sướng" ngoài không gian). Hình ảnh của mỗi cá nhân sẽ được hiển thị trên màn hình ngoài của kính thiên văn vũ trụ Arkyd khi nó bay trên quỹ đạo quanh Trái Đất. Cánh tay robot của Arkyd sẽ chụp lại một bức hình của mỗi người tài trợ song song với khung nền là quang cảnh Trái Đất trong vũ trụ và gởi về.
- Học tập: Các sinh viên trên toàn thế giới đang nghiên cứu về hệ Mặt Trời theo các lớp khoa học hoặc viết đề án tốt nghiệp về ngành thiên văn sẽ có thể sử dụng Arkyd để nghiên cứu về vũ trụ, tìm kiếm các hành tinh gần Trái Đất, chụp hình không gian và thậm chí có cơ hội ghi tên mình vào lịch sử với những phát hiện mới.
- Nghiên cứu và khám phá: Arkyd sẽ mang lại một giải pháp mới, chi phí thấp cho các chương trình khám phá và nghiên cứu tiên tiến. Arkyd cũng cho phép các tổ chức trên thế giới sử dụng kính thiên văn để thực hiện các chương trình khám phá riêng.
- Làm nên lịch sử: 40 cá nhân/tổ chức tài trợ nhiều nhất sẽ được mời đến khánh thành và tham dự buổi phóng tàu Arkyd 100. 10 cái tên và thông điệp từ các cá nhân tài trợ sẽ được khắc lên thân tàu.
Với số tiền gây quỹ 1,5 triệu USD, Planetary Resources sẽ xây thêm một trạm giám sát mặt đất để tăng tỉ lệ truyền tải hình ảnh Space Selfie và dữ liệu thiên văn gởi về từ Arkyd. Đồng thời, công ty cũng phát triển một nền tảng có tên Asteroid Zoo cho phép cộng đồng khám phá các hành tinh ngoài vũ trụ ngay tại nhà, trên máy tính cá nhân.