Ý tưởng nhiên liệu "tự cháy" đã trở nên thịnh hành sau 100 năm ngày ông qua đời...
Người phát minh ra chiếc động cơ mang tên của mình, Rudolf Diesel, đã qua đời cách đây đúng một trăm năm. Nhà phát minh ra động cơ chạy dầu đã giã từ cuộc sống vào ngày 29/09/1913, lúc ông chỉ mới 55 tuổi và đang ấp ủ nhiều kế hoạch dang dở để phát triển thế hệ động cơ sử dụng loại nhiên liệu "tự cháy" này. Tuy nhiên thì ngày nay, những ý tưởng và nguyện vọng của ông về một cỗ máy hoạt động hiệu quả hơn không những đã "sống" được mà nó còn đang trên đường trở thành một trong những công cụ rất tiềm năng trong tương lai gần.
Thật vậy, tại thời điểm ông qua đời , động cơ Diesel chỉ đang ở giai đoạn sơ khai của nó và có khoảng cách rất xa so với những cỗ máy chạy dầu công nghệ cao ngày nay. Diesel là người đầu tiên có thể chứng minh rằng nhiên liệu có thể được đốt cháy mà không cần tia lửa điện. So với động cơ chạy xăng bốn thì sử dụng công cụ đánh lửa, động cơ Diesel sử dụng sức nóng của khí nén để đốt cháy hỗn hợp không khí - nhiên liệu được bơm vào các xy-lanh của động cơ. Đặc điểm này đem lại hiệu quả cao trong việc chuyển đổi nhiệt năng thành lượng công có ích.
Rudolph Diesel đã hoàn thành chiếc động cơ nguyên mẫu đầu tiên sử dụng nhiên liệu tự cháy vào ngày 10/08/1893 với công suất tối đa 25 mã lực, bốn thì, 1 xy-lanh đặt dọc duy nhất và nó được gọi là "động cơ Diesel". Hiện nó vẫn đang được trưng bày tại bảo tàng Deutsches Museum ở thành phố Munich, Đức.
Động cơ Diesel sử dụng loại nhiên liệu dầu, nó đòi hỏi quá trình tinh chế đơn giản và rẻ hơn so với các loại xăng. Sau này, loại nhiên liệu tự cháy này cũng được gọi là "dầu Diesel" để tôn vinh người đã phát hiện ra "tiềm năng" ẩn chứa bên trong của nó.
Trong quá trình đốt cháy, năng lượng hóa học được lưu trữ trong dầu Diesel được chuyển đổi một cách hiệu quả thành nhiệt năng. Nhiệt độ trong mỗi xy-lanh tăng đến 2.480 °C , tạo ra một áp lực khoảng 100kg/cm2. Áp suất sinh ra đủ để đẩy những chiếc piston về đầu kia trong xy-lanh của chúng. Các piston được kết nối với nhau bằng những tay đòn trên một trục khuỷu có thể biến đổi chuyển động tịnh tiến của chúng thành chuyển động quay tròn. Từ đó, nó có thể cung cấp sức mạnh cho các phương tiện và các loại máy móc phục vụ cho rất nhiều nhu cầu trong cuộc sống.
Xe Bus chạy bằng dầu Diesel sinh học là minh chứng cho tiềm năng của loại động cơ này.
Động cơ Diesel đã được ứng dụng trên những chiếc xe đầu tiên vào những năm 1930. Mercedes-Benz chính là nhà sản xuất xe hơi đầu tiên cho ra đời một chiếc xe thương mại sử dụng động cơ Diesel vào năm 1936. Ngày nay, hễ có hai chiếc xe đang vận hành ở châu Âu thì trong đó sẽ có một chiếc dùng động cơ Diesel, theo khảo sát của Verband der Automobilindustri - một tập đoàn thương mại của Đức.
Tỷ lệ phương tiện sử dụng động cơ Diesel trong tàu thủy và xe tải hiện nay gần như là 100%. Trong khi đó, số lượng xe chở khách sử động cơ Diesel ở Mỹ là tương đối nhỏ. Có thể là người Mỹ thích sự "khác biệt" và không muốn "giống" người Âu châu chăng...???. Tương tự như việc hỏ nhất quyết sử dụng những từ tiếng Anh "độc quyền" và ban ra những luật lệ hoàn toàn ngược với các nước ở lục địa già.
Dù sao đi nữa, động cơ Diesel đã cho thấy một tiềm năng lâu dài, điển hình là sự gia tăng đáng kể về số lượng lẫn chất lượng, doanh số bán hàng của các loại xe Diesel đã tăng gấp đôi trong vòng ba năm qua. Các bạn có thể tham khảo hàng loạt các loại xe ô tô sử dụng động cơ Diesel mới nhất mà Tinh Tế đã chia sẻ gần đây như Audi A3 1.6 TDI Ultra 2014, Mercedes-Benz E250 BlueTEC 2014, Ram 1500 EcoDiesel V6 2014...