John S.Chen, CEO lâm thời của BlackBerry là ai?
Sau 2 năm đảm nhận vị trí giám đốc điều hành của BlackBerry, cuối cùng kỳ nguyên của Thorsten Heins cũng đã chấm dứt vào ngày hôm qua - thời điểm BlackBerry nhận 1 tỷ USD từ Fairfax cùng các nhà đầu tư tài chính khác. Sự ra đi của Heins ít nhiều cũng để lại sự bỡ ngỡ với khá nhiều người, thế nhưng BlackBerry cần một vị thuyền trưởng mới với tư duy sáng tạo hơn và đủ năng lực để vực dậy công ty. Và cuối cùng, BlackBerry đã chọn John S.Chen, cựu CEO của Sybase đảm nhiệm vị trí CEO lâm thời cũng như chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị lâm thời của tập đoàn.
Bằng cách đầu tư vào lĩnh vực di động sớm hơn các đối thủ nhiều năm, John Chen đã biến Sybase từ một công ty thua lỗ liên tiếp 4 năm trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực mà nó hoạt động để rồi SAP phải mua lại với giá 5,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2010. Vậy Chen là ai? Tại sao từ một chú bé Trung Quốc nghèo khổ mà ông có thể trở thành giám đốc điều hành của BlackBerry, thành viên hội đồng quản trị sàn chứng khoán New York, Walt Disney, ngân hàng Wells Fargo cùng hàng loạt công ty khác.
Từ cậu bé nghèo khổ cho đến vị CEO tài năng
Cuộc đời John Chen có thể nói là khá phiêu bạt. Ông sinh ra ở Hồng Kông nhưng là người gốc Thượng Hải, Trung Quốc, nơi mà cha mẹ ông đã bỏ đi nhiều năm trước đó để trốn tránh cái nghèo. Năm 1973, cả gia đình chuyển sang định cư ở California, Mỹ. Bù lại cho những năm tháng khổ cực đó, Chen học khá giỏi khi ông tốt nghiệp trường đại học Brown University danh tiếng trong khối Ivy League vào năm 1978 và trở thành thạc sĩ tại Học viện công nghệ California chỉ một năm sau đó.
Khởi đầu sự nghiệp, Chen làm việc với Unisys với vai trò kỹ sư thiết kế, sau đó là phó chủ tịch hội đồng quản trị, chuyển qua làm chuyên viên cao cấp ở Pyramid Technology rồi Siemens Nixdorf trước khi gia nhập Sybase năm 1997. Đúng một năm sau, ông thành CEO và chủ tịch hội đồng quản trị.
John S.Chen - Vị giám đốc giúp vực dậy nhiều công ty đang gặp khó khăn
Trong sự nghiệp của Chen, ông được biết đến với khả năng vực dậy những công ty đang trên đà tụt dốc và đứng bên bờ vực "phá sản". Chen đã từng đảm nhiệm chức vụ giám đốc điều hành tại nhiều công ty, thế nhưng tên tuổi của ông chỉ được biết đến rộng rãi trong thời gian ông làm CEO của công ty chuyên về những dịch vụ dành cho doanh nghiệp, Sybase.
Cụ thể hơn như thế nào, vào những năm cuối của thập kỷ 90, Sybase lúc đó đang gặp rất nhiều khó khăn khi họ không thể cạnh tranh trực tiếp với những "ông lớn" trong làng công nghệ, và một trong số đó là Oracle. Trang Bloomberg Businessweek cho biết vào thời điểm ấy, một công ty nghiên cứu thị trường báo cáo rằng Sybase năm 1998 - thời điểm Chen chính thức đảm nhiệm vai trò CEO của Sybase - có giá trị chỉ khoảng 362 triệu USD, và xác suất dẫn đến thất bại của công ty lên đến 70%. Tuy nhiên, sau 13 năm lèo lái, Chen đã đập tan mọi dự đoán tiêu cực và đưa giá trị của Sybase lên gấp nhiều lần - bằng chứng là SAP đã phải bỏ ra đến 5,8 tỷ USD để mua Sybase.
Trong sự nghiệp của mình, ông được biết đến với khả năng vực dậy những công ty đang trên đà tụt dốc và đứng bên bờ vực "phá sản"
Ngày nay, kế hoạch của Chen trong việc đưa Sybase vào những thị trường có thể sinh lợi nhuận cao, dường như đều diễn ra hoàn toàn hợp lý, thế nhưng kế hoạch này không phải là một ván cược thực sự rõ ràng vào thời điểm đó. "Tôi đã nghĩ, sẽ không tốt sao nếu chúng ta có thể khai thác được những gì chúng ta biết và sau đó là bỏ qua một thế hệ và rồi đi trước những đối thủ của và cuối cùng sẽ trở nên lớn mạnh hơn" Chen nói với The New York Times khi mô tả về việc đưa Sybase gia nhập thị trường di động vào năm 2006.
Vào năm 2006, "mọi người cười nhạo chúng tôi vì đã gia nhập vào thị trường di động quá sớm và bọn họ nói rằng không hề có tiền ở mảng di động, công nghệ không dây chỉ là một giấc mơ và mọi người đều đang mất rất nhiều tiền" Kết quả là sao? "Chúng tôi trở thành nhà cung cấp phần mềm dành cho doanh nghiệp lớn nhất trong thế giới công nghệ không dây".
BlackBerry đã cam kết sẽ tập trung nhiều hơn vào mảng doanh nghiệp, và việc bổ nhiệm Chen có thể sẽ thúc đẩy quá trình trên. Mục tiêu và công việc của Chen tại BlackBerry dường như sẽ không khác nhiều so với khi ông quản lý Sybase - nơi ông đã đẩy mạnh lợi nhuận của công ty lên bằng cách từng bước đưa Sybase vào những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh như phân tích hay các dịch vụ khác trong ngành di động.
Chen cho biết mặc dù những dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp sẽ không tạo nên quá nhiều điều thú vị, nhưng Chen luôn quan niệm và thấy rằng sẽ luôn kiếm được tiền tại những thị trường không xa rời thực tế. "Nếu bạn nghĩ rằng thương mại điện tử đã là một sự thay đổi cực kỳ lớn vào những năm 2000, thì thương mại di động sẽ khiến cho thương mại điện tử trở thành một điều gì đó rất nhỏ" Chen nói với trang Network World vào năm 2010.
Trên thực tế, Chen chỉ thực sự quan tâm đến mảng di động kể từ sau khi ông nhậm chức CEO của Sybase vào năm 1998. Vào lúc đó, Sybase liên tục lỗ và mất tiền trong 4 năm hoạt động, chính vì thế việc đầu tiên Chen thực hiện khi làm CEO của Sybase đó là tập hợp toàn bộ nhân viên lại. "Điều đầu tiên tôi muốn làm sau khi gia nhập công ty đó là khôi phục lại sự tự tin của mọi người". Chen nói với Computer Business Review vào năm 2005, "Tôi cần phải khôi phục lại sự tự tin - điều sẽ giúp bạn thiết lập nên mục tiêu và có thể thực hiện nó. Tôi không muốn đi quá xa năng lực cốt lõi của công ty".
Nguyên lý lãnh đạo của Chen đó là không cho phép Sybase hoạt động trong những lĩnh vực mà công ty không thực sự đủ mạnh. "Tôi muốn kiếm ra tiền và tôi muốn có một doanh nghiệp tốt tại bất kỳ thị trường/lĩnh vực nào chúng tôi bước chân vào". Chen tiếp tục "Tôi không làm bất kỳ điều gì khiến cho công ty mất tiền bởi điều đó sẽ giúp công ty tránh khỏi bong bóng dot-com". Chen đã tập trung vào Sybase bằng cách chia nhỏ cấu trúc của công ty thành những phần nhỏ hơn. Điều này là không dư thừa và Chen tin rằng cấu trúc mới chặt chẽ hơn của Sybase sẽ giúp tập đoàn có những phản ứng nhanh và kịp thời trước những quyết định và thay đổi".
Chen đã khẳng định rằng ông sẽ không nghĩ tới việc ngừng hoạt động đối với mảng phát triển các thiết bị cầm tay của BlackBerry
Mặc dù với những cách làm dứt khoác trên với Sybase, song những thay đổi mà Chen mang đến cho BlackBerry sẽ không diễn ra ngay lập tức. Chen đã khẳng định rằng ông sẽ không nghĩ tới việc ngừng hoạt động đối với mảng phát triển các thiết bị cầm tay của BlackBerry - dù cho đây là mảng khiến cho tập đoàn Canada thua lỗ rất nhiều tiền. Chen tin rằng "Tôi có đủ các thành phần cần thiết để xây dựng nên một doanh nghiệp bền vững lâu dài" và dựa trên những kiến thức của bản thân, Chen muốn các nhà đầu tư hãy để sự lo ngại sang một bên và nên tự tin hơn về BlackBerry, "tôi đã thực hiện một điều tương tự trước đây và tôi cũng đã chứng kiến cùng một hoàn cảnh vào trước đây".
Ngoài kỹ năng của một nhà lãnh đạo, sự nghiệp của Chen cũng có nhiều điểm thú vị như khi còn làm CEO ở Sybase, Chen đã phục vụ trong Uỷ ban xuất khẩu do tổng thống Mỹ Bush (lúc bấy giờ) thành lập nên. Bên cạnh đó, Chen cũng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong mỗi quan hệ giữa Châu Á và Mỹ.
Sau khi rời Sybase vào năm 2012, Chen đã đảm nhiệm một vị trí tại một công ty tư nhân có tên là Silver Lake, nơi ông làm việc như một cố vấn cấp cao. Ông nhận việc tại Silver Lake chỉ ít lâu sau khi rời khỏi Sybase, chính vì thế đã có một khoảng thời gian tương lai của Chen dường như vô định và không rõ ràng. Khi trang Bloomberg Businessweek hỏi kế hoạch của Chen vào năm sau là gì, Chen đã đùa rằng "Có thể là tiến vào công nghệ, tôi không có bất kỳ kỹ năng nào khác". Và rồi đúng như những gì ông nói, Chen đã quay lại với "cuộc chơi" công nghệ với một sứ mệnh mới - đưa BlackBerry trở lại thời kỳ ổn định và đưa ra các hướng đi hợp lý.