Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Quản lý bộ phận hình ảnh Kimio Maki của Sony chia sẻ về dòng camera QX, RX và smartphone

Sony_ Kimio_Maki_may_anh.jpg.
Kimio Maki

Kimio Maki, quản lý trưởng bộ phận hình ảnh kỹ thuật số của Sony, được xem như là một trong những nhân vật "huyền thoại" tại công ty này. Ông chính là người cha của những sản phẩm camera quan trọng mà Sony công bố trong thời gian gần đây, chẳng hạn như chiếc RX1/R, RX100/RX100 II và cả hai mẫu máy ảnh full-frame Alpha A7/A7R dùng ngàm E-Mount. Tại triển lãm Photo Plus Expo mới diễn ra ở thành phố New York, trang Dpreview đã có dịp nói chuyện với ông để nghe chia sẻ về việc dẫn đầu một bộ phận rất quan trọng với Sony, về nguyên nhân mà Sony tạo ra dòng lens-camera QX, những chuyện "hậu trường" đằng sau dòng RX và sức ảnh hưởng của smartphone đến máy ảnh.

Chiếc camera nào có thể được xem là một "dự án" đầu tiên của cá nhân ông?

Nó là một chiếc máy quay phim dùng băng Hi 8 hồi 25 năm về trước. Tôi cũng có làm việc với chiếc máy quay nhỏ nhất thế giới ở thời điểm đó, chính là chiếc Sony DCR-PC7. Khi tôi chuyển sang làm cho mảng marketing và nhận công tác tại Anh, tôi nhận thấy rằng nó (PC7) quá dễ bán. Sau này tôi quay trở lại Nhật Bản làm công việc lên kế hoạch sản phẩm, kế đến là làm kĩ sư và tôi làm việc trên chiếc Cyber-shot WX1.

DCR-PC7.
Sony DCR-PC7

Gần đây, tôi bắt đầu làm việc trên những máy ảnh thuộc series RX. Thị trường smartphone đang mở rộng ở thời điểm hiện tại, do đó chúng tôi cần phải tạo ra sự khác biệt giữa máy ảnh trên smartphone với một hệ thống máy ảnh thực thụ. Chính vì thế, Sony quyết định phát triển nên cảm biến mới định dạng 1". Trước đây các máy ảnh compact thường dùng định dạng 1/1,7", nhưng với tôi thì chất lượng ảnh từ cảm biến này chưa tốt. May mắn thay, chúng tôi là Sony - nhà sản xuất cảm biến ảnh hàng đầu thế giới! Tôi có nhờ người lãnh đạo của nhóm sensor giúp tôi, và anh ấy đã đồng ý. Thế là chúng tôi có được cảm biến ảnh dùng trong RX100.

Sony-Cybershot-RX-100.
Sony RX100

Ngài thật may mắn khi có sự hỗ trợ này!

Vâng! Nhưng nói thật với các bạn, thứ quan trọng nhất đó là sản phẩm phải hấp dẫn. Tôi nói với họ (nhóm thiết kế sensor) rằng 'làm ơn - nếu anh tạo ra được cảm biến 1" đó thì tôi sẽ dồn hết sức để làm ra một sản phẩm tuyệt vời'.

Đó có thể là một nguy cơ lớn, vậy làm sao ông biết là nó sẽ giúp Sony kinh doanh tốt?

Tôi không phải là thiên tài, cũng không phải là Chúa, nhưng tôi biết được tiềm năng của cảm biến ảnh 1". Chất lượng ảnh mà cảm biến này có thể tạo ra, cộng với chất lượng quay phim, được cân bằng một cách hoàn hảo. Bạn có thể thấy rằng chất ảnh từ cảm biến này hoàn toàn khác biệt so với ảnh cho ra từ những cảm biến compact thế hệ trước. Tôi đã bị thuyết phục bởi nó, và tôi hoàn toàn tự tin rằng có thể đánh bại các máy thế hệ trước.

Tuy nhiên, không may là việc định thời gian lại bị chậm - có nhiều mẫu máy compact cao cấp đã xuất hiện trên thị trường, và ông sếp của tôi nói rằng 'anh chậm quá rồi - nó rất tốt, nhưng anh phải nhanh hơn'. Tôi bị áp lực rất nhiều từ sếp đó chứ! Khi tôi tung RX100 ra, tôi nói với sếp rằng 'tôi sẽ làm cho khách hàng yêu sản phẩm - một loại sản phẩm chưa từng xuất hiện trước đây, ông hãy chờ và xem điều gì xảy ra'.

Ở Mỹ, phản ứng ban đầu của khách hàng không tuyệt vời, nhưng cuối cùng thì mọi người cũng đồng ý rằng đây là một chiếc máy ảnh rất tuyệt.

Điện thoại giờ đây đang được trang bị những chiếc máy ảnh tốt hơn, còn máy ảnh thì có nhiều tính năng kết nối hơn. Theo ông thì điểm cuối của điều này sẽ là gì?

Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tôi nhìn vào dữ liệu từ người dùng đang xài smartphone, nhất là những người chỉ dùng smartphone để chụp ảnh và không bao giờ đụng đến camera. Họ nói 'tôi không cần máy ảnh số bởi tôi có thể dùng smartphone của mình'. Chúng ta có nói rằng 'chất lượng ảnh không cao', nhưng rồi họ sẽ trả lời lại rằng 'à tôi chỉ cần nó đủ tốt để đăng lên Facebook mà thôi'. Họ muốn có tấm ảnh ngay trong điện thoại, chứ không phải là trên máy tính, bởi họ không xài máy tính. Smartphone chính là máy tính của họ, họ muốn tất cả mọi dữ liệu nàm trong đó. Đây là một nhu cầu thật sự, nhất là với những người dưới 20 tuổi.

Thế nên tôi nhìn vào thông tin này, và quyết định tạo ra một chiếc camera tốt hơn những sản phẩm thông thường. Tôi tách người dùng thành hai nhóm: thế hệ già hơn và thế hệ trẻ hơn. Thế hệ trẻ sẽ cần hình ảnh tốt hơn để được bạn bè khen, tức là được nhiều like trên Facebook, Nhưng một chiếc máy ảnh thông thường sẽ không phù hợp với phong cách sống của họ. Họ muốn xài giao diện cảm ứng hiện đại trên smartphone, lưu ảnh và chia sẽ ngay từ điện thoại. Thế nên chúng tôi đã làm ra hệ thống ống kính-máy ảnh QX.

tinhte_Sony_QX100_Xperia_Z1.

QX100 có cùng chất lượng hình ảnh với chiếc RX100, nhưng hình sau khi chụp sẽ đi thằng vào smartphone. Khi tôi còn nhỏ tôi có một chiếc camera trong nhà mình - bố tôi mua và chúng tôi dùng chung nó. Nhưng còn bây giờ, ai ai cũng chụp ảnh. Sếp tôi đã 55 tuổi và khi tôi đưa cho ông chiếc QX10, ông nói rằng 'tôi không hiểu - tại sao anh lại cần dùng thứ này'. Tôi mới nói 'Xin lỗi, nhưng sếp không phải là mục tiêu của sản phẩm này'. Tùy thuộc vào từng thế hệ và trải nghiệm người dùng sẽ khác nhau và động cơ chụp ảnh cũng khác nhau. Những người trẻ tuổi sẽ không so sánh dòng QX với RX100 với RX1.

Với chiếc RX1, ý tưởng đó là phải mang đến chất lượng ảnh cao nhất trong một chiếc cmaera mà bạn có thể dễ dàng cầm đi dạo, chụp mỗi ngày hay chụp ảnh cuối tuần. Tôi không muốn xài một chiếc máy ảnh dùng cảm biến APS-C hay bất kì thứ gì có cảm biến nhỏ hơn. Tôi muốn chất lượng ảnh tốt nhất. Cá nhân tôi cần một chiếc camera ngon để đi chụp ảnh cuối tuần, nhưng những máy full-frame hiện nay lại quá lớn với tôi.

Đó cũng chính là thách thức khi chúng tôi phát triển RX1. Thêm vào đó, nhóm khách hàng dành cho RX100 và RX1 mà tôi nghĩ đến là những người cần chất lượng ảnh cao trong vẫn muốn có máy ảnh nhỏ gọn. Họ là những người cảm thấy DSLR quá to. Trong lúc thiết kế RX1, tôi nói với các kĩ sư của mình rằng "tôi muốn đặt cảm biến full-frame vào trong chiếc RX100, điều đó có thể hay không". Tất cả họ đều cười và nghĩ tôi đang nói đùa. Nhưng tôi vãa nghĩ là Sony có thể làm được điều đó, thế là tôi thuyết phúc mọi người và sản phẩm cuối cùng là chiếc RX1 như các bạn thấy.

Chiếc RX10 mà Sony mới ra mắt thì lại khác. Đó là chiếc camera mà tôi muốn dùng trong những sự kiện, như trận đấu thể thao, khi con tôi đang đá banh hay chơi bóng rổ. Ống kính của RX100 và RX1 không đủ dài cho mục đích này. Còn với video, chúng tôi sử dụng tất cả pixel trên cảm biến để quay phim, thế nên chất lượng hình ảnh thậm chí còn tốt hơn cả một vài hệ thống quay chuyên nghiệp.

tinhte_Sony_Cyber-shot_RX10_lifestyle_DSC01652-1200.

Khi ông tạo ra những sản phẩm như Cyber-shot RX10, ông cân nhắc về giá như thế nào?

Tôi chỉ nghĩ đến sản phẩm. Tất nhiên, rẻ thì vẫn là hướng đi tốt hơn, nhưng điều quan trọng nhất đó là chất lượng của hình ảnh và video. Đó là ưu tiên hàng đầu, không phải là giá.

Vậy làm thế nào ông gửi được thông điệp rằng RX10 đắt hơn nhưng đáng giá hơn so với những đối thủ như FZ200 của Panasonic?

À, tôi luôn nói rằng cảm biến của chúng tôi hoàn toàn khác biệt, ngay cả ống kính cũng rất tuyệt vời. Đó là sự kết hợp tốt giữa cảm biến 1" BSI với ống 24-200mm... Nếu ống kính là 24-300mm hay 24-400mm thì to quá (FZ200 dùng ống 25-600), và theo ý kiến của tôi thì nó không phải là một ý tưởng tốt. (Ghi chú: Chiếc Cyber-shot RX10 được Sony giới thiệu với giá 1300$).

tinhte_Sony_Cyber-shot_RX10_lifestyle_Exp2015_4E_DSC01965_2-1200.

Có một số khách hàng nhìn vào RX10 rồi nghỉ đơn giản rằng đây chỉ là một dòng camera bridge khác với mức giá quá cao. Nhưng đó là sự hiểu lầm mà chúng tôi cần phải khắc phục. Câu hỏi đó là làm cách nào người dùng có thể nhận ra được lợi ích của sản phẩm - việc này thì tôi phải nhờ đến các bạn bên bộ phận truyền thông của công ty rồi!

Khi ông thiết kế các máy dòng RX, hình ảnh về đối tượng khách hàng hiện lên như thế nào trong suy nghĩ của ông?

Tôi tưởng tượng đến một khách hàng có kiến thức tốt về các hệ thống camera, có kinh nghiệm sử dụng máy ảnh DSRL, một người biết về DSLR và lens, nhưng lại ngại mang vác những thiết bị đo do chúng quá to. Những người như thế sẽ cảm thấy hấp dẫn bởi dòng RX.

Theo ông thì hai hệ thống camera thay ống kính ngàm A và ngàm E/FE của Sony sẽ kết hợp với nhau như thế nào? Trong tương lai, mối quan hệ giữa chúng sẽ tiến hóa đến đâu?

Về cơ bản, nhiệm vụ của hai ngàm ống kính này hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi làm ra ngàm E để dùng trên các thiết bị nhỏ gọn hơn ngàm A. Tuy với ngàm A thì chúng tôi có thể có được chất lượng ảnh cao hơn với các công nghệ mới hơn. Cả hai hệ thống đều có chung thược hiệu "Alpha" và cả hai đều được tạo ra theo cùng triết lý - tạo ra một thứ gì đó mới mà trước nay chưa từng có. Đó là suy nghĩ chính trong đầu tôi. Đó là Sony. Đó cũng là cách làm cho mọi người thốt lên "wow" và làm họ bất ngờ - để dẫn dắt trí tưởng tượng của khách hàng. Ngoài ra, đây cũng là giấc mơ của tôi và là nhiệm vụ của chúng tôi tại Sony. Tinh thần Sony như thế đến từ hai nhà sáng lập Akio Morita và Masaru Ibuka.

Đến bây giờ ông có còn tiếp tục gặp vấn đề nhận diện thương hiệu hay không? Liệu có ai đó vẫn nghĩ Sony chỉ đơn thuần là một công ty điện tử chứ không phải là một thương hiệu camera?

Đó là một thác thức lớn với tôi. Tôi nói chuyện với một tờ báo tiếng Nhật và tôi từng nói với họ rằng 'tôi ghét bị gọi là một công ty điện tử đi làm camera'. Với nhiều người, khi nói đến Sony thì họ sẽ nghĩ tới TV và Walkman, đó đã là hình ảnh trong đầu họ. Không ai nói Sony là "một nhà sản xuất máy ảnh". Nhưng tôi sẽ cho họ biết, chúng tôi THẬT SỰ LÀ một công ty máy ảnh. Và là một trong những công ty máy ảnh tốt nhất. Với dòng RX, mọi thứ bắt đầu thay đổi, và chúng tôi đang dần dần đạt được mục đích của mình. Giờ đây, mọi người đang bắt đầu nói rằng 'Sony đang sản xuất camera'. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó, và tiếp tục tạo ra những sản phẩm mà chưa ai từng làm.

Vậy tại sao ông nghĩ rằng Sony là công ty duy nhất có thể làm được những camera như dòng RX và chiếc Alpha A7/A7R?

Triết lý của công ty chúng tôi là tạo ra những sản phẩm mới, tất nhiên, công thêm một tinh thần đấu tranh nữa. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận các thách thức. Chúng tôi không phải là ông vua trong ngành công nghiệp của mình. Trong ngành truyền hình chúng tôi là một trong những tên tuổi lớn nhất, nhưng trong ngành ảnh số thì chúng tôi chỉ là một thí sinh của một cuộc thi, thế nên chúng tôi có được sự tự do thử nghiệm nhiều thứ khác nhau.

Sony_RX1.

Nói về máy ảnh thay ống kính, hai công ty lớn nhất là Canon và Nikon. Họ có sự hỗ trợ cực kì mạnh mẽ từ những công trình nghiên cứu đi trước, và cũng có sự hỗ trợ từ phía người dùng. Do đó, để thu hút khách hàng, chúng tôi phải đưa cho họ một lý do tốt để đến với Sony. Chính vì vậy mà chúng tôi có gắng tạo ra những chiếc camera được mong đợi hơn so với một hệ thống nào đó của Canon hay Nikon, và để làm được như thế thì tôi phải làm ra được những chiếc camera đợc đáo mà Canon và Nikon không cung cấp.

Nền tảng của Sony là một công ty điện tử tiêu dùng. Chúng tôi đã nghiên cứu về mong muốn của khách hàng, chúng tôi nắm bắt được sự tưởng tượng của họ. Tất nhiên, những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hiện đang dùng Canon và Nikon, và không dễ để nói họ chuyển sang xài dòng Alpha SLR của Sony. Nhưng dòng Cyber-shot lại không phải là dòng thay ống kính, nên chúng tôi có thể dễ thuyết phục họ hơn. Đó là mấu chốt, chúng tôi đã "phá băng" được cuộc chơi. Với RX100 và RX1, chúng tôi đã gửi thành công thông điệp của mình.

Ông có chia sẻ về những nghiên cứu và sự tinh thông về camera của mình với nhóm smartphone của Sony hay không?

Ồ tất nhiên là có, lúc nào cũng thế. Hệ thống máy ảnh trong những chiếc Xperia được thiết kế do chính kĩ sư của chúng tôi đấy chứ. Chúng tôi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, giữa nhóm máy ảnh và nhóm điện thoại. Chúng tôi làm việc cùng nhau.

Một vài máy ảnh gần đây của Sony có tính năng cài thêm ứng dụng - ông xem điều này như thế nào?

Một số máy ảnh như NEX-6 có Wi-fi tích hợp, và tương thích với kho ứng dụng Sony PlayMemories 'App store'. Nó cho phép bạn thêm các tính năng khác vào máy ảnh của mình. Chúng tôi mới đây cũng đã mở cửa các hàm API để người nào cũng có thể tạo ra app cho Sony QX và hệ thống Alpha, sau đó sẽ phân phối thông qua Sony. Đây là một quá trình vẫn còn đang tiếp diễn.

Cơ hội lớn nhất của Sony trong 5 năm tới là gì thưa ông?

Tôi muốn tiếp tục cách tân và sáng tạo. Tôi có rất nhiều ý tưởng trong đầu - cứ mỗi sáu tháng thì tôi lại muốn làm ra một thứ gì đó, tiếp tục làm ra những thứ mới chưa từng hiện diện trước đó. Những sản phẩm này tất nhiên vẫn phảo dựa vào nhu cầu của khách hàng.

Có vẻ như triết lý của ông với dòng RX đó là bán ít máy hơn nhưng chất lượng cao hơn, thay vì hi sinh chất lượng để có doanh số. Điều này chắc hẵn phải rất khó khăn?

Vâng! Chúng tôi có hai nhánh chính: một là các máy mirrorless (không gương lật) kích thước nhỏ, một là các máy ảnh DSLR thông thường. Trong thị trường DSLR thì lại có những máy tầm thấp và giá rẻ như Nikon D3200, ở tầm cao thì có Nikon D4 hay Canon EOS 1D X. Nhưng ở nhánh mirrorless thì vẫn chưa có sản phẩm tầm cao nào, mãi đến bây giờ mới có Sony Alpha A7R đảm nhận vị trí đó.
tinhte_Sony_Alpha_A7R_wSEL55f18Z_hand-1200.

Chúng tôi tạo ra thị trường, điều quan trọng trong ngành công nghiệp hình ảnh, nếu không thì thị trường hiện tại sẽ bị các công ty vắt kiệt sức. Nếu khách hàng không thấy có gì mới, họ sẽ không có động lực để mua thêm camera. Với Sony, nếu muốn cải thiện hình ảnh của công ty trong ngành công nghiệp này, chúng tôi cần phải dùng đến công nghệ của mình. Chúng tôi phải thay đổi thế giới.

Ông có nghĩ rằng máy ảnh full-frame sẽ rẻ hơn nhiều hay không?

Sony là một nhà sản xuất cảm biến số một, và nếu chúng tôi có thể bán cảm biến này với số lượng lớn, giá chắc chắn sẽ giảm xuống!

Có điều gì khiến ông lo ngại về tương lai của Sony trong ngành ảnh số hay không?

Lo lắng à? Tôi hiện không lo lắng về điều gì cả! Nghiêm túc mà nói, tôi nghĩ nhiều hơn về các biện pháp phản công từ những nhà sản xuất khác - ví dụ tôi nghĩ xem liệu Canon có tạo ra một sản phẩm nào đó để cạnh tranh với Sony hay không. Tôi rất có hứng thú nếu họ làm điều này, bởi vì việc cùng nhau cải thiện thị trường là rất quan trọng. Nhưng đó không phải là một sự lo lắng. Điều mà tôi lo hơn đó là cái gì sẽ diễn ra nếu khách hàng bắt đầu cảm thấy chán. Tất cả khách hàng có thể nói 'tôi không muốn một chiếc camera, tôi chỉ cần một chiếc smartphone". Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra, nhưng vẫn là quan ngại của tôi.

Tôi nghĩ rằng hiện tại những người đang dùng smartphone rồi sẽ đòi hỏi chất ảnh cao hơn, còn khi họ lớn lên, kết hôn và có con, họ sẽ muốn mua những chiếc máy ảnh tốt. Tôi tin rằng bằng cách tiếp tục tạo ra những sản phẩm mới, chúng tôi có thể cung cấp sức sống cho ngành công nghiệp máy ảnh. Nhưng bạn cũng biết đấy, mọi người đều có một chiếc camera ưa thích của mình. Ước mơ của tôi là làm hài lòng tất cả mọi người bởi ai ai cũng chụp ảnh hết. Tôi ước gì tôi có thể nói về ý tưởng của tôi trong tương lai cho bạn nghe nhưng đáng tiếc là tôi không thể làm điều đó lúc này!