Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra loại protein có thể ngăn chặn sự phát tác của virus HIV và Ebola

virus_3d.

Mới đây, các nhà khoa học đã bất ngờ tìm thấy một nhóm protein có khả năng ngăn chặn quá trình xâm nhập của HIV type 1 (HIV-1) vào những tế bào mới. Một điều thú vị khác là loại protein này còn có thể ức chế sự phát tán của những chủng virus khác bao gồm cả virus Ebola. Trước tình hình Ebola có thể lây lan thành một đại dịch trên toàn cầu, phát hiện trên không chỉ giúp các nhà khoa học có thêm hiểu biết về sự tương tác giữa virus và protein trong cơ thể người mà còn góp phần mở đường sứ mạng tìm kiếm phương pháp ngăn chặn sự lây lan của các đại dịch nguy hiểm trong tương lai không xa.

Về cơ bản, virus không có khả năng tự tái tạo nên chúng phải đi chiếm một tế bào chủ khác để duy trì sự sống. Để xâm nhập vào bên trong tế bào chủ, HIV hoặc các chủng virus suy giảm miễn dịch khác cần phải liên kết với các thụ thể tồn tại bên trong tế bào mục tiêu. Tiếp theo đó là nhiều sự kiện diễn ra nhằm phục vụ quá trình xâm nhập của HIV. Sau khi đã xâm nhập thành công virus sẽ chuyển đổi tế bào thành một nhà máy có nhiệm vụ tiếp tục sản sinh thêm virus.

Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra một nhóm protein mang tên TIM protein. Đây là loại protein có vai trò quan trọng để tạo điều kiện cho sự xâm nhập của nhiều loại virus như Ebola, siêu vi Tây sông Nile (West Nile) và cả virus gây bệnh sốt xuất huyết. Một cách hết sức bất ngờ, nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Missouri đã phát hiện thêm rằng các protein trên không chỉ có khả năng ngăn chặn quá trình xâm nhập của HIV-1 vào tế bào chủ mà còn ngăn chặn sự phát tán của virus.

Trong nhiều thí nghiệm, các nhà khoa học đã nghiên cứu sự tương tác giữa HIV-1 và protein TIM bằng các biện pháp phân tử, hóa sinh và các kỹ thuật quan sát dưới kính hiển vi. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng khi HIV-1 bắt đầu tạo mầm mống hoặc chuẩn bị phát tán ra khỏi tế bào chủ, protein TIM sẽ gắn kết vào cấu trúc của virus và trói buộc nó vào màn tế bào. Đây là cấu trúc trung gian được hình thành nhờ vào sự tương tác với một loại chất béo mang tên phosphatidylserine (PS) được tìm thấy trong màng tế bào và nên ngoài bề mặt virus.

Thông thường, PS sẽ được vận chuyển vào bên trong tế bào, nhưng sự lây nhiễm virus làm nó bị loại trở lại bên ngoài. Điều này có nghĩa là cả PS và TIM đều tồn tại ở cả tế bào lẫn trên bề mặt virus. Nói một cách nôm na, PS và TIM đã cùng nhau giúp buộc chặt virus ở bên ngoài màng tế bào khiến nó không thể nào xâm nhập và tiếp tục lây lan được nữa.

Mặt khác, điều thú vị ở đây là nhóm đã khám phá rằng protein TIM cũng có khả năng ức chế sự lây nhiễm của những chủng virus khác, bao gồm cả những loại virus cơ hội như HIV và Ebola. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được tương tác giữa protein TIM và virus là nhân tố tích cực hay tiêu cực. Tuy nhiên, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho rằng phát hiện này đã gia tăng sự hiểu biết của các nhà khoa học về sự tương tác giữa virus với cơ thể người, qua đó mở đường cho quá trình đề xuất liệu pháp chống virus trong tương lai.

Tham khảo: Đại học Missouri, PNAS, SD, IFS