Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Tổng hợp - Làm quen với LG G3

Tinhte_g3-0.

Nếu như bạn đang tham khảo về LG G3 để quyết định có mua hay không thì bài viết này nên đọc, ở đây mình sẽ tổng hợp những điểm mạnh và điểm yếu của chiếc điện thoại này trong quá trình sử dụng thực tế. Chúng ta đã có nhiều bài viết đánh giá và trên tay, vì thế ở bài viết này thì sẽ tập trung vào việc sử dụng máy, những tuỳ chỉnh, cài đặt nên thực hiện. Về cơ bản LG G3 là một chiếc điện thoại đẹp, màn hình lớn 5.5” nhưng có kích thước gọn gàng. Điểm trừ lớn nhất của G3 đó chính là thời lượng pin chỉ ở mức tạm chấp nhận được, cùng với đó là cảm giác có đôi lần hơi chậm chạp so với cấu hình mà nó được trang bị. Tất nhiên, bạn có thể sử dụng một số thủ thuật ở dưới đây để thuần hoá chiếc điện thoại của mình, những thủ thuật đơn giản mà hi vọng ai cũng có thể làm được.

Các bài viết đánh giá, trên tay LG G3 nên tham khảo:
Cảm nhận cá nhân
Tinh Tế đã có nhiều bài trên tay như mình liệt kê ở trên, chính vì thế trong mục này mình sẽ nêu những cảm nhận cá nhân của mình trong quá trình sử dụng. LG G3 trước tiên cho bạn cảm giác cầm rất thoải mái nhờ thiết kế gọn gàng, khối lượng nhẹ. Một thiết kế rất riêng, cùng màn hình lớn mà viền lại nhỏ, làm cho bạn có cảm giác thoải mái khi sử dụng. Nhiều người lo lắng về việc viền mỏng sẽ gây ảnh hưởng tới cầm máy cũng như sử dụng, tuy nhiên mình lại không thấy bất cứ khó khăn gì cả. Ngược lại máy đẹp là thích rồi.

Nắp lưng tháo được của LG G3 giúp bạn thay pin, cũng như việc giấu khe sim và thẻ nhớ ra sau máy giúp cho khung sườn gọn gàng và liền lạc. Điểm mừng là tuy tháo nắp nhưng không có cảm giác ọp ẹp, rất chắc chắn. Nói về thẻ nhớ thì chiếc G3 của mình lại mắc một lỗi khá khó chịu: đó là trong quá trình sử dụng thì thỉnh thoảng máy lại báo thẻ nhớ bị tháo (trong khi nó ở trong nắp pin thì sao mà tháo), sau đó lại nhận lại. Mình dùng thẻ Sandisk Ultra 64GB, chưa có thời gian tìm hiểu kĩ xem nguyên nhân do đâu, cứ lưu ý ra đây.

Tinhte_g3-1.

Màn hình: mới nghe màn hình 2K thì bạn sẽ thích và nghĩ nó rất tuyệt đúng không? độ phân giải siêu siêu cao. Nhưng ứng dụng thực tế thì không mấy hấp dẫn, có thể nói việc đua lên màn hình 2K là bước đi quá vội vã của các hãng điện thoại. Màn hình 2K trên G3 ngoại trừ độ phân giải cao thì các yếu tố khác khá kém. Bạn có một màn hình màu sắc hơi tối màu, không tươi. Ngoài ra việc hiển thị chữ trên màn hình này có cứ cái viền bóng mờ xung quanh rất khó chịu. Bạn có thể khắc phục bằng cách thay font khác, nhưng ở trong game (như Clash of Clans) thì hiện tượng này vẫn rất rõ ràng và khó chịu. Ngoài ra màn hình 2K cũng là nguyên nhân khiến cho pin không được tốt. => nếu bạn thích G3 thì nên mua bản G3 A với màn hình Full HD.

Pin: Ở trên có nói về màn hình 2K làm pin không được tốt. Và yếu tố thời lượng pin cũng là một yếu tố gây khó chịu cho mình trong quá trình sử dụng. Pin của máy chỉ ở mức trung bình, như trong bài kiểm tra pin có nói: Đánh giá thời lượng pin LG G3: onscreen trên 4 tiếng. Nhiều khi phải dùng tiết kiệm chút để tối đi trễ chưa kịp về nhà thì có pin mà dùng.

Cuối cùng xin nói về tốc độ thực thi (với phiên bản 16GB ram 2GB chính hãng đang dùng): tốc độ thực thi của bản này hơi lag dù rằng nó được trang bị cấu hình khá mạng. Lag thể hiện ở việc máy hơi ì khi mở phần mềm, chuyển qua chuyển lại giữa các phần mềm. Lag còn thể hiện ở việc nhấn knock code để mở màn hình hơi bị delay một chút, nhiều khi nhấn 1 lần không ăn thì phải nhấn lại.

Tóm lại: Những vấn đề của LG G3 chính là nằm ở màn hình 2K. Mình vẫn sẽ mua LG G3 vì thiết kế, vì kích thước nhỏ gọn nhưng sẽ lựa chọn phiên bản LG G3 A với màn hình FullHD, khi đó những vẫn đề nêu trên sẽ không còn quá gây khó chịu nữa.

Một số điểm khác mà mình thích ở LG G3: Có hồng ngoại, remote điều khiển linh tinh. Camera hồng ngoại lấy nét nhanh. Mở khoá bằng knock code thực sự là một chức năng tuyệt vời. Khi điện thoại hay tin nhắn tới thì hiện kiểu popup rất đẹp và tiện.

Tinhte_g3-2.

Tổng hợp thủ thuật cần biết để tối ưu cho LG G3:
Giao diện LG G3 tuy đã phẳng, đã đơn giản và rõ hơn nhưng chúng ta vẫn có thể làm nó đẹp hơn: đổi 3 phím ảo nhỏ hơn, thay màu thanh status bar … Chính vì thế bạn nên root máy (bằng bài hướng dẫn ở trên). Nếu như sợ hỏng thì chỉ nên root thôi, đừng can thiệp quá sâu vào hệ thống, đừng đổi recovery hay vọc rom cook. Bản thân mình ủng hộ root máy, trong trường hợp LG làm quá căng mà không chấp nhận bh máy root thì nên suy nghĩ mua thương hiệu khác.

Màn hình độ phân giải cao nên bạn có thể chỉnh density xuống 560 (mặc định là 640), khi chỉnh như vậy thì các chi tiết sẽ nhỏ đi một chút, màn hình cảm giác rộng hơn, thoáng hơn. Tham khảo phần mềm sau để chỉnh density: LCDDensity.

Một số tuỳ chỉnh hay mà LG G3 có mặc định:
  • Chỉnh mức độ rung cho chuông báo điện thoại riêng, thông báo riêng, gõ phím riêng: vào settings -> sound -> vibrate strength
  • Nháy đèn flash khi có điện thoại, sms: vào settings -> Accessibility -> flash alerts
  • Trong bộ sưu tập bạn có thể khoá hình ảnh, bằng cách thiết lập mật khẩu: Settings -> General -> Security và chọn Content lock
  • Chế độ khách giúp cho bạn mượn máy mà không lo về nội dung cá nhân: Settings -> bật Guest mode