Tại sao chúng ta rất khó phát hiện lỗi chính tả trong văn bản của chính
mình?
Hãy tưởng tượng bạn vừa mới hoàn thành xong một văn bản hết sức quan trọng. Bạn đã dành rất nhiều công sức để trau chuốt từng câu chữ một cách tốt nhất để thể hiện đầy đủ suy nghĩ của mình. Sau đó, bạn đọc lại một lần nữa để tìm các lỗi chính tả, lỗi đánh máy và bạn chắc rằng không còn lỗi nào trong văn bản của mình nữa. Thế nhưng, khi bạn nộp văn bản cho người khác, điều đầu tiên họ nhận thấy không phải là những câu chữ đầy nhiệt huyết của bạn mà lại lạ những lỗi chính tả cơ bản. Tại sao vậy? Bạn đã đọc lại rất cẩn thận mà? Nếu đã từng có thắc mắc và gặp phải tình huống trên, các nhà khoa học đã có câu trả lời cho bạn.
Những lỗi chính tả đáng ghét. Chúng đã phá hủy những suy nghĩ tâm huyết của bạn thể hiện trong văn bản khiến bạn phải mất công sửa chữa và thậm chí là nhận những lời phê bình từ người đọc. Rõ ràng, khi ai đó viết một văn bản, họ luôn muốn toàn bộ từ nội dung đến hình thức đều được thể hiện hoàn hảo nhất và không hề muốn có sự xuất hiện của các lỗi, đặc biệt là lỗi chính tả. Một điểm đáng chú ý khác, những từ bị sai chính tả lại chính là những từ mà bạn biết rõ về nó nhưng lại không thể nào phát hiện ra trong lúc viết. Tại sao lại có sự kỳ lạ như vậy?
Tại sao chúng ta không thể phát hiện lỗi của chính mình?
Để lý giải vấn đề trên, tiến sĩ Tom Stafford đã có một công trình nghiên cứu về lỗi chính tả được công bố trên tạp chí tâm lý học lâm sàng, số ra quý mới đây. Stafford hiện đang là giảng viên tâm lý học và khoa học hành vi tại Đại học Sheffield, một trong các trường Đại học hàng đầu lớn nhất vương quốc Anh. Theo tiến sĩ Stafford: "Nguyên nhân lỗi chính tả có thể bị người viết bỏ qua không phải bởi vì họ ngớ ngẩn hoặc thiếu thận trọng, mà nguyên nhân là những gì mà họ thực hiện là rất thông minh. Khi bạn viết, bạn đang cố gắng truyền đạt ý nghĩa của vấn đề. Đây là một hành vi cao cấp của con người."
Nhưng đối với tất cả các nhiệm vụ cao cấp, não bộ của bạn sẽ tổng quát hóa nó theo hướng đơn giản hơn với các bộ phận cấu thành (như biến các chữ cái thành từ, gộp nhiều từ thành câu)để tập trung cho các nhiệm vụ khác phức tạp hơn (như cách kết hợp câu từ nhằm thể hiện những ý tưởng phức tạp).
Theo tiến sĩ Stafford: "Chúng ta không nắm bắt từng chi tiết một, chúng ta không phải là máy tính hoặc các cơ sở dữ liệu khổng lồ. Thay vào đó, chúng ta tiếp nhận thông tin bằng cảm giác và kết hợp nó với những gì chúng ta mong muốn và trích xuất ý nghĩa của chúng. Khi chúng ta đọc một văn bản của người khác, cơ chế trên sẽ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa nhanh hơn nhưng vẫn ít sử dụng nguồn lực từ não bộ. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc nội dung của chính chúng ta, chúng ta đã thừa biết ý nghĩa mà văn bản muốn truyền đạt. Do chúng ta luôn tin rằng ý nghĩa của bài viết đã tồn tại ở đó, từ đó, chúng ta rất dễ xao lãng những tiểu tiết khác. Nguyên nhân chúng ta không thể nhận thấy lỗi chính tả của chúng ta vì những gì chúng ta thấy trong văn bản đang "đấu tranh" với phiên bản đã tồn tại trong não của chúng ta."
Sai sót có thể là một tiểu tiết nhỏ như bị đảo các ký tự trong một từ như từ "quen" bị viết thành "qune" hoặc "cha" lại viết là "cah". Thậm chí những từ phức tạp có vai trò quan trọng để nêu bật ý nghĩa của bài viết cũng có thể mắc phải sai sót này.
Cách ứng xử bản năng của não khi đọc nội dung của mình và của người khác
Tổng quát hóa là một tiêu chuẩn của tất cả các chức năng cao cấp do não đảm nhận. Điều này tương tự như cách mà não bộ hình thành nên bản đồ của một địa điểm quen thuộc, tự biên soạn các cảnh quan, mùi vị và cảm giác khi đi trên một cung đường. Chính dạng bản đồ trí tuệ này đã giúp giảm tải cho bộ não của bạn để tập trung xử lý những thứ khác.
Tuy nhiên, đôi khi cơ chế này cũng có thể chống lại bạn. Điển hình như thay vì bạn đang lái xe đến công ty thì trong vô thức, bạn lại đi đến nhà của cô bạn gái, nơi mà bạn thường xuyên đến đón cô ấy đi chơi. Do đó, chúng ta có thể trở thành những người mù về chi tiết vì não đã tự hoạt động theo bản năng. Tương tự như vậy, khi bạn đọc lại đoạn văn bản của chính bạn, bộ não đã biết được đích đến cần thiết và có xu hướng vô thức bỏ qua những chi tiết nhỏ dọc quá trình.
Điều này cũng giải thích được tại sao những người đọc lại có nhiều khả năng phát hiện ra lỗi chính tả trong nội dung mà bạn viết. Ngay cả khi bạn đang sử dụng những từ ngữ và khái niệm hết sức quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng bộ não của họ vẫn còn mới mẻ trên "cuộc hành trình" tìm kiếm kiến thức ẩn chứa đằng sau những câu chữ vô hồn của bạn. Do đó, người đọc sẽ tự nhiên chú ý nhiều hơn đến các chi tiết trong quá trình đọc và não họ vẫn chưa dự đoán được điểm đến cuối cùng cho tới khi họ đọc hoàn tất nội dung.
Não cũng có cơ chế giúp hạn chế gõ sai, nhưng...?
Nhưng ngay cả khi đó là những sai sót thường mắc phải và khá phổ biến, một số người vẫn khá khó khăn để khắc phục dù biết trước chắc chắn sẽ phát sinh sai sót. Theo nghiên cứu được công bố bởi Microsoft thì phím backspace trên bàn phím chính là phím đứng thứ 3 trong số những phím được dùng nhiều nhất trên bàn phím. Trên thực tế, những người đánh máy chuyên nghiệp, với khả năng gõ không cần nhìn xuống bàn phím, đã thừa nhận họ biết rằng đã xảy ra sai sót ngay cả khi nội dung chưa hiện lên màn hình. Lý giải cho trường hợp này, các nhà nghiên cứu cho rằng não bộ đã được sử dụng để chuyển suy nghĩ thành các ký tự và nó sẽ cảnh báo người gõ phím nếu họ mắc phải các sai lầm dù là nhỏ nhất như gõ sai phím hoặc đảo lộn vị trí các ký tự.
Trong một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay, tiến sĩ Stafford cùng các đồng nghiệp đã thực hiện các thử nghiệm, theo dõi các nội dung bài viết trên màn hình máy tính lẫn thao tác gõ bàn phím của những người chuyên đánh máy nhằm xác định tỷ lệ sai sót. Kết quả cho thấy, tốc độ gõ phím của những chuyên gia đánh máy trên sẽ bị giảm ngay trước khoảng khắc họ viết sai chính tả.
Thực chất, những người gõ phím thường xuyên đã dần hình thành nên một bản đồ của bàn phím bên trong tiềm thức của họ. Khi họ gõ, não bộ của họ sẽ liên tục chuẩn bị cho các thao tác tiếp theo một cách hoàn toàn bản năng. Theo tiến sĩ Stafford: "Tuy nhiên, có một độ trễ giữa tín hiệu yêu cầu gõ phím phát ra từ não và thao tác gõ phím thực tế bằng tay. Trong khoảng khắc đó, não của bạn có thời gian để phân tích tín hiệu truyền từ ngón tay bằng cách giả định ra cảm giác của việc gõ phím chính xác. Khi cảm nhận có sai sót phát sinh, não sẽ gởi một tín hiệu đến các ngón tay khiến nó chậm lại để cho nó có thời gian điều chỉnh."
Làm cách nào để phát hiện ra sai sót trong văn bản của chúng ta?
Tất cả những chuyên gia gõ phím đều biết rằng, việc bấm phím xảy ra quá nhanh để có thể chuyển hướng ngón tay nhằm khắc phục sai lầm. Tuy nhiên, tiến sĩ Stafford cho biết rằng điều này phát xuất từ cùng một cơ chế thần kinh nhằm giúp tổ tiên của loài người thực hiện các điều chỉnh nhỏ để tăng độ chính xác khi phóng ra các mũi giáo.
Thật không may là dạng phản hồi mang tính bản năng nói trên không tồn tại trong quá trình chỉnh sửa nội dung bài viết mà chỉ xảy ra trong lúc đang viết. Khi bạn đọc lại một văn bản đã hoàn tất, bạn đang cố đánh lừa não bạn rằng văn bản đó là hoàn toàn xa lạ đối với bạn. Do đó, tiến sĩ Stafford đề nghị rằng nếu bạn muốn dễ dàng phát hiện ra các lỗi chính tả của chính mình, hãy cố gắng tìm cách để văn bản đó không còn quen thuộc đối với bạn nữa. Một số mẹo có thể áp dụng như đổi màu phông nền hoặc hiệu quả hơn là in nó ra và đọc để kiểm tra hoặc làm bất cứ điều gì để văn bản đó trở nên "mới" hơn đối với não."
Hy vọng rằng qua bài viết, các bạn có thể hiểu hơn về cơ chế vận hành của não bộ. Từ đó có thê phần nào lý giải được nguyên nhân của hiện tượng nêu ra ở đầu bài. Hy vọng rằng qua việc nắm bắt được cơ chế của hành vi mang tính bản năng trên cộng với một số mẹo từ tiến sĩ Stafford, các bạn sẽ có được những bài viết hoàn hảo hơn và hạn chế các lỗi chính tả không mong muốn. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Chúc vui vẻ!