Năm 2009, Dell giới thiệu dòng Alienware M15x, một phiên bản 15 inch của M17x. Tuy nhiên nhãn hiệu này chỉ tồn tại 2 năm và chính thức bị ngưng phát triển từ 2010. Khoảng giữa năm 2011, Dell tung ra M14x nhằm thay thế M15x với thiết kế thon gọn, nhỏ nhắn hơn, sử dụng màn hình 14" thay vì 15". Tuy nhiên, M14x tồn tại một nhược điểm là không có khả năng nâng cấp phần cứng bên trong, vì cả CPU lẫn GPU đều được hàn chết lên bo mạch chủ. Qua 3 năm, tháng 8 vừa rồi thì Dell cũng đã nâng cấp M14x lên đời thứ 3 - Alienware M14x R3 và đổi tên máy thành Alienware 14, thay đổi từ cấu hình bên trong với CPU Intel Haswell, GPU nVIDIA GeForce 700M series lẫn thiết kế bên ngoài, chúng ta sẽ cùng điểm qua những nét đổi mới của chiếc máy trong bài viết dưới đây.
Với những người thích dòng laptop chơi game, đặc biệt là Alienware (AW) thì những chiếc máy mang tên "Người ngoài hành tinh" của Dell là một thứ gì đó rất hấp dẫn, nhiều ma lực. Thật vậy, mỗi dòng máy AW có những nét rất riêng và được định vị rõ ràng tới những đối tượng người dùng cụ thể, ví dụ M11x với màn hình 11 inch nhỏ gọn dành cho những ai thích một chiếc máy mạnh mẽ nhưng di động đúng nghĩa; M14x ra đời để thay thế cho M15x, nhỏ gọn hơn khá nhiều so với đàn anh tuy nhiên cũng đã bị loại bỏ khả năng nâng cấp phần cứng bên trong; M17x mạnh mẽ, khả năng nâng cấp phần cứng tốt, dễ dàng; M18x đồ sộ, to và nặng, khả năng nâng cấp tuyệt vời, một chiếc máy tính để bàn di động đúng nghĩa.
Logo "người ngoài hành tinh" rất ấn tượng của Alienware
AW 14 được thiết kế thay đổi rất nhiều so với người anh em R2 ra mắt năm 2012. Nếu như R2 được làm giống M17x R3 (đời 2011), thì chiếc AW 14 chính là phiên bản thu nhỏ của
Alienware 17 (đời 2013). Máy được làm bo góc nhiều hơn, tạo cảm giác thon và nhẹ hơn, AW 14 nặng 2,8kg so với 3kg của đời M14x R2. Một điểm đặc biệt nữa là từ đời 2013 trở đi thì trackpad của Alienware đã được trang bị đèn nền đổi màu được, từ đó máy có nhiều khu vực đổi màu đèn LED hơn, nổi bật hơn.
Về chất liệu, Dell vẫn sử dụng khung kim loại cho máy, vỏ ngoài được phủ một lớp nhựa và plastic mềm, tạo cảm giác hơi nham nhám. Đèn LED được bố trí trên máy nhiều hơn, lên tới 10 khu vực đổi màu được, từ bàn phím cho đến logo Alienware, nút nguồn, viền xung quanh và mặt trước, rất ấn tượng. Trackpad trên AW 14 vẫn là loại truyền thống với bàn rê chuột, 2 nút chuột trái/phải riêng biệt, điểm khác biệt là bàn rê có thêm đèn nền, có thể đổi cùng tông màu với dàn đèn của máy.
Bàn phím của AW 14 cho cảm giác gõ phím tuyệt vời, độ nảy các phím rất mềm mại và uyển chuyển, tốc độ đáp ứng nhanh, nói chung là số 1 trong những máy tính xách tay chạy Windows.
Điểm khiến nhiều bạn sẽ thích Alienware 14 hơn là giờ đây, Dell đã trang bị cho máy 2 khe gắn ổ cứng, với tùy chọn mặc định thì chúng ta có 1 HDD 750GB, còn dư một khe trống giúp chúng ta có thể gắn thêm 1 HDD để bổ sung dung lượng lưu trữ, hoặc gắn SSD để tăng tốc độ của máy. Nếu tính thêm khe mSATA thì trên AW 14 có tổng cộng 3 vị trí để gắn HDD và SSD.
Dell cho biết họ sử dụng loại màn hình chống chói mới với panel IPS trên Alienware 14, cho chất lượng hiển thị và góc nhìn tốt hơn. Kèm theo đó, máy cũng được nâng lên tùy chọn màn hình độ phân giải Full HD 1920 x 1080, cho không gian làm việc rộng rãi và chất lượng hiển thị tốt hơn. Trước đây mình luôn đánh giá cao màn hình của dòng máy Alienware, vì vậy AW 14 cũng không làm mình phải thất vọng. Góc nhìn rất tốt, ít bị đổi màu và độ sáng khi nhìn nghiêng trái, phải, kèm theo đó màu sắc khá trung thực và dịu mắt.
Loa ngoài của Alienware 14 mặc dù được thiết kế bởi Klipsch nhưng chỉ có chất lượng trung bình, tuy âm lượng lớn nhưng độ chi tiết không cao, thiên về treble và bị xè khi mở lớn hơn 75%.
2 loa của máy nằm bên dưới, kế bản lề màn hình
- Nhiệt độ và thời lượng pin
Sau khoảng 1 giờ sử dụng máy để chạy benchmark, sau đó để máy nghỉ idle 5 phút thì nhiệt độ đo được của CPU trung bình là 56 độ C. Khi stress máy 10 phút với phần mềm, nhiệt độ tăng cao khá rõ, lúc này CPU lên tới trên 75 độ C, quạt làm mát cũng quay mạnh và có thể nghe rõ tiếng gió. Tương tự với GPU, nhiệt độ khi stress có thể lên tới 61 độ C.
Thời lượng pin không phải là điểm mạnh của những laptop chơi game nói chung và Alienware nói riêng. Với pin 69Wh thì thời gian dùng pin của máy chỉ được khoảng 3 giờ mà thôi, còn khi chơi game chúng ta bắt buộc phải cắm sạc điện thì GPU rời mới chạy hết công suất.
- Vài kết quả benchmark với Alienware 14
Alienware 14 có 3 tùy chọn cấu hình cơ bản, với giá bán khởi điểm là 1199$, 1299$ và 1949$. Cả 3 đều sử dụng CPU Intel Core i7 Haswell, chip đồ họa rời nVIDIA GeForce (GT 750M và GTX 765M), RAM tối đa 16GB và ổ cứng 750GB. Giá bán cụ thể và tùy chọn cấu hình có thể tham khảo ở trang web của Dell ở đây.
Cám ơn laptopvip đã cho mượn Alienware 14 cho bài viết này.