Tàu tự hành Bridget của ESA vừa hoàn thành thử nghiệm 6 "ngày trên sao
Hỏa" tại sa mạc Atacama
Tàu tự hành thăm dò bề mặt lấy mẫu vật (Sample Acquisition Field Experiment with a Rover - SAFER) của cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) mới đây đã hoàn tất bài thử nghiệm 6 "ngày trên sao Hỏa" tại sa mạc Atacama của Chile. Với biệt danh Bridget, đây là một nguyên mẫu tàu thăm dò ExoMars và là một phần của chương trình nâng cao kinh nghiệm chế tạo và vận hành tàu thăm dò trước sứ mạng thám hiểu sao Hỏa mà ESA đặt ra năm 2018.
Bridget được chế tạo bởi công ty Astrium, tại Stevenage, VQ Anh và được thiết kế dành riêng cho sứ mạng ExoMars. Nó được trang bị 3 công cụ thử nghiệm để khám phá sa mạc Atacama - nơi khô cằn nhất, hầu như không có sự sống trên Trái Đất và khá tương đồng với điều kiện môi trường trên sao Hỏa.
Gói công cụ bao gồm 1 camera chụp ảnh góc rộng, 1 thiết bị ảnh hóa cận cảnh, và 1 radar xuyên đất. Phiên bản hoàn chỉnh sẽ tích hợp một mũi khoan máy để thu thập mẫu vật - thứ Bridget vẫn còn thiếu. Vì vậy, trước mắt một đội ngũ hỗ trợ sẽ thực hiện công tác lấy mẫu vật bằng cuốc và xẻng (hình trên). Việc thu thập mẫu vật sẽ phục vụ cho công tác nghiên cứu và hoạt động thăm dò của radar mặt đất trên Bridget.
Bridget được điều khiển từ một trung tâm điều khiển từ xa (RCC) tại cơ sở các ứng dụng phóng vệ tinh (SAC), Harwell, Anh Quốc - nơi các nhà khoa học và kỹ sư theo dõi hoạt động của tàu qua một bức tường màn hình cực lớn (hình trên). Màn hình sẽ hiển thị dữ liệu gởi về từ tàu kết hợp với bản đồ 3D do máy bay không người lái ghi lại trên cao để mô phỏng hình ảnh từ một vệ tinh thăm dò. Ý tưởng ở đây là nhằm tạo ra các điều kiện tương tự khi RCC kiểm soát tàu trong sứ mạng sao Hỏa thật sự. Để tăng tính thực tế, đội ngũ hỗ trợ sẽ dùng chổi xóa vết bánh xe của tàu để RCC không thể sử dụng chúng làm dấu vết định hướng.
Michel van Winnendael, chịu trách nhiệm giám sát thử nghiệm cho ESA cho biết: "Mục đích của SAFER là thiết lập một trải nghiệm thật sự trong quá trình thử nghiệm tàu thăm dò mặt đất, vì vậy bộ phận kiểm soát sứ mạng phải làm việc càng thật càng tốt. Họ phải thiết lập những điểm quan sát tốt cho các khí cụ và đường đi an toàn để tàu định hướng. Các kế hoạch, lịch trình sẽ được gởi đến đội ngũ hỗ trợ tại hiện trường và họ sẽ chuyển tiếp đến tàu đồng thời cố gắng thực hiện các công việc thật kín đáo để RCC không thể nhận ra."
Theo ESA, việc sử dụng sa mạc Atacama mang lại yếu tố thực tế cao khi tàu tự hành phải đương đầu với những cơn gió mạnh, bão bụi, và đất đá. Thêm vào đó, địa chất tại đây cho thấy sự tương quan với những gì nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ tìm thấy trên hành tinh đỏ. "Tại vị trí đào thứ 2, nhóm hỗ trợ tại chỗ đã phát hiện ra một lớp đá có độ dày từ 60 cm. Đặc điểm này khá gần với những gì nhóm đang tìm kiếm: sự tương đồng về địa chất trên sao Hỏa - thứ có thể nắm giữ dấu vết của sự sống trong quá khứ hoặc hiện tại."