Chuyện cái camera của LG G3
Camera của điện thoại LG G3 thực sự được rất nhiều người chờ đợi từ khi nó được giới thiệu. Trong đó, có cả sự chờ đợi một sự vượt trội thực tế về công nghệ và chất lượng ảnh. Bản thân mình cũng vậy! Khi được biết LG sử dụng công nghệ "hỗ trợ lấy nét laser" cho G3 cùng với một số nâng cấp khác trên chiếc camera có cảm biến ảnh 1/3" độ phân giải ảnh 13 Mpx, độ mở ống kính f/2.4, IOS giảm rung quang học, mình có cùng sự chờ đợi ấy. Có những thứ làm cho chúng ta hứng thú và có những thứ khác làm cho chúng ta ngán ngẩm, và sự khác nhau ấy là cơ sở tạo thành cái đẹp và cái xấu... Thực hư thế nào, mời các bạn xem ảnh chụp thực tế.
Ảnh nguyên bản: Album ảnh chụp bằng LG G3
Nếu một chuyến đi chơi toàn nắng, người ta bảo thời tiết ủng hộ; nếu toàn mưa, người ta bảo thời tiết không ủng hộ. Thời tiết tự thân nó chẳng ủng hộ ai và chống đối ai. Nhưng, đúng là thời tiết nắng mưa quyết định đến cái xấu cái đẹp của bức ảnh. Trong môi trường ánh sáng yếu, ảnh G3 được xử lý nhiễu rất mạnh nên ít nhiễu hạt, và chấp nhận màu sắc chi tiết suy giảm rất nhiều.
Lên Tây nguyên thì chụp hình vườn trà với cả cà phê. Nếu hỏi màu chủ lực của G3 thể hiện mạnh mẽ nhất và tốt nhất thì đó là màu xanh lục. G3 làm cho màu xanh nó tươi sáng hơn, mà nhìn trên màn hình của nó và cả máy tính đều thấy vừa mắt. Chỉ trong một số ảnh cận cảnh, G3 cho ảnh hơi thiên tông lạnh, xanh.
Nói về công nghệ lấy nét laser. G3 được gắn mắt laser cạnh camera, tia laser được phóng đến vật thể cần lấy nét và được phản hồi lại thông tin khoảng cách từ vật thể đó đến camera để hỗ trợ camera canh nét, kiểu như máy ảnh DSLR có con mắt laser sẽ nhận ra vật thể cần chụp rất nhanh và hiệu quả trong môi trường ánh sáng yếu. Thực tế G3 có phần lấy nét nhanh nhẹn hơn, dễ thấy nhất trong ảnh cận cảnh.
Hai tấm ảnh sau cho thấy lấy nét khá chính xác và độ chuyển hậu cảnh mềm mại thế nào.
Hoạt động của con mắt người và máy ảnh có những dị biệt. Chúng ta nhìn vạn vật cuộc sống theo cái chúng ta cho là màu sắc tự nhiên, còn máy ảnh ghi nhận hình ảnh theo những sơ đồ ba màu cố định (RGB: đỏ, xanh lơ, xanh lục) hoặc đơn sắc (trắng, đen). Những bức ảnh chỉ có thể tương cận với cảm giác màu sắc của con người chứ không bao giờ là bản sao y chang cả. Hơn nữa, đôi mắt liên tục chuyển động để ghi nhận một tầm nhìn rộng. Nhưng mỗi thời điểm nhất định, mắt người chỉ thấy một phần tầm nhìn, trong tích tắc. Hình ảnh của máy ảnh lại được tạo ra tức thì, kể cả bóng tối, khi mắt người nhìn mà không thấy. Đời thường là chủ đề ảnh luôn thú vị, nơi đó 3 màu cố định của cái camera sẽ thể hiện rõ nhất khả năng của nó. LG G3 cân bằng khá hài hoà màu sắc ở nhiều hoàn cảnh.
Màu da.
Cái mà mình luôn quan tâm và coi đây là giới hạn rõ nhất của Camera-phone, đó là dải màu luôn rất mỏng manh, chỉ một chút chênh sáng là mất chi tiết vùng sáng hoặc vùng tối tuỳ điểm đo sáng. Rất ít, có nhưng ít, camera-phone hiện có trên thị trường hạn chế điểm yếu này rõ rệt. LG vẫn cần cải thiện chất lượng cảm biến ảnh, thuật toán xử lý ảnh đúng mức cho sản phẩm sau G3 về điểm này. Với cá nhân mình, đây là điểm quan trọng bậc nhất để tạo "cảm hứng cho việc tìm kiếm cái đẹp" bằng việc chụp ảnh.
LG G3 cũng thuộc dòng camera-phone có định hướng phục vụ cho đối tượng sử dụng tối giản. Không có giao diện công cụ tuỳ chỉnh hay hiệu ứng phức tạp. Người dùng chỉ chọn vài điều cơ bản nhất là chọn kiểu chụp tự động, pano... rồi chỉ việc đưa máy canh khung và bấm nút chụp mà thôi! Rất đơn giản.
Nhưng, khi gặp tình huống ánh sáng hoặc chủ đề khó một chút, G3 sẽ gặp khó khăn. Không có giao diện tuỳ chỉnh các thông số cơ bản để can thiệp lượng sáng đi vào ống kính theo ý, người chụp không thể có ảnh ưng ý. Mình thử chụp thác nước, dĩ nhiên là chụp chế độ tự động, và tấm tiếp theo kẹp thêm phụ kiện ND. Các bạn xem kết quả:
Đường vào thác
Chụp thác
Lấy nét rất tốt, thực tế là mù mịt hơi nước. Tấm này zoom.
Tấm này thể hiện điểm yếu cố hữu của phone: dải màu rất mỏng khi chênh sáng.
Gắn ND Filter
Khi gắn ND, nhìn chung chung thì dòng thác nước mịn đi, nhưng hệ thống camera G3 có thể đã không chịu nổi thời gian lộ sáng lâu, màu và chi tiết không còn. GL G3 không phù hợp thể loại này.
Ánh sáng vàng, chủ đề hấp dẫn của nhiếp ảnh. Ánh sáng đẹp, nhưng không phải dễ có ảnh đẹp. Hầu như cầm máy nào, mình cũng thử chụp ánh sáng này cả. Mình vẫn thường đo sáng vào gần mặt trời, để giữ chi tiết vùng trời mây, chấp nhận tiền cảnh tối đen. Có những ảnh của một số máy đã từng cho mình nhiều cảm xúc khi thể hiện màu của thể loại ánh sáng vàng bình minh này. G3 cho ảnh vừa đủ xài, không thực sự ấn tượng nhiều trong chủ đề này.
Phong cảnh muôn màu. Nhìn chung màu sắc hài hoà, cứ thấy đẹp là giơ lên chụp, phù hợp cho sự giản tiện, nhanh gọn và ảnh lưu niệm đủ xài.
Về nguyên tắc, mọi camera chỉ đơn thuần là một chiếc hộp kín, không lọt sáng, một đầu có khe hở cho ánh sáng đi vào và ở đầu kia có một bộ phận để chứa film hoặc tấm vi mạch cảm quang (cảm biến ảnh). Nó tạo ra hình ảnh bằng cách tích tụ những tia sáng được phản xạ từ cảnh vật lên bề mặt vi mạch cảm quang. Chất lượng ảnh sẽ phụ thuộc:
- Ống kính để thu sáng,
- Hệ thống canh nét tính chính xác khoảng cách từ máy đến vật thể,
- Màn trập để tính thời điểm mở ra đóng lại cho ánh sáng vào, khẩu độ ống kính,
- Chất lượng cảm biến ảnh.
- Thuật toán xử lý
Như vậy, tất cả các món ấy đều phải tốt thì ảnh sẽ tốt. LG G3 thật sự có cấu hình phần cứng khá mạnh, có hệ thống hỗ trợ canh nét nhanh công nghệ laser... và những bức ảnh thực tế cho thấy con đường đạt đến "cái đẹp" bằng camera-phone cũng còn rất nhiều điều cần cải thiện, ít là đang bàn về phần thiết bị.