[Nghiên cứu] Vì sao tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh Alzheimer thường cao hơn nam
giới
Những nghiên cứu gần đây về bệnh Alzheimer đã chỉ ra rằng tỉ lệ mắc bệnh này ở phụ nữ thường cao hơn nam giới, đây là một chứng bệnh liên quan tới thoái hóa thần kinh, dẫn tới các chứng mất trí nhớ. Nhiều năm trước, các nhà khoa học cho rằng trái tim của phụ nữ và trái tim của nam giới có tần suất làm việc như nhau trong suốt đời người, tuy nhiên, khi tiến hành nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực tim mạch ở phái nữ, các ý kiến này dần dần bị thay đổi, dẫn theo nhiều kết quả khả quan hơn trong nghiên cứu và chữa bệnh về tim mạch, tương tự đó là về bệnh Alzheimer.
Ở Mỹ hiện có khoảng 5 triệu người được chẩn đoán là đang mắc bệnh Alzheimer, trong đó có tới 2/3 là phụ nữ. Một trong những yếu tố liên quan lớn nhất tới việc mắc bệnh đó là tuổi tác (tuổi càng cao thì càng có nhiều nguy cơ bị Alzheimer hơn), vì vậy các nhà khoa học đã tiến hành đo sự chênh lệch của độ tuổi giữa nam giới và nữ giới. Theo đó, tuổi thọ trung bình (ở Mỹ) của phụ nữ là 81, còn nam giới là 76. "Sau khi bao gồm luôn yếu tố tuổi tác, phụ nữ có nhiều nguy cơ (mắc Alzheimer) hơn", đó là nhận định của tiến sĩ Richard Lipton, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nêu trên của ĐH Y Khoa Albert Einstein ở New York.
Người ta dự kiến tới năm 2050, số lượng ca mắc Alzheimer ở Mỹ sẽ tăng lên gấp 3 so với hiện nay (khoảng 15 triệu ca), do đó nhiều nhà khoa học đang kêu gọi tập trung nguồn lực cho việc nghiên cứu vì sao phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn, đồng thời tìm ra liệu pháp chữa trị căn bệnh này.
Theo TS Richard Lipton, ở độ tuổi từ 70 - 79 thì phụ nữ có nguy cơ mắc Alzheimer hoặc các chứng liên quan tới mất trí nhớ cao gấp 2 lần nam giới. Khi qua tuổi 80 tới cuối đời, tỉ lệ giữa nam và nữ được cho là như nhau.
Não bình thường (bên trái) và não bị Alzheimer
Sự khác biệt trong nguy cơ bị mắc bệnh tim mạch có thể lý giải một phần nguyên nhân về sự chênh lệch kể trên. Ở tuổi sau 70, nam giới có nguy cơ bị mắc và tử vong vì bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc tiểu đường cao hơn phụ nữ, những bệnh này xuất hiện trước khi họ phát bệnh Alzheimer. Nếu không bị bệnh tim, tức là lúc này hệ tim mạch và huyết áp của nam giới đủ mạnh mẽ để giúp họ sống khỏe, mà một trái tim khỏe kéo theo việc sức khỏe ổn định hơn, ngăn ngừa sự mất trí nhớ.
Có một số giả thuyết khác, chẳng hạn như giáo dục và nghề nghiệp cũng giúp lý giải nguyên nhân kể trên. Người ta cho rằng những người có trình độ giáo dục cao hơn cũng có ít nguy cơ bị mắc Alzheimer hơn, và dĩ nhiên là ở thế kỉ trước, tỉ lệ nam giới học cao nhiều hơn phụ nữ rất đáng kể. Một nguyên nhân nữa cũng được xem xét đó là chứng trầm cảm và stress cũng ảnh hưởng trực tiếp tới Alzheimer, vì rõ ràng phụ nữ là đối tượng dễ bị trầm cảm hơn nam giới.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Báo Tâm Thần Học nước Anh hồi năm ngoái, phụ nữ có nguy cơ bị trầm cảm nhiều hơn nam giới tới 70% trong cuộc đời họ, và đây được xem là mối liên hệ dẫn tới việc sinh ra chứng mất trí nhớ khi về già.
Ngoài ra, người ta cũng thống kê được rằng có khoảng 20% dân số trên Thế giới mang trong người gen APOe4, một loại gen giúp sản sinh protein trong gan để chuyển hóa cholesterol và acid béo trong cơ thể. Tỉ lệ giữa nam giới và nữ giới có gen này trong người là như nhau. Tuy nhiên, nếu một người nào đó có 2 gen APOe4 trong cơ thể thì họ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn người không có tới 10 lần.
Tiếp theo đó, một nghiên cứu gần đây của tiến sĩ Michael Greicius ở ĐH Y khoa Stanford cũng chỉ ra rằng nếu phụ nữ mà mang gen APOe4 trong cơ thể thì họ có nguy cơ bị Alzheimer cao gấp 2 lần so với người phụ nữ không có gen này. Trong khi đó, có ít bằng chứng cho rằng nam giới có gen APOe4 sẽ có nguy cơ bị Alzheimer cao hơn người không có gen này.
"Chúng tôi đã thấy ra rằng phụ nữ có gen APOe4 sẽ có tỉ lệ mắc Alzheimer cao hơn người không có gen này ở cùng độ tuổi", giáo sư Walter A. Rocca ở bệnh viện Mayo cho biết. Hiện chưa rõ vì sao, nhưng có thể gen APOe4 liên quan trực tiếp với estrogen (một loại hóc-môn nữ), vốn là một trong những tác nhân gây ra Alzheimer.
*Estrogen là một loại hóc-môn sinh dục nữ, được sản xuất ở buồng trứng của nữ giới, đóng vai trò quan trọng trong việc chi phối giới tính của nữ giới cũng như thúc đẩy đời sống tình dục và sinh sản. Estrogen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi chất ở não. Chính vì lý do này mà nữ giáo sư Roberta Diaz Brinton ở ĐH Nam California đã thuyết phục nghiên cứu sự liên hệ giữa estrogen và bệnh Alzheimer ở phụ nữ. Bà gọi estrogen là "Queen of Darwin".
Brinton đưa ra giả thuyết là ở tuổi mãn kinh, estrogen ở người phụ nữ giảm mạnh, gây ra các hiệu ứng dây chuyền. Lúc này, cơ thể phụ nữ thiếu khả năng đốt cháy glucose để sản sinh năng lượng cho cơ thể, khi thiếu năng lượng, cơ thể bắt buộc não bộ phải sử dụng các nguồn năng lượng dự trữ khác. Nguồn năng lượng dữ trữ giúp hệ thần kinh vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng bộ não phải trả một cái giá đắt hơn nhiều lần. Điều này không gây thiệt hại tới tế bào não, nhưng nó tương tự như nguyên nhân gây bệnh tiểu đường Type 2, sinh ra nguy cơ gây bệnh Alzheimer ở nữ giới.
"Điều này cũng giống như đốt lốp xe cao su để lấy lửa thay vì sử dụng propane (CH3CH2CH3), chúng ta có nhiệt lượng nhưng đồng thời cũng sản sinh ra nhiều thứ độc hại khác từ việc đốt lốp cao su."
Tóm lại, estrogen đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học khi nghiên cứu về bệnh Alzheimer ở phụ nữ. Người ta cũng thấy rằng tỉ lệ mắc Alzheimer ở phụ nữ sẽ cao hơn đối với những ai từng phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Một nghiên cứu hồi năm 2012 cho rằng việc trị liệu estrogen ở tuổi mãn kinh của phụ nữ có thể sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Trong 5 năm đầu ở thời kì mãn kinh, nếu phụ nữ được trị liệu về hóc-môn estrogen có thể sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, nếu chỉ bắt đầu trị liệu từ năm thứ 6 trở đi thì nguy cơ mắc Alzheimer không hề giảm.
Từ việc sử dụng các mô phỏng phức tạp trên máy tính, các nhà khoa học đang tìm hiểu xem sự khác biệt theo giới tính của việc mắc bệnh Alzheimer. Ở những phụ nữ bị Alzheimer, các tế bào có ít khả năng sao chép và sản sinh protein hơn, đặc biệt là ở sự trao đổi chất của cơ thể.
"Phụ nữ và nam giới có môi trường hóc-môn khác nhau, và sự khác nhau đó có thể là một nguyên nhân để nghiên cứu sự chênh lệnh về tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer." tiến sĩ Quackenbush nhận định.