Hiển thị các bài đăng có nhãn 4K. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn 4K. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Làm thế nào Apple có thể xây dựng được một dịch vụ truyền hình/sản phẩm TV thế hệ kế tiếp?

[IMG]
Ảnh minh họa

Năm 2010, Steve Jobs tham gia diễn đàn đối thoại D: All Things Digital Conference. Một câu hỏi từ khán giả được gửi lên cho vị CEO đương thời của Apple: "Ông có nghĩ đã đến lúc cần phải bỏ đi giao diện cũ của TV?". Jobs trả lời một cách tự tin bằng một câu hỏi nhiều phần. "Vấn đề với sự cách tân trong ngành công nghiệp TV đó là cách tiếp cận thị trường. Ngành công nghiệp này cơ bản là một kiểu kinh doanh có trợ cấp vì nó cung cấp cho mọi người một chiếc set-top box với giá 10$ mỗi tháng hoặc miễn phí, và điều này khiến cho cơ hội cách tân bị hạn chế, bởi chẳng ai sẵn sàng bỏ tiền ra một set-top box cả. Hãy hỏi thử mọi người xem có ai thật sự thành công khi bán set-top box chưa. Nhiều người đã thử, và tất cả họ đều thất bại".

Cách giải quyết tối ưu, theo Jobs, là "quay trở lại chiếc hộp set-top box, tháo tung nó ra và thiết kế lại từ đầu với một giao diện người dùng đồng nhất". Tuy nhiên, ở tình hình hiện tại, Jobs không nghĩ điều đó có thể xảy ra. Ông tiết lộ thêm rằng Apple thực chất đã nghĩ đến việc làm ra một chiếc TV, tuy nhiên iPhone và iPad đã thắng cuộc và giành được sự tập trung của công ty đơn giản bởi vì chúng dễ bán hơn. "TV sẽ tiếp tục thua đến khi nào có một chiến lược tiếp cận thị trường khả thi. Vấn đề không phải là ở công nghệ, không phải ở tầm nhìn. Cơ bản là vấn đề về tiếp cận thị trường".

Người đặt câu hỏi cho Jobs chưa hài lòng. Anh tiếp tục hỏi rằng liệu Apple có thể làm việc với những công ty cung cấp truyền hình cáp tương tự như cách mà hãng làm việc với nhà mạng di động hay không?

Và một lần nữa, Jobs lại sẵn sàng. "Trong một nước không chỉ có một nhà cung cấp cáp truyền hình mà có hàng tá. Và ở đó không có sẵn một thứ tương tự như chuẩn GSM để bạn có thể làm ra một chiếc điện thoại cho Mỹ nhưng vẫn dùng được trên toàn cầu". Ông dừng lại một chút để chọn từ phù hợp nhằm mô tả tình hình hiện tại, và ông chọn chữ "balkanized", tức là thị trường đang bị chia thành nhiều nhóm nhỏ có liên quan đến nhau. Đó chính là lý do mà chiếc Apple TV chỉ dừng lại ở mức độ "sở thích". "Tôi dám chắc là những người thông minh hơn chúng tôi cũng đoán ra được chuyện này".

Cơ hội và thách thức với dịch vụ TV của Apple

Bây giờ đã hơn ba năm trôi qua và Apple vẫn chưa đưa ra bất kì một chiếc TV nào, cũng chẳng có dịch vụ TV nào xuất hiện, ngay cả khi các nhà phân tích liên tục đưa ra dự báo rằng sản phẩm này sẽ xuất hiện vào tháng này quý kia của năm nào đó. Nhưng tình hình bây giờ đã dễ dàng hơn hồi đó rồi, những vấn đề mà Jobs nêu ra cũng đã có hướng giải quyết. Bây giờ chỉ còn trông chờ tài tương thượng của Apple để biến nó trở thành hiện thực.

Jobs đã nói rằng chả ai chịu mua set-top box cả, tất nhiên là không rồi. Tại sao người ta phải mua khi có thể nhận một cái hộp miễn phí từ nhà cung cấp dịch vụ truyền hình? Hiện nay có cả một thế hệ đang dần lớn lên, ra trường, đi làm, và họ vẫn chưa kí hợp đồng với nhà cung cấp cáp. Họ cũng chưa bao giờ có một set-top box miễn phí nào đó riêng mình (gọi là thế hệ "cord never"). Thế nhưng những người này họ bỏ tiền ra mua PlayStation 3, Xbox 360, Apple TV, Google TV,... Chính vì thế mà họ đã tạo ra một thị trường có nhiều tiềm năng. Hiện nay người ta cũng đã dần quen với việc có nhiều chiếc hộp nằm dưới TV và thường thì một trong số những hộp đó được kết nối với Internet. Xu hướng này bắt đầu tạo nên một làn sóng đối với thị trường TV, theo như lời mô tả của CEO Jeff Bewkes đến từ hãng nội dung Time Warner, và những người thuộc diện cord never này chính là mối đe dọa tiềm tàng đối với các công ty cáp.

Jobs cũng đã nói rằng không có một chuẩn như GSM dành cho TV. Có nhiều nhà cung cấp cáp hoạt động độc lập với nhau và họ dùng bộ tiêu chuẩn của mình, do đó những thiết bị không thể nói chuyện với nhau, không thể trao đổi dữ liệu cho nhau, và tệ hơn nữa là sản phẩm sẽ không thể tiến ra được thị trường toàn cầu. Giải pháp cho vấn đề này chính là Internet. Mặc dù hiện nay những nhà cung cấp cáp truyền hình đã có mạng TV của riêng mình, nhưng song song đó họ cũng đã truy cập những cổng thông tin để người dùng có thể truy cập vào mạng này bằng Internet. Tất cả những gì Apple cần làm là xây dựng một dịch vụ TV thông qua Internet có thể liên kết với những cổng thông tin nói trên, và biến nó thành một chuẩn chung.

Thật ra thì mọi chuyện không chỉ đơn giản như thế. Người ta còn phải lo lắng tới vấn đề băng thông đường truyền, tốc độ phải đủ nhanh để phim có thể chiếu mượt như truyền hình cáp. Tuy nhiên, cơ hội để thoát khỏi vòng vây của biện pháp truyền hình cáp truyền thống vẫn đang rộng mở. Một số hãng nhỏ đã có khả năng mở những dịch vụ TV Internet thì Apple cũng có thể làm được như vậy.

Tiếp tục, Jobs cũng từng nói rằng chúng ta không thể mổ xẻ set-top box ra để xây dựng nó lại từ đầu và thiết kế nên một giao diện người dùng thống nhất. Ở khía cạnh này thì có hai thứ phải giải quyết: vấn đề kĩ thuật và vấn đề kinh doanh. Trong quá khứ, việc thiết kế ra một chiếc hộp vừa có thể kết nối cáp, vừa có thể dùng hệ thống ăng-ten thu sóng, vừa có khả năng truy cập Internet không phải là một chuyện dễ dàng. Ngay cả Smart TV, vốn là những chiếc TV có đủ ba kết nối nói trên, cũng chẳng hề rẻ ở thời điểm ba năm về trước. Thực chất thì hiện nay cũng chưa có công ty nào thu được thành công trên diện rộng khi đưa ra một sản phẩm như trên.

[IMG]

Một lần nữa, Internet sẽ là cứu cánh. Vấn đề này sẽ càng mờ nhạt đi khi ngày càng có nhiều TV được kết nối Internet. Trong vòng ba năm trở lại đây, sau khi Steve Jobs đưa ra câu trả lời của mình, nhà nhiều cung cấp dịch vụ TV đã cung cấp app cho phép người dùng xem nội dung ngay trên chiếc iPad và điện thoại của mình. Toàn ngành công nghiệp cũng đang dốc tiền bạc, công sức để chuyển đổi những giải pháp bảo mật và mã hóa từ phần cứng sang phần mềm. Sau này, chiếc set-top box trong nhà bạn có thể nhanh chóng trở thành một "ứng dụng", câu hỏi ở đây chỉ là app đó sẽ chạy ở đâu và nó trông ra sao.

Những khó khăn trong việc thương lượng nội dung

Về vấn đề kinh doanh, có hai giải pháp cơ bản: làm việc trực tiếp với những nhà cung cấp cáp truyền hình để thảo luận về nội dung, hoặc đi thẳng đến các nhà cung cấp nội dung.

GIẢI PHÁP 1: LÀM VIỆC VỚI NHÀ CUNG CẤP CÁP

Điểm mấu chốt của giải pháp này đó là phải làm sao cho ra đời một giao diện thống nhất xuyên suốt nhiều chức năng khác nhau. Chính vì thế, Apple có thể sẽ phải thuyết phục những hãng cáp hãy cung cấp nội dung, còn phần thiết kế giao diện thì để Apple làm, và chuyện này không dễ chút nào. Vì sao? Màn hình hướng dẫn, màn hình chờ của những chiếc set-top box từ các hãng cáp là nơi hiển thị quảng cáo, là nơi trình diễn các show truyền hình mới. Họ sẽ không dễ dàng từ bỏ doanh thu của mình chỉ để Apple tạo ra một giao diện đẹp đẽ hơn.

Và ngay cả khi Apple được phép tùy biến giao diện theo cách của mình, hãng cũng sẽ đòi hỏi một phần của doanh thu mà hãng cáp thu được, có lẽ là 30% như truyền thống kinh doanh của hãng chẳng hạn. Nếu là bạn, hiện giờ bạn đang hưởng 100% doanh thu, giờ phải cắt bớt đi 30% chỉ để có một giao diện đẹp hơn thì bạn có làm hay không?

À, mà phải nhấn mạnh lại rằng tất cả những việc trên đều nhằm mục đích tích hợp những chương trình cáp truyền thống vào một giao diện mới. Nếu Apple muốn sáng tạo và cung cấp dịch vụ tùy chọn kênh truyền hình, điều chỉnh giá,... thì hãng sẽ phải làm việc với cả nền công nghiệp truyền hình của Mỹ, chưa tính đến các nước khác. Thực chất thì Google đã giải quyết được chuyền này, dịch vụ Google Fiber của hãng có gói Fiber + TV đi kèm với nhau, tuy nhiên chưa phải hãng cáp nào cũng chấp nhận làm việc với Google. Trong thời gian gần đây chúng ta thường được nghe nói Apple (và cả Intel, Google, cũng có tin đồn về Microsoft nữa) đã tổ chức những cuộc thảo luận với các nhà mạng nhưng mãi vẫn không thành công, thì những điều trên chính là lý do.

GIẢI PHÁP 2: LÀM VIỆC VỚI CÁC NHÀ CUNG CẤP NỘI DUNG

Nhìn bề nổi thì đây có lẽ là một lựa chọn hấp dẫn, bởi vì Apple sẽ chẳng phải làm việc với những nhà cung cấp cáp, cũng không phải làm gì nhiều với chính quyền. Apple có thể làm việc trực tiếp với HBO, NBC và những nhà sản xuất/cung cấp khác để lấy nội dung. Sau đó Apple có thể thoải mái tính phí bao nhiêu tùy ý. Các công ty cung cấp nội dung cũng được hưởng lợi ích.

Tuy nhiên giải pháp này cũng có những thách thức của nó. Apple khi đó sẽ tự biến mình trở thành một công ty cung cấp cáp. Và thay vì chỉ cần duy trì mối quan hệ với một số hãng cáp, Apple sẽ phải làm việc vối hàng trăm nhà cung cấp nội dung, vốn đã không có thiện cảm với những dịch vụ của Apple như iTunes Store (vì chúng làm họ bị giảm doanh thu bán hàng). Một lần nữa, chúng ta có thể lấy Google Fiber làm ví dụ: Google bị buộc phải triển khai dịch vụ của mình mà không có sự góp mặt của các kênh truyền hình lớn như CNN, ESPN. Nếu Apple chọn giải pháp này, hãng sẽ phải chấp nhận rằng sản phẩm của công ty sẽ không có đủ những kênh truyền hình mà người dùng thường yêu thích.

Ngoài ra, nếu Apple làm việc riêng, không đụng đến hệ thống cáp, băng thông Internet của người dùng cũng sẽ phải tăng lên cao, đi kèm theo chi phí cao. Có thể người ta sẽ bỏ dịch vụ cáp truyền thống để chuyển sang xài dịch vụ của Apple, nhưng người ta sẽ phải trả thêm phí để có được đường truyền Internet đủ mạnh, đủ nhanh và đủ ổn định.

appletv_graphics_box1

Không có lựa chọn nào hoàn hảo trong số hai giải pháp trên, ngoài ra vẫn còn nhiều nước đi sai lầm mà Apple có thể mắc phải nhưng không được liệt kê ở đây. Có thể Apple sẽ chọn con đường thứ 1, đó là làm việc với những nhà đài, những người có hứng thú trong việc duy trì quan hệ tốt với khách hàng. Họ cũng có thể làm dịu bớt những quan ngại về mặt băng thông nếu như họ kết hợp với Apple để ra mắt dịch vụ TV Internet. Thế nhưng việc kêu gọi mọi người cùng ngồi vào bàn để đàm phán sẽ cần một người nào đó rất cá tính, như Jobs chẳng hạn. Jobs đã từng thuyết phục được những ông lớn trong ngành âm nhạc tham gia vào iTunes Music Store, thuyết phục được AT&T triển khai chiếc iPhone đầu tiên, những việc phải nó là rất khó.

Nhưng chuyện đàm phán với những hãng cáp khó hơn nữa, bởi nếu iTunes Music Store hay iPhone bị thất bại thì không ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh của các hãng tham gia, nói cách khác thì rủi ro chỉ ở mức trung bình. Còn nếu họ thành công thì có nhiều người sẽ tiếp tục nối gót: nhiều hãng âm nhạc đã gia nhập iTunes Music Store, ngày càng nhiều nhà mạng phân phối iPhone. Trong khi đó, chuyện "khởi động lại" toàn bộ ngành công nghiệp TV lại là chuyện khác. Nó mang rủi ro cao và chỉ xứng đáng nếu như nó có thể thay đổi toàn bộ ngành trong thời gian cực ngắn. Thương vụ này không dễ, và Tim Cook sẽ phải làm việc nhiều để nó trở thành hiện thực.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là cơ hội không có nếu Apple hoặc một hãng nào đó muốn bước chân vào. Mối quan hệ giữa các hãng cung cấp cáp và các hãng nội dung đang trên bờ vực bởi họ vẫn không chịu thỏa hiệp với nhau, ai cũng muốn lợi ích cao nhất. Đó là nơi mà Apple có thể nhảy vào và cung cấp một phương thức mới, một phương thức có khả năng thay đổi khái niệm về truyền hình trên TV, đồng thời đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Và tất nhiên là Apple cũng chẳng thể ngồi im được. Google, Microsoft, Intel, thậm chí là Intel cũng đang có những nước đi của riêng mình. Chẳng hãng nào để cho Apple có cơ hội đánh bật cả ngành công nghiệp như những gì hãng từng làm với iPhone, iPad.

Phần cứng TV thì sao?

appletv_graphics_tv1

Đó là về dịch vụ và nội dung, còn bây giờ chúng ta hãy nói một chút về chiếc phần cứng "iTV" của Apple. Cách đây ít hôm chúng ta có tin đồn rằng Apple đang làm việc với LG Display để cung cấp tấm nền 4K kích thước 55" và 65" dành cho chiếc TV của hãng. Hai kích thước này có thể xem là hợp lý trong hầu hết những phòng khách gia đình, không quá to và quá đắt tiền như những mẫu 84" 4K hiện đang có trên thị trường. Về việc Apple quyết định sẽ tiến thẳng lên 4K, độ phân giải của tương lai, chứ không thèm sử dụng Full-HD. Đây là quyết định hợp lý bởi vì Apple có xu hướng đón đầu về mặt độ phân giải, giống như những gì hãng từng làm với iPad Retina, MacBook Pro Retina. Tất nhiên là giá sẽ không rẻ đến mức 500$, 600$ nếu như Apple có ra mắt chiếc TV của mình, nhưng tầm giá sẽ tương xứng với những gì nó mang lại.

Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin của họ nói rằng Apple đang thử nghiệm một sản phẩm TV. Bài viết của WSJ cho biết công việc của Apple và các đối tác phần cứng vẫn đang ở trong giai đoạn đầu, và một nguồn tin nói rằng "đây vẫn chưa phải là một dự án chính thức". Trang tin cũng tỏ ra thận trọng khi nhận định rằng Apple "có thể quyết định chấm dứt theo đuổi dự án phát triển một sản phẩm như vậy". Trong trường hợp Tim Cook và đồng sự thật sự quan tâm đến một chiếc TV, Foxconn chắc chắn là lựa chọn đầu tiên khi nói đến công tác sản xuất. Công ty mẹ của Foxconn là Hon Hai đang sở hữu một phần lớn cổ phiếu tại Sharp, bao gồm cả nhà máy sản xuất rất hiện đại của hãng tại thành phố Sakai, phía Tây Nhật Bản. Theo WSJ, nhà máy này phù hợp để sản xuất các mẫu TV kích thước trên 60", và bản thân Sharp đã sử dụng nhà máy này để sản xuất các sản phẩm TV cho Vizio trong năm nay.

Thông tin của WSJ xuất hiện không lâu sau khi giám đốc điều hành của Apple tiết lộ về sự quan tâm của hãng về một sản phẩm TV. Tim liên tục nhắc lại rằng "Apple đang rất thích thú về một dự án phát triển TV, và sản phẩm này đã bị bỏ quên quá lâu". Dĩ nhiên, với năng lực của Apple thì phát triển một phần cứng TV cao cấp và sang trọng là điều hoàn toàn có thể. Vấn đề nằm ở phần mềm và nội dung - hãng sẽ làm thế nào để có thể đem lại cho người dùng một trải nghiệm xem TV mới lạ, khác với những sản phẩm hiện có trên thị trường.

Còn theo Jessica Lessin, một cựu phóng viên của tờ Wall Street Journal, Apple có thể sẽ tích hợp một công nghệ cho phép người dùng dịch vụ truyền hình của hãng bỏ qua các đoạn quảng cáo (ad-skipping). Lessin nói Apple đã đàm phán nhiều lần với các công ty cung cấp nội dung về vấn đề trên trong hơn một năm nhưng mãi gần đây những cuộc thảo luận mới có các bước tiến triển quan trọng. Vị cựu phóng viên tiết lộ thêm rằng công nghệ ad-skipping sẽ chỉ có mặt trong phiên bản "cao cấp" của gói dịch vụ và người dùng sẽ phải trả tiền cho Apple, sau đó hãng tiếp tục dùng khoản tiền đó để đền bù doanh thu cho các công ty cáp vì những lượt xem đã bị bỏ qua. Và để phục vụ cho kĩ thuật bỏ quảng cáo này, Apple trước đó đã đăng kí bản quyền về việc phát một đoạn video đè lên đoạn quảng cáo. Chưa rõ hãng sẽ tích hợp công nghệ này vào chiếc TV/set-top box của mình như thế nào.

Lại một lần nữa, Apple cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, hãng phải cách tân theo một cách nào đó để có thể thu hút người dùng mua chiếc TV của mình nếu nó có thật. Hiện nay nhiều nhà đã có TV, tình hình này khác với lúc iPad, iPhone mới ra đời. Chiếc TV của Apple thật sự phải có sức quyến rũ mạnh mẽ thì mới đảm bảo được nguồn lợi cho công ty. Hãng phải làm thế nào kết hợp một cách hoàn hảo những tính năng đặc biệt của chiếc TV với những nét riêng mà dịch vụ của hãng mang lại. Nếu chỉ đơn thuần là một chiếc TV kết nối Internet thì hiện nay cả tá Smart TV đã làm rồi, người dùng cũng có rất nhiều lựa chọn từ nhiều hãng như LG, Samsung, Sony, Sharp,...

Thứ hai, vấn đề giá bán. Chiếc TV 4K hiện nay không hề rẻ, thường thì một mẫu 4K 55" sẽ có giá trên 3000$. Đó không phải là số tiền mà ai cũng sẵn sàng bỏ ra để sắm một chiếc TV, nhất là ở các thị trường đang phát triển. TV không phải là iPad, MacBook Pro Retina, những thứ mà một hàng người ta có thể xài hàng chục lần. Nó có thể cũng không phục vụ tốt công việc như những thiết bị di động kể trên. Lợi ích của nó nghiêng nhiều về mặt giải trí và sẽ rất khó để thuyết phục khách hàng bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu chiếc TV cao cấp như thế. Còn nếu hãng tìm được giải pháp hoặc chọn đúng thời điểm ra mắt để chi phí hợp lý thì quá tuyệt vời.

Thứ ba là vấn đề thương hiệu. Apple từ trước đến nay chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường TV, hãng chỉ làm một chiếc set-top box nhỏ xinh mà thôi. Đồng ý rằng Apple đã nổi tiếng về những thiết bị điện tử khác, nhưng khi đem Apple, Sony, Samsung, LG, Vizio và những hãng TV khác lên bàn cân thì trọng lượng của Apple vẫn còn ít. Hãng sẽ phải đi qua một con đường khá chông gai để có thể thuyết phục khách hàng rằng thương hiệu Apple ở mảng TV cũng tốt như những thiết bị khác. Và tất nhiên là con đường này cũng có rất nhiều kẻ địch đứng đợi, chẳng ai lại để cho một kẻ mới tham gia thị trường giành được lợi thế cả.

Thời gian và sức mạnh của Internet đang dần giải quyết những vấn đề của truyền hình TV truyền thống. Câu hỏi bây giờ chỉ là khi nào và làm thế nào Apple có thể bắt đầu mong muốn của mình.


Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Đã có thể đặt mua đầu phát video 4K của Sony, giá 699 USD - dịch vụ phim 4K có vào mùa Thu

[IMG]

Hồi tháng 4 vừa qua Sonygiới thiệu một đầu phát video 4K có tên 4K Ultra HD Media Player (FMP-X1) giá 699,99 USD và tới hôm nay bạn đã có thể đặt mua chiếc hộp tròn màu đen này trên website của hãng. Đầu phát 4K Ultra HD chỉ tương thích với các TV 4K của Sony, sử dụng ổ cứng 2TB và khi bán ra sẽ được chép sẵn 10 bộ phim 4K với các tựa phim nổi tiếng như Battle: Los Angeles, The Karate Kid (2010), The Amazing Spider-Man, Total Recall (2012)... Ngoài ra, sau này khach hàng cũng có thể mua thêm nhiều nội dung 4K khác bao gồm phim ảnh hay phim truyền hình thông qua dịch vụ Video Unlimited 4K sẽ được ra mắt vào mùa Thu với giá thuê (tải về) các bộ phim chất lượng 4K trong vòng 24 tiếng là 7,99$/phim hoặc mua luôn với giá 29,99$.

Dự kiến sản phẩm sẽ có mặt thêm ở nhiều cửa hàng bán lẻ khác vào ngày 15/07. Bên cạnh đó nếu bạn đã từng mua những TV 4K trong dòng X900A của Sony thì sẽ được giảm giá 200 USD khi mua đầu phát này. Danh sách 10 phim độ phân giải 4K Ultra HD mà Sony tải sẵn cho FMP-X1 bao gồm: Bad Teacher, Battle: Los Angeles, The Bridge on the River Kwai, Salt, The Karate Kid (2010), Taxi Driver, That's My Boy, The Amazing Spider-Man, The Other Guys và Total Recall (2012).

Thông số cơ bản của 4K Ultra HD Media Player:
  • Ổ cứng: HDD dung lượng 2TB
  • Màu sắc: Đen
  • TV được hỗ trợ: TV 4K của Sony
  • Kích thước: 250 x 54 x 250 mm
  • Trọng lượng: 2,2 kg
  • Cổng kết nối: Ethernet, HDMI Audio Out, HDMI Video Out, khe cắm thẻ nhớ SD, USB 2.0, USB 3.0

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Lộ diện nhiều thông tin về camera và phần mềm của Xperia i1 Honami

Xperia_Honami_i1_Sony_500px

Trong những ngày gần đây tin tức về chiếc Xperia i1 Honami liên tục xuất hiện, đầu tiên là ảnh thực tế, sau đó đến ảnh báo chí, và bây giờ là thông tin về camera và phần mềm. Theo một bản system dump (tập hợp các file trích xuất từ ROM/firmware) của Honami, máy chạy chip Snapdragon 800 và có khả năng chụp ảnh ở độ phân giải 20 megapixel (5248 x 3936) và có thuật toán "Super Resolution". Nhờ con chip mạnh và cảm biến độ phân giải cao mà Honami có thể quay phim 4K (4000 x 2000) ở tỉ lệ khung ảnh 2:1, hơi khác một chút so với kích thước 3840 x 2160 của chuẩn Ultra-HD. Máy ảnh trên Honami còn có ISO tối đa lên đến 12.800, rất cao so với camera của smartphone và chế độ chụp chống rung Steadyshot.

Bên cạnh đó, Sony cũng đã tạo ra một hàm API mang tên "Xperia camera add-ons" để thêm vào các thêm tính năng mới cho phần mềm chụp ảnh trên máy và nhiều khả năng chúng ta có thể cài thêm các tính năng bổ sung từ Google Play. Ngay bên dưới là loạt icon lấy từ system dump của Honami đại diện cho các tính năng/chế độ/app liên quan đến camera, từ trái sang phải là Bokeh, Info-eye, Manual (chỉnh tay), Socialcast, Timeshift và Effect.

Sony_Honami_System_Dump_camera_phan_mem_21

Trong số đó, tính năng chụp Timeshift sẽ cho phép người dùng chụp nhiều tấm ảnh cùng lúc, sau đó chọn ra bức ảnh hài lòng nhất (có vẻ giống với Timeshift của BlackBerry 10). Info-eye là một phần mềm mới, đây được cho là app tìm kiếm dựa trên công nghệ nhận dạng hình ảnh của hãng kooaba. Nhiều khả năng Info-eye sẽ có chức năng hiển thị thông tin về địa điểm và các đối tượng xung quanh người dùng chỉ bằng cách quét camera, gần giống như HERE City Lens của Nokia. Chế độ Manual mà bạn thấy ở trên nhiều khả năng sẽ cho phép người dùng chỉnh tay các thông số chụp. Có khả năng chúng ta có thể tinh chỉnh khẩu độ, tốc độ theo ý muốn, một tính năng không thường thấy trên smartphone.

Về phần Effect, có thể đây là app tăng cường thực tế ảo cho phép chụp nhiều tấm ảnh vui vẻ, ghép giữa người thật với các hình ảnh vui nhộn và lạ mắt. Bên dưới là ba ảnh có liên quan đến phần mềm này.



Một số cải tiến khác về phần mềm:
  • Music Unlimited đã được tích hợp vào app Walkman
  • Honami sẽ có launcher, dock ứng dụng, trình Walkman mới
  • Các app đồng hồ, album, đổi đơn vị, danh bạ, cấu hình, lịch được làm mới giao diện
  • Small Apps phiên bản mới cho phép đặt nhiều app lên màn hình cùng lúc
Hình ảnh về giao diện của Honami


Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Toshiba sẽ bán TV 4K kích thước 84", 65" và 58" vào tháng 8, giá từ 4.999 USD

65l9300ufrntstrt800

Chiếc TV 84" độ phân giải 4KToshiba trình diễn đầu năm nay tại triển lãm CES 2013 sẽ được bán ra vào tháng 8 này tại Mỹ cùng với hai mẫu khác nhỏ hơn là 58" và 65", với giá từ 4.999 - 16.999 USD. Cả ba chiếc đều thuộc dòng TV L9300U mới nhất của Toshiba, được trang bị bộ xử lý CEVO 4K Quad+Dual, kết nối Wi-Fi tích hợp, Miracast, WiDi và hỗ trợ đầy đủ tính năng Cloud TV giúp kết nối không dây với các thiết bị điện tử khác qua Internet để chia sẻ nội dung.

Giá của 3 mẫu TV 58, 65 và 84" này lần lượt là 4.999, 6.999 và 16.999 USD. Cả ba đều được trang bị nhiều công nghệ tăng cường chất lượng hình ảnh như công nghệ ClearScan cho tần số quét 240Hz giúp hình ảnh mượt và rõ hơn trong các cảnh quay tốc độ cao, công nghệ khử nhiễu tăng độ nét mà không thay đổi chất lượng ảnh UltraClear Dynamic Noise Reduction và nhiều công nghệ linh tinh khác như Edge Enhancer, Dynamic Gamma, Color Master...

Tính năng Cloud TV bao gồm nhiều ứng dụng nhỏ như Lịch gia đình dùng để chia sẻ lịch hoạt động giữa các thành viên với nhau, ứng dụng nhắn tin, xem tin tức, MediaShare dùng để xem nội dung trên các thiết bị DLNA khác... Ngoài ra TV mới cũng được trang bị sẵn kết nối Wi-Fi không dây, Miracast và WiDi.




Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Seiki ra mắt TV 39" độ phân giải 4K với giá chỉ 699$

seiki-39-inch

Hồi tháng 4 vừa qua hãng điện tử Seiki của Mỹ đã giới thiệu một chiếc TV 4K 50" với giá 1430$, và hôm nay họ tiếp tục giới thiệu thêm một chiếc TV 4K 39" nữa với giá chỉ 699$. Mang số hiệu SE39UY04, thiết bị này sử dụng màn hình đèn nền LED với độ phân giải 3840 x 2160 và tần số làm tươi 30Hz, còn nếu xem ở độ phân giải 1920 x 1080 thì tần số này tăng lên 120Hz. Máy có bộ thu tín hiệu truyền hình kĩ thuật số tích hợp, cổng USB, HDMI 1.4 và nhiều kết nối thông dụng khác. Hiện những chiếc TV 4K của các hãng khác rất đắt tiền, nằm trong khoảng 4.000$ đến 11.000$ tùy mẫu, do đó mức giá 699$ của Seiki đưa ra có thể xem là rất rẻ cho một màn hình 4K thương mại. Nhà sản xuất cho biết họ bắt đầu nhận đặt hàng SE39UY04 tại Mỹ từ ngày mai và TV sẽ được giao vào những ngày cuối tháng. Seiki tiết lộ thêm rằng một model 4K 65" cũng sẽ ra mắt trong mùa thu năm nay.

Chưa rõ vì sao Seiki lại có thể giảm giá thành sản phẩm của mình xuống mức chỉ ngang, thậm chí là thấp hơn một vài mẫu TV Full-HD cao cấp hiện nay. Có lẽ chúng ta sẽ phải đánh đổi một thứ gì đó, như chất lượng hình ảnh chẳng hạn, nhưng điều đó thì không thể khẳng định chắc chắn được. Hi vọng các TV 4K sẽ giảm giá nhanh để sớm đến được với nhiều người tiêu dùng hơn.


Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

JVC ra mắt JY-HMQ30, máy quay 4K sử dụng ngàm ống kính Nikon F-Mount, lấy nét tay, giá 18.000 USD

JVC_ JY-HMQ30_4K_Nikon_F_Mount

JVC Kenwood mới đây đã ra mắt JY-HMQ30, chiếc máy quay chuyên nghiệp sử dụng ngàm ống kính F-mount của Nikon với khả năng ghi video độ phân giải 4K. Thiết bị này chỉ có khả năng lấy nét tay ngay cả khi ống AF/AF-S được gắn vào, còn khẩu độ thì có thể điều chỉnh ngay trên thân máy để tương thích với những lens đời mới không có vòng xoay khẩu. Máy có khả năng quay video 4K với bitrate 144Mbps theo chuẩn AVC/H.264 ở tốc độ 60fps. Dữ liệu sẽ được ghi vào 4 thẻ SD, mỗi thẻ chứa một phần tư của toàn đoạn video. Ngoài ra, JY-HMQ30 còn hỗ trợ quay phim Full-HD 1080p với tốc độ 60fps và bitrate 28Mbps vào một thẻ duy nhất. Cách hoạt động của nó giống với GY-HMQ10, chiếc máy quay phim 4K được JVC ra mắt năm ngoái nhưng sử dụng ống kính gắn liền.

Máy được bán kèm một một trình quản lí giúp người dùng chuyển video sang định dạng Apple ProRes422 để xuất hình ảnh 4K@60fps. JVC cũng thêm vào JY-HMQ30 tính năng quay phim 4K time-lapse, chế độ hỗ trợ lấy nét, đầu vào micro stereo XLR. Thiết bị sở hữu 4 cổng HDMI và có màn hình cảm ứng. Khi người dùng chạm vào một vùng video ở trên màn hình này, một phần hình ảnh tương đương với độ phân giải 1920 x 1080 sẽ được xuất ra màn hình ngoài. Máy đã bắt đầu cho đặt hàng ở Nhật với giá 1,7 triệu yên, tương đương 18.000 USD.

Cấu hình cơ bản của JVC JY-HMQ30:
  • Cảm biến: CMOS 8,29 triệu pixel hiệu dụng
  • Ngàm ống kính: Nikon F-Mount
  • Bộ xử lí hình ảnh: FALCONBRID (Falcon hybrid)
  • Video: độ phân giải tối đa 4K (3840 × 2160), tốc độ 60p/50p/24p, bitrate tối đa 144Mbps
  • Âm thanh: 16bit/48kHz, bitrate 384kbps, định dạng AAC
  • Định dạng: MPEG-4 AVC/H.264
  • Thẻ nhớ: SDHC hoặc SDXC, với bốn thẻ 32GB có thể ghi được khoảng 2 giờ phim
  • Màn hình: LCD kích thước 3,5", hỗ trợ cảm ứng
  • Viewfinder LCoS
  • Kích thước: 139 × 287 × 198mm
  • Trọng lượng: 1.9kg, đã tính luôn pin
jy-hmq30_image1
Cách lưu dữ liệu 4K của máy quay JVC JY-HMQ30
gy-hmq10_lenz_image

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

[QC] Muôn mặt đời thường qua ảnh 4K

Dưới khung hình của những bức ảnh 4K, mọi góc ngách của đời thường được hiện ra vô cùng dung dị. Khi quán vắng, ông lão bán nước đăm chiêu, lặng lẽ gắm cuộc sống dần trôi. Tựa cửa trước hiên nhà, cô gái vùng cao nở nụ cười xòa đủ khiến không gian tỏa nắng, rồi những giây phút thư thái nhất của các nhà sư, giọt mồ hôi dưới cái nắng đến trong vắt trời của miền muối mặn, hay muôn mặt nhọc nhằn mưu sinh của người dân khu phố cổ Hà Nội... Những bức ảnh tham dự cuộc thi ảnh chất lượng cao Ultra HD – Thật như cuộc sống không đơn thuần chỉ là các tác phẩm dự thi mà là mỗi câu chuyện nhỏ, mỗi lời sẻ chia, mỗi nhắn nhủ đầy yêu thương của tác giả dành cho các nhân vật của mình.

Thật như cuôc sống được LG Việt Nam phát động vào trung tuần tháng 5. Đây là cuộc thi ảnh chất lượng Ultra HD (chất lượng 4K) đầu tiên tại Việt Nam và được xem là một hoạt động văn hóa thú vị dành cho giới đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Chỉ sau 1 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được gần 3000 tác phẩm dự thi của các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên đến từ khắp các tỉnh thành. Có những bức ảnh chuẩn xác về kỹ thuật và tinh tế đến từng chi tiết. Cũng không ít các tác phẩm mới chỉ “thử sức” với công nghệ 4K. Nhưng tất cả đều cho thấy tâm huyết của người chụp dành trọn cho bức ảnh. Ban tổ chức cũng đánh giá cao các tác phẩm toát lên sự chân thật, sống động, thể hiện những góc nhìn dung dị về cuộc sống xung quanh cũng như thể hiện tình yêu và cảm xúc của con người trong bức ảnh.

Điều khác biệt của Thật như cuộc sống với các cuộc thi ảnh khác là các bức ảnh dự thi được chụp theo tiêu chuẩn Ultra HD. Theo đó, tác phẩm ảnh dự thi phải có độ phân giải 3840x2160, gấp 4 lần độ phân giải Full HD thông thường. 100 bức ảnh xuất sắc nhất tham gia Thật như cuộc sống sẽ được trưng bày tại Triển lãm ảnh chất lượng Ultra HD lần đầu tiên ở VN. Điểm đặc biệt là các tác phẩm ảnh sẽ được trình chiếu trên những chiếc TV Ultra HD 84 inch – 84LM9600 của LG để người xem có thể chiêm ngưỡng với chất lượng hình ảnh hoàn hảo nhất.

Chủ nhân của bức ảnh đoạt Giải Nhất sẽ có cơ hội sở hữu chiếc TV 55LA6200 của LG với trị giá lên tới 45,900,000đ. Ngoài 3 giải cao nhất còn có hàng loạt các giải phụ khác dành cho các tác phẩm dự thi và người tham gia bình chọn. Tổng giá trị giải thưởng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Cuộc thi sẽ nhận ảnh đến hết ngày 16/6/2013

Một số tác phẩm tham gia cuộc thi

Ultra HD_That nhu cuoc song 1
Mưu sinh, Trung Mamiya
Ultra HD_That nhu cuoc song 2
Lao động, Nguyễn Huỳnh Mai
Ultra HD_That nhu cuoc song 3
Cảm xúc từ những cái Bóng, Jet Huynh
Ultra HD_That nhu cuoc song 4
Bóng đá của nhà sư, Nguyễn Xuân Hữu Tâm
Ultra HD_That nhu cuoc song 5
Hà nội giản dị, Jimmy Khanh
LG_Ultra HD_That nhu cuoc song 6
Nụ cười, TranDuyTinh
LG_Ultra HD_That nhu cuoc song 7
Vị mặn đời muối, Đức Viên
LG_Ultra HD_That nhu cuoc song 8
Cá nướng, Hiên Nguyễn
LG_Ultra HD_That nhu cuoc song 9

Cuộc sống tươi đẹp, Dư Ngô Đình

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Mac Pro 2013: nhỏ hơn 8 lần, mạnh hơn 2,5 lần và sản xuất ở Mỹ

Mac_Pro_2013

“Đôi khi để có một bước tiến lớn, bạn phải đi theo một hướng hoàn toàn mới” – đó là câu nói xuất hiện trên trang giới thiệu Mac Pro mới của Apple. Mac Pro là chiếc máy dành cho người dùng chuyên nghiệp, những nhà dựng phim, những nhà thiết kế đòi hỏi cấu hình mạnh mẽ nhất và Apple đã tặng cho họ một món quà thật tuyệt. Mac Pro 2013 thay đổi hoàn toàn so với bản cũ, không còn là dạng hộp khối lớn mà nó có hình trụ, nhỏ hơn 8 lần so với bản 2012 nhưng lại mạnh mẽ hơn 2,5 lần. Giá của chiếc máy sản xuất tại Mỹ này vẫn chưa được tiết lộ.

Về sức mạnh phần cứng, Mac Pro mới cũng có những nâng cấp rất đáng giá. Máy sẽ được trang bị chip Intel Xeon E5 thế hệ mới, tối đa 12 nhân xử lý, bộ nhớ DDR3 EEC 4 kênh 1866 MHz, bộ nhớ EEC nhanh nhất mà Apple từng sử dụng. Thay vì dùng 1 GPU, tất cả các máy Mac Pro 2013 đều có sẵn 2 GPU AMD FirePro và ổ lưu trữ thể rắn giao tiếp PCIe. Với 2 GPU này, năng lực xử lý của máy vào khoảng 7 teraflops, cao hơn 2,5 lần so với mức 2,7 teraflops trước đó.

Về kết nối, Mac Pro mới là chiếc máy đầu tiên có cổng Thunderbolt 2 cho tốc độ truyền tải lên tới 20 Gb/s, nhanh hơn 25 lần so với FireWire 800 và có thể kết nối với 3 chiếc màn hình 4K. Ngoài ra, Mac Pro còn có 4 cổng USB 3, Gigabit Ethernet, HDMI, audio… Các khu vực phía sau của Mac Pro sẽ có đèn chiếu để người dùng dễ dàng định vị các cổng cắm. Các kết nối không dây sẽ là WiFi 802.11ac và Bluetooth 4.0.

Mac Pro mới cao khoảng 25cm và có đường kính khoảng 16cm, nó có thể được đặt trên bày làm việc mà không khiến cho mọi thứ trở nên xấu đi. Như vậy, chúng ta có thể thấy Mac Pro 2013 đã hy sinh khả năng mở rộng linh hoạt của đời cũ, chuyển tất cả sang mở rộng bên ngoài (nhờ USB 3.0 và Thunderbolt) để có thể giữ được một kích thước nhẹ nhàng. Mac Pro được thiết kế và lắp ráp ở Mỹ và sẽ được bán ra vào cuối năm nay.

Mac_Pro_2013_14

Thiết kế hoàn toàn mới của Mac Pro, không còn giống một chiếc thùng máy tính (case) như bao chiếc khác nữa. Cao 25cm và đường kính 16cm tức là kích thước rất là nhỏ so với kích thước của những chiếc thùng máy hiện nay cũng như so với thùng Mac Pro cũ. Tính về thể tích thì nó chỉ bằng 1/8 so với chiếc Mac Pro cũ... xin nhắc lại với các bạn là nó rất nhỏ. Chúng ta có một chiếc hộp hình trụ đen tròn với chiều cao khoảng bẳng chiếc iPad 4 và đường kính thì nhỏ hơn chút. Tức là ý tưởng về việc mua một chiếc Mac Pro và xách đi làm hàng ngày như Macbook có thể thực hiện được.

Mac_Pro_2013_05
Mac_Pro_2013_08

Khi mở hộp ra thì chúng ta sẽ thấy 2 chiếc GPU AMD FirePro. Đây là hai chiếc card đồ hoạ cho các máy làm việc chuyên nghiệp. Sức mạnh của 2 chiếc này cùng với bộ nhớ có thể lên đến 6GB cho phép chúng ta có thể xử lý video 4K trong lúc render video 4K khác. Ngoài ra nó còn có thể xuất cùng lúc 3 màn hình 4K khác nhau.

Mac_Pro_2013_09
Mac_Pro_2013_06
Apple cũng loại hẳn ổ HDD ra khỏi Mac Pro mới này. Thay vào đó là ổ SSD chuyên nghiệp với giao tiếp PCIe với băng thông lên đến 40GB/s. Nếu anh em lo lắng về lưu trữ thì có thể yên tâm vì trên Mac Pro mới có đến 6 cổng Thunderbolt 2 và chúng ta có thể gắn rất nhiều ổ gắn ngoài tốc độ siêu cao. Ví dụ như ổ Promise Pegasus R6 mà Tinh Tế từng trên tay tại đây.

Mac_Pro_2013_07

Trên Mac Pro mới có 4 khe ram ECC DDR 3 Bus 1866MHz hỗ trợ 4 kênh. Băng thông của hệ thống RAM này có thể lên đến 60GB/s và là RAM ECC nên anh em có thể thoải mái làm những việc nặng nhọc nhất hiện nay như vừa render, vừa xuất video, giả lập... mà không sợ bị nghẽn.

Mac_Pro_2013_10Mac_Pro_2013_11

Thermal Core dịch là lõi tải nhiệt là ý tưởng rất tuyệt vời của Apple. Họ gom tất cả các bộ phận cần tải nhiệt trên chiếc máy tính về một mối và từ đó xử lý một lần thật mạnh ở đây. Việc này giúp giảm đi rất nhiều số lượng quạt, số lượng miếng tải nhiệt vốn có trên từng chiếc VGA hay CPU của một chiếc máy làm việc nặng. Lõi tải nhiệt có 3 mặt trong đó 2 mặt tiếp xúc và giải nhiệt cho 2 GPU và một mặt để giải nhiệt cho CPU. Trên cùng của lõi tải nhiệt là một chiếc quạt to hút không khí từ dưới lên và làm mát toàn hệ thống. Chúng ta chỉ hy vọng là chiếc quạt này sẽ hoạt động êm ái...

Screen Shot 2013-06-11 at 54104 AM

Ở phía sau chúng ta có 4 cổng USB 3.0, 6 cổng Thunderbolt 3, 2 cổng Lan Gigabit, 1 cổng HDMI 1.4 và cổng nguồn điện. Tức là Mac Pro cũng có thể dùng như một chiếc đầu phát nội dung 4K cho tv nhà chúng ta. Và cổng điện 3 chấu kia cho thấy nguồn được làm sẵn trong máy chứ không phải dạng dùng Adaptor từ bên ngoài. Mac Pro nhỏ gọn và dễ dàng xoay lại từ phía sau cũng như việc Apple trang bị đèn để chúng ta dễ dàng tiếp cận đến các cổng phía sau.

Mac_Pro_2013_13
Về không dây thì Wifi mới nhất, mạnh mất là AC cũng như Bluetooth 4.0 được trang bị. Apple cũng giới thiệu các thiết bị phát sóng Wifi hỗ trợ AC hôm nay.