Fujifilm chính thức giới thiệu mẫu máy ảnh X-A1, phiên bản dành cho người dùng phổ thông có mức giá rẻ nhất của hãng sau khi đã giới thiệu mẫu X-M1 trước đó. Mang thiết kế nhỏ gọn như mẫu X-M1 với thiết kế lượt bỏ hệ thống kính ngắm, khả năng điều khiển đơn giản hơn so với các dòng máy cao cấp. Máy vẫn sở hữu màn hình LCD 3" độ phân giải 920,000 điểm ảnh có khả năng gập lên xuống khá tiện dụng. Máy sở hữu bộ cảm biến CMOS độ phân giải 16.3 MP nhưng không hỗ trợ công nghệ X-Trans, sở hữu bộ xử lý hình ảnh EXR Processor II. Cùng với đó là ống kính tele FUJINON XC50-230mm (76-350mm) F4.5-6.7 OIS để mở rộng tiêu cự cho ống kính kit đi kèm của X-A1 là XC16-50mm (24-76mm) F3.5-5.6 OIS
So với X-M1, Fujifilm không dùng chất liệu da thuộc để bọc một vài chi tiết máy bên ngoài mà sử dụng lớp vỏ nhựa có thiết kế hoa văn chấm hạt. Máy có tay nắm cầm khá nhỏ để vừa vặn với kích thước của máy, đem lại khả năng di động cao. Kích thước 11,69 x 6,65 x 3,9 cm cũng tương đương với mẫu X-M1 đã được giới thiệu.
X-A1 sở hữu cảm biến ảnh CMOS 16.3 MP, hỗ trợ dải ISO đến 25.600, một lựa chọn khá cao so với phân khúc phổ thông khi nhiều mẫu máy chỉ hỗ trợ đến 12.800 hoặc 16.000. Máy sở hữu màn hình LCD 3" độ phân giải 920,000 điểm ảnh có khả năng gập lên xuống linh hoạt. Nhờ vậy mà góc chụp của người dùng được mở rộng đáng kể. Máy tích hợp đèn flash pop-up ngay trong máy với chỉ số GN là 7 (ISO 200). Với bộ xử lý hình ảnh EXR Processor II, X-A1 đem lại khả năng khởi động tức thời trong 0,5 giây, trễ màn trập chỉ 0.05 giây (tốc độ 1/4000 giây) và chụp ảnh liên tiếp 5,6 khung hình / giây (tối đa 30 ảnh / 1 chu kỳ).
Máy có hệ thống điều khiển khá trực quan và dễ dàng, tích hợp 2 bánh xe điều chỉnh nhanh chóng. Tính năng Advanced SR Auto giúp tự động nhận diện những khung cảnh định sẵn trong những trường hợp chụp khác nhau để tạo ra những bức ảnh tốt nhất. Máy cũng có bộ lọc hiệu ứng nâng cao hay giả lập film đêm lại khả năng sáng tạo cho người dùng.
Cũng giống như X-M1, X-A1 có tính năng kết nối Wi-Fi kết nối đến smartphone hoặc máy tính bảng. Người dùng sẽ cài đặt một ứng dụng trên iOS hoặc Android để truyền tải hình ảnh từ máy X-A1 sang điện thoại cũng như máy tính bảng. Đồng thời, ứng dụng trên di động cũng có khả năng lưu lại vị trí địa lý thông qua GPS vào trong các bức ảnh đã chụp. Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng khả năng tự động sao lưu hình ảnh qua Wi-Fi (thông qua Access Point) vào trong máy tính.
Được giới thiệu cùng X-A1, ống kính FUJINON XC50-230mm (76-350mm) F4.5-6.7 OIS có dải tiêu cự quy đổi 35mm là 76-350mm với khẩu độ f/4.5-6.7, tương thích với mọi dòng máy X-series ngàm X-mount. Ống kính được cấu tạo với 13 thấu kính trong 10 nhóm, bao gồm 1 thấu kính phi cầu và 1 thấu kính ED. Ống kính hỗ trợ tốc độ lấy nét nhanh và công nghệ ổn định hình ảnh. Giá bán tham khảo cho ống kính này là 400 USD.
Fujifilm X-A1 sẽ có mặt ngay trong tháng 9/2013 với màu đen và màu xanh dương. Giá bán của máy là 600 USD bao gồm thân máy và ống kính XC16-50mm (24-76mm) F3.5-5.6 OIS.
Thông số kỹ thuật Fujifilm X-A1
- Ngàm ống kính X-mount
- Cảm biến ảnh: CMOS 16.3 MP kích thước APS-C
- Bộ xử lý hình ảnh EXR II
- Màn hình LCD 3" độ phân giải 920,000 điểm ảnh
- ISO: 200 - 6400 (mở rộng 12.800 đến 25.600 giảm độ phân giải ảnh)
- Tốc độ chụp: 1/4000 giây, trễ màn trập 30s - 1/4000s
- Quay phim Full HD 1920 x 1080
- Chụp liên tiếp 5,6 fps
- Khởi động 0.5 giây
- Tích hợp flash GN 7
- Hệ thống lấy nét contrast 49 điểm
- Bộ lọc Art filter: 8 mẫu nâng cao, 5 mẫu mô phỏng hiệu ứng film
- Khả năng xuất ảnh RAW ngay trên máy
- Hỗ trợ kết nối Wi-Fi: truyền tải hình ảnh đến smartphone, tablet
- Kích thước: 11,69 x 6,65 x 3,9 cm
- Trọng lượng: 280 - 330 gram
Nguồn: fujifilmusa
Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013
Fujifilm chính thức ra mắt X-A1: CMOS 16.3 MP, ISO 25.600, có Wi-Fi, giá 600 USD kèm lens
63% người dùng di động ở Mỹ truy cập Internet bằng điện thoại
Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu Pew Research Center, ở Mỹ hiện nay có gần 2/3 (63%) số người dùng di động lên mạng bằng chính chiếc điện thoại của mình, tăng 8% so với năm ngoái. Họ dùng điện thoại để truy cập Internet hoặc email thay vì sử dụng laptop hoặc các loại tablet. Báo cáo cũng cho biết 91% dân số Mỹ sở hữu điện thoại di động và 57% số người trưởng thành lên mạng bằng máy của họ.
Nhìn vào biểu đồ bên dưới, bạn sẽ thấy tỷ lệ người dùng di động dùng máy điện thoại để lên Internet (đường kẻ màu đỏ) đang tăng dần qua mỗi năm, so với năm 2009 (31%) thì con số này đã tăng lên hơn gấp đôi.Số liệu được tính tới tháng 05/2013Theo PewInternet
Blackberry Ứng dụng Goi Taxi cho BlackBerry 10
Chào mọi người, hôm nay mình xin giới thiệu đến mọi người bản BETA của ứng dụng Goi Taxi dành cho BlackBerry 10. Đây là ứng dụng của đội Việt Nam tham dự cuộc thi BlackBerry Dream App Factory do BlackBerry tổ chức cho khu vực APAC gồm 10 quốc gia.
Sơ lược:
Đầu tiên, ý tưởng Goi Taxi không phải do team mình nghĩ ra mà bắt nguồn từ hàng trăm ý tưởng từ người dùng gửi về cho BlackBerry Fan Page và sau đó ý tưởng được nhiều người dùng bình chọn nhất sẽ được thực hiện chuyển thành ứng dụng thật sự. Và ý tưởng thắng cuộc là Goi Taxi của bạn Trần Xuân Dương.
Chức năng:
Ứng dụng Goi Taxi có chức năng chính là giúp người dùng sử dụng điện thoại BlackBerry 10 có thể gọi taxi một cách dễ dàng nhất, nhanh nhất và tiện lợi nhất. Bên cạnh đó, lộ trình được thể hiện trên bản đồ để người dùng tham khảo, lưu lại chi tiết chuyến đi vào Lịch, Ghi Chú. Chia sẻ thông tin chuyến đi, tài xế, rating của tài xế cho bạn bè ở các mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn, qua Email, SMS, BBM...
Tương lai:
Trong tương lai gần, ý tưởng sẽ được triển khai trên nhiều nền tảng phổ biến khác như iOS, Android, Windows Phone... và có thêm nhiều chức năng hay như Booking Taxi.
Hiện tại:
Các bạn có thể tải file bar phiên bản BETA của ứng dụng, sau đó side-load vào thiết bị và trải nghiệm.
Download file bar tại đây.
Tham khảo cách side load vào ứng dụng tại đây.
Ảnh chụp màn hình của ứng dụng:
Mang tính năng nhấn 2 lần để mở máy lên Nexus 7 với kernel ElementalX
Nhấn 2 lần để mở máy là một tính năng khá hay và tiện, đặc biệt là đối với một chiếc máy tính bảng màn hình lớn như Nexus 7. Tuy nhiên mặc định thì Nexus 7 2013 không có được tính năng này, để có được nó thì bạn có nhiều cách như cài thêm phần mềm hỗ trợ, hoặc thay hẳn kernel khác có tích hợp sẵn. Bản thân mình ủng hộ việc thay kernel hơn bởi vì tính ổn định, cũng như khả năng hoạt động tốt hơn là nhờ phần mềm hỗ trợ. Như trong bài viết này mình sẽ nói đến kernel ElementalX, phiên bản dành cho Nexus 7 2013.
Nếu thắc mắc về kernel là gì thì bạn có thể tham khảo thêm tại đây. Kernel ElementalX được nói đến trong bài viết này ngoài việc mang tính năng nhấp 2 lần để mở màn hình cũng như trượt tay để mở khóa thì còn nhiều tính năng hay khác. Tuy nhiên mình chỉ tập trung nói về phần tắt mở màn hình mà thôi. Chi tiết về tắt mở màn hình:
- Tham khảo chi tiết về ElementalX tại đây: xda-developer.
- Thêm tính năng nhấp 2 lần trên màn hình để mở màn hình
- Trượt tay từ phải qua trái ở cạnh dưới màn hình (khu vực phím ảo) để tắt màn hình
- Trượt tay từ trái qua phải ở cạnh dưới màn hình (khu vực phím ảo) để mở màn hình
Việc khó khăn duy nhất đó là để up kernel thì bạn cần có recovery mode như CMW recovery. Tham khảo thêm cách làm tại đây.
Vi xử lí 64-bit là gì và nó giúp ích như thế nào cho các thiết bị điện toán?
Trong thời gian qua chúng ta đã được nghe nói rất nhiều về vi xử lí 64-bit, không chỉ đối với CPU cho máy tính mà còn cho cả thiết bị di động. Điện toán 64-bit đang là xu thế không thể tránh khỏi trong lĩnh vực thiết bị và phần mềm công nghệ. Vậy bộ xử lí 64-bit là gì, nó khác với 32-bit như thế nào và nó giúp ích gì cho những thiết bị mà chúng ta dùng hằng ngày?
Phân biệt kiến trúc 64-bit nói chung với x86-64
Có một số khái niệm mà bạn cần phân biệt rõ trước khi tiếp tục tìm hiểu bài viết, bao gồm:
x86: Đây là tên của một bộ tập lệnh chỉ dẫn do Intel và AMD phát triển. Nó được xây dựng dựa trên vi xử lí Intel 8086, một con chip ra mắt năm 1978. Lý do có chữ "x86" đó là vì những model kế nhiệm cho 8086 cũng được đặt tên có đuôi là "86". Trước đây x86 hỗ trợ điện toán 16-bit, giờ đây là 32-bit. Đối thủ cạnh tranh với x86 chính là ARMv7, tập lệnh chỉ dẫn do hãng ARM của Anh phát triển và hiện đang được dùng cực kì nhiều trong các thiết bị di động như smartphone, tablet.
x86-64: còn có tên khác là x64, x86_64 hoặc amd64. Đây là cái tên dùng để chỉ phiên bản 64-bit của tập chỉ dẫn x86 mà mình mới nói tới. Cấu hình x86-64 ban đầu được tạo ra bởi AMD. Lúc mới ra mắt, AMD gọi x86-64 là AMD64, Intel thì gọi bằng cái tên IA-32e và EMT64. Cách gọi tập chỉ dẫn này cũng khác nhau với các hãng phần mềm, Apple thì gọi là x86_64, Sun Microsystem (giờ đã thuộc về Oracle) và Microsoft thì gọi là x64, nhiều bản distro Linux lại dùng chữ AMD64. AMD K8 là vi xử lí đầu tiên trên thế giới sử dụng x86-64. Đối thủ của x86-64 là ARMv8, phiên bản hỗ trợ điện toán 64-bit tiếp nối cho ARM v7.
Nói về hệ điều hành: Windows 95, 98, XP, Vista, 7 chỉ chạy được trên chip x86/x64, Windows 8 có bản cho x86/x64 và ARM. Linux, Android thì có thể chạy cả trên chip x86/64 lẫn chip ARM. iOS hiện chỉ mới có thiết bị dùng CPU ARM.
IA-64: kiến trúc này sử dụng trong dòng vi xử Intel Itanium, chủ yếu xuất hiện trong những máy chủ doanh nghiệp hoặc hệ thống tính toán hiệu năng cao chứ ít dùng trong máy tính cá nhân. IA-64 hoàn toàn khác biệt và cũng không tương thích với các lệnh của tập lệnh x86 hay x86-64.
32-bit và 64-bit: Hai con số này dùng để chỉ độ dài thanh ghi (register) của CPU và là một loại hình điện otán chứ không phải là một tập kiến trúc lệnh như ba thứ mà bạn vừa đọc ở trên. Người ta có thể dùng khái niệm 32-bit và 64-bit để chỉ CPU hoặc phần mềm. Chi tiết về 64-bit sẽ được giải thích ở bên dưới.
CPU hoạt động như thế nào?
Trước khi đi vào xem 64-bit là gì thì chúng ta cần biết cách hoạt động cơ bản của vi xử lí. Phần dưới đây được trích và có chỉnh sửa từ bài viết Chip 64-bit là gì và nó có gì hơn so với chip 32-bit của bạn @ronaldo5285
Về cơ bản, CPU dùng để thực hiện những phép tính toán. Những phần mềm mà chúng ta sử dụng hằng ngày thực chất cũng là mỗi chuỗi rất rất nhiều các phép toán chứ không phải khi nào bạn chạy app calculator mới gọi là tính. Chẳng hạn, nếu muốn một cái nút xuất hiện thì hệ điều hành hoặc phần mềm phải dùng dữ liệu để tính và vẽ nó ra, với tọa độ và kích thước như mong muốn. Hoặc khi bạn nhập liệu, máy tính phải "dịch" các bit 010101 để chuyển nó thành kí tự cho chúng ta xem. Tương tự khi chơi game, việc tính toán bước đi, đường đạn,… cũng đều là chuỗi các phép tính.
CPU gồm nhiều bộ phận, nhưng ở đây chúng ta sẽ miêu tả hoạt động của nó qua 2 thành phần chính: ALU (Arithmetic logic unit - bộ xử lý tính toán) và registers (thanh ghi). Register, APU, và một số linh kiện khác hợp thành một nhân CPU. ALU có thể thực hiện những phép toán thông thường như cộng trừ, nhân, chia; ngoài ra còn có thể chạy những phép logic như so sánh 'hoặc', 'và'. Những CPU đời mới còn có phần xử lí dấu chấm động riêng (FPU) để thực hiện những phép tính rất phức tạp.
Trong khi đó, register thực chất là một loại bộ nhớ được tích hợp thẳng vào CPU và nó có tốc độ hoạt động bằng hoặc gần sát với CPU. Dung lượng của register thường rất nhỏ. Có nhiều loại register lắm, ví dụ như data register (chứa dữ liệu số học, dấu chấm động, kí tự, mảng dữ liệu), address register (chuyên dùng để chứa địa chỉ của dữ liệu nào đó trên bộ nhớ), general purpose register (có thể chứa cả dữ liệu và địa chỉ), vector register (chứa dữ liệu để xứ lí vector), integer register (chuyên chứa số thực), SIMD (dùng để tính toán song song)...
Về con số 32-bit hay 64-bit, những CPU 32-bit sẽ có bộ ALU và register với độ rộng là 32-bit, còn CPU 64-bit thì sẽ có độ rộng của những thành phần này là 64-bit.Cấu trúc bộ nhớ máy tính
Vậy tại sao đã có RAM là bộ nhớ, lại có thêm register và cache (L1, L2, L3) để làm gì? Register và cache ra đời để khắc phục hiện tượng nghẽn cổ chai khi mà tốc độ CPU quá nhanh, trong khi tốc độ RAM thì không bằng nên gây ra "thời gian chết" vì RAM không kịp đưa dữ liệu cho CPU xử lí. Như đã nói ở trên, register có tốc độ họa động cực nhanh, gần như bằng với CPU, cache thì có tốc độ thấp hơn một chút nhưng vẫn nhanh hơn nhiều so với RAM. Nếu trong register không có dữ liệu CPU cần, nó sẽ tìm trong cache. Nếu có thì xử lí, nếu không thì tiếp tục lấy từ RAM. Tương tự, nếu trong RAM vẫn chưa có dữ liệu mà CPU cần, nó sẽ tìm trong ổ lưu trữ vĩnh viễn, chính là HDD, SSD, thẻ nhớ, chip eMMC,... Càng tìm nhiều thì mất thời gian càng nhiều. Kim tự tháp ở trên chính là cấu trúc bộ nhớ máy tính và CPU sẽ tìm lần lượt từ trên xuống dưới.
Ở trong hình là sơ đồ giản lược của một CPU. Ngoài ALU và register, bạn cần biết một số khái niệm quan trọng khác như:Mình sẽ miêu tả hoạt động của CPU qua 1 phép tính rất đơn giản: c=a+b
- Address bus: là chiếc xe buýt để "chở" địa chỉ nơi cất giữ giá trị trên bộ nhớ (RAM hoặc ROM) đến với CPU. Đây thực chất là một tập hợp các dây dẫn. Bus có kích thước, hay còn gọi là độ rộng (width), tương tự như số chỗ ngồi trên xe. Ví dụ, nếu width của bus là 16-bit thì nó có thể chuyên chở 16 bit dữ liệu cùng lúc. Ngoài ra bus còn có tốc độ của riêng mình và được đo bằng đơn vị MHz. Đây chính là con số theo sau RAM mà bạn hay thấy, ví dụ DDR3 1333MHz, 1600MHz.
- Data bus: chiếc xe buýt "chở" dữ liệu thật sự từ bộ nhớ đến CPU hoặc ngược lại. Data bus cũng có kích cỡ và tốc độ như đã nói ở trên.
- Read (RD) và Write (WR) line: CPU sẽ dùng hai dòng này để nói với bộ nhớ rằng nó đang muốn lấy dữ liệu (read) hay đang muốn ghi dữ liệu (write) lên địa chỉ đã định trước.
Để thực hiện phép toán trên thực ra cần rất nhiều bước:
Bước 1: CPU cần biết địa chỉ, nơi cất giữ giá trị của biến a trong bộ nhớ (RAM). CPU sau đó sẽ chuyển địa chỉ đó cho 1 chiếc xe buýt, và chiếc xe buýt đó sẽ chở dữ liệu của biến a đến thanh ghi registerA trên CPU.
Bước 2: Điều tương tự sẽ diễn ra với b, dữ liệu của biến b được ghi vào thanh ghi registerB.
Bước 3: ALU sẽ thực hiện phép cộng và ghi kết quả vào thanh ghi registerC.
Bước 4: CPU lại gọi bus và chuyển kết quả từ registerC đến gán cho biến c. Khi đó giá trị của biến c sẽ được lưu trên RAM và phần mềm yêu cầu thực hiện phép tính sẽ biết được kết quả phép tính là bao nhiêu.
32-bit hay 64-bit đóng vai trò gì trong kiến trúc của CPU?
Như đã nói ở trên, 32-bit và 64-bit chính là độ dài của register, và đồng thời là độ dài của địa chỉ mà CPU sử dụng.
Để đơn giản thì mình ví dụ độ dài của thanh ghi lần lượt là các chữ số thập phân. Để thực hiện phép tính 12+34 trên CPU có thanh ghi độ dài 1, ALU sẽ phải thực hiện 2 phép tính: 1+3 và 2+4, sau đó nối kết quả lại với nhau. Nếu CPU có độ dài là 2 thì nó sẽ có thể thực hiện phép tính 12+34 và cho ra kết quả ngay lập tức, khỏi phải tính từng bước.
Còn về độ dài địa chỉ thì nó giống như độ dài số điện thoại. Nếu số điện thoại của bạn chỉ có 6 chữ số nghĩa là có tối đa 1 triệu số điện thoại khác biệt nhau. Tương tự vậy, mỗi byte dữ liệu trên RAM cần 1 địa chỉ để liên lạc và chứa dữ liệu. Với kiến trúc 32-bit, như đã nói ở trên, ta sẽ có 2^32 = 4294967296 số địa chỉ, tức khoảng 4,29 tỉ địa chỉ, và cũng tương ứng với dung lượng 4GB. Trong trường hợp này, nếu có nhiều hơn 4GB RAM thì phần nhiều hơn đó sẽ không có địa chỉ, và CPU không cách gì "liên lạc" đến chúng được.
Do nhu cầu sử dụng bộ nhớ ngày càng lớn hơn nên người ta mới cần đến kiến trúc 64-bit. Khi đó, chúng ta sẽ có 2^64 địa chỉ có thể xài được, tức khoảng 1.8446744 x 10^19 địa chỉ, tương đương dung lượng 16 exbibyte, lớn hơn rất rất rất nhiều so với kiến trúc 32-bit. Ngày nay bạn có thể bắt gặp những chiếc máy tính RAM 6GB, 8GB, 16GB, 32GB một cách dễ dàng. Chưa kể đến các máy chủ, chúng có đến hàng trăm GB RAM. Tất nhiên là tổng số địa chỉ (dung lượng RAM) mà hệ điều hành 64-bit hỗ trợ thì không đạt đến con số rất lớn như trên, giới hạn phần cứng trên mainboard cũng là yếu tố khác, nhưng nhìn chung thì vẫn vượt xa mức 4GB của các OS 32-bit. Bên dưới là bảng dung lượng RAM tối đa mà Windows 7, Windows 8 và OS X có thể hỗ trợ.
Lợi ích và hạn chế của vi xử lí 64-bit1. Lợi điểm của vi xử lí 64-bit
- Với phép tính dài, bạn sẽ thực hiện nhanh gấp đôi như ví dụ phép tính 12 + 34 ở trên.
- CPU sẽ có thể truy cập được nhiều địa chỉ trên RAM hơn. Điều này đã tỏ ra hữu ích trong bối cảnh máy tính giờ đây đã có nhiều model sử dụng 6GB, thậm chí là 8GB và 16GB RAM. Trong thời gian tới, thiết bị di động rồi cũng sẽ được trang bị RAM trên 4GB và đó là lúc vi xử lí 64-bit trở thành điều bắt buộc.
- Ngoài tra, tranh thủ việc thay đổi kiến trúc lên 64-bit, số lượng register và số lượng câu lệnh chỉ dẫn (instructions) cũng được tăng lên. Về số lượng thanh ghi thì như ví dụ ở trên, nếu bạn chỉ có 3 thanh ghi, sau khi thực hiện câu lệnh xong thì bạn sẽ phải xoá dữ liệu trên thanh ghi đó để có thể tiếp tục thực hiện phép tính khác. Nếu sau đó bạn có phép tính gì đến biến c chẳng hạn bạn sẽ phải lại gọi bus chở dữ liệu lại cho bạn, mất thời gian hơn. Còn nếu có nhiều thanh ghi, bạn cứ để tạm những cái biến kia ở đó để sau này dùng lại cũng được.
- Lợi ích của việc tăng số lượng câu lệnh: ví dụ như chip của bạn chỉ có câu lệnh thực hiện phép cộng. Khi đó bốn phép tính 3+3+3+3 bạn sẽ phải chạy câu lệnh (+) 3 lần. Nếu máy tính của bạn có câu lệnh nhân, bạn chỉ cần chạy 1 lệnh 3x4 là xong. (Tuy nhiên, bản thân chip di động đã là giản lược rất nhiều câu lệnh so với chip máy tính. Nên dù tăng thêm số câu lệnh, độ dài câu lệnh vẫn ko thay đổi, vẫn là 32 bit.)
2. Nhược điểm của chip 64-bit
- Việc địa chỉ của dữ liệu dài gấp đôi sẽ gây không ít bất lợi cho việc thiết kế hệ thống điện toán. Cứ tưởng tượng việc tự nhiên giờ nhà mạng thay đổi bắt mỗi số điện thoại 20 chữ số bạn sẽ thấy.
- Không hẳn là hại, nhưng như ví dụ ở trên nếu phép cộng là 12+34, CPU có thanh ghi dài hơn có ưu thế, nhưng nếu phép tính là 1+2 thì sao? lúc này cả 2 CPU 32-bit và 64-bit đều có tốc độ như nhau mà thôi.
- Rắc rối với phần mềm: Phần mềm là người ra lệnh cho CPU làm gì. Như ví dụ 12+34 ở trên thì phần mềm 32 bit sẽ bảo CPU thực hiện 1+3, 2+4 rồi ghép kết quả lại. Phần mềm 64-bit sẽ bảo CPU tính thẳng 12+34 luôn. Bạn sẽ thấy là nếu phần mềm 32-bit chạy với CPU 64-bit trên hệ điều hành 64-bit, nó vẫn chạy tốt, dù không được tối ưu. Nhưng nếu là phần mềm 64-bit thì nó sẽ không thể hoạt động với CPU hay hệ điều hành 32-bit. Đây chính là lý do mà Microsoft và rất nhiều hãng phát triển phải đưa ra hai phiên bản cho cùng một phần mềm. Ví dụ: Windows 7 và Windows 8 32-bit và 64-bit; Microsoft Office 32-bit và 64-bit.
- Đối với thiết bị di động, điều này sẽ khiến các hãng làm app ngại viết ứng dụng cho vi xử lí 64-bit vì nó sẽ chỉ chạy được trên một số lượng rất nhỏ, ít nhất là tính đến thời điểm hiện tại. Còn nếu họ vẫn chỉ viết app cho 32-bit thì sẽ không tận dụng được lợi thế của CPU 64 bit. Do đó, cũng như trên PC, nếu lập trình viên muốn app của mình tối ưu hóa cho 64-bit thì phải làm ra hai phiên bản khác nhau, và tốn thời gian, công sức, tiền của hơn rất nhiều trong việc bảo trì và nâng cấp về sau.
64-bit trên trên thiết bị di động
Như đã nói ở trên, vi xử lí 64-bit đã chứng tỏ được năng lực và lợi ích của mình với máy tính, cả PC lẫn server hay những siêu máy tính cỡ to. CPU 64-bit sẽ giúp các máy tính tận dụng được dung lượng RAM trên mức 4GB, vốn đã trở nên cực kì phổ biến hiện nay. Nhiều máy còn xài 6GB, thậm chí là 32GB nữa kìa. Kiến trúc 64-bit cũng giúp các ứng dụng xử lí dữ liệu nhanh hơn (hay nói cách khác là chạy nhanh hơn), và có thể thấy rõ hiệu quả này ở những phền mềm đồ sộ để dựng phim, vẽ hình ảnh 3D, lập trình, cơ sở dữ liệu,… CPU 64-bit hiện nay cũng đã xuất hiện rất nhiều trên thị trường. Hầu hết chip Intel Core i, Celeron, Pentium, các dòng APU và CPU của AMD đều là chip 64-bit. Hệ điều hành 64-bit thì cả Windows, OS X, Linux đều có cả, và chúng ta cũng đã sử dụng chúng rất nhiều trong khoảng 3 năm trở lại đây. Chip Intel trong tương lai cũng sẽ hỗ trợ nhân Android 64-bit.
Sự xuất hiện của ARMv8
Còn trên thiết bị di động thì sao? ARM đã giới thiệu ARMv8, phiên bản 64-bit cho tập chỉ dẫn của họ từ năm 2011. So với ARMv7 vốn chỉ hỗ trợ 32-bit, kiến trúc mới này hỗ trợ thêm tập lệnh A64 để tận dụng sức mạnh của điện toán 64-bit. Tất nhiên nó vẫn có tập lệnh 32-bit để đảm bảo những app 32-bit có thể chạy bình thường trên chip 64-bit. Đến năm 2012, ARM tiếp tục công bố Cortex-A53 và Cortex-A57, hai nhân xử lí đầu tiên trên thế giới được thiết kế dựa vào ARMv8. Theo sau đó, Qualcomm, NVIDIA, Samsung, AMD, Applied Micro, Broadcom, ST Microelectronics và nhiều công ty bán dẫn khác cũng lên kế hoạch đưa ARMv8 vào sản phẩm của mình.Đến tháng 9/2013, Apple tung ra vi xử lí Apple A7 dựa trên ARMv8 dùng trong điện thoại iPhone 5s. Ở thời điểm đó, Apple A7 là con chip ARM 64-bit đầu tiên chính thức xuất hiện trên một thiết bị được bán ra thị trường, còn Cortex-A53 hay A57 thì vẫn chưa xuất hiện trong chiếc smartphone hay tablet nào cả. iOS 7 đã hỗ trợ cho điện toán 64-bit, và Android cũng thế. Windows RT thì chưa, vẫn còn đang dừng ở mức 32-bit.
Với chip A7, Apple đã giành được vị trí dẫn đầu trong việc tích hợp vi xử lí 64-bit vào thiết bị di động, và theo chuyên gia Nathan Brookwood từ hãng tư vấn Insight 64 thì Apple đang cũng dẫn trước các đối thủ Android của mình từ 9 đến 12 tháng, tức khoảng 1 thế hệ smartphone, nhờ sử dụng ARMv8. Những thiết bị mới nhất và mạnh mẽ nhất của các đối thủ Sony, LG, Samsung vẫn còn đang sử dụng tập lệnh ARMv7 trên con chip của mình (Exynos 5 Octa, Snapdragon 600/800,...), và phải sang đến năm sau thì chúng ta mới chứng kiến sự thay đổi sang nền tảng mới từ những hãng này. Tất nhiên sự khác biệt về hiệu năng sẽ còn phải chờ đánh giá chi tiết chứ chúng ta chưa thể nói Apple A7 là chip "đỉnh của đỉnh" ở thời điểm hiện tại.
Chuyên gia Patrick Moorhead từ công ty nghiên cứu Moor nói thêm rằng "không có lợi và hại khi đem 64-bit lên thiết bị di động", ngoại trừ việc chúng ta sẽ xài được nhiều hơn 4GB RAM. Dung lượng RAM của iPhone đã tăng từ 128MB của iPhone đời đầu lên thành 1GB trong iPhone 5 và có thể là 2GB trên iPhone 5s. Các máy Android cũng thế, Samsung Galaxy Note 3 hiện đang sở hữu 3GB RAM, ngấp nghé việc chuyển lên 4GB và hơn thế nữa.
Về vấn đề tương thích với phần mềm, nhiều app hiện nay vẫn còn được viết dựa vào vi xử lí 32-bit. Như đã nói ở phần nhược điểm của 64-bit, các app 32-bit vẫn sẽ chạy được trên chip mới, có điều không được tối ưu hóa mà thôi. Nói cách khác, kho app hiện tại vẫn có thể sử dụng được trên với các chip ARMv8, không có gì phải bỏ đi.
Còn nếu muốn có nhiều ứng dụng tối ưu hóa để chạy trên 64-bit thì lại là một câu chuyện khác. Các lập trình viên sẽ phải viết lại app để khai thác khả năng của CPU 64-bit, và chuyện đó cần có thời gian. Với Apple, do hãng kiểm soát chặt chẽ iOS và công cụ phát triển app nên hãng có thể đưa hệ sinh thái của mình lên thành 64-bit trong một thời gian tương đối ngắn. Còn với Google thì chúng ta hãy chờ xem sao, nhưng dựa vào sự phát triển với tốc độ chóng mặt của thị trường mobile thì thời gian cần thiết sẽ ngắn hơn rất nhiều so với PC.
Những lợi ích mà ARMv8 mang lại
Như ông Moorhead đã nói, thực chất thì việc hỗ trợ RAM dung lượng lớn hơn của 64-bit là việc của tương lai, còn hiện tại thì những cải tiến của ARMv8 mới thật sự là thứ mang lại lợi ích tức thì. Số lượng register nhiều hơn giúp Apple A7 (và cả những con chip ARMv8 khác từ Samsung, Qualcomm, NVIDIA,...) xử lí dữ liệu một cách tốt hơn, giảm đáng kể thời gian chạy những tác vụ nặng như giải mã hoặc nén video. ARMv8 có 31 register loại general purpose (vừa chứa được địa chỉ, vừa chứa được dữ liệu) sẵn sàng để truy cập bởi CPU bất kì lúc nào, trong khi đó ở chip ARMv7 thì số general purpose chỉ là 16 cái. Điều này có nghĩa là CPU ARMv8 sẽ tốn ít thời gian tìm kiếm dữ liệu từ cache và RAM hơn, đẩy nhanh tốc độ thực thi của hệ thống, ngay cả khi bạn không xài trên 4GB RAM.
Khả năng xử lí dấu chấm động của ARMv8 cũng được nâng cao so với ARMv7 nhờ số register dành riêng cho mục đích này tăng lên gấp 2. Ngoài ra ARM v8 còn hỗ trợ thêm các lệnh mã hóa và giải mã theo chuẩn AES SHA-1/SHA-2 sẵn trên chip, điều mà ARMv7 không có. Khả năng tiết kiệm điện tốt hơn khi xử lí một khối lượng dữ liệu lớn cũng là điểm mà ARMv8 làm tốt hơn so với kiến trúc tiền nhiệm.
Có nhiều người nói rằng vi xử lí 64-bit chỉ là thủ thuật marketing, và cả Apple lẫn Samsung hay bất kì hãng nào giới thiệu khái niệm 64-bit chung với thiết bị của mình đều là "ảo" hết. Thực chất thì không đúng như thế, và họ không thấy được một bức tranh toàn cảnh của thị trường thiết bị di động. Hiện nay ngày càng nhiều người xài smartphone, tablet cho những công việc mà trước đây họ chỉ làm trên máy tính, ví dụ như soạn thảo các tài liệu có nhiều hình ảnh, xử lí ảnh, thậm chí là dựng phim. Nói cách khác, chúng ta đang có một chiếc máy tính thứ hai trong túi và có thể làm gần như mọi thứ, miễn là có phần mềm để làm. Và để tốc độ trở nên nhanh hơn, chip ARMv8 là điều cần thiết, ngay cả khi bạn không xài trên 4GB RAM. Apple, Samsung, Qualcomm, NVIDIA và các hãng làm chip đều nhìn rõ xu hướng này, và họ đang tiến theo nó.
Kết quả benchmark Galaxy Note 3 bản 3G: CPU 8 nhân, GPU Mali-T628
Sau Galaxy S4 thì Samsung cũng đã giới thiệu Note 3, chiếc điện thoại thông minh cao cấp nhất của họ tính tới thời điểm này và cũng đến hết năm 2013. Note sử dụng chip SoC Qualcomm Snapdragon 800 và chia ra làm 2 phiên bản, với bản 3G dùng CPU 8 nhân (4 Cortex A15 + 4 Cortex A7) còn bản 4G xài CPU 4 nhân Krait 400. Cùng với CPU mạnh mẽ đó thì máy còn được trang bị GPU Adreno 330 (bản 4G) hoặc Mali-T628 ở bản 3G và RAM 3GB, dư sức chạy rất nhiều ứng dụng cùng lúc. Sau đây là kết quả benchmark của Galaxy Note 3 phiên bản 3G sử dụng CPU 8 nhân.
Chiếc Galaxy Note 3 được thử nghiệm ở đây là phiên bản 3G, số hiệu model number là SM-N900, sử dụng CPU 8 nhân gồm 4 nhân Cortex-A15 xung nhịp 1,9GHz + 4 nhân Cortex-A7, GPU của máy là chip Mali-T628. Máy chạy Android 4.3, có kernel phát hành ngày 7/9 và firmware số hiệu JSS15J.N900XXUBMI4. Nhìn chung với bản firmware này thì máy chạy nhanh, ổn định và mát, benchmark nhiều phần mềm liên tục chỉ hơi âm ấm, dĩ nhiên chạy benchmark nặng nên pin bị rút khá nhiều, sau khi benchmark khoảng 1 giờ liên tục thì pin từ 80% xuống còn 45%, tức hao 35% (đã tắt NFC, Bluetooth, các tính năng hỗ trợ khác...)
- Xem lại bài: So sánh cấu hình của Note 3, Note 2 và S4 ở đây.
- Xem lại bài: Trên tay Galaxy Note 3 ở đây.
- Benchmark gần đầy: Xperia Z1.
Note 3 đứng đầu ở phần lớn các phép benchmark bên dưới, nếu về nhì thì cũng chỉ thua Xperia Z Ultra dùng chip Snapdragon 800 mà thôi:
- Các phép thử rất phổ biến trên Android (Antutu, Quadrant, Geekbench):
Sức mạnh đứng nhất nhưng khá lạ là Note 3 lại về chót ở phép thử Billion Counter với tác vụ đếm từ 1 tới 1 tỉ, máy mất gần 19 giây, trong khi nhanh nhất là Z1 chỉ mất gần 9 giây.
- Các phép đo khả năng tính toán CPU:
- Thử sức mạnh đồ họa bằng 3DMark ICE STORM, GFXBenchmark:
Note 3 có điểm số 3DMark tương đương với Xperia Z1, thua kém khá nhiều với Z Ultra. Chip đồ họa Mali-T628 của Note 3 (chưa rõ bao nhiêu nhân), là một trong những GPU di động mạnh nhất trên di động hiện nay, với khả năng mở rộng tới 8 nhân xử lý.Với ứng dụng GFXBenchmark 2.7, Note 3 có điểm số cao nhất với phép bench Egypt HD, đạt 54 hình/giây, theo sát nút là Z Ultra với 52 hình/giây. Tuy nhiên S4 LTE-A lại lại về nhất ở phép bench T-rex HD với 25 hình/giây, Note 3 và LG G2 theo sát với 23 hình/giây. Tất cả các máy tham gia đều có cấu hình rất mạnh, màn hình Full HD.
Sự kiện tiếp theo của Apple sẽ diễn vào 15/10?
Thông tin từ trang công nghệ MacGeneration của Pháp cho biết sự kiện Apple tiếp theo sẽ diễn ra vào thứ 3, ngày 15/10/2014. Theo tin đồn mà trang web này đưa ra, Apple sẽ giới thiệu iPad mới, cập nhật Haswell cho một số máy Mac, bán ra OS X 10.9 Mavericks và có thể có thể Apple TV mới tại sự kiện 15/10. Năm ngoái, sự kiện tháng 10 của Apple diễn ra vào ngày 23.Nguồn: MacGeneration, Ảnh: Getty
Rò rỉ hình ảnh và video thực tế của Nexus 5 từ một quán bar!
Trang 9to5Google mới đây đã cho đăng tải hình ảnh thực tế của một chiếc Nexus 5 bị lộ diện tại một quá bar. Thiết bị này do LG sản xuất, mặt sau của máy có dòng chữ Nexus in theo chiều dọc và cụm camera khá to, tương tự như những ảnh rò rỉ mà chúng ta được xem trước đây. Màn hình khởi động của Nexus 5 không còn là chữ X bốn màu như những máy Nexus khác, thay vào đó Google sử dụng hình ảnh động của bốn dấu chấm tròn hợp lại với nhau, giống HTC One và Samsung Galaxy S4 Google Play Edition. Ở cuối bài viết là hai đoạn video rò rỉ mà nhân viên quầy bar ghi lại về chiếc máy này. Nexus 5 được cho là sẽ chạy Android 4.4 KitKat, và tin đồn nói rằng thiết bị sẽ chính thức ra mắt tại một sự kiện vào ngày 14/10 tới đây.
Về hoàn cảnh rò rỉ của chiếc Nexus 5 nói trên, trước đây một chiếc Nexus 4 thử nghiệm cũng bị lộ diện tại một quán bar trước ngày ra mắt chính thức. Bản mẫu iPhone 4 cũng từng bị để quên tại một quán rượu và hình ảnh của nó cũng được tung lên mạng trước khi ra mắt chính thức.Nguồn: 9to5Google
Google mua lại Bump - Ứng dụng cho phép chia sẻ dữ liệu không dây bằng cách chạm hai smartphone
Blog của Bump - ứng dụng trên iOS và Android cho phép chia sẻ dữ liệu không dây giữa hai smartphone - đã chính thức xác nhận họ sẽ trở thành một phần của Google kể từ ngày hôm nay. Theo đó, cả Google và CEO của Bump, ông David Lieb, đã thông báo rằng thương vụ mua bán trên đã diễn ra suôn sẻ và không gặp trở ngại nào, tuy nhiên cả hai không tiết lộ mức giá cụ thể của bản hợp đồng này. Mặc dù đã bị Google thâu tóm, thế nhưng CEO Bump khẳng định rằng ứng dụng Bump và Flock - app nhóm hình ảnh thành album - sẽ vẫn hoạt động bình thường, bởi Google chỉ muốn tận dụng một số công nghệ và tính năng của hai app trên vào nền tảng Android và một số sản phẩm của họ.
Nếu như các bạn không rõ thì Bump là một ứng dụng cho phép hai smartphone chia sẻ dữ liệu gồm hình ảnh, danh bạ, thông tin cá nhân, video chỉ với một "cú chạm" vào nhau. Đến đây thì có lẽ nhiều bạn sẽ nghĩ Bump tận dụng NFC, thế nhưng không phải như vậy, Bump không hoạt động dựa trên NFC, bởi mọi hoạt động của nó sẽ gắn liền với hệ thống sever với công nghệ điện toán đám mây của riêng Bump.
Cụ thể như thế nào, khi bạn muốn chia sẻ hình ảnh của mình cho bạn bè, chỉ việc chạm hai điện thoại lại với nhau (trong điều kiện cả hai đều có kết nối Internet), lúc này ảnh của bạn sẽ được đẩy lên "mây", sau đó bằng một số thuật toán và tận dụng cảm biến trên smartphone, Bump sẽ nhận biết được smartphone nào vừa mới chạm vào điện thoại của bạn để rồi lấy hình ảnh từ "mây" xuống máy của người nhận. Nói nôm na lại nó sẽ như thế này: Chạm hai smartphone -> ảnh của người gởi được đưa lên "mây" -> Bump nhận diện smartphone của người nhận thông qua thuật toán và cảm biến -> ảnh từ "mây" truyền tải đến smartphone người nhận.
Được biết Bump đã từng khá thành công vào năm 2011 khi có khoảng 60 triệu lượt tải app, tuy nhiên từ đó cho đến nay, Bump vẫn giậm chân tại chỗ và chưa có tiến triển đáng kể nào. Với việc về tay Google, có lẽ Bump cũng như Google sẽ có nhiều sự đổi mới và bổ sung đáng giá trong thời gian tới.
Box ra mắt Box Notes beta, dịch vụ biên tập tài liệu trực tuyến cho phép nhiều người cùng làm việc
Dịch vụ lưu trữ trực tuyến Box mới đây đã giới thiệu Box Notes, một công cụ biên tập tài liệu theo thời gian cho phép nhiều người tham gia cùng lúc. Về cơ bản thì Box Notes giống với Google Drive (Google Docs), bạn có thể soạn thảo, chỉnh sửa tập tin trên nền web, xem những gì người khác đang làm với tài liệu, dòng chữ nào đang được gõ, hoặc đăng lời bình luận, nhận xét về một thứ gì đó trong file. Người dùng còn có thể nhúng hình ảnh và video trực tiếp vào tập tin tài liệu của mình. Box cho biết rằng tính năng chỉnh sửa tập tin nói trên cũng sẽ được mang lên các thiết bị di động, và tất nhiên là file tài liệu có thể được lưu trên tài khoản đám mây Box để phục vụ cho việc truy cập mọi lúc, mọi nơi. Hiện Box Notes đang ở giai đoạn thử nghiệm beta. Bạn có thể truy cập vào trang web này, nhập địa chỉ email của mình và khi nào tài khoản của bạn được thử Box Notes thì họ sẽ email. Thời điểm Box Notes chính thức đi vào hoạt động là vào năm sau.
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)