Một thực tế là rất ít hãng sản xuất laptop Windows có những sản phẩm thiết kế đẹp, mang tính thẩm mỹ cao, mà Dell cũng không phải là một ngoại lệ. Dĩ nhiên hãng này cũng có những chiếc laptop đẹp như Adamo, Adamo XPS, nhưng phải tới gần đây thì mình mới được trải nghiệm một chiếc máy rất đẹp đó là Inspiron 14 7000 series. Tuy cùng mang tên Inspiron 14, nhưng dòng 7000 series lại là những chiếc laptop có thiết kế hoàn toàn mới, đẹp hơn, tinh tế hơn và chất lượng hoàn thiện đạt tới mức tối ưu, có thể ví như một người đẹp không tì vết.
Thiết kế
Inspiron 14 7000 series làm mình nhớ tới Dell Adamo của năm 2009, một chiếc laptop tuyệt đẹp của thời đó, vỏ nhôm hoàn toàn có chất lượng hoàn thiện cao và tinh tế. Inspiron 14 mới cũng được làm hoàn toàn bằng nhôm nguyên khối, cực kì cứng cáp và bắt mắt, theo phong cách mà Apple đã áp dụng cho các chiếc máy unibody của họ từ nhiều năm trước. Máy có độ dày đều nhau từ trước ra sau, tức là chúng ta không có chỗ dày nhất, mỏng nhất mà số đo tại mỗi điểm đều là 15,3mm. Nhìn chung Inspiron 14 7000 series không phải là chiếc laptop mỏng và nhẹ nhất trong dòng máy 14 inch, nhưng nó xứng đáng là một trong những sản phẩm đẹp nhất hiện nay ở phân khúc này.
Về kích thước chung, Inspiron 14 mới có số đo 3 vòng là 345 x 15,3 x 240mm và nặng 1,99kg đối với phiên bản màn hình cảm ứng, bản màn hình thường chỉ nặng 1,76kg mà thôi. Nhìn từ xa xa, kiểu thiết kế của máy cho người ta cái cảm giác nó giống một phiên bản ăn theo của Macbook Pro hiện nay, tuy nhiên Dell vẫn giữ những nét thiết kế riêng của mình trên dòng máy này. Các cạnh, cổng giao tiếp đều được vát rất gọn và sắc sảo, đẹp và tinh tế. Lớp nhôm nguyên khối của máy rất cứng cáp, hầu như không bị lún khi bóp mạnh ở bất kì điểm nào, cho thấy chất lượng hoàn thiện của sản phẩm rất tốt. Một điểm đáng lưu ý nữa là cạnh máy được vát bằng nhôm đẹp và khá cứng, có lúc mình vô tình để máy va nhẹ trúng cạnh bàn bằng thép thì cạnh này vẫn không bị móp, ít nhất là mắt thường không thấy được, cho thấy chất lượng nhôm rất tốt.
Với kiểu dáng cao cấp như vậy nhưng Inspiron 14 mới có giá bán rất hợp lý, 849$ ở thị trường Mỹ cho phiên bản tiêu chuẩn có màn hình Full HD, cảm ứng 10 điểm và chạy Windows 8. Điểm đáng khen là Dell đã sử dụng màn hình độ phân giải Full HD cho máy, mặc dù Inspiron chỉ là dòng laptop phổ thông mà thôi.
Cấu hình máy thử nghiệm: Inspiron 14 7000 series - 7437
- CPU: Intel Core i5-4200U, 2 nhân 1,6GHz
- RAM: 6GB DDR3 bus 1600MHz
- GPU: Tích hợp Intel HD Graphics 4400 (GT2)
- Ổ cứng: 1TB
- Màn hình: Full HD 14 inch, cảm ứng 10 điểm
- Kết nối: WiFi N, 2 USB 3.0, HDMI, LAN, khe thẻ SD, webcam
Touchpad và bàn phím
Tương ứng với bề ngoài cao cấp của máy thì bàn phím cũng có chất lượng rất tốt. Cảm giác gõ trên bàn phím chicklet của Inspiron 14 7000 series theo mình là tuyệt vời, các phím có khoảng cách vừa phải, độ nảy tốt, rất nhẹ khi gõ và êm như nhung. Tuy nhiên 4 phím lên/xuống/trái phải lại có kích thước nhỏ hơn hẳn so với những phím khác, hơi khó khăn khi chơi game cần tới cụm phím này. Bù lại, bàn phím của máy không bị flex và có thêm đèn nền để sử dụng khi trời tối.
Bàn rê chuột trên Inspiron 14 7000 mang chút gì đó kiểu dáng của Macbook Pro, chúng ta có touchpad kích thước lớn, 2 nút chuột trái phải chìm và có thể nhấn ngay trên bàn rê. Tương ứng với bàn phím tốt thì bàn rê của máy xài cũng rất đã, nhạy và hỗ trợ đa điểm, những thao tác 2 ngón, 3 ngón để dùng trên Windows 8 được nhận và phản ứng khá mượt, hầu như không bị trễ. Tuy nhiên, bàn rê này lại được thiết kế hơi hơi nhám một tí, tức là sau một hồi rê chuột thì đầu ngón tay chúng ta sẽ có cảm giác như bị dính bụi, nhưng thực chất là không phải.
Màn hình và loa
Thật tuyệt khi Dell đã cố gắng trang bị màn hình Full HD cho Inspiron, vốn là laptop dòng trung cấp chứ không phải cao cấp. Full HD cho chúng ta không gian sử dụng rộng rãi hơn, bạn có thể mở trình duyệt web bên trái màn hình và Office, Yahoo! chat nằm bên phải, đỡ tốn thời gian chuyển qua lại hơn, làm việc hiệu quả hơn. Màn hình này cũng có độ sáng vừa phải, trong và dịu mắt, nói chung là khá hài lòng. Dell cho biết trên Inspiron 14 7000 có 2 loại màn hình, gồm loại thường và loại có cảm ứng đa điểm, hỗ trợ 10 điểm cùng lúc. Với chiếc máy thử nghiệm, cảm ứng của máy khá mượt và nhạy, đáp ứng nhanh.
Inspiron 14 7000 series được trang bị loa stereo gồm 2 loa đặt ở 2 cạnh trái/phải, kích thước giống khe thẻ SD, tuy nhiên chất lượng của cặp loa này chỉ ở mức trung bình, âm thanh khi nghẹ nhạc khá trong, nhưng chỉ thiên về âm cao mà bass khá yếu, không ấn tượng, và âm lượng bị vỡ nhiều khi mở trên 70%.
Pin và nhiệt độ
Có vỏ nhôm toàn bộ, từ phần nghỉ tay cho đến mặt lưng, nắp màn hình tuy nhiên nhiệt độ khi sử dụng của Inspiron 14 7000 tương đối mát và chấp nhận được. Suốt thời gian sử dụng máy, phần lót tay chỉ hơi ấm chứ không quá nóng, ngay cả mặt đáy cũng chỉ âm ấm chứ không nóng, điểm nóng nhất là 2 khe tản nhiệt, nằm gần cạnh màn hình. Nhiệt độ của CPU khi sử dụng bình thường được phần mềm AIDA64 đo trong khoảng 54-60 độ C.
Inspiron 14 7000 có pin 58Wh (4 cell), theo công bố của Dell ở điều kiện lý tưởng, máy có thể sử dụng được gần 9 giờ liên tục với một lần sạc pin. Ở thử nghiệm thực tế, mình để màn hình sáng 60% và cho máy idle không tắt màn hình trong 2 tiếng, sau đó tiếp tục chạy phim HD online bằng web trong khoảng 3 tiếng nữa. Lúc này pin giảm từ 100% còn 30%. Tức là hơn 2/3 dung lượng pin sẽ xài được khoảng 5 tiếng, cho thấy nếu 100% pin chúng ta có thể sử dụng được khoảng 7 giờ. Như vậy có thể thấy Inspiron 14 7000 series có thời lượng pin rất tốt.
Kết luận
Thiết kế tuyệt đẹp, vỏ nhôm nguyên khối cứng cáp, màn hình 14" Full HD có cảm ứng, thời lượng pin lâu và giá hợp lý (850$ cho bản tiêu chuẩn). Dell Inspiron 14 7000 series sẽ là một dòng laptop rẻ, bền, đẹp đáng để chúng ta cân nhắc khi chọn mua một chiếc máy mới.
Ưu điểm
- Thiết kế đẹp, vỏ nhôm cứng cáp
- Màn hình Full HD, cảm ứng 10 điểm
- Pin lâu
- Giá hợp lý
- Bàn phím và touchpad tốt
Yếu điểm
- Chất lượng loa chưa cao
- Màn hình gương nên tương đối khó xài ngoài trời nắng
- Không có SSD làm bộ đệm
Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013
Trên tay Dell Inspiron 14 7000 series: nhôm nguyên khối tuyệt đẹp, Full HD, cảm ứng 10 điểm, 2kg
IDC: giá bán trung bình của smartphone trong Q3/2013 giảm còn 317$, iPhone đắt nhất, BB hạng nhì
Trong báo cáo về thị trường điện thoại di động trên toàn cầu trong quý 3 năm nay, hãng nghiên cứu IDC cho biết rằng giá bán trung bình (ASP) của smartphone hiện là 317$. Con số này đã giảm 12,5% so với cùng kì năm ngoái nhờ sự xuất hiện của ngày càng nhiều các model giá trung và thấp. Tổng cộng thì toàn thị trường smartphone đã mang về doanh thu 82,8 tỉ USD cho các hãng sản xuất. Chi tiết hơn, ASP của iPhone là 635$, cao nhất trên thị trường nhưng cũng đã giảm 6% so với năm ngoái. Giá bán trung bình đắt thứ nhì là 386$ của BlackBerry, theo sau là 287$ của Windows Phone và 268$ của smartphone Android.
Biểu đồ bên dưới thì thể hiện sự biến động của giá bán trung bình cho tất cả các nền tảng smartphone trong từng quý từ năm ngoái đến nay. iPhone luôn giữ vị trí hàng đầu vì chủ yếu chỉ có mặt ở phân khúc cao cấp, trong khi những hãng khác đều có sản phẩm trải dài cho nhiều đối tượng khách hàng với nhiều mức giá khác nhau. Android thì không có sự biến động nhiều về giá bán trung bình, trong khi ASP của Windows Phone thì đang có xu hướng giảm nhanh nhờ sự thâm nhập của Nokia vào thị trường tầm trung và thấp với các mẫu như Lumia 520, 620, 625.
Ghi chú: Để xem chi tiết ASP của từng nền tảng, bạn có thể rê chuột hoặc chạm lên ngay vị trí của nút số liệu.
Nguồn: IDC
Asus ra mắt Transformer Book T100 cho Việt Nam, giá 8,5 triệu cho bản 32GB
Transformer Book T100 là chiếc máy tính lai 2 trong 1 mà Asus từng giới thiệu ở hội nghị IDF 2013 vừa qua. Hôm nay, hãng này chính thức ra mắt dòng máy có màn hình 10.1" này ở Việt Nam. Với tên gọi 2 trong 1, máy bao gồm chức năng của một chiếc laptop với màn hình rộng 10.1 inch, touchpad và bàn phím đầy đủ, ngoài ra, màn hình này cũng tách rời ra khỏi bàn phím được, biến nó thành một chiếc máy tính bảng đúng nghĩa với cảm ứng đa điểm. T100 sử dụng CPU Intel Bay Trail-T, phiên bản bán ở Việt Nam là chip 4 nhân Atom Z3700, giá bán 8,5 triệu đồng cho bản bộ nhớ 32GB, 9 triệu đồng cho bản 64GB và 9,5 triệu đồng cho bản 32GB + ổ cứng 500GB, máy sẽ bắt đầu bán ra từ tháng 12.
T100 là sản phẩm mới nhất trong loạt máy tính chuyển đổi Transformer của Asus. Máy sử dụng chip Atom Z3700, 4 nhân trên nền tảng Intel Bay Trail-T, cài đặt sẵn Windows 8.1 Pro 32 bit, Asus cho biết T100 nặng 1,07kg bao gồm màn hình và đế bàn phím. Theo thử nghiệm nội bộ của hãng, Transformer Book T100 có thời gian sử dụng pin liên tục 11 giờ ở điều kiện lí tưởng, hoặc 9 giờ nếu xem phim. Một thông tin thú vị là chiếc dock chỉ chưa bàn phím, touchpad và cổng USB 3.0, không có pin mở rộng cho máy.
Thông số cấu hình Transformer Book T100
- CPU: Intel Atom Z3700, Bay Trail-T, 4 nhân
- RAM: 2GB
- Bộ nhớ: 32GB eMMC/64GB eMMC/32GB eMMC + 500GB HDD
- Màn hình: 10.1 inch, 1366 x 768 pixel, cảm ứng đa điểm
- Cân nặng: 1,07kg
- Pin: tối đa 11 giờ
Điện thoại Jolla chạy Sailfish OS đầu tiên sẽ được bán ra vào ngày 27/11 tại Phần Lan
Tại một cuộc hội nghị diễn ra vào hôm nay, Jolla - công ty được thành lập bởi một số cựu nhân viên Nokia - đã xác nhận rằng công ty sẽ bán ra chiếc smartphone chạy Sailfish OS đầu tiên vào ngày 27/11, dành cho riêng thị trường Phần Lan. Được biết sau một vài thoả thuận, Jolla và nhà mạng DNA tại Phần Lan sẽ cùng nhau phân phối smartphone dùng Sailfish OS đến tay người dùng. Giá bán mà Jolla đề ra cho chiếc smartphone này là tầm 535$ đã bao gồm thuế, mặc dù mức giá này khá cao so với một sản phẩm còn non trẻ, nhưng Jolla hy vọng hệ điều hành mới Sailfish OS sẽ giúp họ thu hút được một lượng khách hàng nhất định.
Vẫn chưa có thông tin về thời gian Jolla sẽ đưa smartphone của họ ra thị trường quốc tế, chỉ được biết là trước khi kết thúc năm nay.
Xem thêm: Hình ảnh thực tế và video về điện thoại chạy Sailfish OS của Jolla
Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013
AMD ra mắt dòng APU Mullins, Beema và Kaveri cho năm 2014
AMD mới đây đã ra mắt ba dòng SoC mới cho năm 2014. Hai sản phẩm đầu tiên mang tên Mullins, Beema và chúng sẽ được dùng trong tablet, các thiết bị lai 2 trong 1 và laptop siêu mỏng. Cả hai APU này đều được sản xuất dựa trên dây chuyền 28nm, tích hợp nhân xử lí "Puma" và nhân đồ họa dòng Graphics Core Next (GCN). Nhờ những yếu tố trên, cộng với thiết kế SoC với tất cả các thành phần quan trọng nằm trong một đế chip duy nhất, AMD hứa hẹn hai dòng sản phẩm mới sẽ mang lại tỉ số hiệu năng/watt cao gấp đôi so với thế hệ APU Kabini và Temash hiện nay.
Nói về mức độ tiêu thụ điện, APU Beema có TDP vào khoảng 10W đến 25W, trong khi Mullins có thể xuống thấp chỉ 2W nên có thể dùng trong những thiết bị không cần quạt tản nhiệt. Beema và Mullins sẽ có nhiều cấu hình với hai nhân hoặc bốn nhân, hỗ trợ tính năng Microsoft InstantGo để rút ngắn thời gian khởi động máy cũng như công nghệ dock mở rộng AMD DockPort.
Chưa hết, trên đế chip của Mullins và Beema còn có một nhân ARM Cortex A5 dùng cho công nghệ AMD TrustZone. Công nghệ này giúp bảo vệ hệ thống máy tính của người dùng khỏi sự tấn công của những phần mềm mã độc hoạt động ở cấp hệ điều hành. Nó cũng là nền tảng để triển khai các ứng dụng chống virus, những phương thức thanh toán online hay quản lý nội dung. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về TrustZone trong một bài viết khác.
Cũng trong dịp này, AMD đã giới thiệu dòng APU Kaveri cũng dành cho năm sau. Các APU này có từ hai đến bốn nhân "Steamroller", nhân đồ họa GCN và có thể dùng trong những hệ thống đòi hỏi sức xử lí mạnh mẽ. TDP của Kaveri nằm trong khoảng 15W đến 35W và cũng được sản xuất trên dây chuyền 28nm, tuy nhiên không được ứng dụng thiết kế SoC như Mullins hay Beema. Kaveri sẽ thay thế cho dòng APU Richland hiện nay.
Một số thiết bị sẽ sử dụng APU Mullins, Beema, và Kaveri trong năm sau bao gồm:
- HP Pavilion x2, Pavilion TouchSmart, Envy TouchSmart
- MSI W20 3M (tablet) và S12T (laptop)
- Acer Aspire V5-122P và V5-552
- Toshiba Satellite Click
- Samsung ATIV Book 9 Lite
Honda sắp ra mắt thiết bị di chuyển cá nhân UNI-CUB mới, nhỏ hơn và nhẹ hơn
Honda sắp sửa ra mắt thiết bị di chuyển cá nhân UNI-CUB phiên bản mới tại triển lãm Tokyo Motor Show chuẩn bị khai mạc vào tuần tới. UNI-CUB mới sẽ nhỏ gọn hơn và tất nhiên là có trọng lượng nhẹ hơn. Nó có thể được dùng để làm ghế và tương lai rất có tiềm năng thay thế cho những chiếc ghế văn phòng.
UNI-CUB đã từng được giới thiệu lần đầu tiên tại kỳ Motor Show cách đây 4 năm với tên gọi "U3-X" - một thiết bị di chuyển cá nhân đặc biệt, sau đó nó đã được phát triển thành thiết bị UNI-CUB vào thời điểm tháng 05/2012. Thiết bị này được chế tạo dựa trên công nghê Balance Control và Omni Traction Drive System của Honda - những công nghệ đã được phát triển từ 30 năm nay trong quá trình nghiên cứu chế tạo rô-bốt thông minh.
Trong năm qua, Honda đã giới thiệu UNI-CUB tại nhiều triển lãm khắp nơi trên thế giới. Thiết bị này đồng thời cũng được thử nghiệm tại bảo tàng khoa học và công nghệ Miraikan, nó được sử dụng bởi nhân viên và khách tham quan. Chiếc UNI-CUB Bê-ta được phát triển dựa trên những phản hồi và dữ liệu cung cấp từ chương trình thử nghiệm tại Mirakan.
Bước tiếp theo mà hãng xe Nhật tính đến là đưa UNI-CUB vào một loạt các doanh nghiệp và tổ chức thông qua một chương trình "cho thuê" có thu phí. Chiếc U3-X, UNI-CUB và giờ đây là UNI-CUB Bê-ta đều được điều khiển và bẻ lái bằng những cử động thân người. Với công nghệ điều hướng thông minh từ Honda, những thiết bị này có thể di chuyển một cách nhẹ nhàng và liền mạch, theo bất kỳ hướng nào.
Chiếc UNI-CUB Bê-ta không chỉ được trưng bày và giới thiệu tại triển lãm Tokyo Motor Show 2013 mà còn được cho "test drive" bởi các tạp chí hàng đầu về công nghệ và ô tô - xe máy. Hy vọng là Tinh Tế sẽ được "cho mượn" một chiếc.--//--Hình ảnh Honda UNI-CUBTheo Gizmag
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)