Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Dùng sóng Wi-Fi để "nhìn xuyên tường"

wi-vi

Bằng cách phát 2 làn sóng Wi-Fi ngược chiều nhau, người ta có thể nhận biết được những chuyển động cũng như hướng di chuyển của những vật thể trong một căn phòng, và đó cũng là mức độ "nhìn xuyên tường" cao nhất của phương pháp được đề cập chứ không phải nhìn xuyên tường như siêu nhân. Hệ thống này có tên Wi-Vi sử dụng sóng Wi-Fi tần số 2.4GHz và thật ra cũng không có gì gọi là quá cao siêu, nhưng với ưu điểm giá thành rẻ thì biết đâu sau này người ta có thể tận dụng sóng Wi-Fi của điện thoại để thực hiện các công tác cứu hộ hoặc tìm người bị nạn trong đống đổ nát...

Trong video thử nghiệm mà bạn sắp sửa xem bên dưới, người ta đặt cục Wi-Vi ở trong tường và liên kết nó với 2 transmitter, 1 receiver để nhận biết chuyển động cũng như hướng di chuyển của vật thể di động đó. Tất cả kết quả sẽ được hiển thị dưới dạng biểu đồ nằm ngang, nếu trong phòng không có chuyển động thì biểu đồ chỉ hiển thị một đường thẳng, nếu phát hiện có chuyển động thì đường thẳng này sẽ biến thiên lên hoặc xuống, tùy theo hướng di chuyển của vật thể là hướng ra xa hay lại gần cục Wi-Vi.

Nguyên tắc làm việc của thiết bị này là máy sẽ phát ra không phải một mà tới hai sóng Wi-Fi ngược chiều nhau và liên tục phát ra sau đó thu lại (giống như cách máy tính Ping với nhau hoặc radar/sonar của tàu chiến, máy bay). Nếu có vật thể chuyển động thì máy sẽ dựa vào độ chênh lệch giữa 2 làn sóng Wi-Fi để xác định hướng di chuyển. Di chuyển càng nhiều thì biểu đồ biến thiên trên màn hình sẽ càng lớn, di chuyển ít thì biến thiên cũng nhỏ hơn.