Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Thêm thông tin về APU Mullins và Beema, nỗ lực tiến sâu hơn vào thị trường máy tính di động của AMD

AMD_APU_SoC_Mullins_Beema.

AMD mới đây đã ra mắt ba dòng APU mới của mình, bao gồm Kaveri, Mullins và Beema. Trong đó, trọng tâm là hai series SoC MullinsBeema bởi chúng mang trong mình nhiều cải tiến về công nghệ so với thế hệ trước, lại là con chip được AMD thiết kế để dùng trong máy tính bảng, máy tính lai và máy tính xách tay siêu mỏng. Chúng ta có thể xem đây là nỗ lực của AMD trong việc tiến sâu hơn vào thị trường máy tính cá nhân di động và cũng để cạnh tranh với những chip Atom Silvermont của Intel. Trong bài viết này, mời các bạn cùng tìm hiểu sâu hơn về Mullins và Beema.

CPU, GPU trong Mullins và Beema

Trước hết, bạn cần biết rằng Mullins và Beema sử dụng nhân CPU hoàn toàn chứ không phải là một phiên bản được tinh chỉnh lại của sản phẩm hiện tại. Temash, thế hệ tiền nhiệm của Mullins và Kabini, tiền nhiệm của Beema hiện đang sử dụng nhân "Jaguar" 28nm. Trong khi đó, Mullins và Beema sử dụng nhân "Puma" 28nm với khả năng tiết kiệm điện tốt hơn, hiệu suất hoạt động cao hơn và tính bảo mật tốt hơn. Số nhân CPU của Beema và Mullins vẫn là 2 hoặc 4 nhân tùy chip, giống với Kabini hay Temash.

Hiện AMD vẫn chưa nói nhiều về những điểm mới trong Puma, hãng chỉ nói rằng Mullins và Beema cung cấp tỉ số hiệu năng/watt cao gấp 2 lần so với Temash và Kabini. Tỉ số này có được bằng cách lấy một số điểm benchmark từ những phép đo phổ biến rồi chia cho TDP của chip.

Đi sâu một chút vào Beema, như đã nói ở trên, nó sẽ thay thế cho dòng APU Kabini hiện đang bán trên thị trường. TDP của Kabini nằm trong khoảng từ 15W đến 25W, trong khi TDP của Beema thì được hãng giảm xuống chỉ còn 10W đến 20W mà thôi. Điều này có nghĩa là thiết bị được trang bị Beema sẽ chạy mát hơn và tất nhiên là thời lượng dùng pin sẽ dài hơn. Các con chip Beema sẽ nằm ở phân khúc "Low Power", tức dành cho máy tính bảng và một số máy tính mỏng nhẹ.

Tương tự cho Mullins. Nếu như TDP của người tiền nhiệm Temash là 8W thì của Mullins chỉ là 4W mà thôi, giảm đi đến một nửa. Ngoài ra, AMD cũng có đề cập đến thông số SDP (Scenario Design Power, năng lượng dùng cho hệ thống tản nhiệt khi chip chạy ở xung nhịp mặc định thấp nhất) của Mullins là ~2W, còn của Temash thì đến tận 3W-4W. Vì Mullins được xếp vào dòng "Ultra Low Power" (có mức độ tiêu thụ năng lượng rất thấp) nên chúng ta sẽ thấy dòng chip này xuất hiện phổ biến ở các tablet và các hệ thống tablet lai laptop. Nó cũng cho phép tạo ra những thiết bị không cần đến quạt tản nhiệt.

Bên cạnh đó, AMD cho biết thêm rằng hiệu năng của bộ xử lí đồ họa tích hợp trong Beema và Mullins đều tăng 20% so với sản phẩm mà chúng thay thế, trong khi hiệu năng tổng quát thì tăng 35% với Mullins và tăng 24% với Beema. Kết quả đo bằng PCMark 8 và 3D Mark 11 cho chúng ta số liệu như sau:


Cả Mullins và Beema đều xài GPU Graphic Core Next (GCN) vốn đã có mặt trên hai model tiền nhiệm nhưng có lẽ AMD sẽ tinh chỉnh xung hoặc số nhân để mang lại hiệu quả xử lí đồ họa cao hơn. Trang chuyên về chip AnandTech cho biết rằng APU Kabini/Temash hiện nay có hai đơn vị xử lí (CU) với tổng cộng 128 nhân. Để đạt được con số tăng trưởng khoảng 20% về mặt hiệu năng như quảng cáo, AnandTech cho rằng AMD sẽ phải tăng số CU thành ba với 192 nhân trong Mullins và Beema. Có khả năng AMD chỉ đẩy xung nhịp lên cao và giữ nguyên số nhân để đạt được kết quả như trên, chúng ta phải chờ đến khi có sản phẩm ra đời thì mới biết chính xác AMD đã tinh chỉnh thứ gì.

Cũng cần nói thêm rằng Mullins và Beema đều sở hữu thiết kế System-on-Chip (SoC), tức là ngoài nhân CPU, GPU và bộ nhớ cache ra thì trên con chip này còn có những thành phần hệ thống khác như hub điều khiển bộ nhớ, hub điều khiển các kết nối, bộ phận điều khiển việc xuất tín hiệu hình ảnh... SoC giúp tiết kiệm không gian để chứa phần cứng và giảm lượng điện tiêu thụ so với việc bố trí các thành phần rời nhau, chính vì thế rất phù hợp để sử dụng trong các thiết bị mỏng nhọ nhẹ. Cả Kabini và Temash cũng là SoC, Intel Atom Bay Trail, đối thủ Mullins và Beema cũng là SoC, con chip trong smartphone và tablet mà bạn đang xài cũng là SoC đấy thôi.

AMD_APU_SoC_Mullins_Beema_2.

Những tính năng khác trong Mullins/Beema

Có ba tính năng mới đáng chú ý mà AMD bổ sung cho Mullins/Beema, bao gồm AMD DockPort, Microsoft InstantGo, và Platform Security Processor. Chúng ta sẽ đi lần lượt qua từng thứ một để sau này nếu như bạn có đi mua máy dùng Mullins/Beema thì cũng biết được những công nghệ đó là gì và chúng có ý nghĩa như thế nào.

Công nghệ AMD DockPort

Đây là một công nghệ kết hợp giao tiếp USB 3.0 và DisplayPort 1.2 vào chung trong một sợi cáp duy nhất giúp bạn vừa có thể xuất hình ảnh ra các màn hình, vừa có thể kết nối đến nhiều thiết bị ngoại vi khác nhau. Giải pháp này gần giống với Thunderbolt của Intel, chỉ khác là Intel sử dụng PCIe để truyền dữ liệu, còn DisplayPort thì vẫn được xài để truyền hình ảnh. Trong bài thuyết trình của mình, AMD không nói nhiều về DockPort, hãng chỉ nói rằng nhà sản xuất thiết bị có thể chọn tích hợp tính năng này hoặc không.
AMD_APU_SoC_Mullins_Beema_1.

Về những thứ mà DockPort có thể làm được, như slide bên trên, bạn có thể dùng một sợi cáp duy nhất để sạc pin laptop, xuất hình ảnh ra tối đa ba màn hình ngoài và kết nối đến rất nhiều các thiết bị ngoại vi khác, bao gồm smartphone, đầu đĩa, bàn phím, chuột,.... Việc kết nối sẽ được thông qua một dock với vai trò trung gian. Đây là một công nghệ thú vị và chúng ta hãy chờ xem các hãng sản xuất phần cứng sẽ tích hợp tính năng DockPort này như thế nào.

InstantGo

Microsoft InstantGo là một tính năng khác mà Mullins/Beema hỗ trợ (thực chất trước đây công nghệ này có tên là Connected Standy). Bình thường, khi máy tính của chúng ta đã đi vào chế độ sleep thì sẽ "ngủ" và không làm thêm hành động gì. Trong khi đó, InstantGo sẽ "đánh thức" máy tính theo chu kì để máy tự truy cập vào Internet và tải về những dữ liệu quan trọng như email, tin tức, cập nhật mạng xã hội...
AMD_APU_SoC_Mullins_Beema_4.

Nó cũng giúp thiết bị hồi phục lại từ trạng thái ngủ trong chỉ 500 mili giây chứ không phải đợi một thời gian dài như những gì chúng ta thường thấy. Nói cách khác, InstantGo cực kì lý tưởng cho các máy tính bảng vốn cần phải mở lên thật nhanh khi người dùng nhấn nút unlock màn hình. AMD cũng cho biết thêm rằng InstantGo có thể giúp thiết bị của chúng ta giữ pin được trong 14 ngày ở chế độ standby, tất nhiên là thời gian này còn phải tùy vào cục pin của máy nữa.

Platform Security Processor

Tính năng này thực chất là một nhân ARM Cortex-A5 hỗ trợ cho công nghệ bảo mật ARM TrustZone. Đây là thiết kế khá thú vị khi mà trên đế của một bộ vi xử lí x84/64 lại có thêm một nhân phụ sử dụng kiến trúc đối thủ. TrustZone sẽ cung cấp một môi trường an toàn cho người sử dụng, giúp ngăn chặn các cuộc tấn công của malware hay virus, hỗ trợ thực hiện các công đoạn xác thực hay thanh toán trực tuyến. Mullins và Beema là hai con chip đầu tiên của AMD được tích hợp thiết kế TrustZone theo kiểu này.
AMD_APU_SoC_Mullins_Beema_3.

Lợi ích của Security Processor trong ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng, nhưng biết đâu ARM sẽ có giải pháp gì đó để thúc đẩy TrustZone phát triển thì sao? Khi đó chúng ta có thể thanh toán dễ dàng bằng chiếc tablet của mình, hoặc chạm tablet để xác minh mà chính là người sử dụng chính chủ của một tài khoản nào đó. Đây là viễn cảnh cũng không quá xa vời phải không nào?

Kết

Nói tóm lại, Mullins và Beema sẽ được ra mắt trong nửa đầu năm sau, tuy nhiên AMD vẫn chưa công bố cụ thể khung thời gian mà những sản phẩm chạy hai dòng chip này sẽ xuất hiện trên thị trường. Trong bối cảnh AMD đang phải chịu sức ép từ đối thủ Atom Bay Trail của Intel, hi vọng hãng sẽ sớm tung Mullins và Beema. Tất nhiên, một mình AMD là chưa đủ. Để thiết bị có được sức hút thật sự người dùng thì cần nhiều hơn là một con APU tốt. Các nhà sản xuất phần cứng phải cân nhắc đến thiết kế, màn hình, pin, kết nối và hàng tá những yếu tố khác có thể quyết định sự thành bại của một sản phẩm điện tử. Chúng ta hãy cùng chờ xem Mullins và Beema liệu có giúp AMD vươn lên mạnh mẽ hơn trong thị trường di động trong thời gian tới hay không.