Trong suốt ba năm kể từ khi chính thức ra mắt, iPad đã là một trong những chiếc máy tính bảng phổ biến và nổi tiếng nhất trên thị trường. Thiết bị này có thiết kế thân thiện và ngày càng được Apple điều chỉnh lại cho tiện dụng và đẹp hơn. Mặc dù vậy, thiết kế tổng quan của iPad vẫn gần như không đổi từ đó đến nay: chúng ta vẫn có một thiết bị với màn hình to chiếm trọn mặt trước, một bộ vỏ nhôm chắc chắn bao xung quanh và cả mặt sau. Vậy làm thế nào Apple quyết định chọn kiểu dáng này cho dòng máy tính bảng của mình? Mời các bạn cùng đi ngược thời gian để xem lại những câu chuyện đằng sau quá trình nhà thiết kế Jony Ive cùng nhóm của ông tạo ra chiếc iPad đời đầu.
Mong muốn mang tên "máy tính bảng" của Apple
Trong khi nhóm của Jony Ive đang làm việc một cách bí mật với chiếc iPad thì Steve Jobs lại nói với mọi người rằng Apple không có ý định xây dựng tablet. "Máy tính bảng chỉ thu hút những người giàu đã có sẵn nhiều máy tính và những thiết bị khác", Steve nói. Tuy nhiên vị cố CEO này thực chất chỉ đang giả vờ mà thôi. Phó chủ tịch marketing toàn cầu của Apple, ông Phil Schiller, tiết lộ rằng "Steve chưa bao giờ đánh mất tham vọng làm ra một chiếc máy tính bảng". Thực chất thì ngay cả trong lúc phát triển iPhone 3G, nhóm của nhà thiết kế Jony Ive cũng nghiên cứu và phát triển iPad nữa. Steve Jobs chỉ đang chờ đến đúng thời điểm để tung thiết bị của mình ra mà thôi.
Một trong những động lực giúp Apple tiếp tục dồn nhiều công sức vào tablet đó là do sự xuất hiện của netbook. Netbook là một loại máy tính xách tay mỏng nhỏ nhẹ và giá rẻ được ra mắt năm 2007. Nó nhanh chóng ăn vào thị trường của laptop và đến năm 2009 đã có lúc netbook chiếm đến 20% thị phần máy tính xách tay. Apple không nghĩ đến việc kinh doanh netbook bởi theo Steve Jobs thì đây chỉ là một loại laptop giá rẻ và không có gì tốt hơn máy tính bình thường cả. Tuy nhiên, dù gì thì ý tưởng về netbook cũng ít nhiều xuất hiện trong các cuộc họp lãnh đạo cao cấp của Apple.
Trong số những cuộc họp như thế vào năm 2008, Jony đề xuất rằng chiếc máy tính bảng đang ở trong phòng thí nghiệm của ông sẽ là câu trả lời cho netbook. Nhà thiết kế này gợi ý rằng một chiếc tablet cơ bản là một chiếc laptop nhưng không có bàn phím và giá thấp hơn. Ý tưởng này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của Jobs và Jony được cho phép tiếp tục biến nguyên mẫu của mình trở thành một sản phẩm thực sự.
Jony sau đó đã yêu cầu nhân viên của mình làm ra 20 model máy tính bảng khác nhau với nhiều kích cỡ và tỉ lệ màn hình. Tất cả những chiếc máy này được đặt lên một chiếc bàn tại Apple để Jony và Jobs có thể thử nghiệm. Jony nói "đây là cách mà chúng tôi chọn kích thước màn hình sẽ là bao nhiêu". Đây cũng là cách mà Apple chọn kích thước phù hợp cho Mac mini cũng như nhiều sản phẩm khác của mình. Theo một cựu kĩ sư của Apple có tham gia vào phát triển iPad, "Steve và Jony thích làm như vậy với hầu hết tất cả sản phẩm. Họ bắt đầu bằng việc làm ra nhiều thiết kế với nhiều kích cỡ và hình dáng khác nhau để tìm ra thứ họ muốn".
Một nhân viên quan trọng khác của Apple nói thêm rằng kích thước màn hình của chiếc máy tính bảng mà công ty muốn làm ra cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi kích thước của tờ giấy. Người này giải thích: "Kích thước của tablet sẽ vào khoảng một tờ giấy... và tôi nghĩ đây là một điều đúng đắn bởi vì máy sẽ nhắm đến các trường học, cơ sở giáo dục và những người cần đọc sách". Phần cứng cũng là một yếu tố khác. Ở buổi đầu, iPad được xem như một chiếc iPod touch phóng to.
Mục tiêu cuối cùng của Jony đó là làm ra một thiết bị mà Apple không cần phải giải thích nhiều cho người dùng và nó phải thật sự trực quan. "Nó phải là một thiết bị đẹp và đơn giản, một thứ mà bạn thật sự muốn, và một thứ cực kì dễ hiểu. Bạn cần nó lên, bạn dùng nó, chẳng cần ai phải giải thích cho bạn", Christopher Stringer, một nhà thiết kế kì cựu của Apple, cho biết.
Tất nhiên, để làm ra được một thiết bị như thế cần đầu tư rất nhiều thời gian và sức sáng tạo.
Tạo ra iPad
Nhóm của Jony đã chọn khám phá hai hướng thiết kế khác nhau cho iPad. Dựa trên thiết kế theo phong cách "Extrudo" (chữ này có nghĩa là đẩy ra, ép ra) của Apple, thứ đầu tiên cần làm là tạo nên một bỏ vỏ bằng nhôm giống như iPod mini thời bấy giờ, nhưng phải to hơn và mỏng hơn. Christopher Stringer chính là người dẫn dắt công đoạn này và ông cũng là nhân vật đã tham gia thiết kế nên những nguyên mẫu iPhone đầu tiên. Cũng giống như sản phẩm trước đó, Stringer đã tạo ra iPad từ một khối nhôm duy nhất. Tất nhiên là vì lý do bắt sóng nên ông phải thêm vào thiết kế của mình một miếng nhựa cho model Wi-Fi + 3G. Cạnh của mẫu máy này khá vuông vức chứ không bầu như iPhone "Extrudo" và nó không phải là một điều đáng lo ngại với Apple bởi "không ai đi úp cái tablet vào mặt cả".
Chiếc iPhone theo kiểu "Extrudo", một trong những nguyên mẫu iPhone đầu tiên được Apple nghiên cứu
Bên cạnh đó, nhóm của Jony cũng thử nghiệm thêm một vài model khác theo kiểu "khung tranh". Chúng có kích thước lớn hơn iPad hiện nay và có chân chống để dựng lên (hiện nay nhiều tablet đã có chân chống, ví dụ như chiếc Microsoft Surface chẳng hạn). Nhóm thiết kế này quyết định rằng việc theo đuổi một ý tưởng như thế là không khả thi và họ từ bỏ nó. Sau này khi iPad 2 ra đời, Apple sử dụng phụ kiện vỏ Smart Cover để làm chân chống cho iPad.
Tuy nhiên, chiếc iPad "Extrudo" của Stringer lại gặp vấn đề, đó là phần viền làm giảm đi giá trị của màn hình, cũng như những gì diễn ra với chiếc iPhone "Extrudo". Theo lời Jony: "Làm thế nào chúng ta có thể bỏ hàng tấn nút và tính năng có thể làm màn hình bị xấu đi?". Jony hiểu rằng màn hình là thứ quan trọng nhất trên iPad và không gì được làm phép làm người dùng phân tâm khỏi thành phần này.
Trong khi đó, nhà thiết kế Richard Howarth lại theo theo đuổi iPad theo kiểu "Sandwich" mà ông từng làm trước đó. Ông tạo ra nhiều phiên bản khác nhau của nguyên mẫu 035 và tất cả đều được làm từ một chiếc vỏ nhựa vuông vức theo kiểu của MacBook nhựa nhiều năm về trước. Không ngạc nhiên khi Howarth cũng là người tham gia làm vào việc thiết kế nên dòng MacBook nhựa mà Apple ra mắt năm 2006.
Nguyên mẫu thiết kế 035 của iPad
Trong quá trình thiết kế, những nguyên mẫu dần dần mỏng hơn, cạnh thiết bị thì trở nên vuông hơn. Một số mẫu dùng mặt lưng bằng nhôm, và rồi sau đó nhóm của Jony đồng ý rằng họ sẽ đi theo hướng của nguyên mẫu 035. Tuy nhiên vẫn còn một thứ làm Jobs cảm thấy chưa hài lòng: iPad vẫn chưa có được kiểu dáng thân thuộc với người dùng.
Jony ngay lập tức tập trung vào giải quyết vấn đề này. Ông nghĩ rằng iPad cần phải có một dấu hiệu gì đó để cho thấy rằng máy rất thân thiện và có thể cầm lên một cách dễ dàng với chỉ một tay. Thế nên bước đi kế tiếp đó là làm sao cho iPad dễ cầm nắm hơn. Một trong những nguyên mẫu sau đó có tay cầm bằng nhựa, điều đó khiến iPad trở thành một cái mâm đựng thức ăn trông không hề sang trọng. Khi nhóm thiết kế nhận ra rằng việc thêm tay cầm sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn, họ chuyển sang hướng sử dụng mặt lưng cong để chừa chỗ cho ngón tay người dùng lòn vào và cầm thiết bị lên. Đây cũng chính là những gì mà chúng ta được thấy trên iPad thế hệ đầu tiên.
Song song với việc thử nghiệm iPad, nhóm của Jony cũng đồng thời hoàn thành phần việc của mình với chiếc iPhone thế hệ thứ hai. Được quảng bá với cái tên iPhone 3G, thiết bị này tập trung nhấn mạnh vào khả năng tương thích với mạng 3G và nó không còn dùng vỏ nhôm như iPhone đời đầu. Thay vào đó, Apple chọn dùng vỏ nhựa polycarbonate cứng cho thiết bị của mình. Và cũng vì iPad được thiết kế song song với iPhone 3G nên cũng có thời gian Apple nghĩ về việc iPad cũng xài vỏ nhựa như thế, cũng có hai màu trắng hoặc đen với viền bằng thép không gỉ.
Tuy nhiên, ngay khi vừa đồng thuận với ý kiến này thì những vấn đề liên quan đến quá trình sản xuất buộc Jony phải thay đổi ý tưởng của nhóm. Mặt lưng nhựa của iPhone 3G trông đơn giản nhưng thật chất nó rất khó để sản xuất. Jony muốn sử dụng mặt lưng tương tự cho iPad, cũng là loại nắp được làm từ polycarbonate trộn với acrylonitrile butadiene styrene, nhưng khó khăn xuất hiện khi chúng ta tăng kích thước của nó lên cho vừa với iPad. Với cỡ lớn như vậy thì khi vừa ra khỏi lò đúc, vỏ sẽ bị cong và thu nhỏ lại, thế nên các nhà sản xuất phải làm ra một tấm lưng lớn hơn kích thước cần thiết để cắt gọt lại cho vừa.
Ngay cả sau khi đã đúc, vỏ nhựa này vẫn cần phải được đánh bóng, sơn và gia công thêm lần nữa để tránh lớp sơn bị tổn hại cũng như để đặt nút và logo Apple vào. Quy trình sản xuất sẽ cần thêm nhiều bước, và chính việc sử dụng nhựa là nguyên nhân của những khó khăn này. Nhà thiết kế Doug Satzger cho biết rằng nếu chuyển sang dùng nhôm thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Thế là nhóm thiết kế của Jony quay trở lại bàn vẽ của mình và tạo ra phần nắp lưng nhôm cho iPad. Họ cảm thấy thoải mái với loại vật liệu này, và họ cũng đã có sẵn quy trình sản xuất cho nhôm. Đổi lại, máy sẽ dày hơn một chút và không cong như những gì Jony muốn. Nhóm phải thêm vào một lớp mỏng để giúp iPad cứng cáp hơn, nhưng cũng khiến iPad dày và to hơn phiên bản nhựa lúc đầu.
Một chiếc iPad bản mẫu chạy phần mềm thử nghiệm. Máy này được cho là có đến hai cổng kết nối ở cạnh bên và cạnh dưới máy
Khi họ hoàn thành, nhóm của Jony rất hứng thú với vẻ ngoài theo hướng đơn giản hóa của máy. Chris Stringer hồi tưởng lại: "chúng tôi đã thử qua rất nhiều thứ. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng nhận ra rằng máy cần phải có một thứ gì đó rất riêng của nó. Chúng tôi không thể tự copy chính chính. Apple muốn một kiểu dáng độc nhất... một vật thể vô danh và không giống với bất kì thiết bị điện tử tiêu dùng nào". Quả thật, chiếc iPad của Apple không giống như bất kì thứ gì có trên thị trường vào thời điểm nó ra mắt. Như mô tả của Stringer thì nó là "một vật thể lạ và mới lắm".
Ghi chú: bài viết trên là một phần của quyển sách Jony Ive: The Genius Behind Apple's Greatest Products. Nếu quan tâm, bạn có thể mua sách này về đọc để biết thêm nhiều chi tiết hơn về quá trình Jony Ive tham gia vào việc tạo ra những sản phẩm đặc trưng của Apple.
Xem thêm: Steve Jobs đã làm như thế nào để giúp iPad thành công?