Dùng thử card đồ họa nVIDIA Quadro K6000 giá 132 triệu đồng
Tại Siggraph 2013 diễn ra hồi tháng 7/2013, nVIDIA đã giới thiệu Quadro K6000 - chiếc card đồ họa mạnh nhất thị trường hiện nay dành cho ngành công nghiệp đồ họa. Điểm đặc biệt trên K6000 là nó có tới 12GB RAM GDDR5 384-bit, gấp đôi con số 6GB của Quadro 6000 và Quadro K5000 cũ, kèm theo đó là GPU GK110 với 2880 nhân CUDA, vi kiến trúc Kepler; 7,1 tỉ bóng bán dẫn, có thể thấy đây là phiên bản tùy chỉnh lại của GTX 780 Ti nhưng được thiết kế riêng cho đồ họa chứ không phải chơi game như dòng sản phẩm GeForce. Mạnh nhất cũng đồng nghĩa với mắc nhất, Quadro K6000 có giá không hề rẻ chút nào, với giá bán lẻ đề xuất của nVIDIA là 5265$, hiện tại K6000 cũng đã được bán ở Việt Nam với giá từ 132 - 150 triệu đồng, tùy nhà phân phối.
Với gần 5000$ cho Quadro K6000, chúng ta sẽ được gì? Đây là một mức giá không hề rẻ, thậm chí chiếc máy trạm Mac Pro 2013 rất mạnh của Apple cũng chỉ có giá khởi điểm 3000$, nhưng dĩ nhiên K6000 được nVIDIA phát triển cho một phân khúc khác, đó là những máy trạm, những studio lớn chuyên thiết kế đồ họa, render hình ảnh cho các dự án lớn như làm phim, thiết kế game, thi công công trình xây dựng... Theo nVIDIA, lợi thế của K6000 là 12GB RAM, với lượng bộ nhớ cực lớn này cho phép các phần mềm render nạp nhiều dữ liệu hơn khi xử lý, từ đó tăng hiệu suất và giảm thời gian chờ đợi khi làm việc. Quadro K6000 sở hữu sức mạnh tính toán 5,2 TFLOPS với băng thông bộ nhớ 288GB/s, hỗ trợ 2 cổng DVI, 2 cổng DisplayPort, cho phép kết nối với 4 màn hình cùng lúc và hỗ trợ độ phân giải tối đa là 3840 x 2160 (4K). Mức tiêu thụ năng lượng K6000 là 225W, cao gần gấp 2 con số 122W của K5000.
Thông số của Quadro K6000 xem bằng GPUz
Do không có một máy trạm hoặc một máy chủ xứng tầm, mình chỉ gắn card lên một máy tính để bàn có giá bằng chỉ 1/10 Quadro K6000 để thử vài phần mềm vui vẻ. Theo đó, nếu benchmark K6000 bằng ứng dụng 3DMark 2013, với phép thử Fire Strike thì K6000 đạt hơn 8000 điểm, tức thấp hơn 1000 điểm so với GTX TITAN, dĩ nhiên điểm benchmark sẽ không có ý nghĩa đối với những dòng card chuyên dụng như Quadro, vốn được thiết kế để làm việc.
Với CINEBENCH, Quadro K6000 không có kết quả ấn tượng khi dựng hình bằng OpenGL, kết quả chỉ đạt 91,56FPS mà thôi.
nVIDIA công bố Quadro K6000 có khả năng tính toán 5196GFLOPS, khi benchmark bằng AIDA64 thì kết quả cho được là 4357GFLOPS, băng thông RAM 234GB/giây.
Về nhiệt độ, Quadro K6000 tỏ ra khá mát khi sử dụng, xứng đáng là một sản phẩm cao cấp. Khi stress liên tục 10 phút, nhiệt độ của GPU đo được chỉ khoảng 64 độ C mà thôi.
Card đồ họa Quadro K6000 đang được bán ở Việt Nam với giá 132,2 triệu đồng. Cám ơn Fastest đã cho mượn sản phẩm trong bài viết này.