Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

John Appleseed là ai và vì sao cái tên này xuất hiện trong các buổi lễ ra mắt sản phẩm của Apple?

John_Apple_Seed_500px.

John Appleseed là một người đàn ông bí ẩn thường xuất hiện trong các sự kiện giới thiệu sản phẩm mới của Apple. Không, ông ấy không phải là người lên sân khấu nói chuyện, cũng không phải là các thính giả hay khách mời đặc biệt của Apple. Thay vào đó, John Appleseed có mặt trong những tấm ảnh screenshot, những màn trình diễn tính năng hoặc công nghệ mới. Bạn có thể bắt gặp khuôn mặt của Appleseed trong buổi lễ ra mắt thế hệ iPhone đầu tiên lẫn các đời iPhone sau này. Mới đây nhất, cái tên đó lại có mặt trong phần trình diễn iOS 7. Vậy ông ấy là ai và vì sao lại có thể có mặt trong những sự kiện rất quan trọng với Apple? Trang Techradar đã có một cuộc tìm hiểu và cho chúng ta một câu chuyện rất thú vị.

Tình bạn lạ lùng

Mối liên hệ giữa Appleseed với Apple thực chất đã có từ những năm 1980. Apple lúc đó là một công ty rất khác so với hiện nay. Hãng bán cổ phiếu ra thị trường vào năm 1980 nhưng hình ảnh Apple không phải là một người doanh nhân với áo vest và thắt cà vạt sang trọng như hình tượng của IBM, thay vào đó là hình ảnh một anh chàng với quần jean và áo thun. Đây là cách Apple nói lên điểm khác biệt của mình thời bất giờ. Apple là con của Steve Jobs và Steve Wozniak, tuy nhiên vị CEO lúc đó lại là Mike Markkula.

Markkula không chỉ là một nhà đầu tư thành đạt - ông đã là triệu phú ở tuổi 32 - mà còn là một lập trình viên nữa. Ông là người đã tạo ra một số phần mềm dùng trong chiếc máy tính Apple II với cái tên "John Appleseed". Thật trùng hợp, một anh chàng ở thành phố Cupertino, bang California cũng có cái tên "John Appleseed", anh này cũng đã viết phần mềm cho Apple II rồi đặt cho nó tên của chính mình. Phần mềm này không tốt lắm, nhưng Appleseed không nhận ra điều đó. Những gì mà anh lo lắng lúc này chính là có ai đó ở Apple đang cố giả mạo anh ta.

Nếu trong thời buổi ngày nay thì Appleseed có thể thuê một luật sự rồi kiện Apple, nhưng vào những năm 80 thì có một lựa chọn dễ dàng hơn: đi đến đối mặt với Steve Jobs và hỏi cho ra lẽ. Kế hoạch của Appleseed rất đơn giản: đánh xe tới trụ sở Apple và đòi gặp Jobs, lúc đó đang giữ chức chủ tịch công ty. Tuy nhiên, dù cho anh chàng có cố gắng đến mức nào thì vẫn không thể tiếp cận được với Jobs.

Thế là Appleseed chuyển sang kế hoạch B và kế hoạch này còn tồi tệ hơn nữa: Anh đứng ngoài đường đợi Jobs rời khỏi Apple rồi sẽ tiếp cận. Lúc đó Appleseed không biết rằng Jobs thường đi làm bằng chiếc mô-tô BMW '66. Nhưng may mắn cho anh rằng ngày hôm đó Jobs lại đi bộ, và không những thế, Jobs lại đang có tâm trạng rất vui. Jobs không đuổi Appleseed đi, và khi anh ta đề nghị rằng Apple có thể cho anh ta một chỗ làm thì Jobs cũng không nổi khùng lên. Jobs chỉ cười rồi nói: "Hãy cùng đi bộ nào!". Và đây là điểm khởi đầu cho một tình bạn rất lạ thường.

John Appleseed không có được một chỗ làm ở Apple như lời đề nghị của mình, nhưng Jobs đã có được số điện thoại của anh chàng lạ lùng này. Và cứ vài tháng thì Jobs sẽ gọi cho Appleseed để hẹn gặp mặt. Một nguồn tin thân cận với Appleseed nói rằng "đây không phải là điều bình thường. Họ không giống như bạn nhậu, chẳng giống gì với kiểu đó hết. John Appleseed giống như là một cái màn hướng âm (nguyên văn: sounding board) của Steve Jobs, một người không liên can đến Apple mà Jobs có thể tin tưởng và nói chuyện."

Đó cũng không phải là một mối quan hệ bình đẳng. Nguồn tin nói: "Tôi không nghĩ Steve muốn nghe suy nghĩ của John. Tôi nghĩ Steve chỉ muốn một người có thể lắng nghe ông ấy nói mà thôi."

Think Different

Những cuộc gọi của Jobs đến Appleseed càng lúc càng nhiều hơn vào năm 1985 khi mà mối quan hệ giữa Jobs với CEO đương nhiệm là John Sculley trở nên căng thẳng. Nguồn tin nói "Steve khá là hoang tưởng vào lúc đó (nguyên văn: paranoid). Appleseed là một trong số ít những người mà ông ấy biết rằng không bận bịu."

Sự nghiệp của Steve Jobs thì đã rõ ràng rồi, có cả hồi kí và phim nữa cơ mà, nhưng cuộc đời của Appleseed lại không như thế: công việc của ông chủ yếu chỉ là tạm thời. Appleseed chuyển hết từ công ty này đến công ty khác trong Thung lũng Silicon chứ không có một con đường ổn định nào. Như đã nói ở trên, ông ấy cũng không bao giờ được vào làm dưới quyền Steve Jobs, nhưng trong những năm 80 thì lại có mối quan hệ với Apple: Appleseed gặp và hẹn hò Kate Shannon, người đang làm cho bộ phận kế toán của "Quả táo". Ông và Kate cưới nhau năm 1991 và có một cô con gái tên Jane vào năm 1993.

Quay trở lại với Jobs, những cuộc gọi của ông thưa dần vào những năm đầu của thập niên 90. Lúc đó Jobs đang có gia đình của mình và cũng đang điều hành hai công ty - NeXT và Pixar. Tất cả những thứ này đã chiếm hết thời gian của ông. Nhưng tới năm 1996 khi Jobs quay trở lại Apple thì các cuộc gọi bắt đầu khôi phục lại tần suất như trước.

Cái tên Appleseed xuất hiện không chỉ trên sân khấu, trong những buổi giới thiệu sản phẩm mà còn có mặt rải rác trong các sản phẩm Apple nữa. Ví dụ nhé: biểu tượng của ứng dụng TextEdit trong OS X. Biểu tượng này thực chất là một ghi chú mà John Appleseed gửi cho vợ của mình là Kate. Nội dung của bức thư như sau:

textedit.

Một nguồn tin trong nội bộ Apple nói với trang Techradar rằng "Mọi người đều nghĩ bộ phận quảng cáo của Apple sáng tạo ra đoạn thư nói trên. Nhưng không phải. Đây chính là ý tưởng của Appleseed và Steve đồng ý với điều đó. Biểu tượng này là một cái gật đầu với Appleseed, thật một câu chuyện cười".

Câu chuyện thật sự là như thế này: Appleseed và Jobs đang nói về triết lý cá nhân của Jobs cũng như triết lý của các đối thủ mà Apple đang phải cạnh tranh. Appleseed nói với Jobs: "Anh nghĩ khác người ta. Anh đủ điên rồ để nghĩ rằng anh có thể thay đổi cả thế giới". Và thế là sau khi chiến dịch quảng cáo "Think Different" diễn ra, Jobs bắt đầu hỏi ý kiến Appleseed nhiều hơn, và không chỉ chia sẻ những quan điểm cá nhân mà còn nói về những sản phẩm thật thụ. Appleseed có thể không phải là một nhân viên Apple, nhưng ông là một "tay trong" tại Apple.

Khoảng thời gian đầu, Appleseed cảm thấy rất vui và hài lòng. Ông được tiếp cận với những sản phẩm mới của Apple, một công ty nổi tiếng khắt khe trong việc bảo vệ những thứ chưa được ra mắt. Appleseed là một trong những người được thấy iPod, iPhone, iPad, và Jobs tự tin rằng Appleseed sẽ giữ bí mật cho công ty, trong khi những quan chức cao cấp khác của Apple thì rất lo lắng.

Nguồn tin nói: "Steve không thèm nghe lời họ. Đối với ông ấy, Appleseed kiểu như là một con vật may mắn, một đồng tiền may mắn hay những thứ tựa tựa như thế". Appleseed không chỉ là một người bạn của Steve Jobs, mà còn trở thành một phần của nhóm marketing nữa - có điều không ai nói với Appleseed về điều này mà thôi. Những chiến lược marketing của Apple không tự nhiên xuất hiện sau một đêm. Nó được lên kế hoạch cẩn thận trong cả một thời gian dài, và điều đó cũng có nghĩa là nhóm marketing cần ảnh chụp màn hình trong cả tháng trước khi chạy chiến dịch. Những gì Jobs từng chia sẻ đó là càng ít người biết về những sản phẩm chưa ra mắt thì càng tốt. Vậy tại sao Jobs không lấy ảnh chụp từ những người ông đã biết và tin tưởng?

John_Apple_Seed_iPjhone.

Lần đầu tiên Appleseed biết được vai trò quan trọng của ông là ở Macworld '07 khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone lần đầu tiên ra công chúng. Nguồn tin nhớ lại: "Appleseed gần như nhảy ra khỏi ghế khi ông ấy thấy mặt của mình trên màn hình. Jobs không nhắc gì đến ông ấy và mặc định điều này ổn thôi". Thực chất thì mọi chuyện không ổn tí nào bởi đoạn video trình diễn iPhone có xuất hiện số điện thoại lẫn email thật của Appleseed, đó là 408-550-3542 và appleseed_john@mac.com.

Tất nhiên, các fan của Apple sẽ cố gắng tìm cách liên hệ với Appleseed. "John rất bực mình vì điều này. Ông phải đổi số điện thoại gần như ngay tức thì". Jobs sau đó có xin lỗi, nhưng lỗi tương tự lại tái diễn hết năm này đến năm khác: Appleseed phải vô hiệu hóa tài khoản Facebook của mình sau khi tên ông có mặt trong một phần trình diễn iPhoto. Còn ở sự kiện WWDC 2008 dành cho lập trình viên, tên ông xuất hiện ở màn demo của công ty MIMVista.

Thế nhưng, ngoài việc khó chịu vì thông tin của mình cứ lộ diện liên tục, Appleseed cảm thấy thoải mái khi được ở trong một cái vòng lặp vô tận, và ông cảm thấy như mình là một phần quan trọng trong câu chuyện của một công ty cực kì thành công.

John_Apple_Seed_Siri.


Chia tay vòng lặp

Tim Cook không chia sẻ quan điểm với Steve Jobs về Appleseed, và khi Cook trở thành CEO thì đây cũng là điểm bắt đầu cho một sự két thúc. Trưởng nhóm thiết kế Jonathan Ive cũng có cùng ý kiến với Cook. "Jonathan Ive chưa bao giờ hiểu được vì sao Steve lại muốn có Appleseed đến như thế, nên ông cũng hài lòng khi Tim quyết định cắt đứt mối liên lạc (với Appleseed)". Kể từ cuối năm 2011, Apple sử dụng những cái tên khác để quảng bá sản phẩm của mình, bao gồm Kevin Dolan, Katharine Johnson hay Janielle Penner. "Tuy nhiên, Appleseed lại cảm thấy khó chịu. Ông bắt đầu uống rượu. Nó trở thành một vấn đề thật sự với ông ấy", nguồn tin cho biết.

Appleseed đã từng gọi điện đến trụ sở Apple vào những giờ rất lạ lùng, sau đó để lại những tin nhắn dài và rời rạc. Cũng có đôi lần ông xuất hiện tại trụ sở công ty rồi đưa tin đồn rằng vợ ông ấy, Kate, đã đá ông ra khỏi nhà. Thế nhưng mọi người lại cảm thấy ngạc nhiên khi thấy gương mặt của Appleseed ở sự kiện WWDC năm nay. Không phải với vai trò một khách tham dự đang cố gắng chen vào, mà trên màn hình lớn mà Apple dùng để trình diễn tính năng iOS In the Car.

John_Apple_Seed.

"Đó thật sự là một hành động tồi tệ", một người bạn nói. "Hiện ông ấy có lẽ đang sống trong chiếc xe của mình, và họ lại dùng gương mặt đó để minh hoạt về tính năng giải trí trong ô-tô. Không cách gì đây có thể là một hành động vô tình cả".

Nguồn tin giải thích thêm: "John Appleseed chưa bao giờ là một phần của gia đình Apple. Ông chỉ là một phần của gia đình Jobs. Và khi Jobs qua đời thì...". Hãy nhìn vào những hình ảnh minh họa của Apple xem, có rất nhiều cuộc gọi từ Appleseed đến Apple, nhưng không có ảnh minh họa nào cho thấy rằng có ai đó nhận cuộc gọi của ông.

Appleseed thật

Thực chất thì có một người khác cũng tên là Appleseed, nhưng ông này sinh năm 1774 và đã mất năm 1845 và không liên quan gì đến Apple cả. Đây cũng không phải tên thật mà tên khai sinh chính xác của vị này là "John Chapman". Chữ Appleseed mãi sau đó mới có khi Chapman giữ vai trò người trông giữ vườn ươm một giống táo phi bản địa ở vài bang tại nước Mỹ. Trong văn hóa Mỹ, Chapman được mô tả như là một vị anh hùng, một người cách mạng, một người tốt bụng, sống khiêm nhường, quan tâm đến động vật và truyền đạo lý trong lúc ông đi khắp nơi. Ông cũng là một người bạn của dân da đỏ, quan tâm tới môi trường và thích giúp đỡ người dùng thay vì gầy dựng cơ đồ cho riêng mình.

Câu chuyện của Chapman từng được kể lại trong các bộ phim hoạt hình của Disney và trong nhiều truyện kể. Thế nhưng ông này không phải là người xuất hiện trong các màn trình diễn của Apple đâu nhé.

johnnyappleseed.

Nguồn: Techradar