Có thể nói Memo Pad HD 7 là một trong những chiếc tablet 7" có giá thành và hiệu năng tốt nhất hiện nay. Máy có kiểu dáng gọn nhẹ, màn hình đẹp, cấu hình cao, cảm giác cầm trên tay khá tốt và chắc chắn mặc dù có vỏ làm bằng nhựa. Nếu so với chiếc ASUS Memo Pad thường và HP Slate 7 thì chiếc HD 7 này có cấu hình cao hơn, chất lượng màn hình đẹp và hơn hết là có giá bán rất cạnh tranh, 3.990.000 đồng.
ASUS là một hãng làm phần cứng rất tốt, kể cả khi sản phẩm của họ là một chiếc tablet phổ thông thì nó vẫn có chất lượng hoàn thiện cao. Chiếc Memo Pad HD 7 tuy không thuộc phân khúc cao cấp nhưng nó không hề có cảm giác rẻ tiền khi bạn cầm trên tay, máy có độ dày vừa phải và đủ nhẹ để bạn thoải mái cầm lướt web bằng một tay.
Cấu hình của máy cũng rất đáng để chúng ta quan tâm, bên trong chiếc tablet 7" này là con chip xử lý bốn nhân 1.2GHz của MediaTek, 1GB RAM và bộ nhớ trong 16GB, bên cạnh đó còn có khe cắm thẻ nhớ microSD để mở rộng bộ nhớ lưu trữ. Màn hình của máy là loại IPS LCD cho chất lượng hiển thị khá tốt, góc nhìn rộng, không có hiện tượng màu sắc bị loang lổ khi nhìn ở những góc khác nhau. Độ phân giải màn hình đạt mức 800x1280, cao hơn so với một số tablet giá rẻ khác nhưng thật sự cũng chưa đủ cao để xóa đi hiện tượng bể chữ hay hình bị rổ, nhưng dù sao ở tầm tiền này thì chúng ta không thể đòi hỏi nhiều hơn.
Máy đang chạy trên Android 4.1.2, có tốc độ thao tác nhanh và mượt mà, độ trễ thấp và sử dụng giao diện gốc của Android với rất ít tùy biến. Điểm đặc biệt là màn hình Homescreen của máy có các ứng dụng nhỏ (Mini Apps) giống như trên các tablet của Samsung, bạn có thể mở cùng lúc nhiều mini app trên màn hình và di chuyển nó thoải mái giống như màn hình Desktop của máy tính.
ASUS Memo Pad HD 7 có giá bán chính hãng 3.990.000 đồng. Cám ơn cửa hàng MaiNguyen.vn đã cho mình mượn sản phẩm thực hiện bài viết này.
Cấu hình cơ bản:
- Android 4.1.2
- CPU ARM Cortex A7, lõi tứ 1.2GHz
- RAM: 1GB
- Màn hình: 7", độ phân giải HD (1280 x 800), sử dụng công nghệ hiển thị HD IPS
- Bộ nhớ trong: 8GB, 16GB
- Camera chính 5MP, camera phụ 1,2MP
- Bluetooth 4.0, GPS
- Công nghệ âm thanh SonicMaster
- Kích thước: 196,8 x 120,6 x 10,8 mm
- Nặng: 302g
Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013
[Đập hộp] ASUS Memo Pad HD 7: 16GB, bốn nhân, IPS, giá 3,9 triệu
Vì sao yêu cầu của Apple về việc cấm bán 26 sản phẩm Samsung quan trọng với cả hai phía?
Một thời gian dài sau khi thẩm phán Lucy Koh ra quyết định Samsung phải nộp phạt cho Apple, giờ đây hai công ty lại gặp nhau trước một đoàn thẩn phán để quyết định xem liệu yêu cầu cấm bán hàng chục sản phẩm Samsung vi phạm bản quyền có được thông qua hay không. Những chiếc điện thoại và máy tính bảng này đã vi phạm những bản quyền thiết kế và tính năng do Apple nắm giữ. Hồi tháng 12 năm ngoái, thẩm phán Koh từng quyết định rằng việc Samsung bồi thường tiền đã đủ bù đắp cho thiệt hại của Apple, thế nên bà không chấp thuận yêu cầu cấm bán của Apple. Apple tất nhiên không đồng ý, hãng nộp đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm liên bang, nơi sẽ đưa ra những phán quyết quan trọng dẫn đến việc kết thúc vụ án.
Yêu cầu cấm bán của Apple đối với Samsung không có nhiều ý nghĩa trong ngắn hạn. Trong số 26 điện thoại và máy tính bảng nằm trong phạm vi vụ án, 23 chiếc đã ngừng sản xuất và kinh doanh, 3 chiếc còn lại thì đang được Samsung cải tiến để không tiếp tục bị kiện. Samsung cũng nói rằng quyết định cấm sẽ không thể ảnh hưởng lớn quy trình thiết kế sản phẩm của mình. Vậy tại sao vụ án này lại quan trọng với cả hai phía?
Về phần mình, Apple hi vọng rằng một lệnh cấm sẽ giúp hãng dễ dàng hơn trong việc đi kiện các thiết bị Samsung mới ra mắt. William Lee, một trong những luật sư của Apple, sau khi xem xét quy trình thiết kế của Samsung thì đã nói rằng một số sản phẩm mới của hãng sản xuất Hàn Quốc có thể trông giống như sản phẩm đã bị cấm bán. Theo Lee, điều đó có nghĩa là chỉ có cái tên của sản phẩm bị cấm chỉ biến mất khỏi thị trường chứ thực chất nó vẫn tồn tại.
Trong dài hạn, nếu lệnh cấm được thông qua, nó sẽ giúp Apple có được khoảng thời gian dễ thở trước tòa. Điều này chắc chắn sẽ làm tổn thương đến Samsung, thế nhưng đây không chỉ là nỗ lo sợ duy nhất cho hãng sản xuất ra dòng thiết bị Galaxy. Samsung từng nói rằng bất kì lệnh cấm nào cũng sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Samsung với các nhà mạng và cửa hàng bán lẻ, những người sẽ lo lắng về việc liệu họ có vô tình bán một sản phẩm đã bị cấm hay không.
Tương tự, lệnh cấm cũng có thể được sử dụng để làm án lệ (precedent) cho vụ kiện thứ hai giữa Apple và Samsung dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm sau. Án lệ là một thứ rất quan trọng trong hệ thống luật Common Law mà Mỹ và các nước từng là thuộc địa của Anh sử dụng. Mỗi một án lệ có thể được xem là một "luật" và có thể được trích dẫn để làm bằng chứng cho những vụ kiện về sau, bên cạnh "luật thành văn" do các cơ quan lập pháp ban hành. Đối với án lệ, quyết định của tòa không thật sự quan trọng bằng nguyên nhân mà tòa đưa ra kết luận (ratio decidendi) bởi các bên có thể tiếp tục sử dụng nguyên nhân này để làm luận điểm rất mạnh trong những vụ việc sau đó.
Quay trở lại với vụ Samsung vs. Apple, Apple hiện đang ở vị trí "bị đơn" mặc dù hãng thắng cuộc trước đây. Nếu muốn lệnh cấm được chấp thuận, Apple cần phải chứng tỏ rằng những tính năng mà Samsung sao chép lại đã được dùng để trực tiếp quảng cáo sản phẩm dẫn đến việc hãng bị mất khách hàng, tuy nhiên Apple đã không làm được chuyện này. Trong tình thế bây giờ, việc Apple có thể làm đó là thuyết phục tòa rằng giới hạn "dùng để trực tiếp quảng cáo sản phẩm" là quá cao, và hãng phải giải thích hay dẫn chứng thêm rằng vị sao Samsung đã vi phạm một giới hạn nào đó thấp hơn.
Luật sư Lee nói "tôi không nghĩ có ai đó đã từng rơi vào vị trí như Apple". Ý của ông đó là chưa có ai có thể chứng minh tuyệt đối rằng có mối liên hệ mật thiết giữa một tính năng hay một bộ các tính năng với tình hình kinh doanh thiết bị. Tòa có thể yêu cầu Apple chứng minh rằng mình đã phải chịu "thiệt hại không thể sữa chửa", thế nhưng nếu rằng buộc Apple vào việc này sẽ là "một thay đổi cơ bản trong hệ thống luật bản quyền Mỹ".
Phía Samsung tất nhiên nói rằng những tính năng bị tuyên vi phạm không phải là nhân tố chính khi khách hàng quyết định sắm một chiếc smartphone nào đó. Kathleen Sullivan, luật sư của Samsung, nói rằng "không có bằng chứng" cho thấy có bất kì tính năng bị vi phạm nào trở thành động lực mua chính hay góp phần tạo ra nhu cầu đối với khách hàng. Trong vụ kiện, Apple có đưa ra một báo cáo khảo sát cho thấy rằng người dùng có thể đồng ý trả thêm 100$ để có được những tính năng mà Samsung đã sao chép của Apple.
Sullivan đặt câu hỏi rằng liệu cuộc khảo sát này có liên quan hay không. Nữ luật sư đưa ra ví dụ về một vụ khác, trong đó một nhà sản xuất xe hơi sao chép khung đựng ly nước trên xe của một hãng đối thủ. "Sự thật về việc tôi chi thêm 10$ cho một chiếc xe mà đằng nào tôi cũng mua" không cho thấy rằng việc sao chép có tác dụng dẫn dắt nhu cầu của khách hàng. "Nó không chứng minh rằng chiếc điện thoại với tính năng bị tuyên vi phạm sẽ được chọn so với một chiếc không có tính năng đó".
Thẩm phán William Bryson, người hiện chịu trách nhiệm về vụ kiện giữa Apple với Samsung trên Tòa phúc thẩm Liên bang, thì không đồng ý với phần tranh luận của Sullivan. Ông nói rằng báo cáo của Apple cho thấy người tiêu dùng đánh giá các tính năng đó là giá trị. "Đối với tôi, nó lại chính là nguyên nhân cơ bản có thể dẫn dắt nhu cầu của người dùng". Ông đưa ra ví dụ đó là với những chiếc ô tô có động cơ lai giữa xăng và điện (hybrid), nó vẫn là một tính năng rất quan trọng mặc dù khách hàng vẫn chọn mua một chiếc xe rẻ và không có động cơ hybrid.
Thực chất thì vụ việc vẫn còn đang diễn ra chứ chưa có kết quả cuối cùng. Tòa án Liên bang cũng còn đang triệu tập các bên để tranh luận. Thế nhưng từ trước đến nay Tòa Liên bang đã nhiều lần bác bỏ lệnh của thẩm phán Koh. Trong vụ này, Tòa từng nói Koh đã sai khi vẫn cho phép Samsung tiếp tục bán những sản phẩm vi phạm thiết kế của Apple trong lúc vụ án vẫn còn tiếp diễn. Tòa cũng từng hủy bỏ lệnh cấm Galaxy Nexus do Koh ban hành bởi Apple không chứng minh được tính năng vi phạm chính là động lực dẫn dắt nhu cầu đối với sản phẩm.
Tùy thuộc vào tính thuyết phục của các luận cứ mà Apple đưa ra, Tòa Liên bang có thể hoãn thi hành quyết định của Koh hoặc hủy bỏ nó hoàn toàn. Dù cho tình huống nào xảy ra đi nữa thì cả Apple lẫn Samsung vẫn có quyền kháng cáo lên cấp cao hơn, đó là Tòa án Tối cao. Ngoài ra, Tòa Liên bang cũng có thể trả hồ sơ về cho Koh, đồng thời đưa ra chỉ dẫn để bà làm theo.
Vụ án trong bài này độc lập với vụ ITC cấm nhập khẩu một số sản phẩm của Samsung vì vi phạm bản quyền do Apple đăng kí.Nguồn: The VergeẢnh: CNN
inWatch One - đồng hồ thông minh có kết nối GSM, chạy Android 4.0 tuỳ biến
Mới đây, trang Engadget Trung Quốc đã tiết lộ về một chiếc đồng hồ thông minh có tên là inWatch One. Nó khác biệt so với những mẫu có mặt trên thị trường hiện tại, vì nó chạy trên nền tảng Android 4.0 tuỳ biến và có khe cắm thẻ SIM GSM để cho phéo người dùng thực hiện cuộc gọi và kết nối với mạng dữ liệu di động.
inWatch có màn hình cảm ứng 1,54" 240x240px, chạy CPU lõi kép 1,2GHz (chưa rõ là của hãng nào), camera 2MP và pin 500mAh. Các kết nối trên inWatch One gồm có GSM (900/1800/2100 MHz), WiFi, Bluetooth và GPS. Hệ điều hành Android đã được tuỳ biến lại nhằm phù hợp hơn với màn hình cảm ứng 1,54" của chiếc đồng hồ này, và nó được gọi là inDroid. Nền tảng này có hỗ trợ các ứng dụng phổ biến ở Trung Quốc như WeChat, Sina Weibo, QQ và Baidu.
Hiện tại thì inWatch One đang được bán trên trang web của công ty này với giá là 1.788 RMB (tệ), tương đương 293 USD.
Qualcomm có giá trị vốn hóa thị trường lớn hơn Intel
Một bất ngờ thú vị trong giới công nghệ đã xảy ra, không phải là sự xuất hiện của một sản phẩm mới hoặc một phát minh mang tính đột phá nào, mà hôm nay, S&P 500 - sàn chứng khoán xếp hạng 500 công ty lớn nhất trong thị trường chứng khoán Mỹ - đã lần đầu tiên ghi nhận Qualcomm là công ty có giá trị vốn hóa lớn hơn Intel, hãng sản xuất CPU vi tính lớn nhất thế giới. Theo đó, Qualcomm đứng thứ 29 trong top 500 với giá trị thị trường đạt 114,5 tỉ USD, cao hơn Intel vị trí thứ 30 với 112,12 tỉ USD. Mỗi cổ phiếu của Intel đang có giá 22,51$ trong khi của Qualcomm cao gấp 3 lần, đạt 66,27$. Điều này có thể là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của thị trường thiết bị di động hiện nay, trong khi máy tính cá nhân đang có dấu hiệu bão hòa.
Giới nhận định cho biết việc Qualcomm có giá trị vốn hóa thị trường vượt qua Intel là một việc ngoạn mục và là điều không hề dễ dàng xảy ra. Bởi tính về tuổi đời, kinh nghiệm và lĩnh vực hoạt động thì Qualcomm, ra đời năm 1985 đều non kém hơn Intel mọi mặt. Đứng đầu trong danh sách của S&P 500 hiện nay là tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, vị trí thứ 2 thuộc về Apple và Microsoft đứng thứ 3. Dĩ nhiên giá trị vốn hóa không phải là trị giá thật của một công ty, con số này phản ánh tổng giá trị toàn bộ cổ phiếu của công ty đó trên thị trường chứng khoán tại thời điểm xem xét. Vì có chu kỳ hoạt động theo ngày, giá trị vốn hóa sẽ liên tục thay đổi, lên xuống tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan.
S&P 500, viết tắt của Standard & Poor 500, được điều hành bởi tổ chức Standard & Poor, là một thị trường giao dịch gồm top 500 công ty hàng đầu có cổ phiếu niêm yết công khai ở thị trường chứng khoán Mỹ, S&P 500 khác với những chỉ số khác ở Mỹ như Down Jones và Nasdaq. S&P 500 ra đời năm 1957 và được xem là thước đo lớn nhất của nền chứng khoán Mỹ, tính tới ngày 30/4/2013 vừa qua thì tổng lượng giao dịch chứng khoán của sàn này lên tới 14.199 tỉ USD/ngày.
IDC: Nokia chiếm 87% điện thoại WP bán ra quý 2, đạt 20% thị phần tại Thái Lan, Indo, Việt Nam
Hệ điều hành Windows Phone của Microsoft vẫn nắm giữ vị trí thứ 3 về thị phần nền tảng di động xếp sau Google Android và Apple iOS. Trong quý 2 năm nay, thị phần WP tiếp tục tăng nhẹ nhờ doanh số bán ra dòng điện thoại Lumia của đối tác Nokia. Sự tăng trưởng này cho phép Windows Phone duy trì thế dẫn trước BlackBerry theo báo cáo theo dõi thị phần di động từng quý toàn cầu của IDC.
Ryan Reith - giám đốc chương trình tại IDC cho biết: "Nokia rõ ràng là động lực thúc đẩy đằng sau nền tảng Windows Phone và chúng tôi kỳ vọng họ sẽ tiếp tục vai trò này". Nokia hiện tại đang điều hành một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Rancho Bernando và Qualcomm vẫn là đối tác cung cấp vi xử lý độc quyền cho các thiết bị Windows Phone.
Trong tuần qua, các điều hành viên từ Nokia, Qualcomm và Microsoft đã cùng họp mặt tại San Diego để thảo luận về công tác sản xuất chiếc WP mới nhất là Lumia 1020. Sự kiện được tài trợ bởi hiệp hội thương mại công nghiệp công nghệ CommNexus. Trong khuôn khổ cuộc hội đàm, Jo Harlow - phó chủ tịch điều hành mảng kinh doanh thiết bị thông minh của Nokia nói: "Chúng tôi nghĩ rằng Lumia 1020 cuối cùng sẽ thay thế nhu cầu mang theo một chiếc máy ảnh SLR kĩ thuật số hay một chiếc PnS".
Nokia chiếm đến 82% trong tổng số 8,7 triệu điện thoại WP được bán ra vào quý 2. So với cùng kỳ năm trước, doanh số máy cũng đã tăng gần gấp đôi (so với 4,9 triệu máy), theo IDC. Về thị phần nền tảng di động tính đến quý 2, WP chiếm 3,7%, Google Android chiếm 79% và kế sau là Apple với 13%.
Mặc dù thị phần của WP vẫn còn rất ít ỏi nhưng theo Harlow, Nokia đã thấy sự tăng trưởng toàn cầu của nền tảng này tại nhiều khu vực như Tây Âu, châu Á, Trung Đông và Mỹ Latin. Bà nói tiếp: "Tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, chúng tôi vừa đạt mốc 20% thị phần với Lumia, vì vậy WP hứa hẹn sẽ trở thành một nền tảng quan trọng tại các quốc gia này."
Tuy nhiên, tại 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, Lumia vẫn chưa thể hiện được nhiều. Theo Harlow thì "2 thị trường này đều quá cạnh tranh nhưng chúng tôi đang đẩy mạnh kinh doanh tải cả 2 thị trường".Ảnh: WPCentral
Ramon Llamas, một nhà phân tích đến từ IDC cho biết Nokia và Microsoft đã không có được sự khởi đầu suôn sẻ với WP tại Mỹ từ 2 năm trước do hoạt động marketing không gây được ấn tượng và thiết bị được phân phối khá hạn chế.
Giờ đây, tình hình đã được cải thiện ít nhiều khi các sản phẩm chạy WP của Nokia đã có mặt tại 3 nhà mạng lớn của Mỹ gồm AT&T, Verizon và T-Mobile. AT&T đã chọn Lumia 1020 là 1 trong các thiết bị flagship hướng đến mùa tựu trường. "Liệu chừng đó đã đủ để đe dọa Android và Apple? Dĩ nhiên là không nhưng tình hình đã được cải thiện," Llamas nói.
Ông cũng cho rằng không dễ để Microsoft gia tăng thị phần và thu hẹp khoảng cách với Android và Apple. Khi Apple phát hành iPhone mới, dự kiến vào cuối năm nay, "Quả Táo" sẽ tiếp tục tăng thị phần. Thêm vào đó, WP còn phải đón nhận một thử thách mới đến từ Mozilla khi công ty trình duyệt sắp sửa phát hành điện thoại chạy Firefox OS tại 16 thị trường mới nổi trong năm nay. Về phần Android, hiện có hơn 100 nhà sản xuất thiết bị sử dụng hệ điều hành này nhưng chỉ LG và Samsung mới mang tầm ảnh hưởng lớn.
Theo Llamas: "Android rất phổ biến và có rất nhiều thứ tuyệt vời xung quanh nó, nhưng khi bạn chọn Android, có đủ loại smartphone mang lại trải nghiệm Android gần như nhau. Do đó, Windows Phone có thể là nền tảng thu hút người dùng mới".Theo: UT San Diego
Cùng quan sát mưa sao băng Perseid lớn nhất trong năm vào ngày 11 - 13 tháng 8
Một trận mưa sao băng Perseid chụp năm 2007.
Tháng 8 luôn bắt đầu với nhiều điều bất ngờ và trong vài ngày tới, chúng ta sẽ được chứng kiến một hiện tượng thiên văn ngoạn mục có tên gọi mưa sao băng Perseid. Bắt đầu từ ngày 11, trận mưa sẽ đạt đỉnh điểm vào ngày 12 và 13 với nhiều cầu lửa (fireball) nhất so với các trận mưa thiên thạch khác theo một nghiên cứu mới của NASA.
Dựa trên các tài liệu ghi chép, mưa sao băng Perseid đã xuất hiện từ cách đây hơn 2000 năm và nó được biết đến cũng như quan sát lần đầu tiên vào năm 36 sau công nguyên. Mưa sao băng Perseid xuất hiện tại một vị trí tương ứng với chòm sao Perseus trên bầu trời.
Một trận mưa sao băng xảy ra khi Trái Đất đi ngang qua một đám bụi đá trôi dạt trên quỹ đạo và chúng thường là phần sót lại của một sao chổi tuần hoàn. Các thiên thạch bị Trái Đất kéo lại, ma sát với khí quyển và bốc cháy để lại các vệt sáng trên bầu trời. Mưa sao băng Perseid có nguồn gốc từ sao chổi Swift-Tuttle. Sao chổi này có chu kỳ quỹ đạo 133 năm và lần gần nhất nó bay vào bên trong hệ Mặt Trời là vào năm 1992.
Tỉ lệ các sao băng Perseid cực sáng có thể quan sát được sẽ lớn hơn khi Trái Đất đi qua đám mây bụi đá mới của Swift-Tuttle. Năm nay, NASA dự đoán trận mưa sẽ đạt đỉnh đầu tiên vào lúc 1:00 PM UTC (8:00 PM giờ Việt Nam) ngày 12 tháng 8 và đạt đỉnh lần thứ 2 vào 2:00 AM UTC (9:00 AM giờ Việt Nam) ngày 13 tháng 8. Lần đạt đỉnh đầu tiên có thể quan sát tốt nhất tại Tây Bắc Mỹ và Đông Thái Bình Dương trong khi lần thứ 2 sẽ dành cho khu vực châu Âu và châu Phi.
Do độ lệch tâm lớn và góc bay lớn giữa quỹ đạo của sao chổi Swift-Tuttle và mặt phẳng hệ Mặt Trời, các thiên thạch Perseid có xu hướng di chuyển rất nhanh, khoảng 60 km/s. Điều này mang lại động năng lớn cho thiên thạch cũng như độ sáng lớn nhất tại giai đoạn đạt đỉnh của trận mưa.
Hầu hết các thiên thạch quan sát được trong trận mưa chỉ có kích thước khoảng vài milimet trên bầu trời. Tuy nhiên, các thiên thạch sáng hơn hay còn gọi là cầu lửa và sao băng cũng xuất hiện khá thường xuyên. Một quả cầu lửa ám chỉ những thiên thạch rơi xuống có độ sáng bằng hoặc lớn hơi độ sáng của các hành tinh quan sát từ Trái Đất. Trong khi sao băng là những thiên thạch có độ sáng biểu kiến lớn hơn -14 hay gấp 4 lần độ sáng của Mặt Trăng. Thông thường, các sao băng sẽ sống sót khi đi qua tầng khí quyển và lao xuống đất.
Nghiên cứu mới của NASA dựa trên phát hiện trước đây cho thấy độ sáng biểu kiến trung bình của một cầu lửa Persied là -2.7, tương đương độ sáng lớn nhất giữa sao Mộc và sao Kim. Ngôi sao mờ nhất bạn có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm có độ sáng biểu kiến +6 trong khi sao Kim là sao sáng nhất với độ sáng -4. Dữ liệu từ các trận mưa sao băng trong quá khứ gợi ý rằng một cầu lửa Perseid có thể xuất hiện rõ ràng tại một khu vực nhất định trong mỗi giờ ở giai đoạn đỉnh điểm. Hiện tại, có khoảng từ 2 đến 3 cầu lửa Perseid xuất hiện mỗi tối với độ sáng biểu kiến lớn nhất là -6.
Tại Việt Nam, mưa sao băng Persied xảy ra vào mùa mưa hàng năm nên thời tiết là một trở ngại khá lớn cho việc quan sát. Đây là một hiện tượng kì thú và rất đáng xem đối với những ai ưa thích thiên văn. Vì vậy, trên rất nhiều diễn đàn thiên văn trong nước đã đưa ra các hướng dẫn để bạn có thể quan sát một cách tốt nhất. Theo đó:Cách xác định chòm sao Perseus (Anh Tiên) theo hướng dẫn của VietAstro:
- Vào thời điểm cực đỉnh ngày 12, 13 tháng 8, mặt trăng sẽ lặn trước nửa đêm nên từ sau nửa đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13 tháng 8 sẽ lý tưởng nhất để quan sát;
- Nếu trời nhiều mây thì bạn nên … vào nhà đắp mền ngủ vì sẽ không quan sát được gì;
- Để quan sát, hãy nhìn về bầu trời phía Đông, nơi có chòm sao Perseus từ sau 1h sáng khi chòm sao này chứa tâm điểm quan sát lên đủ cao;
- Chỉ quan sát bằng mắt thường bởi sao băng di chuyển quá nhanh, không thể dùng kính thiên văn hay ống nhòm;
- Mưa sao băng không phải ào ào như mưa Sài Gòn. Đối với trận mưa Perseid, các vệt sáng sao băng cách nhau từ 1 đến vài phút nên bạn phải kiên trì;
- Từ 1h sáng trở đi, vị trí chòm sao Perseus cùng vùng trời sao băng sẽ lên khá cao gần chân trời Đông Bắc nên tốt nhất là bạn nên đem một cái ghế võng lên sân thượng để nằm chiêm ngưỡng;
- Trận mưa sẽ kéo dài cả đêm nên với thời tiết lạnh lẽo thì bạn nên mặc áo ấm, đội mũ để tránh sương.
Theo: Gizmag
[Video] Hoạt động và tính năng của camera PureView 41MP trên Lumia 1020
Nokia mới đây đã đăng tải một video trình diễn những gì xảy ra bên trong Lumia 1020 khi bạn nhấn nút camera để chụp một bức ảnh. Đoạn video mô tả toàn bộ các quá trình từ lúc ánh sáng đi vào màn trập cơ, qua các lớp thấu kính, hệ thống chống rung quang học và đập vào cảm biến. Mỗi điểm ảnh sẽ được truyền trên các vi mạch đến chip xử lý trước khi được hiển thị trên màn hình PureMotion HD+. Bí ẩn đằng sau camera PureView của Lumia 1020 đã được tiết lộ. Mời các bạn xem video:
Không chỉ Nokia, Microsoft cũng đã thực hiện 3 video quảng cáo nói về tính năng chụp hình của Lumia 1020. Trong video đầu tiên và thứ 2, Microsoft giới thiệu về tính năng chụp chuyển động Action Shot của Nokia Smart Cam. Trong video 1, chủ thể chuyển động là một người chơi skateboard lòng chảo. Còn trong video 2, Microsoft đã lấy một tình huống rất thú vị đó là một pha phạm lỗi đầy tranh cãi trong bóng đá. Anh chàng cổ động viên tóc xoăn trong video đã chụp lại 1 loạt các tấm ảnh bằng Smart Cam và phát hiện ra rằng chân của cầu thủ mặc áo sọc trắng đỏ chưa hề chạm vào cầu thủ đội áo xanh. Rốt cuộc pha tiểu xảo đã bị phát hiện và cổ động viên đội trắng đỏ không ngừng la ó.
Trượt ván Skateboard.Bóng đá.
Video thứ 3 nói về khả năng phóng lớn ảnh chụp từ Lumia 1020. Trong video, một anh chàng đứng trước bể cá mập nhảy nhót tứ tung trong khi một cô gái đang cầm Lumia 1020 chụp hình cho anh ta. Mục tiêu của tấm hình là thể hiện cảnh tượng cá mập đuổi bắt anh chàng đang nhảy nhưng điều bất ngờ là bên trong bể cá, có 1 người thợ lặn đang dơ ngón tay chào cô nàng chụp ảnh.Cá mập.
Ngộ nghĩnh cuối tuần 39 - Bí quyết chụp đồ ăn bằng điện thoại
Ngày nay việc thường xuyên chụp đồ ăn không phải là gì xa lạ với phần đông những bạn trẻ sở hữu những chiếc điện thoại mới, hình đồ ăn được thấy rất nhiều trên trang Facebook..., tuy nhiên không phải ai cũng nắm được cách chụp sao cho đẹp nhất có thể.
May mắn thay, tất cả mọi việc đều có thể được giải quyết ổn thỏa nhờ vào trình độ kỹ thuật rất cao của nhân viên Cafe Tinh Tế.
Nhân vật và chi tiết trong clip được cường điệu nhằm mục đích ngộ nghĩnh. Ngoài yếu tố kỹ thuật nhiếp ảnh đề cập có thể coi là chính xác, các chi tiết khác không nên tin hoàn toàn. Thành viên tự chịu trách nhiệm nếu bắt chước 100% và gây hậu quả nghiêm trọng.
Apple iBook cho Mac - Tốt nhưng có quá muộn?
iBooks được Apple giới thiệu vào cuối tháng 1 năm 2010, vào buổi đầu đó, iBooks chỉ có cho iPad mà thôi, và nó là lý do khiến một phần không nhỏ người yêu sách mua iPad, vì đọc sách trên màn hình lớn của iPad 1 lúc bấy giờ là một trải nghiệm khá thú vị. Đến giữa 2010 thì iBooks mới có mặt trên iPod và iPhone. Ngay từ lúc iBooks xuất hiện, nhiều người trong đó có tôi đã thắc mắc vì sao Apple không làm một phần mềm iBooks cho Mac luôn thể! Nếu bạn đã từng xử lý ePub trên Mac để sync vào iDevice, chắc bạn sẽ hiểu được cảm giác khó chịu khi thấy sách nằm đó, thấy bìa sách đó, vậy mà không xem được, phải kiếm thêm một phần mềm bên ngoài để đọc sách trên máy tính.Tính tới thời điểm này, iBooks cho Mac vẫn chưa chính thức xuất hiện mà chỉ là một phiên bản dùng thử dành cho lập trình viên, sau khi cập nhật Maverick lên DP5 tôi đã dùng iBooks trên Mac được vài ngày, xin chia sẻ với các bạn vài cảm nghĩ về phần mềm này và "hệ sinh thái sách" của Apple.Như các bạn đã biết, từ xưa đến nay để quản lý (nói quản lý vậy thôi chứ thực ra chỉ là dòm cái bìa, sắp xếp sơ, đặt lại tên này nọ) chuyển sách vào iDevices, ta phải dùng iTunes, sau khi Mac có iBooks thì mở iTunes sẽ nhận được thông báo là sách của chúng ta đã được dời sang iBooks, bây giờ ta có thể dùng iBooks để đọc sách, sắp xếp thành bộ sưu tập, đọc sách và các vấn đề nâng cao khác.Sau khi nhấn OK thì tab "Books" trong iTunes cũng tàng hình luôn, không còn xuất hiện nữa, coi như iTunes tạm thời bái bai cuốn sách, nói tạm thời là vì chưa phải vĩnh biệt sách, tôi sẽ nói rõ vào phần sauCoi như iTunes đã chuyển gánh nặng về chữ nghĩa sang cho iBooks, tưởng vậy là xong, ai dè tuy không được quản lý sắp xếp, nhưng iTunes vẫn không thể xa rời sách, là vì muốn chép sách vô điện thoại hay iPad thì phải cậy nhờ anh iTunes, iBooks trên Mac chỉ để đọc sách thôi, muốn sync sách vẫn phải nhờ iTunes.Cá nhân tôi cảm thấy đây là một cái gì đó hơi vướng vướng, tuy là iTunes và iBooks phối hợp với nhau rất ăn ý, sách bên kia chỉnh sửa ra sao thì bên này hiện lên đầy đủ như vậy, tuy nhiên giá mà iBooks có khả năng chép sách vô thiết bị thì còn vui hơn (ý kiến cá nhân)Muốn sang phải bắc cầu Kiều, muốn đọc được sách phải chiều iTunes
Đây là chỉ nói những cái râu ria bên ngoài, giờ ta đi sâu vào iBooks cho mac
Chức năng chính thức của iBooks cho Mac là...đọc sách, có thể tóm gọn lại là phần mềm này không khác gì so với iBooks cho iPhone hay iPad, khác chăng là trên Mac ta có bàn phím cứng, ghi chú gì thì dễ dàng hơn, và màn hình Mac to hơn mấy cái kia, tuy nhiên liệu có phải to hơn là tốt hơn trong việc đọc sách thì còn phải xét lại.
Mới đầu mở iBooks lên, bạn sẽ thấy một đống sách đã được chuyển giao từ iTunes sang (vị trí thực của file sách vẫn nằm ở chỗ cũ mà hồi xưa iTunes lưu)
Có cái dở là mới mở lên sách không hiện bìa liền giống iTunes, mà phải mở cuốn sách ra thì nó mới hiện bìa, có thể đây là bản beta nên vậy, ta chờ bản chính thức xem sao.Mở phần mềm ra sách nào cũng như sách nàoMuốn bìa hiển thị thì phải mở từng cuốn sách ra, đóng lại thì mới thấy bìa.
À mà lần đầu chạy iBooks thì nó sẽ hỏi account iCloud của bạn để có thể sync bookmark, ghi chú chéo giữa các thiết bị, các bạn nếu có iPhone iPad thì nên đăng nhập để có thể sync.
Việc sync này diễn ra tốt, không có gì phải nói, vì thực ra các hệ thống khác như Kindle cũng làm tốt việc sync này rồi, chẳng có gì lạ để phải đề cập, bạn đọc tới trang x trên máy tính, mở iPad ra thì sách tự lật tới trang X đó, bạn đọc tiếp đến trang Y, về máy tính, sách sẽ lật tới trang Y, bình thường.
Giao diện đọc sách, phần này có khá nhiều hình, mời các bạn xem hình có phụ đề để rõ hơn, sau đó ta bàn sâu.
Đọc sách với iBooks trên Mac
Cũng giống như trên iDevice, iBooks trên mac cũng có cửa hàng sách, nơi bạn có thể tải vài cuốn sách miễn phí hoặc mua sách, mình thấy hiện nay cửa hàng sách vẫn cần được hoàn thiện thêm nữa.
Vậy là chúng ta đã có cái nhìn khá kỹ về iBooks cho Mac, bây giờ đến phần tôi chia sẻ ý kiến cá nhân của mình về phần mềm này.
Thứ nhất là cảm giác đọc: đối với tôi, việc đọc sách trên máy tính không phải là ưu tiên một, tôi thích cảm giác cầm iPad hoặc iPhone đọc hơn, vì nó gần với việc cầm cuốn sách, phần mềm trên máy tính chủ yếu để chữa cháy mà thôi, tuy nhiên, iBooks trên Mac sẽ phát huy tác dụng nếu bạn cần làm bài luận, nghiên cứu khoa học, vì rõ ràng là bạn dễ dàng copy hoặc tìm kiếm trong sách với bàn phím cứng hơn là với bàn phím ảo trên iDevice, tưởng tượng cảnh vừa đọc tài liệu, vừa làm bài luận trên một màn hình, nó có những ưu điểm rõ ràng.
Tuy nhiên ngoài việc dùng để học tập, tôi chưa tìm thấy lý do để dùng phần mềm này, tôi thưởng chỉ dùng để đọc lướt qua những cuốn sách mới, xem có hay không, có hấp dẫn để chép vào iDevice không, và việc đọc lướt này thì có nhiều phần mềm làm rồi, không cứ gì phải là iBooks. Nếu Apple vẫn cho dùng iTunes để quản lý sách, chắc tôi sẽ chẳng bao giờ đụng vào iBooks, có lẽ Apple cũng thấy được điều này nên mới tách nó ra như vậy.
Thứ hai là, đối với tôi, iBooks ra đời quá muộn màng, tôi đã đợi từ 2010, mỗi lần có cập nhật Mac mới tôi đều mong có iBooks cho Mac, nhưng Apple luôn luôn làm tôi thất vọng, Apple à, vì sao lại để chúng tôi đợi lâu như vậy, phần mềm đọc ePub thôi mà, có gì khó đâu?
Lúc tôi mong chờ iBook cho mac nhất là hôm Apple giới thiệu iBook sách giáo khoa, theo tôi đó là thời điểm chín muồi để giới thiệu iBooks trên mac, vậy mà họ cũng bỏ qua cơ hội đó, thiệt là quá uổng!
Vì chờ quá lâu, tôi phải quay qua giải pháp khác, tôi tìm đến Kindle và rất hài lòng, Kindle có thiết bị tốt, có hệ sinh thái tốt, có sách tốt, và Kindle có phần mềm cho Mac ngay từ đầu, tôi chẳng phải chờ đợi gì cả.
Thứ ba là việc chép sách vào iBooks còn phải thực hiện thủ công quá, ngoài việc bạn mua sách thì sách nằm trên iCloud không nói, còn các sách bạn có từ nguồn khác, bạn bắt buộc phải cắm cáp để chuyển sách, trong khi với Kindle, bạn chỉ cần email là xong, sách của bạn được lưu trữ trên mây mà bất kể nguồn gốc (Tham khảo thêm bài đọc Kindle ở trên mây), bạn có thể mua 1 máy Kindle mới về, đăng nhập Amazon account là đọc sách được ngay, với Apple thì đừng hòng.
Tôi thấy rằng Apple nên mở hơn với iBooks, mỗi người chúng ta đều được apple cho 5GB iCloud đó, tại sao không cho chúng ta chép sách vào đó, và có thể xem ở bất kỳ thiết bị nào kết nối với tài khoản iCloud, có vậy, iBooks mới có thể tạm sánh ngang với Kindle.
Tạm kết:
Phần mềm iBooks trên Mac hoạt động đúng như những gì nó thiết kế ra, nghĩa là ta có thể dùng nó để đọc sách, nhưng đọc sách trên Mac không chỉ có iBooks mà còn có nhiều lựa chọn khác. Ngay hôm Apple giới thiệu Mavericks, tôi đã thấy iBooks là một cố gắng khá trễ và khá gượng gạo của Apple, những cái mà Apple dùng để giới thiệu iBook trên Mac như sync, đọc sách giáo khoa, vv và vv chẳng hề mới, chẳng hề khác lạ so với trên iPad, tôi thấy iBooks trên Mac khá lạc lỏng, có cũng được, không có cũng chẳng ảnh hưởng gì, với tôi, iBooks hiện nay chỉ là để sắp xếp sách, chấm hết. Tôi mong rằng Apple sớm cho phép chúng ta chép sách vào iCloud để đọc được xuyên suốt các thiết bị, và cho dù điều đó xảy ra đi nữa thì tôi vẫn sẽ không đọc sách bằng iBook trên mac, trừ khi tôi để quên Kindle Paperwhite ở đâu đó.
ITC cấm nhập khẩu một số điện thoại cũ của Samsung vì vi phạm 2 bản quyền do Apple nắm giữ
Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) hôm nay đã ra quyết định cấm nhập khẩu một số sản phẩm cũ của Samsung vì vi phạm một số bằng sáng chế do Apple nắm giữ. Trước đây Apple cáo buộc Galaxy S 4G, Fascinate, Captivate, Galaxy Tab, Galaxy Tab 10.1 cùng nhiều smartphone và tablet khác ra mắt trong năm 2010, 2011 đã sử dụng trái phép những bản quyền của hãng liên quan đến tính năng cuộn và jack tai nghe. Cũng như mọi phán quyết cấm nhập khẩu mà ITC ban hành, Nhà Trắng và tổng thống Obama có 60 ngày để bác bỏ quyết định của ITC trước khi nó chính thức có hiệu lực.
Ngoài hai bằng sáng chế ở trên, Apple còn kiện Samsung vi phạm thêm bốn bản quyền khác nữa, trong đó có bản quyền thiết kế của chiếc iPhone đời đầu mà người ta hay gọi là "hình chữ nhật với các góc bo tròn". Trước đây thẩm phán Pender từng chấp thuận các cáo buộc của Apple, thế nhưng trong phán quyết cuối cùng ngày hôm nay, toàn bộ hội đồng của ITC đã bác bỏ điều đó. Giờ đây hội đồng chỉ tập trung vào bản quyền phần cứng và phần mềm mà thôi.
Cách đây một tuần tổng thống Obama từng đưa ra quyết định mang tính lịch sử, lần đầu tiên trong 26 năm qua Nhà Trắng quyết định can thiệp vào lệnh cấm nhập khẩu của ITC. Tuy nhiên, trong vụ đó, Apple vi phạm các bản quyền cơ bản của Samsung, còn ở vụ việc này thì Samsung vi phạm những bản quyền phi cơ bản do Apple làm chủ sở hữu, do đó xác suất ông Obama đưa ra hành động tương tự là rất thấp.
Apple cũng có thể tìm kiếm một lệnh cấm đối với những sản phẩm mới ra mắt gần đây của Samsung nếu các nhà điều tra tuyên rằng các biện pháp được Samsung áp dụng nhằm tránh bị kiện là chưa đủ tốt. Hồi năm ngoái một sự việc tương tự đã diễn ra, đó là khi chiếc HTC EVO 4G LTE bị cấm nhập khẩu một thời gian vì vi phạm vài số bản quyền cũ của Apple.
Cũng cần phải nói thêm rằng Apple và Samsung đang có một vụ lớn hơn ở Tòa án Liên Bang Mỹ liên quan đến hình phạt 1,05 tỷ USD cũng như việc cấm bán 26 sản phẩm khác. Nó độc lập với vụ ở ITC trong bài viết này.
Phản hồi lại vấn đề này, Samsung cho biết:Apple thì nói rằng:
Nhiều người dùng máy Nexus 7 2013 than phiền về lỗi GPS, Google nói họ đang điều tra
Hiện có nhiều người dùng chiếc Nexus 7 thế hệ mới than phiền bằng sau khoảng một thời gian sử dụng bình thường (khoảng từ 2 đến 30 phút), chiếc máy tính bảng này bỗng nhiên không thể bắt được tín hiệu GPS, sau đó máy cũng không tự dò lại để kết nối với các vệ tinh. Những lời than phiền này xuất hiện trên rất nhiều trang web, diễn đàn công nghệ cũng như khu vực thảo luận trên website của chính Google. Mặc dù không nhiều người dùng lấy tablet để làm thiết bị định vị hằng ngày nhưng nó cũng gây ra một sự khó chịu nhất định. Phản hồi lại vấn đề này, Google nói rằng họ đã được biết về lỗi mất tín hiệu GPS của Nexus 7 2013 và hiện các kĩ sư của nhóm Android đang tiến hành điều tra sự việc. Hiện chưa ai tìm ra cách khắc phục tạm thời chuyện này nên người dùng sẽ phải chờ đến khi Google có giải pháp chính thức.
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)