Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Cùng quan sát mưa sao băng Perseid lớn nhất trong năm vào ngày 11 - 13 tháng 8

Mưa_sao_băng_Perseid_01
Một trận mưa sao băng Perseid chụp năm 2007.

Tháng 8 luôn bắt đầu với nhiều điều bất ngờ và trong vài ngày tới, chúng ta sẽ được chứng kiến một hiện tượng thiên văn ngoạn mục có tên gọi mưa sao băng Perseid. Bắt đầu từ ngày 11, trận mưa sẽ đạt đỉnh điểm vào ngày 12 và 13 với nhiều cầu lửa (fireball) nhất so với các trận mưa thiên thạch khác theo một nghiên cứu mới của NASA.

Dựa trên các tài liệu ghi chép, mưa sao băng Perseid đã xuất hiện từ cách đây hơn 2000 năm và nó được biết đến cũng như quan sát lần đầu tiên vào năm 36 sau công nguyên. Mưa sao băng Perseid xuất hiện tại một vị trí tương ứng với chòm sao Perseus trên bầu trời.

Mưa_sao_băng_Perseid_02

Một trận mưa sao băng xảy ra khi Trái Đất đi ngang qua một đám bụi đá trôi dạt trên quỹ đạo và chúng thường là phần sót lại của một sao chổi tuần hoàn. Các thiên thạch bị Trái Đất kéo lại, ma sát với khí quyển và bốc cháy để lại các vệt sáng trên bầu trời. Mưa sao băng Perseid có nguồn gốc từ sao chổi Swift-Tuttle. Sao chổi này có chu kỳ quỹ đạo 133 năm và lần gần nhất nó bay vào bên trong hệ Mặt Trời là vào năm 1992.

Tỉ lệ các sao băng Perseid cực sáng có thể quan sát được sẽ lớn hơn khi Trái Đất đi qua đám mây bụi đá mới của Swift-Tuttle. Năm nay, NASA dự đoán trận mưa sẽ đạt đỉnh đầu tiên vào lúc 1:00 PM UTC (8:00 PM giờ Việt Nam) ngày 12 tháng 8 và đạt đỉnh lần thứ 2 vào 2:00 AM UTC (9:00 AM giờ Việt Nam) ngày 13 tháng 8. Lần đạt đỉnh đầu tiên có thể quan sát tốt nhất tại Tây Bắc Mỹ và Đông Thái Bình Dương trong khi lần thứ 2 sẽ dành cho khu vực châu Âu và châu Phi.

Mưa_sao_băng_Perseid_03

Do độ lệch tâm lớn và góc bay lớn giữa quỹ đạo của sao chổi Swift-Tuttle và mặt phẳng hệ Mặt Trời, các thiên thạch Perseid có xu hướng di chuyển rất nhanh, khoảng 60 km/s. Điều này mang lại động năng lớn cho thiên thạch cũng như độ sáng lớn nhất tại giai đoạn đạt đỉnh của trận mưa.

Hầu hết các thiên thạch quan sát được trong trận mưa chỉ có kích thước khoảng vài milimet trên bầu trời. Tuy nhiên, các thiên thạch sáng hơn hay còn gọi là cầu lửa và sao băng cũng xuất hiện khá thường xuyên. Một quả cầu lửa ám chỉ những thiên thạch rơi xuống có độ sáng bằng hoặc lớn hơi độ sáng của các hành tinh quan sát từ Trái Đất. Trong khi sao băng là những thiên thạch có độ sáng biểu kiến lớn hơn -14 hay gấp 4 lần độ sáng của Mặt Trăng. Thông thường, các sao băng sẽ sống sót khi đi qua tầng khí quyển và lao xuống đất.

Nghiên cứu mới của NASA dựa trên phát hiện trước đây cho thấy độ sáng biểu kiến trung bình của một cầu lửa Persied là -2.7, tương đương độ sáng lớn nhất giữa sao Mộc và sao Kim. Ngôi sao mờ nhất bạn có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm có độ sáng biểu kiến +6 trong khi sao Kim là sao sáng nhất với độ sáng -4. Dữ liệu từ các trận mưa sao băng trong quá khứ gợi ý rằng một cầu lửa Perseid có thể xuất hiện rõ ràng tại một khu vực nhất định trong mỗi giờ ở giai đoạn đỉnh điểm. Hiện tại, có khoảng từ 2 đến 3 cầu lửa Perseid xuất hiện mỗi tối với độ sáng biểu kiến lớn nhất là -6.

Tại Việt Nam, mưa sao băng Persied xảy ra vào mùa mưa hàng năm nên thời tiết là một trở ngại khá lớn cho việc quan sát. Đây là một hiện tượng kì thú và rất đáng xem đối với những ai ưa thích thiên văn. Vì vậy, trên rất nhiều diễn đàn thiên văn trong nước đã đưa ra các hướng dẫn để bạn có thể quan sát một cách tốt nhất. Theo đó:
  • Vào thời điểm cực đỉnh ngày 12, 13 tháng 8, mặt trăng sẽ lặn trước nửa đêm nên từ sau nửa đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13 tháng 8 sẽ lý tưởng nhất để quan sát;
  • Nếu trời nhiều mây thì bạn nên … vào nhà đắp mền ngủ vì sẽ không quan sát được gì;
  • Để quan sát, hãy nhìn về bầu trời phía Đông, nơi có chòm sao Perseus từ sau 1h sáng khi chòm sao này chứa tâm điểm quan sát lên đủ cao;
  • Chỉ quan sát bằng mắt thường bởi sao băng di chuyển quá nhanh, không thể dùng kính thiên văn hay ống nhòm;
  • Mưa sao băng không phải ào ào như mưa Sài Gòn. Đối với trận mưa Perseid, các vệt sáng sao băng cách nhau từ 1 đến vài phút nên bạn phải kiên trì;
  • Từ 1h sáng trở đi, vị trí chòm sao Perseus cùng vùng trời sao băng sẽ lên khá cao gần chân trời Đông Bắc nên tốt nhất là bạn nên đem một cái ghế võng lên sân thượng để nằm chiêm ngưỡng;
  • Trận mưa sẽ kéo dài cả đêm nên với thời tiết lạnh lẽo thì bạn nên mặc áo ấm, đội mũ để tránh sương.
Cách xác định chòm sao Perseus (Anh Tiên) theo hướng dẫn của VietAstro:

Mưa_sao_băng_Perseid_04