Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Vì sao yêu cầu của Apple về việc cấm bán 26 sản phẩm Samsung quan trọng với cả hai phía?

Samsung_Apple

Một thời gian dài sau khi thẩm phán Lucy Koh ra quyết định Samsung phải nộp phạt cho Apple, giờ đây hai công ty lại gặp nhau trước một đoàn thẩn phán để quyết định xem liệu yêu cầu cấm bán hàng chục sản phẩm Samsung vi phạm bản quyền có được thông qua hay không. Những chiếc điện thoại và máy tính bảng này đã vi phạm những bản quyền thiết kế và tính năng do Apple nắm giữ. Hồi tháng 12 năm ngoái, thẩm phán Koh từng quyết định rằng việc Samsung bồi thường tiền đã đủ bù đắp cho thiệt hại của Apple, thế nên bà không chấp thuận yêu cầu cấm bán của Apple. Apple tất nhiên không đồng ý, hãng nộp đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm liên bang, nơi sẽ đưa ra những phán quyết quan trọng dẫn đến việc kết thúc vụ án.

Yêu cầu cấm bán của Apple đối với Samsung không có nhiều ý nghĩa trong ngắn hạn. Trong số 26 điện thoại và máy tính bảng nằm trong phạm vi vụ án, 23 chiếc đã ngừng sản xuất và kinh doanh, 3 chiếc còn lại thì đang được Samsung cải tiến để không tiếp tục bị kiện. Samsung cũng nói rằng quyết định cấm sẽ không thể ảnh hưởng lớn quy trình thiết kế sản phẩm của mình. Vậy tại sao vụ án này lại quan trọng với cả hai phía?

Về phần mình, Apple hi vọng rằng một lệnh cấm sẽ giúp hãng dễ dàng hơn trong việc đi kiện các thiết bị Samsung mới ra mắt. William Lee, một trong những luật sư của Apple, sau khi xem xét quy trình thiết kế của Samsung thì đã nói rằng một số sản phẩm mới của hãng sản xuất Hàn Quốc có thể trông giống như sản phẩm đã bị cấm bán. Theo Lee, điều đó có nghĩa là chỉ có cái tên của sản phẩm bị cấm chỉ biến mất khỏi thị trường chứ thực chất nó vẫn tồn tại.

Trong dài hạn, nếu lệnh cấm được thông qua, nó sẽ giúp Apple có được khoảng thời gian dễ thở trước tòa. Điều này chắc chắn sẽ làm tổn thương đến Samsung, thế nhưng đây không chỉ là nỗ lo sợ duy nhất cho hãng sản xuất ra dòng thiết bị Galaxy. Samsung từng nói rằng bất kì lệnh cấm nào cũng sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Samsung với các nhà mạng và cửa hàng bán lẻ, những người sẽ lo lắng về việc liệu họ có vô tình bán một sản phẩm đã bị cấm hay không.

Tương tự, lệnh cấm cũng có thể được sử dụng để làm án lệ (precedent) cho vụ kiện thứ hai giữa Apple và Samsung dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm sau. Án lệ là một thứ rất quan trọng trong hệ thống luật Common Law mà Mỹ và các nước từng là thuộc địa của Anh sử dụng. Mỗi một án lệ có thể được xem là một "luật" và có thể được trích dẫn để làm bằng chứng cho những vụ kiện về sau, bên cạnh "luật thành văn" do các cơ quan lập pháp ban hành. Đối với án lệ, quyết định của tòa không thật sự quan trọng bằng nguyên nhân mà tòa đưa ra kết luận (ratio decidendi) bởi các bên có thể tiếp tục sử dụng nguyên nhân này để làm luận điểm rất mạnh trong những vụ việc sau đó.

Quay trở lại với vụ Samsung vs. Apple, Apple hiện đang ở vị trí "bị đơn" mặc dù hãng thắng cuộc trước đây. Nếu muốn lệnh cấm được chấp thuận, Apple cần phải chứng tỏ rằng những tính năng mà Samsung sao chép lại đã được dùng để trực tiếp quảng cáo sản phẩm dẫn đến việc hãng bị mất khách hàng, tuy nhiên Apple đã không làm được chuyện này. Trong tình thế bây giờ, việc Apple có thể làm đó là thuyết phục tòa rằng giới hạn "dùng để trực tiếp quảng cáo sản phẩm" là quá cao, và hãng phải giải thích hay dẫn chứng thêm rằng vị sao Samsung đã vi phạm một giới hạn nào đó thấp hơn.

Luật sư Lee nói "tôi không nghĩ có ai đó đã từng rơi vào vị trí như Apple". Ý của ông đó là chưa có ai có thể chứng minh tuyệt đối rằng có mối liên hệ mật thiết giữa một tính năng hay một bộ các tính năng với tình hình kinh doanh thiết bị. Tòa có thể yêu cầu Apple chứng minh rằng mình đã phải chịu "thiệt hại không thể sữa chửa", thế nhưng nếu rằng buộc Apple vào việc này sẽ là "một thay đổi cơ bản trong hệ thống luật bản quyền Mỹ".

Phía Samsung tất nhiên nói rằng những tính năng bị tuyên vi phạm không phải là nhân tố chính khi khách hàng quyết định sắm một chiếc smartphone nào đó. Kathleen Sullivan, luật sư của Samsung, nói rằng "không có bằng chứng" cho thấy có bất kì tính năng bị vi phạm nào trở thành động lực mua chính hay góp phần tạo ra nhu cầu đối với khách hàng. Trong vụ kiện, Apple có đưa ra một báo cáo khảo sát cho thấy rằng người dùng có thể đồng ý trả thêm 100$ để có được những tính năng mà Samsung đã sao chép của Apple.

Sullivan đặt câu hỏi rằng liệu cuộc khảo sát này có liên quan hay không. Nữ luật sư đưa ra ví dụ về một vụ khác, trong đó một nhà sản xuất xe hơi sao chép khung đựng ly nước trên xe của một hãng đối thủ. "Sự thật về việc tôi chi thêm 10$ cho một chiếc xe mà đằng nào tôi cũng mua" không cho thấy rằng việc sao chép có tác dụng dẫn dắt nhu cầu của khách hàng. "Nó không chứng minh rằng chiếc điện thoại với tính năng bị tuyên vi phạm sẽ được chọn so với một chiếc không có tính năng đó".

Thẩm phán William Bryson, người hiện chịu trách nhiệm về vụ kiện giữa Apple với Samsung trên Tòa phúc thẩm Liên bang, thì không đồng ý với phần tranh luận của Sullivan. Ông nói rằng báo cáo của Apple cho thấy người tiêu dùng đánh giá các tính năng đó là giá trị. "Đối với tôi, nó lại chính là nguyên nhân cơ bản có thể dẫn dắt nhu cầu của người dùng". Ông đưa ra ví dụ đó là với những chiếc ô tô có động cơ lai giữa xăng và điện (hybrid), nó vẫn là một tính năng rất quan trọng mặc dù khách hàng vẫn chọn mua một chiếc xe rẻ và không có động cơ hybrid.

Thực chất thì vụ việc vẫn còn đang diễn ra chứ chưa có kết quả cuối cùng. Tòa án Liên bang cũng còn đang triệu tập các bên để tranh luận. Thế nhưng từ trước đến nay Tòa Liên bang đã nhiều lần bác bỏ lệnh của thẩm phán Koh. Trong vụ này, Tòa từng nói Koh đã sai khi vẫn cho phép Samsung tiếp tục bán những sản phẩm vi phạm thiết kế của Apple trong lúc vụ án vẫn còn tiếp diễn. Tòa cũng từng hủy bỏ lệnh cấm Galaxy Nexus do Koh ban hành bởi Apple không chứng minh được tính năng vi phạm chính là động lực dẫn dắt nhu cầu đối với sản phẩm.

Tùy thuộc vào tính thuyết phục của các luận cứ mà Apple đưa ra, Tòa Liên bang có thể hoãn thi hành quyết định của Koh hoặc hủy bỏ nó hoàn toàn. Dù cho tình huống nào xảy ra đi nữa thì cả Apple lẫn Samsung vẫn có quyền kháng cáo lên cấp cao hơn, đó là Tòa án Tối cao. Ngoài ra, Tòa Liên bang cũng có thể trả hồ sơ về cho Koh, đồng thời đưa ra chỉ dẫn để bà làm theo.

Vụ án trong bài này độc lập với vụ ITC cấm nhập khẩu một số sản phẩm của Samsung vì vi phạm bản quyền do Apple đăng kí.