Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Nikon ra máy ảnh Df: DSLR full-frame 16.2 MP, kiểu dáng cổ điển, không quay phim, giá từ 2.750 USD

Df_ambience_1.high.

Sau nhiều đoạn video hé lộ, Nikon đã chính thức giới thiệu dòng máy ảnh Df với kiểu dáng mang phong cách cổ điển (classic). Đây là dòng máy ảnh DSLR sử dụng cảm biến FX của Nikon tương tự như các mẫu D610, D800 hoặc D4. Máy nổi bật với thiết kế cổ điển nhờ chất liệu vỏ hợp kim kết hợp các thành phần được bọc da, hệ thống điều khiển cơ học hướng đến người dùng yêu thích chỉnh tay. Mẫu máy ảnh này sở hữu cảm biến full-frame độ phân giải 16.2 MP giống với D4, bộ xử lý hình ảnh EXPEED 3 hỗ trợ dải ISO tối đa lên đến 204,800, chụp liên tiếp 5,5 fps. Máy có màn hình LCD 3,2", hỗ trợ tính năng chụp Live View nhưng đáng tiếc là không có hỗ trợ quay phim. Có lẽ Nikon kiên định cho dòng máy ảnh này hướng đến người dùng tập trung hoàn toàn vào việc chụp ảnh. Ngoài ra hãng cũng giới thiệu một ống kính AF-S 50mm f/1.8 G phiên bản đặc biệt để phù hợp với thiết kế và màu sắc của thân máy.

Nikon Df (Digital Fusion) có kiểu dáng nhỏ gọn tương tự như dòng Nikon D610. Máy có kích thước 14,35 x 11 x 6,65 cm, như vậy kích thước này không gọn hơn so với Nikon D610 là mấy mà chỉ rút ngắn bề dày khoảng 1,6 cm (kích thước của Nikon D610 là 14,1 x 11,3 x 8,2 cm). Trọng lượng của Df là 710 g, nhẹ hơn Nikon D610 khoảng 50 g.

Nikon Df được trang bị cảm biến full-frame FX độ phân giải 16,2 MP giống với Nikon D4, bộ xử lý hình ảnh EXPEED 3 đã thể hiện hiệu suất hoạt động của mình khá ấn tượng trong các dòng máy ảnh full-frame gần đây của Nikon. Ngoài ra dải ISO của máy hữu dụng ở mức từ 100 đến 12.800, có thể mở rộng tối đa lên đến 204,800 hoặc mức thấp nhất là 50. Df sẽ sở hữu viewfinder bao phủ 100% khung hình, hệ thống lấy nét 39 điểm, module AF MultiCAM 4800FX cùng tốc độ chụp liên tục là 5,5 fps. Dù tốc độ ăn đèn (flash sync) lên đến 1/200 giây nhưng tốc độ màn trập của máy chỉ đạt 1/4000 giây. Có lẽ đây là lý do mà máy chỉ chụp được liên tiếp 5,5 fps và phân khúc rõ ràng so với Nikon D4.

Máy sở hữu màn hình 3,2" độ phân giải 921,000 điểm ảnh. Máy được thiết kế với tay cầm khá ngắn, kính ngắm quang học OVF được nhô lên cao với thiết kế hình tròn và không tích hợp nắp đậy OVF (vẫn có hỗ trợ phụ kiện bên ngoài). Mặt trước của máy có hai vòng điều khiển chức năng như các máy phim cổ điển. Trong khi dàn bánh xe điều khiển các chức năng như ISO, phơi sáng EV, tốc độ, các chế độ chụp (S, CL, CH, Q...). Mặt sau của máy lại có thiết kế tương tự như dòng máy Nikon D300s, phím Live View được nằm ở vị trí riêng và không có nút gạt chọn chế độ quay phim như dòng máy D7100, D4... Màn hình LCD phụ được thiết kế nhỏ gọn và chỉ hiển thị một vài thông số cần thiết như tốc độ chụp, khẩu độ, số ảnh còn lại có thể chụp...

Mặc dù máy có thể sử dụng chế độ Live View để chụp ảnh, hỗ trợ tự động lấy nét theo dạng tương phản, nhận diện khuôn mặt, kể cả tracking focus nhưng thật tiếc là Nikon không tích hợp tính năng quay phim. Có lẽ trong một thiết kế thân máy cổ điển chuyên cho chụp ảnh như vậy thì họ không muốn tích hợp vào.

Là máy ảnh DSLR thực sự, Nikon Df hỗ trợ ngàm kính F-mount tương thích với ống kính Nikkor AF từ loại G, E và D, AI-P và cả DX lenses (dòng ống kính cho hệ máy crop APS-C). Các ống kính cổ như Ai hay non-Ai cũng được hỗ trợ một cách tối đa, hỗ trợ đo sáng nhờ hệ thống cơ học như máy phim. Máy hỗ trợ Wi-Fi và GPS thông qua phụ kiện tùy chọn phải mua riêng. Máy dùng pin EN-EL14a dung lượng 1.030 mAh (dùng chung với Nikon D5300) hoặc EN-EL14 (dùng chung với một vài dòng máy D3xxx và Coolpix P7xxx). Dù dung lượng kiêm tốn nhưng Nikon cho biết máy có thể chụp đến 1.400 tấm ảnh theo tiêu chuẩn đánh giá của CIPA.

Nikon Df có giá bán 2.750 USD dành cho thân máy và 3000 USD dành cho thân máy đi kèm ống kính Nikkor AF-S 50mm f/1.8 G phiên bản đặc biệt được thiết kế phù hợp với phong cách và màu sắc của dòng máy ảnh mới.

Thông số kỹ thuật Nikon Df
  • Khung thân máy làm bằng hợp kim ma-giê
  • Cảm biến: CMOS FX full-frame 16,2 megapixel
  • Bộ xử lí hình ảnh hai nhân EXPEED 3.
  • Màn hình LCD 3,2" độ phân giải 921.000 pixel.
  • Ống ngắm quang học phủ 100% vùng nhìn.
  • Dải ISO từ 100 - 12.800, mở rộng 50 (chế độ LO) - 204.800 (chế độ Hi-2).
  • Tốc độ màn trập: 1/4000 giây, chụp liên tiếp 5,5 fps (tối đa).
  • Hệ thống lấy nét 39 điểm (trong đó có 9 điểm crosstype), module MultiCAM 4800FX.
  • Chế độ chụp liên tiếp im lặng.
  • Tốc độ đồng bộ đèn flash: 1/200 giây.
  • Khe thẻ nhớ SDXC tốc độ UHS-1 (1 khe)
  • Giao tiếp USB, HDMI mini
  • Pin chụp được 1.400 tấm (CIPA)
  • Kích thước: 14,35 x 11 x 6,65 cm
  • Trọng lượng: 710g đã tính pin


Trên tay card đồ họa AMD Radeon R9 290, yếu hơn R9 290X rất ít nhưng giá rẻ hơn 150$

Radeon-R9-290 (13).

Sau Radeon R7 260X và R9 270X thì một chiếc card đồ họa mới của AMD tiếp tục về với đội Tinh Tế, Radeon R9 290. Khác với những model R7 và R9 thực chất là những chip đồ họa cũ được đổi tên dựa trên nền Radeon HD 7000 series, R9 290 và R9 290X là 2 chiếc GPU hoàn toàn mới của AMD, với tên mã là Hawaii và mang trong mình nhiều công nghệ cũng như sức mạnh xử lý mạnh mẽ hơn. Nếu như R9 290X là đối thủ để đối đầu trực tiếp với GTX TITAN của nVIDIA thì R9 290 (không có X) là sản phẩm cạnh tranh với GTX 780. Card đồ họa Radeon R9 290 sẽ bắt đầu được bán ra thị trường vào ngày 5/11 với giá khởi điểm 450$ (AMD công bố là 399$), rẻ hơn 150$ so với mức 549$ của Radeon R9 290X.

Về thông số, tuy rẻ hơn 100$ nhưng xét về thông số kĩ thuật vì R9 290 và R9 290X khá suýt soát nhau, ví dụ R9 290X có 2816 bộ xử lý dòng thì con số này ở R9 290 là 2560, xung nhân là 947MHz; cả đều có 6,2 tỉ bóng bán dẫn, cùng bộ nhớ RAM 4GB GDDR5 512 bit, cùng sản xuất trên tiến trình 28nm, cùng kích thước đế (core) là 438mm vuông và cùng vi kiến trúc GCN 1.1 mới nhất của AMD.

Chúng ta sẽ có bài benchmark cụ thể chiếc card đồ họa này trong tuần tới. Xem lại hình ảnh chi tiết của Radeon R7 260X và R9 270X ở đây.

Radeon-R9-290 (23).
Từ trên xuống: bút chì, Radeon R7 260X, Radeon R9 290 và Radeon HD 7990

AMD-Radeon-R9-290.
So sánh thông số kĩ thuật R9 290, R9 290X, GTX TITAN...


Chrome cho Mac sẽ yêu cầu mật khẩu chính để xem các mật khẩu đã lưu

chrome password.

Sắp tới trình duyệt Chrome cho Mac sẽ yêu cầu người ta phải nhập thêm mật khẩu hệ thống của máy tính để xem được các mật khẩu trang web mà Chrome đã lưu. Trước đây bất kỳ ai dùng máy tính của bạn cũng có thể xem được toàn bộ các mật khẩu này trong phần Cài đặt - Preferences (hoặc gõ chrome://settings/passwords vào ô địa chỉ). Tất cả các mật khẩu đều được lưu dưới dạng chữ không mã hoá nên chỉ với vài cái nhấn chuột thì toàn bộ mật khẩu nhạy cảm nhất sẽ hiện ra.

Thông tin này được anh François Beaufort, một lập trình viên, tiết lộ khi xem qua đoạn code của phiên bản Chrome sắp tới. Anh cho biết sau khi nhập đúng mật khẩu chủ thì Chrome sẽ không hỏi lại mật khẩu đó trong vòng 1 phút tới, sau 1 phút này thì máy mới hỏi lại. Đây là một tính năng dành cho Mac và chưa rõ liệu bản Chrome cho Windows sẽ có tính năng tương tự hay không.


Quản lý bộ phận hình ảnh Kimio Maki của Sony chia sẻ về dòng camera QX, RX và smartphone

Sony_ Kimio_Maki_may_anh.jpg.
Kimio Maki

Kimio Maki, quản lý trưởng bộ phận hình ảnh kỹ thuật số của Sony, được xem như là một trong những nhân vật "huyền thoại" tại công ty này. Ông chính là người cha của những sản phẩm camera quan trọng mà Sony công bố trong thời gian gần đây, chẳng hạn như chiếc RX1/R, RX100/RX100 II và cả hai mẫu máy ảnh full-frame Alpha A7/A7R dùng ngàm E-Mount. Tại triển lãm Photo Plus Expo mới diễn ra ở thành phố New York, trang Dpreview đã có dịp nói chuyện với ông để nghe chia sẻ về việc dẫn đầu một bộ phận rất quan trọng với Sony, về nguyên nhân mà Sony tạo ra dòng lens-camera QX, những chuyện "hậu trường" đằng sau dòng RX và sức ảnh hưởng của smartphone đến máy ảnh.

Chiếc camera nào có thể được xem là một "dự án" đầu tiên của cá nhân ông?

Nó là một chiếc máy quay phim dùng băng Hi 8 hồi 25 năm về trước. Tôi cũng có làm việc với chiếc máy quay nhỏ nhất thế giới ở thời điểm đó, chính là chiếc Sony DCR-PC7. Khi tôi chuyển sang làm cho mảng marketing và nhận công tác tại Anh, tôi nhận thấy rằng nó (PC7) quá dễ bán. Sau này tôi quay trở lại Nhật Bản làm công việc lên kế hoạch sản phẩm, kế đến là làm kĩ sư và tôi làm việc trên chiếc Cyber-shot WX1.

DCR-PC7.
Sony DCR-PC7

Gần đây, tôi bắt đầu làm việc trên những máy ảnh thuộc series RX. Thị trường smartphone đang mở rộng ở thời điểm hiện tại, do đó chúng tôi cần phải tạo ra sự khác biệt giữa máy ảnh trên smartphone với một hệ thống máy ảnh thực thụ. Chính vì thế, Sony quyết định phát triển nên cảm biến mới định dạng 1". Trước đây các máy ảnh compact thường dùng định dạng 1/1,7", nhưng với tôi thì chất lượng ảnh từ cảm biến này chưa tốt. May mắn thay, chúng tôi là Sony - nhà sản xuất cảm biến ảnh hàng đầu thế giới! Tôi có nhờ người lãnh đạo của nhóm sensor giúp tôi, và anh ấy đã đồng ý. Thế là chúng tôi có được cảm biến ảnh dùng trong RX100.

Sony-Cybershot-RX-100.
Sony RX100

Ngài thật may mắn khi có sự hỗ trợ này!

Vâng! Nhưng nói thật với các bạn, thứ quan trọng nhất đó là sản phẩm phải hấp dẫn. Tôi nói với họ (nhóm thiết kế sensor) rằng 'làm ơn - nếu anh tạo ra được cảm biến 1" đó thì tôi sẽ dồn hết sức để làm ra một sản phẩm tuyệt vời'.

Đó có thể là một nguy cơ lớn, vậy làm sao ông biết là nó sẽ giúp Sony kinh doanh tốt?

Tôi không phải là thiên tài, cũng không phải là Chúa, nhưng tôi biết được tiềm năng của cảm biến ảnh 1". Chất lượng ảnh mà cảm biến này có thể tạo ra, cộng với chất lượng quay phim, được cân bằng một cách hoàn hảo. Bạn có thể thấy rằng chất ảnh từ cảm biến này hoàn toàn khác biệt so với ảnh cho ra từ những cảm biến compact thế hệ trước. Tôi đã bị thuyết phục bởi nó, và tôi hoàn toàn tự tin rằng có thể đánh bại các máy thế hệ trước.

Tuy nhiên, không may là việc định thời gian lại bị chậm - có nhiều mẫu máy compact cao cấp đã xuất hiện trên thị trường, và ông sếp của tôi nói rằng 'anh chậm quá rồi - nó rất tốt, nhưng anh phải nhanh hơn'. Tôi bị áp lực rất nhiều từ sếp đó chứ! Khi tôi tung RX100 ra, tôi nói với sếp rằng 'tôi sẽ làm cho khách hàng yêu sản phẩm - một loại sản phẩm chưa từng xuất hiện trước đây, ông hãy chờ và xem điều gì xảy ra'.

Ở Mỹ, phản ứng ban đầu của khách hàng không tuyệt vời, nhưng cuối cùng thì mọi người cũng đồng ý rằng đây là một chiếc máy ảnh rất tuyệt.

Điện thoại giờ đây đang được trang bị những chiếc máy ảnh tốt hơn, còn máy ảnh thì có nhiều tính năng kết nối hơn. Theo ông thì điểm cuối của điều này sẽ là gì?

Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tôi nhìn vào dữ liệu từ người dùng đang xài smartphone, nhất là những người chỉ dùng smartphone để chụp ảnh và không bao giờ đụng đến camera. Họ nói 'tôi không cần máy ảnh số bởi tôi có thể dùng smartphone của mình'. Chúng ta có nói rằng 'chất lượng ảnh không cao', nhưng rồi họ sẽ trả lời lại rằng 'à tôi chỉ cần nó đủ tốt để đăng lên Facebook mà thôi'. Họ muốn có tấm ảnh ngay trong điện thoại, chứ không phải là trên máy tính, bởi họ không xài máy tính. Smartphone chính là máy tính của họ, họ muốn tất cả mọi dữ liệu nàm trong đó. Đây là một nhu cầu thật sự, nhất là với những người dưới 20 tuổi.

Thế nên tôi nhìn vào thông tin này, và quyết định tạo ra một chiếc camera tốt hơn những sản phẩm thông thường. Tôi tách người dùng thành hai nhóm: thế hệ già hơn và thế hệ trẻ hơn. Thế hệ trẻ sẽ cần hình ảnh tốt hơn để được bạn bè khen, tức là được nhiều like trên Facebook, Nhưng một chiếc máy ảnh thông thường sẽ không phù hợp với phong cách sống của họ. Họ muốn xài giao diện cảm ứng hiện đại trên smartphone, lưu ảnh và chia sẽ ngay từ điện thoại. Thế nên chúng tôi đã làm ra hệ thống ống kính-máy ảnh QX.

tinhte_Sony_QX100_Xperia_Z1.

QX100 có cùng chất lượng hình ảnh với chiếc RX100, nhưng hình sau khi chụp sẽ đi thằng vào smartphone. Khi tôi còn nhỏ tôi có một chiếc camera trong nhà mình - bố tôi mua và chúng tôi dùng chung nó. Nhưng còn bây giờ, ai ai cũng chụp ảnh. Sếp tôi đã 55 tuổi và khi tôi đưa cho ông chiếc QX10, ông nói rằng 'tôi không hiểu - tại sao anh lại cần dùng thứ này'. Tôi mới nói 'Xin lỗi, nhưng sếp không phải là mục tiêu của sản phẩm này'. Tùy thuộc vào từng thế hệ và trải nghiệm người dùng sẽ khác nhau và động cơ chụp ảnh cũng khác nhau. Những người trẻ tuổi sẽ không so sánh dòng QX với RX100 với RX1.

Với chiếc RX1, ý tưởng đó là phải mang đến chất lượng ảnh cao nhất trong một chiếc cmaera mà bạn có thể dễ dàng cầm đi dạo, chụp mỗi ngày hay chụp ảnh cuối tuần. Tôi không muốn xài một chiếc máy ảnh dùng cảm biến APS-C hay bất kì thứ gì có cảm biến nhỏ hơn. Tôi muốn chất lượng ảnh tốt nhất. Cá nhân tôi cần một chiếc camera ngon để đi chụp ảnh cuối tuần, nhưng những máy full-frame hiện nay lại quá lớn với tôi.

Đó cũng chính là thách thức khi chúng tôi phát triển RX1. Thêm vào đó, nhóm khách hàng dành cho RX100 và RX1 mà tôi nghĩ đến là những người cần chất lượng ảnh cao trong vẫn muốn có máy ảnh nhỏ gọn. Họ là những người cảm thấy DSLR quá to. Trong lúc thiết kế RX1, tôi nói với các kĩ sư của mình rằng "tôi muốn đặt cảm biến full-frame vào trong chiếc RX100, điều đó có thể hay không". Tất cả họ đều cười và nghĩ tôi đang nói đùa. Nhưng tôi vãa nghĩ là Sony có thể làm được điều đó, thế là tôi thuyết phúc mọi người và sản phẩm cuối cùng là chiếc RX1 như các bạn thấy.

Chiếc RX10 mà Sony mới ra mắt thì lại khác. Đó là chiếc camera mà tôi muốn dùng trong những sự kiện, như trận đấu thể thao, khi con tôi đang đá banh hay chơi bóng rổ. Ống kính của RX100 và RX1 không đủ dài cho mục đích này. Còn với video, chúng tôi sử dụng tất cả pixel trên cảm biến để quay phim, thế nên chất lượng hình ảnh thậm chí còn tốt hơn cả một vài hệ thống quay chuyên nghiệp.

tinhte_Sony_Cyber-shot_RX10_lifestyle_DSC01652-1200.

Khi ông tạo ra những sản phẩm như Cyber-shot RX10, ông cân nhắc về giá như thế nào?

Tôi chỉ nghĩ đến sản phẩm. Tất nhiên, rẻ thì vẫn là hướng đi tốt hơn, nhưng điều quan trọng nhất đó là chất lượng của hình ảnh và video. Đó là ưu tiên hàng đầu, không phải là giá.

Vậy làm thế nào ông gửi được thông điệp rằng RX10 đắt hơn nhưng đáng giá hơn so với những đối thủ như FZ200 của Panasonic?

À, tôi luôn nói rằng cảm biến của chúng tôi hoàn toàn khác biệt, ngay cả ống kính cũng rất tuyệt vời. Đó là sự kết hợp tốt giữa cảm biến 1" BSI với ống 24-200mm... Nếu ống kính là 24-300mm hay 24-400mm thì to quá (FZ200 dùng ống 25-600), và theo ý kiến của tôi thì nó không phải là một ý tưởng tốt. (Ghi chú: Chiếc Cyber-shot RX10 được Sony giới thiệu với giá 1300$).

tinhte_Sony_Cyber-shot_RX10_lifestyle_Exp2015_4E_DSC01965_2-1200.

Có một số khách hàng nhìn vào RX10 rồi nghỉ đơn giản rằng đây chỉ là một dòng camera bridge khác với mức giá quá cao. Nhưng đó là sự hiểu lầm mà chúng tôi cần phải khắc phục. Câu hỏi đó là làm cách nào người dùng có thể nhận ra được lợi ích của sản phẩm - việc này thì tôi phải nhờ đến các bạn bên bộ phận truyền thông của công ty rồi!

Khi ông thiết kế các máy dòng RX, hình ảnh về đối tượng khách hàng hiện lên như thế nào trong suy nghĩ của ông?

Tôi tưởng tượng đến một khách hàng có kiến thức tốt về các hệ thống camera, có kinh nghiệm sử dụng máy ảnh DSRL, một người biết về DSLR và lens, nhưng lại ngại mang vác những thiết bị đo do chúng quá to. Những người như thế sẽ cảm thấy hấp dẫn bởi dòng RX.

Theo ông thì hai hệ thống camera thay ống kính ngàm A và ngàm E/FE của Sony sẽ kết hợp với nhau như thế nào? Trong tương lai, mối quan hệ giữa chúng sẽ tiến hóa đến đâu?

Về cơ bản, nhiệm vụ của hai ngàm ống kính này hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi làm ra ngàm E để dùng trên các thiết bị nhỏ gọn hơn ngàm A. Tuy với ngàm A thì chúng tôi có thể có được chất lượng ảnh cao hơn với các công nghệ mới hơn. Cả hai hệ thống đều có chung thược hiệu "Alpha" và cả hai đều được tạo ra theo cùng triết lý - tạo ra một thứ gì đó mới mà trước nay chưa từng có. Đó là suy nghĩ chính trong đầu tôi. Đó là Sony. Đó cũng là cách làm cho mọi người thốt lên "wow" và làm họ bất ngờ - để dẫn dắt trí tưởng tượng của khách hàng. Ngoài ra, đây cũng là giấc mơ của tôi và là nhiệm vụ của chúng tôi tại Sony. Tinh thần Sony như thế đến từ hai nhà sáng lập Akio Morita và Masaru Ibuka.

Đến bây giờ ông có còn tiếp tục gặp vấn đề nhận diện thương hiệu hay không? Liệu có ai đó vẫn nghĩ Sony chỉ đơn thuần là một công ty điện tử chứ không phải là một thương hiệu camera?

Đó là một thác thức lớn với tôi. Tôi nói chuyện với một tờ báo tiếng Nhật và tôi từng nói với họ rằng 'tôi ghét bị gọi là một công ty điện tử đi làm camera'. Với nhiều người, khi nói đến Sony thì họ sẽ nghĩ tới TV và Walkman, đó đã là hình ảnh trong đầu họ. Không ai nói Sony là "một nhà sản xuất máy ảnh". Nhưng tôi sẽ cho họ biết, chúng tôi THẬT SỰ LÀ một công ty máy ảnh. Và là một trong những công ty máy ảnh tốt nhất. Với dòng RX, mọi thứ bắt đầu thay đổi, và chúng tôi đang dần dần đạt được mục đích của mình. Giờ đây, mọi người đang bắt đầu nói rằng 'Sony đang sản xuất camera'. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó, và tiếp tục tạo ra những sản phẩm mà chưa ai từng làm.

Vậy tại sao ông nghĩ rằng Sony là công ty duy nhất có thể làm được những camera như dòng RX và chiếc Alpha A7/A7R?

Triết lý của công ty chúng tôi là tạo ra những sản phẩm mới, tất nhiên, công thêm một tinh thần đấu tranh nữa. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận các thách thức. Chúng tôi không phải là ông vua trong ngành công nghiệp của mình. Trong ngành truyền hình chúng tôi là một trong những tên tuổi lớn nhất, nhưng trong ngành ảnh số thì chúng tôi chỉ là một thí sinh của một cuộc thi, thế nên chúng tôi có được sự tự do thử nghiệm nhiều thứ khác nhau.

Sony_RX1.

Nói về máy ảnh thay ống kính, hai công ty lớn nhất là Canon và Nikon. Họ có sự hỗ trợ cực kì mạnh mẽ từ những công trình nghiên cứu đi trước, và cũng có sự hỗ trợ từ phía người dùng. Do đó, để thu hút khách hàng, chúng tôi phải đưa cho họ một lý do tốt để đến với Sony. Chính vì vậy mà chúng tôi có gắng tạo ra những chiếc camera được mong đợi hơn so với một hệ thống nào đó của Canon hay Nikon, và để làm được như thế thì tôi phải làm ra được những chiếc camera đợc đáo mà Canon và Nikon không cung cấp.

Nền tảng của Sony là một công ty điện tử tiêu dùng. Chúng tôi đã nghiên cứu về mong muốn của khách hàng, chúng tôi nắm bắt được sự tưởng tượng của họ. Tất nhiên, những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hiện đang dùng Canon và Nikon, và không dễ để nói họ chuyển sang xài dòng Alpha SLR của Sony. Nhưng dòng Cyber-shot lại không phải là dòng thay ống kính, nên chúng tôi có thể dễ thuyết phục họ hơn. Đó là mấu chốt, chúng tôi đã "phá băng" được cuộc chơi. Với RX100 và RX1, chúng tôi đã gửi thành công thông điệp của mình.

Ông có chia sẻ về những nghiên cứu và sự tinh thông về camera của mình với nhóm smartphone của Sony hay không?

Ồ tất nhiên là có, lúc nào cũng thế. Hệ thống máy ảnh trong những chiếc Xperia được thiết kế do chính kĩ sư của chúng tôi đấy chứ. Chúng tôi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, giữa nhóm máy ảnh và nhóm điện thoại. Chúng tôi làm việc cùng nhau.

Một vài máy ảnh gần đây của Sony có tính năng cài thêm ứng dụng - ông xem điều này như thế nào?

Một số máy ảnh như NEX-6 có Wi-fi tích hợp, và tương thích với kho ứng dụng Sony PlayMemories 'App store'. Nó cho phép bạn thêm các tính năng khác vào máy ảnh của mình. Chúng tôi mới đây cũng đã mở cửa các hàm API để người nào cũng có thể tạo ra app cho Sony QX và hệ thống Alpha, sau đó sẽ phân phối thông qua Sony. Đây là một quá trình vẫn còn đang tiếp diễn.

Cơ hội lớn nhất của Sony trong 5 năm tới là gì thưa ông?

Tôi muốn tiếp tục cách tân và sáng tạo. Tôi có rất nhiều ý tưởng trong đầu - cứ mỗi sáu tháng thì tôi lại muốn làm ra một thứ gì đó, tiếp tục làm ra những thứ mới chưa từng hiện diện trước đó. Những sản phẩm này tất nhiên vẫn phảo dựa vào nhu cầu của khách hàng.

Có vẻ như triết lý của ông với dòng RX đó là bán ít máy hơn nhưng chất lượng cao hơn, thay vì hi sinh chất lượng để có doanh số. Điều này chắc hẵn phải rất khó khăn?

Vâng! Chúng tôi có hai nhánh chính: một là các máy mirrorless (không gương lật) kích thước nhỏ, một là các máy ảnh DSLR thông thường. Trong thị trường DSLR thì lại có những máy tầm thấp và giá rẻ như Nikon D3200, ở tầm cao thì có Nikon D4 hay Canon EOS 1D X. Nhưng ở nhánh mirrorless thì vẫn chưa có sản phẩm tầm cao nào, mãi đến bây giờ mới có Sony Alpha A7R đảm nhận vị trí đó.
tinhte_Sony_Alpha_A7R_wSEL55f18Z_hand-1200.

Chúng tôi tạo ra thị trường, điều quan trọng trong ngành công nghiệp hình ảnh, nếu không thì thị trường hiện tại sẽ bị các công ty vắt kiệt sức. Nếu khách hàng không thấy có gì mới, họ sẽ không có động lực để mua thêm camera. Với Sony, nếu muốn cải thiện hình ảnh của công ty trong ngành công nghiệp này, chúng tôi cần phải dùng đến công nghệ của mình. Chúng tôi phải thay đổi thế giới.

Ông có nghĩ rằng máy ảnh full-frame sẽ rẻ hơn nhiều hay không?

Sony là một nhà sản xuất cảm biến số một, và nếu chúng tôi có thể bán cảm biến này với số lượng lớn, giá chắc chắn sẽ giảm xuống!

Có điều gì khiến ông lo ngại về tương lai của Sony trong ngành ảnh số hay không?

Lo lắng à? Tôi hiện không lo lắng về điều gì cả! Nghiêm túc mà nói, tôi nghĩ nhiều hơn về các biện pháp phản công từ những nhà sản xuất khác - ví dụ tôi nghĩ xem liệu Canon có tạo ra một sản phẩm nào đó để cạnh tranh với Sony hay không. Tôi rất có hứng thú nếu họ làm điều này, bởi vì việc cùng nhau cải thiện thị trường là rất quan trọng. Nhưng đó không phải là một sự lo lắng. Điều mà tôi lo hơn đó là cái gì sẽ diễn ra nếu khách hàng bắt đầu cảm thấy chán. Tất cả khách hàng có thể nói 'tôi không muốn một chiếc camera, tôi chỉ cần một chiếc smartphone". Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra, nhưng vẫn là quan ngại của tôi.

Tôi nghĩ rằng hiện tại những người đang dùng smartphone rồi sẽ đòi hỏi chất ảnh cao hơn, còn khi họ lớn lên, kết hôn và có con, họ sẽ muốn mua những chiếc máy ảnh tốt. Tôi tin rằng bằng cách tiếp tục tạo ra những sản phẩm mới, chúng tôi có thể cung cấp sức sống cho ngành công nghiệp máy ảnh. Nhưng bạn cũng biết đấy, mọi người đều có một chiếc camera ưa thích của mình. Ước mơ của tôi là làm hài lòng tất cả mọi người bởi ai ai cũng chụp ảnh hết. Tôi ước gì tôi có thể nói về ý tưởng của tôi trong tương lai cho bạn nghe nhưng đáng tiếc là tôi không thể làm điều đó lúc này!


John S.Chen, CEO lâm thời của BlackBerry là ai?

Screen Shot 2013-11-05 at 10.39.02 AM.

Sau 2 năm đảm nhận vị trí giám đốc điều hành của BlackBerry, cuối cùng kỳ nguyên của Thorsten Heins cũng đã chấm dứt vào ngày hôm qua - thời điểm BlackBerry nhận 1 tỷ USD từ Fairfax cùng các nhà đầu tư tài chính khác. Sự ra đi của Heins ít nhiều cũng để lại sự bỡ ngỡ với khá nhiều người, thế nhưng BlackBerry cần một vị thuyền trưởng mới với tư duy sáng tạo hơn và đủ năng lực để vực dậy công ty. Và cuối cùng, BlackBerry đã chọn John S.Chen, cựu CEO của Sybase đảm nhiệm vị trí CEO lâm thời cũng như chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị lâm thời của tập đoàn.

Bằng cách đầu tư vào lĩnh vực di động sớm hơn các đối thủ nhiều năm, John Chen đã biến Sybase từ một công ty thua lỗ liên tiếp 4 năm trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực mà nó hoạt động để rồi SAP phải mua lại với giá 5,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2010. Vậy Chen là ai? Tại sao từ một chú bé Trung Quốc nghèo khổ mà ông có thể trở thành giám đốc điều hành của BlackBerry, thành viên hội đồng quản trị sàn chứng khoán New York, Walt Disney, ngân hàng Wells Fargo cùng hàng loạt công ty khác.

Từ cậu bé nghèo khổ cho đến vị CEO tài năng

Cuộc đời John Chen có thể nói là khá phiêu bạt. Ông sinh ra ở Hồng Kông nhưng là người gốc Thượng Hải, Trung Quốc, nơi mà cha mẹ ông đã bỏ đi nhiều năm trước đó để trốn tránh cái nghèo. Năm 1973, cả gia đình chuyển sang định cư ở California, Mỹ. Bù lại cho những năm tháng khổ cực đó, Chen học khá giỏi khi ông tốt nghiệp trường đại học Brown University danh tiếng trong khối Ivy League vào năm 1978 và trở thành thạc sĩ tại Học viện công nghệ California chỉ một năm sau đó.

Khởi đầu sự nghiệp, Chen làm việc với Unisys với vai trò kỹ sư thiết kế, sau đó là phó chủ tịch hội đồng quản trị, chuyển qua làm chuyên viên cao cấp ở Pyramid Technology rồi Siemens Nixdorf trước khi gia nhập Sybase năm 1997. Đúng một năm sau, ông thành CEO và chủ tịch hội đồng quản trị.

John S.Chen - Vị giám đốc giúp vực dậy nhiều công ty đang gặp khó khăn

Trong sự nghiệp của Chen, ông được biết đến với khả năng vực dậy những công ty đang trên đà tụt dốc và đứng bên bờ vực "phá sản". Chen đã từng đảm nhiệm chức vụ giám đốc điều hành tại nhiều công ty, thế nhưng tên tuổi của ông chỉ được biết đến rộng rãi trong thời gian ông làm CEO của công ty chuyên về những dịch vụ dành cho doanh nghiệp, Sybase.

Cụ thể hơn như thế nào, vào những năm cuối của thập kỷ 90, Sybase lúc đó đang gặp rất nhiều khó khăn khi họ không thể cạnh tranh trực tiếp với những "ông lớn" trong làng công nghệ, và một trong số đó là Oracle. Trang Bloomberg Businessweek cho biết vào thời điểm ấy, một công ty nghiên cứu thị trường báo cáo rằng Sybase năm 1998 - thời điểm Chen chính thức đảm nhiệm vai trò CEO của Sybase - có giá trị chỉ khoảng 362 triệu USD, và xác suất dẫn đến thất bại của công ty lên đến 70%. Tuy nhiên, sau 13 năm lèo lái, Chen đã đập tan mọi dự đoán tiêu cực và đưa giá trị của Sybase lên gấp nhiều lần - bằng chứng là SAP đã phải bỏ ra đến 5,8 tỷ USD để mua Sybase.

Trong sự nghiệp của mình, ông được biết đến với khả năng vực dậy những công ty đang trên đà tụt dốc và đứng bên bờ vực "phá sản"

Ngày nay, kế hoạch của Chen trong việc đưa Sybase vào những thị trường có thể sinh lợi nhuận cao, dường như đều diễn ra hoàn toàn hợp lý, thế nhưng kế hoạch này không phải là một ván cược thực sự rõ ràng vào thời điểm đó. "Tôi đã nghĩ, sẽ không tốt sao nếu chúng ta có thể khai thác được những gì chúng ta biết và sau đó là bỏ qua một thế hệ và rồi đi trước những đối thủ của và cuối cùng sẽ trở nên lớn mạnh hơn" Chen nói với The New York Times khi mô tả về việc đưa Sybase gia nhập thị trường di động vào năm 2006.

Vào năm 2006, "mọi người cười nhạo chúng tôi vì đã gia nhập vào thị trường di động quá sớm và bọn họ nói rằng không hề có tiền ở mảng di động, công nghệ không dây chỉ là một giấc mơ và mọi người đều đang mất rất nhiều tiền" Kết quả là sao? "Chúng tôi trở thành nhà cung cấp phần mềm dành cho doanh nghiệp lớn nhất trong thế giới công nghệ không dây".

BlackBerry đã cam kết sẽ tập trung nhiều hơn vào mảng doanh nghiệp, và việc bổ nhiệm Chen có thể sẽ thúc đẩy quá trình trên. Mục tiêu và công việc của Chen tại BlackBerry dường như sẽ không khác nhiều so với khi ông quản lý Sybase - nơi ông đã đẩy mạnh lợi nhuận của công ty lên bằng cách từng bước đưa Sybase vào những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh như phân tích hay các dịch vụ khác trong ngành di động.

Chen cho biết mặc dù những dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp sẽ không tạo nên quá nhiều điều thú vị, nhưng Chen luôn quan niệm và thấy rằng sẽ luôn kiếm được tiền tại những thị trường không xa rời thực tế. "Nếu bạn nghĩ rằng thương mại điện tử đã là một sự thay đổi cực kỳ lớn vào những năm 2000, thì thương mại di động sẽ khiến cho thương mại điện tử trở thành một điều gì đó rất nhỏ" Chen nói với trang Network World vào năm 2010.

Trên thực tế, Chen chỉ thực sự quan tâm đến mảng di động kể từ sau khi ông nhậm chức CEO của Sybase vào năm 1998. Vào lúc đó, Sybase liên tục lỗ và mất tiền trong 4 năm hoạt động, chính vì thế việc đầu tiên Chen thực hiện khi làm CEO của Sybase đó là tập hợp toàn bộ nhân viên lại. "Điều đầu tiên tôi muốn làm sau khi gia nhập công ty đó là khôi phục lại sự tự tin của mọi người". Chen nói với Computer Business Review vào năm 2005, "Tôi cần phải khôi phục lại sự tự tin - điều sẽ giúp bạn thiết lập nên mục tiêu và có thể thực hiện nó. Tôi không muốn đi quá xa năng lực cốt lõi của công ty".

Nguyên lý lãnh đạo của Chen đó là không cho phép Sybase hoạt động trong những lĩnh vực mà công ty không thực sự đủ mạnh. "Tôi muốn kiếm ra tiền và tôi muốn có một doanh nghiệp tốt tại bất kỳ thị trường/lĩnh vực nào chúng tôi bước chân vào". Chen tiếp tục "Tôi không làm bất kỳ điều gì khiến cho công ty mất tiền bởi điều đó sẽ giúp công ty tránh khỏi bong bóng dot-com". Chen đã tập trung vào Sybase bằng cách chia nhỏ cấu trúc của công ty thành những phần nhỏ hơn. Điều này là không dư thừa và Chen tin rằng cấu trúc mới chặt chẽ hơn của Sybase sẽ giúp tập đoàn có những phản ứng nhanh và kịp thời trước những quyết định và thay đổi".

Chen đã khẳng định rằng ông sẽ không nghĩ tới việc ngừng hoạt động đối với mảng phát triển các thiết bị cầm tay của BlackBerry

Mặc dù với những cách làm dứt khoác trên với Sybase, song những thay đổi mà Chen mang đến cho BlackBerry sẽ không diễn ra ngay lập tức. Chen đã khẳng định rằng ông sẽ không nghĩ tới việc ngừng hoạt động đối với mảng phát triển các thiết bị cầm tay của BlackBerry - dù cho đây là mảng khiến cho tập đoàn Canada thua lỗ rất nhiều tiền. Chen tin rằng "Tôi có đủ các thành phần cần thiết để xây dựng nên một doanh nghiệp bền vững lâu dài" và dựa trên những kiến thức của bản thân, Chen muốn các nhà đầu tư hãy để sự lo ngại sang một bên và nên tự tin hơn về BlackBerry, "tôi đã thực hiện một điều tương tự trước đây và tôi cũng đã chứng kiến cùng một hoàn cảnh vào trước đây".

Ngoài kỹ năng của một nhà lãnh đạo, sự nghiệp của Chen cũng có nhiều điểm thú vị như khi còn làm CEO ở Sybase, Chen đã phục vụ trong Uỷ ban xuất khẩu do tổng thống Mỹ Bush (lúc bấy giờ) thành lập nên. Bên cạnh đó, Chen cũng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong mỗi quan hệ giữa Châu Á và Mỹ.

Sau khi rời Sybase vào năm 2012, Chen đã đảm nhiệm một vị trí tại một công ty tư nhân có tên là Silver Lake, nơi ông làm việc như một cố vấn cấp cao. Ông nhận việc tại Silver Lake chỉ ít lâu sau khi rời khỏi Sybase, chính vì thế đã có một khoảng thời gian tương lai của Chen dường như vô định và không rõ ràng. Khi trang Bloomberg Businessweek hỏi kế hoạch của Chen vào năm sau là gì, Chen đã đùa rằng "Có thể là tiến vào công nghệ, tôi không có bất kỳ kỹ năng nào khác". Và rồi đúng như những gì ông nói, Chen đã quay lại với "cuộc chơi" công nghệ với một sứ mệnh mới - đưa BlackBerry trở lại thời kỳ ổn định và đưa ra các hướng đi hợp lý.


[Video] Ý tưởng smartwatch mang thương hiệu Lumia chạy Windows Phone

Y_tuong_Lumia_smartwatch.

Nhà thiết kế Omar Pirela mới đây đã cho đăng tải ý tưởng của mình về một chiếc đồng hồ thông minh mang thương hiệu Lumia. Sản phẩm này là sự kết hợp giữa những màu sắc đặc trưng đến từ Nokia kết hợp cùng hệ điều hành của Microsoft. Nó được trang bị màn hình AMOLED, có camera và sở hữu khả năng kết nối với smartphone thông qua Bluetooth. Giao diện chính của máy được được thiết kế với mục tiêu tiết kiệm năng lượng tiêu thụ và cung cấp cho người dùng những thông báo hữu ích từ hệ thống, có điều các ô live tile có vẻ hơi nhỏ so nên chưa biết là có dễ thấy hay không. Kiểu dáng bên ngoài của sản phẩm thì vẫn giống như những chiếc đồng hồ đeo tay thông thường.

Theo Pirela, đây sẽ là một thiết bị phụ trợ hoàn hảo cho các smartphone và tablet Lumia. Anh thậm chí còn nghĩ rằng Microsoft nên đổi tên nền tảng của mình vì Windows Phone trong tương lai không chỉ có mặt trên điện thoại. Hiện Microsoft cũng được cho là đang phát triển một chiếc smartwatch chạy một bản tùy biến của Windows Phone.



Chrome cho Mac sẽ yêu cập nhật mật khẩu chính để xem các mật khẩu đã lưu

chrome password.

Sắp tới trình duyệt Chrome cho Mac sẽ yêu cầu người ta phải nhập thêm mật khẩu hệ thống của máy tính để xem được các mật khẩu trang web mà Chrome đã lưu. Trước đây bất kỳ ai dùng máy tính của bạn cũng có thể xem được toàn bộ các mật khẩu này trong phần Cài đặt - Preferences (hoặc gõ chrome://settings/passwords vào ô địa chỉ). Tất cả các mật khẩu đều được lưu dưới dạng chữ không mã hoá nên chỉ với vài cái nhấn chuột thì toàn bộ mật khẩu nhạy cảm nhất sẽ hiện ra.

Thông tin này được anh François Beaufort, một lập trình viên, tiết lộ khi xem qua đoạn code của phiên bản Chrome sắp tới. Anh cho biết sau khi nhập đúng mật khẩu chủ thì Chrome sẽ không hỏi lại mật khẩu đó trong vòng 1 phút tới, sau 1 phút này thì máy mới hỏi lại. Đây là một tính năng dành cho Mac và chưa rõ liệu bản Chrome cho Windows sẽ có tính năng tương tự hay không.


Kantar: trong Q3/2013, Windows Phone tăng trưởng tốt tại Châu Âu và các nước đang phát triển

Thi_phan_Windows_Phone_Q3.
Sự tăng trưởng thị phần của Windows Phone trong Q3/2013

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu Kantar Worldpanel ComTech, trong quý 3 năm nay, Windows Phone đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt ở nhiều nơi trên thế giới. Ở năm nước Châu Âu lớn là Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha, các máy Windows Phone đang chiếm thị phần 9,8% tính trong tổng số smartphone bán ra, tăng đến 2,1 lần so với cùng kì năm ngoái. Thị phần của Windows Phone tại Anh trong ba tháng qua là 11,4%, tăng mạnh so với mức 4,2% của cùng kì năm ngoái. Ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha lần lượt là 8,5%, 3,7%, 10,7%, đều tăng tốt so với năm 2012. Riêng ở Ý, những thiết bị chạy hệ điều hành di động của Microsoft nắm trong tay thị phần 13,7%, vượt qua con số 10,2% của iPhone.

Sự thành công của Windows Phone tất nhiên đến từ các nỗ lực của Nokia. Ở những nước đang phát triển, chẳng hạn như khu vực Mỹ Latin, nhiều người vẫn còn đang xài điện phổ thông của Nokia, và việc nâng cấp lên smartphone tầm thấp là một bước đi hợp logic. Kantar nói rằng ở những thị trường như thế này thì giá là một rào cản rất lớn, tuy nhiên Nokia đã vượt qua rào cản này với chiếc máy giá rẻ Lumia 520. Dominic Sunnebo, giám đốc của Kantar, nhận xét rằng "trong bối cảnh thị trường smartphone ở các nước phát triển đang quá chật chội thì những thị trường mới nổi sẽ là cơ hội tăng trưởng cực kì tốt cho các nhà sản xuất". Tại Mỹ Latin, thị phần của Windows Phone đang là 5,8%, tăng 1,3% so với năm ngoái.

Nói đến Android, đây vẫn là hệ điều hành di động dẫn đầu ở nhiều thị trường trong quý 3 năm nay với thị phần trung bình khoảng 70%, có một số nơi Mỹ thì chỉ là 57,3%, Úc là 66,1%, ở các nước Mỹ Latin là 50,3%. Thị phần của iOS trong quý 3 vừa rồi bị giảm ở nhiều nơi như Đức, Anh, Pháp, Trung Quốc do tâm lý chờ đợi iPhone mới của người dùng. Ảnh hưởng của iPhone 5c và 5s sẽ được thấy rõ vào mùa mua sắm năm nay khi iOS được kì vọng sẽ "nhảy bật lên một cách mạnh mẽ" tại các quốc gia phát triển.

Còn với BlackBerry, thị phần của hãng giảm mạnh ở nhiều nước, nhưng theo nghiên cứu của Kantar thì thị phần của hãng tại Úc đã tăng từ 0,4% của năm ngoái lên thành 1,3% trong quý 3 năm nay. Mới đây BlackBerry đã nhận được sự hỗ trợ của Cục an toàn giao thông Úc để bù đắp lại phần nào sự thất thoát doanh thừ hai khách hàng doanh nghiệp lớn là Qantas và Woolworths. Matthew Ball, giám đốc BlackBerry Australia, nói rằng "chúng tôi chắc chắn vẫn sẽ tập trung phục vụ cho thị trường tại đây", có điều "tin tức về cái chết của BlackBerry xuất hiện gần như hàng ngày, và theo tôi thì điều đó thật sự gây khó khăn và phân tâm cho thị trường".


Số liệu chi tiết từ Kantar
Kantar_Windows_Phone_Q3_2013.


Mercedes-Benz sẽ "bắt tay" cùng Tesla để sản xuất xe điện trong tương lai

tesla-model-s-alpha.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình ở phân khúc xe điện hạng sang, Mercedes-Benz đã bắt tay hợp tác cùng Tesla Motors để cho ra đời một sản phẩm đủ chất lượng nhằm cạnh tranh một cách "sòng phẳng" với đối thủ đồng hương BMW. Khi nghiên cứu kỹ mẫu xe Smart For Two Electric Drive, bạn sẽ nhận thấy được dáng dấp của 'Tesla Motors' bên trong động cơ và hệ thống dẫn động của mẫu xe này.

Những khánh hàng tiềm năng trong tương lai có thể sẽ được sở hữu một chiếc "Tesla Model S" với những trang bị cao cấp của Mercedes-Benz bên trong xe. Giám đốc tài chính của tập đoàn Daimler - ông Bodo Uebber cho biết rằng tập đoàn của ông sẽ duy trì 4,3% cổ phần của Tesla và "đẩy mạnh" hợp tác với hãng xe điện của Mỹ nhiều hơn nữa trong tương lai. Điều này có nghĩa là con số 4,3% đó sẽ được nâng cao hơn nữa trong tương lai gần.

Với động thái này, hãng xe Đức đã cho thấy "quyết tâm" của mình trong việc cạnh tranh với đối thủ đồng hương BMW. Bằng việc ra mắt 2 mẫu xe i3 và i8, BMW đã tạo ra một "cơn sốt" thật sự trong thời gian qua. Mẫu xe điện cỡ nhỏ BMW i3 mới vừa ra mắt tại châu Âu đã có hơn 8.000 đơn đặt hàng. Chính vì thế, Mercedes-Benz không thể đứng yên bởi họ mới chính là hãng xe Đức đầu tiên bán ra những chiếc xe điện.

Hãng xe hạng sang của Đức đã nhìn thấy được tầm quan trọng của Tesla trong chiến lược tương lai của hãng. Những mẫu xe điện tương lai của thương hiệu ngôi sao 3 cánh sẽ sử dụng công nghệ của Tesla. Hiện tại, vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về dòng xe sẽ được sản xuất trong tương lai. Tinh Tế sẽ chia sẻ với các bạn ngay khi nhận được những thông tin này.

tesla.