Camera quan sát qua mạng giờ quá nhiều, đây là một thiết bị thực sự hữu ích, mình cũng có trên tay vài cái rồi, tất cả đều có điểm chung là muốn quan sát thường phải mở app lên và dòm vô màn hình, xem có gì đó hoặc có ai ở nhà không, như vậy tuy hiện đại nhưng vẫn chưa hại điện lắm, hãng ArcSoft vừa giới thiệu cái Simplicam, có tích hợp công nghệ cảm biến chuyển động, cảm biến âm thanh và nhận dạng khuôn mặt, công ty này giới thiệu là camera sẽ dễ dàng nhận dạng các thành viên trong nhà bạn có mặt ở nhà, hay là người đang tháo cái tivi ở phòng khách kia không phải là người nó nhận dạng được mà là một người đáng nghi và gởi push notification tới điện thoại của bạn.
Camera cũng có trang bị micro và loa để giao tiếp 2 chiều, có cái báo động tích hợp, có thể điều khiển và cài đặt camera từ bất kỳ thiết bị nào chạy Android, iOS hoặc máy tính. Khi đăng ký dịch vụ đám mấy Closeli, bạn còn có thể quay phim và lưu trữ trên mây. Giá bán dự kiến là 150 USD, theo mình là giá khá tốt, mình đã đặt mua rồi, đang rất muốn thử em này và đánh giá chi tiết với các bạn.Thêm hình thiết bị
Theo Simplicam
Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014
Simplicam - camera quan sát nhà cửa, có nhận dạng khuôn mặt
Yahoo mua launcher thông minh Aviate để tăng tính cá nhân hóa trong việc hiển thị nội dung
Yahoo vừa thông báo rằng họ đã mua lại Aviate, một launcher dành cho Android được phát triển bởi ThumbsUp Labs. Aviate độc đáo ở chỗ nó có thể dữ liệu Wi-Fi, GPS, gia tốc kế và thời gian để tự sắp xếp lại màn hình chính của người dùng sao cho liên quan nhất đến ngữ cảnh. Các thông tin mà launcher xác định là có ích vào một thời điểm nhất định cũng sẽ được hiển thị một cách rõ ràng. CEO Marissa Mayer tiết lộ rằng Yahoo có thể sử dụng công nghệ và thuật toán của Aviate để mang nội dung đến khách hàng của mình một cách thông minh hơn và tính cá nhân hóa cao hơn. Chưa hết, Aviate cũng sẽ trở thành "một phần cốt lõi" của các ứng dụng Android mà Yahoo ra mắt trong tương lai.
Được biết toàn bộ nhóm phát triển Aviate sẽ về làm cho Yahoo, giá trị thương vụ không được tiết lộ. Hiện phiên bản Aviate được đăng tải trên Google Play vẫn còn ở giai đoạn beta kín và bạn cần phải có một dòng mã đặc biệt để kích hoạt nó. Yahoo đang mở cửa cho 25.000 người đầu tiên tải về xài thử và bạn sẽ phải nhập mã "YAHOO" để có thể dùng Aviate.
Nguồn: Yahoo
Apple tung quảng cáo mới cho iPad Air, mỗi người đều có một vần thơ
Tại giải đấu bóng rổ NFL cuối tuần vừa rồi, Apple đã cho chạy một đoạn quảng cáo mới nói về iPad Air và nhấn mạnh những khả năng mà chiếc tablet này có thể làm được ở nhiều lĩnh vực nhác nhau. Đoạn video dài 90 giây được lồng tiếng bởi giọng nam trầm ấm Robin Williams với các câu thoại được trích ra từ bộ phim Dead Poets Society với các ý nghĩa rất đẹp và lãng mạn. Thay vì đi nói về cấu hình và độ mỏng của chiếc máy thì video xoáy sâu vào các lĩnh vực mà người dùng có thể dùng iPad để giải quyết các vấn đề, từ việc làm phim chuyên nghiệp, lên kế hoạch leo núi, đi lặn biển, chơi thể thao...
Ngoài ra Apple còn mở trang web "Your Verse" để nói về những lĩnh vực chuyên môn mà người dùng đã ứng dụng iPad Air như thế nào. Xem tại đây: http://www.apple.com/your-verse/. Mời các bạn xem video:Bạn có thể xem nguyên văn lời thoại của Robin ở bên dưới, trong đó nói rằng con người chúng ta đọc thơ và viết thơ không phải vì chúng dễ thương, mà vì chúng ta là những con người. Mà con người thì luôn tràn trề đam mê. Con người luôn theo đuổi những đam mê về công việc, về y tế, luật pháp, về doanh nghiệp, về điện máy. Nhưng thơ ca, vẻ đẹp, sự lãng mạn, tình yêu mới chính là những thứ và ta đang sống vì chúng...
HCM: Mời đăng ký tham dự Offline giới thiệu Galaxy Grand 2
Mời anh em đăng ký tham dự buổi offline giới thiệu chiếc Samsung Galaxy Grand 2 ở Cafe Tinh tế vào chiều thứ 5 ngày 16 tháng 1 này. Grand 2 đã chính thức bán ra ở Việt Nam và các anh em bên Samsung muốn chia sẻ với anh em Tinh tế về chiếc điện thoại trung cấp màn hình lớn này. Samsung sẽ mang khá nhiều quà đến để tặng anh em. Chúc anh em may mắn.
Số lượng vé của anh em Tinh tế là 80 vé nên mình sẽ có một số giới hạn khi đăng ký. Anh em cần là thành viên Tinh tế ít nhấ 3 tháng và có 30 bài viết. Anh em nhấn vào cái nút đăng ký bên trên nhé. Hạn đăng ký cuối cùng là 24 giờ thứ tư tới.
NỘI DUNG TỰ ĐỘNG
(Thông tin đăng ký là thông tin được lưu lại khi bạn điền form. Mọi sửa chữa tại bài này không có tác dụng với dữ liệu đã lưu.)
------------------------
cuhiep đã điền thông tin tham gia.
[CES 2014] SeeSpace InAir, tăng cường nội dung tivi thông minh từ công ty khởi nghiệp Việt
Nếu như bạn thấy các loại màn hình trong các phim khoa học viễn tưởng, InAir cũng gần như vậy: trên nội dung tivi bình thường bạn xem sẽ là nhiều lớp thông tin khác được tạo ra dựa trên chính nội dung mà tivi bạn đang phát, được cập nhật theo thời gian thực.
Tưởng tượng nhé: Bạn đang xem chương trình thời sự trên VTV3, chương trình nói về chuyện “hôi hoa”, InAir có khả năng phân tích các mẫu hình ảnh và âm thanh của chương trình và hiện ra các nội dung, tin tức trên mạng liên quan tới mẩu tin này, ví dụ như: Nhật Bản, hôi bia, mục tin Xã hội trên báo Tuổi Trẻ, và tất cả các thông tin này sẽ được hiện ở một phía màn hình tivi để bạn vừa theo dõi tivi và vừa tra cứu các thông tin. Tất cả bạn cần thêm vào chỉ là một thiết bị InAir, với cổng HDMI vào từ set-top-box và xuất ra HDMI đi vào tivi. Mời bạn xem video phía dưới để xem anh Nam Đỗ, đồng sáng lập và CEO của SeeSpace, giới thiệu các ví dụ cụ thể (khác với ví dụ mình nói trên, thực ra hiện tại InAir chỉ hỗ trợ các nội dung tiếng Anh).
SeeSpace, thành lập từ tháng 3 vừa qua, đang gọi vốn cộng đồng tại Kickstarter với sản phẩm InAir, một “đầu chuyển” HDMI với giá 99$. Thiết bị này hiện hỗ trợ cả các tivi 2D và 3D. Dù vậy, phải sử dụng màn hình 3D ta mới thực sự cảm nhận được hiệu ứng ấn tượng với nhiều lớp thông tin hiển thị dựa trên nội dung theo thời gian thực.
InAir tách mẫu một phần âm thanh và hình ảnh để nhận biết nội dung tivi, sau đó tất cả được đối chiếu với các cơ sở dữ liệu có sẵn trên mạng để biến thành thông tin thể hiện lên màn hình. Với phim ảnh, InAir sẽ sử dụng IMDB để thể hiện thông tin của phim, của các diễn viên, của bài hát chủ đạo, v.v... Với thời sự, bạn có thể xem các thông tin/bài báo liên quan từ The New York Times hay Sky News. Với các chương trình thể thao, bạn có thể tra cứu thông tin về các vận động viên hay ngay cả các thông tin được trận đấu thu thập nhưng không được đài truyền hình thể hiện lên tivi. Ngoài ra, khả năng của InAir còn nhiều hơn thế nữa trong các lĩnh vực mua sắm trên truyền hình, quản lý quảng cáo. Trong video anh Nam sẽ giới thiệu thêm nhiều ví dụ với giao diện cụ thể của InAir.
Ngoài các nội dung dựa trên nội dung thời gian thực, bạn còn có thể sử dụng các chức năng như Facebook, Twitter, tìm kiếm theo từ khoá, v.v...
Thiết kế của InAir vô cùng đơn giản: Chỉ một cổng HDMI ra, một cổng HDMI vào, và một cổng nguồn.
Tại CES 2014, anh Nam và SeeSpace điều khiển InAir với ứng dụng trên iOS và Android, nhưng anh cho biết công nghệ của InAir cũng hỗ trợ điều khiển qua cử chỉ như trên Microsoft Xbox Kinect hay các công nghệ như Leap Motion.
Anh Nam cho biết, 100% đội ngũ kĩ sư của SeeSpace là người Việt Nam, đa phần đến từ ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, trong đó 40% vẫn đang còn trên ghế đại học.
Giao diện cơ bản của InAir
Các bạn có thể ủng hộ InAir tại trang của sản phẩm tại KickStarter. Tại thời điểm viết bài, dự án đã gây quỹ được 50.000$ trên 100.000$ của lời kêu gọi. Các bạn có thể tham khảo các mức gây quỹ có đi kèm sản phẩm SeeSpace InAir tại trang Kickstarter nói trên.
Anh Nam Đỗ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, học đại học RMIT tại Úc. Vào năm 2012, anh đồng sáng lập Emotiv Systems, một dự án Kickstarter khác gây quỹ được 1.6 triệu USD.
Hai cộng sự đồng sáng lập của anh là Dale Herigstad và Anne-Marie Roussel. Herigstad là nhà thiết kế từng 4 lần đoạt giải Emmy, ông cũng thiết kế đồ hoạ cho 4 vận hội Olympic và kĩ xảo cho phim Minority Report. Roussel từng là người điều hành đầu tư mạo hiểm cho Microsoft Xbox và Sharp.
Phòng thí nghiệm Gemini công bố thiết bị ảnh hoá tiến tiến có thể ghi hình trực tiếp ngoại hành tinh
Sau gần 10 năm phát triển, phòng thí nghiệm Gemini đã vừa công bố một thiết bị ảnh hóa tiên tiến có khả năng ghi lại hình ảnh trực tiếp của các hành tinh trẻ đang bay quanh sao chủ của chúng. Gemini Planet Imager (GPI) được xem là một phát minh quan trọng trong nổ lực nâng cao khả năng tìm kiếm các ngoại hành tinh của con người bên cạnh các phương pháp thiên văn truyền thống.
GPI được phát triển theo một dự án hợp tác giữa các viện nghiên cứu tại nhiều quốc gia. Vào tháng 11 vừa qua, GPI đã được triển khai cùng với kính thiên văn Gemeni South đường kính 8 m tại Chile và tại đây hệ thống đã được thử nghiệm lần đầu tiên. Nhóm nghiên cứu đã chọn đối tượng là hệ các ngoại hành tinh Beta Pictoris và họ đã ghi lại những hình ảnh trực tiếp của hành tinh Beta Pictoris b nằm cách chúng ta 63 năm ánh sáng.
Hình ảnh về Beta Pictoris b và sao mẹ được GPI chụp được hồi tháng 11.
Trước đây, việc phát hiện các ngoại hành tinh bằng phương pháp ảnh hóa trực tiếp không hề đơn giản bởi các hành tin hỗ trợ sự sống tiềm năng sẽ phải có khoảng cách đủ gần với sao mẹ và nguồn sáng quá lớn phát ra từ sao mẹ thường làm mờ chúng. Vì vậy, phần lớn các ngoại hành tinh phát hiện được đều nhờ vào các phương pháp gián tiếp. Một phương pháp gián tiếp được dùng rất phổ biến là phương pháp qua mặt (transit method) dự trên hiện tượng giảm độ sáng của ngôi sao chủ khi có một ngoại hành tinh bay cắt ngang. Ngoài ra, phương pháp qua mặt biến thiên theo thời gian (Transit timing variation) cũng được khai thác dựa trên việc so sánh độ lệch quỹ đạo gây ra bởi lực hút hấp dẫn giữa sao chủ và ngoại hành tinh với các dự đoán bằng máy tính.
Mặc dù trang thiết bị ảnh hóa công nghệ cao cho phép quan sát trực tiếp ngoại hành tinh đã được phát triển trong quá khứ nhưng hạn chế của các thiết bị này là phải phụ thuộc vào thời gian kính thiên văn ghi lại hình ảnh. Điển hình như thử nghiệm khảo sát các ngoại hành tinh HR8977 b, c, d và e diễn ra năm ngoái, các nhà thiên văn đã mất từ 30 đến 45 phút để chụp lại từng loạt ảnh và quang phổ hồng ngoại của chúng. Khi đem so sánh với hệ thống GPI, thời gian ghi lại hình ảnh của ngoại hành tinh Beta Pictoris b chỉ mất 60 giây.
Bruce Macintosh - lãnh đạo dự án đến từ phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (LLNL) cho biết: "Ngay cả với những hình ảnh đầu tiên về Beta Pictoris b, chất lượng ảnh mà GPI đạt được tốt hơn gấp 10 lần so với các thế hệ thiết bị trước. Trong 1 phút, chúng tôi đã nhìn thấy các hành tinh mà vốn dĩ phải mất vài giờ để phát hiện."
Trong quá trình chế tạo GPI, nhóm nghiên cứu đã phát triển một hệ thống quang học rất tối tân. Hệ thống sử dụng quang phổ hồng ngoại để phân tích ánh sáng từ các hành tinh và đo đạt cũng như điều chỉnh các nhiễu động khí quyển trong thời gian chỉ 1 phần nghìn giây. Hệ thống còn được tích hợp một kính biến dạng và các màng lọc đặc biệt để chắn ánh sáng phát ra từ các sao chủ.
Bằng việc quan sát trực tiếp hành tinh, các nhà khoa học có thể thu được dữ liệu cung cấp một cái nhìn sâu sắc hơn về các đặc tính quan trọng của hành tinh như khí quyển và nhiệt độ. "Hầu hết các hành tinh mà chúng tôi đã biết tính đến hiện tại đều được phát hiện dựa trên các phương pháp gián tiếp. Do đó, chúng tôi chỉ biết vị trí của nó và đôi chút về quỹ đạo, khối lượng. Với GPI, chúng tôi ghi lại hình ảnh trực tiếp của các hành tinh đang bay quanh sao chủ. Qua đó, chúng tôi có thể phân tích và thật sự đi sâu vào khí quyển cũng như các đặc tính khác của hành tinh," Macintosh giải thích.
Ngoài ra, GPI còn có thể phát hiện ánh sáng phân cực, cho phép nghiên cứu sâu hơn về các vành sáng tán xạ tồn tại xung quanh những ngôi sao trẻ và được cho là lớp bụi còn lại kể từ khi chúng được khai sinh. Trước đây, giới thiên văn chỉ có thể nghiên cứu các cạnh của vành sáng và việc phân tách ánh sáng phân cực và ánh sáng thông thường sẽ cho phép họ quan sát nhiều hơn, qua đó cho chúng ta biết nhiều hơn về bản chất của các ngôi sao.
Nhóm phát triển cũng đã sử dụng chế độ phân cực của GPI để quan sát đám bụi bay quanh ngôi sao trẻ HR4796A. Dưới đây là hình ảnh so sát độ khả kiến của vành sáng dưới ánh sáng thường (bên trái) và ở chế độ phân cực với ánh sáng thường được khử (phải).
Nhóm phát triển đặt rất nhiều hy vọng vào GPI và trong năm nay, họ sẽ thực hiện một cuộc khảo sát quy mô lớn với mục tiêu quan sát 600 ngôi sao trẻ và các hành tinh khổng lồ bay quanh chúng. Hiện tại, GPI chỉ có thể phát hiện các ngoại hành tinh với kích thước cỡ sao Mộc hoặc lớn hơn. Mặc dù vậy, Macintosh cho rằng những cải tiến về công nghệ sẽ cho phép GPI phát hiện các hành tinh nhỏ hơn trong tương lai không xa. Ông nói: "Một ngày nào đó, sẽ có một công cụ giống như GPI, được gắn trên một kính thiên văn không gian. Hình ảnh và quang phổ do công cụ ghi lại sẽ cho thấy một chấm xanh nhỏ bé - một Trái Đất khác."
SpaceShipTwo của Virgin Galatic thực hiện thành công chuyến bay siêu âm thứ 3
Sáng thứ 6 vừa qua, con tàu vũ trụ SpaceShipTwo (SS2) của Virgin Galatic đã tiếp tục thực hiện các bài thử nghiệm bán quỹ đạo ở tốc độ siêu âm lần thứ 3. Động cơ đẩy của SS2 đã được kích hoạt trong 20 giây, đưa con tàu lên độ cao 18 km và đạt tốc độ trên Mach 1.4. Ngoài ra, hệ thống Reaction Control System và lớp phủ chống nhiệt mới cũng đã được thử nghiệm thành công trong chuyến bay.
Trong số những cái "đầu tiên", đây là chuyến bay đầu tiên của SS2 được điều khiển bởi cơ trưởng Dave Mackay của Virgin Galatic. Cơ phó của Mackay là Mark Stucky - phụ trách bộ phận thử nghiệm vật liệu Scaled Composites. Anh cũng là phi công trên 2 chuyến bay ở tốc độ siêu âm đầu tiên của SS2.
Động cơ đẩy hybrid trên SS2 được kích hoạt (ảnh chụp từ máy bay White Knight Two).
SS2 được đưa lên độ cao 11,7 km bằng máy bay vận tải thân kép White Knight Two. Tại đây, SS2 được thả ra và động cơ đẩy hybrid tích hợp trên SS2 với lực đẩy 60.000 lb (267 kN), khả năng vận hành liên tục trong 70 giây đã được kích hoạt trong vòng 20 giây giúp tàu đạt tốc độ trên Mach 1.4 và độ cao 18 km.
Các hệ thống chủ đạo trên SS2 được thử nghiệm trong chuyến bay bao gồm hệ thống kiểm soát phản ứng Reaction Control System (RCS) và lớp phủ chống nhiệt mới. Khi SS2 đang bay trong bầu khí quyển, nó kiểm soát trạng thái bằng các cánh nhỏ, cánh nâng và cánh lái. Độ ổn định của SS2 còn được tăng cường nhờ thiết kế cánh và đuôi đặc biệt, giúp tàu bay theo một hướng không đổi.
Khi đi vào môi trường không gian, trạng thái của tàu được kiểm soát bằng hệ thống RCS. Lúc này, các động cơ đẩy nhỏ sẽ được kích hoạt và được điều khiển trực tiếp bởi một hệ thống kiểm soát ổn định quán tính. Qua chuyến bay trên, dữ liệu thu được từ việc thử nghiệm RCS sẽ giúp tối ưu hoá hệ thống trong những chuyến bay tới.
Ngoài ra, Virgin Galatic cũng thử nghiệm khả năng chịu nhiệt của lớp phủ mới được gia cố bên trong bề mặt của họng xả tại đuôi SS2. Đây là cấu trúc bao quanh họng xả của động cơ nơi luồng nhiệt nóng được phun ra ngoài trong quá trình bay. Sau cùng, SS2 được thử nghiệm khả năng tái xâm nhập. Trong các chuyến bay trước, nhiệt độ lớp vỏ của SS2 đã tăng cao hơn so với giới hạn thiết kế, vì vậy Virgin Galatic đã quyết định bổ sung một lớp phủ chống nhiệt mới.
Luồng phản lực thoát ra từ họng xả tại đuôi của SS2.
Richard Branson - nhà sáng lập Virgin Group cho biết: "Tôi không thể hạnh phúc hơn khi bắt đầu một năm mới với các phần của kế hoạch đều đã sẵn sàng để bắt đầu các chuyến bay vào vũ trụ thật sự. 2014 là thời điểm mà chúng tôi cuối cùng sẽ có thể đưa con tàu tuyệt đẹp này vào môi trường không gian. Hôm nay, cơ trưởng Mackay của chúng tôi đã thực hiện một chuyến bay siêu âm nữa bằng SS2 và chuyến bay cũng đã chứng minh những điều kiện an toàn cần thiết của nhiều hệ thống trên tàu, đồng thời mang lại những kinh nghiệm quý báu."
Cơ trưởng Mackay sẽ là người thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên và Richard Branson cũng như gia đình ông sẽ là những hành khách đầu tiên trên SS2. Ông gọi chuyến bay này là "giấc mơ trở thành hiện thực".
Mackay nói: "Tôi đã thấy SS2 được cải tiến như thế nào trong nhiều năm qua để trở thành một phương tiện tuyệt vời để mở cánh cửa không gian cho nhiều người hơn. Việc ngồi đằng bàn điều khiển và kích hoạt động cơ đẩy của con tàu là một điều mà tôi sẽ không bao giờ quên."
Apple tung quảng cáo mới cho iPad Air, mỗi người đều có một vầng thơ
Tại giải đấu bóng rổ NFL cuối tuần vừa rồi, Apple đã cho chạy một đoạn quảng cáo mới nói về iPad Air và nhấn mạnh những khả năng mà chiếc tablet này có thể làm được ở nhiều lĩnh vực nhác nhau. Đoạn video dài 90 giây được lồng tiếng bởi giọng nam trầm ấm Robin Williams với các câu thoại được trích ra từ bộ phim Dead Poets Society với các ý nghĩa rất đẹp và lãng mạn. Thay vì đi nói về cấu hình và độ mỏng của chiếc máy thì video xoáy sâu vào các lĩnh vực mà người dùng có thể dùng iPad để giải quyết các vấn đề, từ việc làm phim chuyên nghiệp, lên kế hoạch leo núi, đi lặn biển, chơi thể thao...
Ngoài ra Apple còn mở trang web "Your Verse" để nói về những lĩnh vực chuyên môn mà người dùng đã ứng dụng iPad Air như thế nào. Xem tại đây: http://www.apple.com/your-verse/. Mời các bạn xem video:Bạn có thể xem nguyên văn lời thoại của Robin ở bên dưới, trong đó nói rằng con người chúng ta đọc thơ và viết thơ không phải vì chúng dễ thương, mà vì chúng ta là những con người. Mà con người thì luôn tràn trề đam mê. Con người luôn theo đuổi những đam mê về công việc, về y tế, luật pháp, về doanh nghiệp, về điện máy. Nhưng thơ ca, vẻ đẹp, sự lãng mạn, tình yêu mới chính là những thứ và ta đang sống vì chúng...
Công bố danh sách tặng 150 key 6 tháng của Tenlua.vn
Xin chào các bạn, dưới đây là danh sách 150 bạn được Tenlua.vn tặng key sử dụng dịch vụ 6 tháng gói có phí của website. Trong đó, 50 bạn được chọn là người đăng ký sớm nhất và 100 bạn được bốc thăm ngẫu nhiên (sau khi đã trừ 50 người đầu tiên ra). Trong vòng vài ngày nữa, Tenlua.vn sẽ gửi tặng key cho các bạn qua email. Cám ơn các bạn đã tham gia chương trình này và hẹn gặp lại ở một cuộc thi tiếp theo.
Danh sách 50 bạn đăng ký sớm nhất:
Danh sách 100 bạn bốc thăm ngẫu nhiên:
Mời tải về file đính kèm bên dưới bài viết này.
Bảo vệ thiết bị Android của bạn khỏi nguy cơ bị phần mềm mã độc tấn công
Android có một điểm khác biệt quan trọng so với hầu hết những hệ điều hành đi động phổ biến hiện nay, đó chính là tính "mở" của nó. Google đã thiết kế Android theo hướng "mở" từ hệ điều hành, phần nhân cho đến cả cách sử dụng nữa. Chính vì tính "mở" trong quá trình xài máy mà các thiết bị Android có nguy cơ bị dính phần mềm mã độc (malware) cao hơn so với các nền tảng khác nếu người dùng không quan tâm đến các vấn đề bảo mật. Vậy làm sao để bảo vệ smartphone, tablet Android của chúng ta trước mối nguy hiểm này? Xin chia sẻ với anh em một vài thủ thuật nhỏ mà mình thường áp dụng trong thời gian qua.Nội dung bài viết bao gồm những thứ sau:Trước khi bắt đầu, xin nói với anh em một điều quan trọng, đó là đừng nghĩ rằng điện thoại của bạn chẳng có dữ liệu nhạy cảm gì để mà mất. Có đấy, nhiều lắm. Đó chính là danh bạ của bạn, là tài khoản Google của bạn (anh em xài máy Android thì chắc chắn là phải đăng nhập Google Account để cài app và đồng bộ rồi), là dữ liệu của các app được lưu trong bộ nhớ hoặc thẻ nhớ, chưa kể thêm hàng tá ghi chú, nhắc nhở, danh sách việc làm, sự kiện lịch.... Bạn có thể không làm lộ thông tin của mình, nhưng danh bạ của bạn thì chứa thông tin của hàng trăm người mà bạn quen biết đấy.
Chưa hết, malware còn có thể khiến máy của bạn hoạt động một cách lạ lùng, mà vấn đề hay gặp nhất đó là tự nhiên gửi tin nhắn đến một tổng đài lạ hoắc nào đó và bạn bị trừ tiền oan uổng mà chẳng hề hay biết (xem thêm ở bài Lừa đảo qua tin nhắn ngày càng biến tướng và nguy hiểm). Một số vấn khác có thể kể đến như chiếm quyền kiểm soát máy (nhất là các máy đã được root), xóa dữ liệu từ xa, thay đổi thông tin app, hack thông tin tài khoản của bạn để đi giả mạo và lừa đảo người khác... Rồi, giờ thì bắt đầu vào nội dung chính nào.
1. Hạn chế cài ứng dụng không thông qua Google Play
Đây là tính năng "con dao hai lưỡi" của Android và nó đã xuất hiện từ những ngày đầu hệ điều hành này xuất hiện. Việc cài app từ bên ngoài như thế rất tiện cho những ai muốn xài ứng dụng bẻ khóa, ứng dụng lậu (không nên nhé anh em Tinh tế). Nó cũng thường được dùng để cài các phần mềm chưa được lập trình viên tung lên Google Play, có thể là do app đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc chỉ đơn giản là nhà phát triển không muốn cung cấp nó thông qua Play.
Vậy vì sao hành động nói trên lại nguy hiểm? Do không thông qua Google Play nên ứng dụng mà bạn cài vào máy không hề được kiểm duyệt, cũng không thông qua hệ thống lọc mã độc mà Google áp dụng cho cửa hàng trực tuyến của hãng. Nói cách khác, nếu app là malware thì nó đã được "tiêm" trực tiếp vào smartphone, tablet và có thể mặc sức tung hoành ngang dọc quậy phá thiết bị của bạn. Tin tặc cũng thường xài cách chèn mã độc vào các app bẻ khóa để lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng, nhắn tin hay thực hiện cuộc gọi trái phép, thậm chí còn kiểm soát được thiết bị của chúng ta từ xa.
Quay trở lại việc cài app không thông qua Google Play, mặc định tính năng này đã được Google vô hiệu hóa. Bạn có thể tìm được tùy chọn tắt bật nó ở phần Settings > Security > mục Device Administration > chọn hoặc bỏ chọn ô Unknown sources.
2. Đọc kĩ permission của ứng dụng
Cái này đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng nhiều người dùng vẫn còn rất chủ quan. Trước hết, chúng ta cần biết Permission là gì. Permission là tập hợp các "quyền" mà bạn cần phải cho phép ứng dụng dùng đến nhằm đảm bảo hoạt động của nó thật trơn tru, ví dụ như app Facebook cần truy cập Internet và sử dụng tính năng rung, Gmail cần vào danh bạ để lấy địa chỉ email, hay các app nhắn tin thì cần cho phép gửi nhận SMS. Những quyền này cũng khá đơn giản để đọc và hiểu (tham khảo chi tiết diễn giải cho từng permission tại đây).
Chính vì thế, bạn cần chú ý đọc permission trước khi cài một ứng dụng để biết liệu nó có phải phải là malware hay không. Ví dụ đơn giản như sau: một ứng dụng ghi chú lại cần đến quyền thực hiện cuộc gọi, như vậy có vô lí không? Nếu bạn cài nó, rất có thể bạn sẽ bị mất tiền cước phí oan uổng đấy! Việc xem những permission mà ứng dụng yêu cầu có thể thực hiện một cách dễ dàng trong Google Play ngay trước khi bạn nhấn nút Install để cài phần mềm.
Tất nhiên, có những khi permission của một app mặc dù trông không liên quan nhưng nó lại là một tính năng cần thiết trong app, có điều chúng ta không nghĩ đến hoặc không liên hệ ra. Thường thì với những permission như thế, lập trình viên sẽ giải thích rõ trong phần mô tả ứng dụng là vì sao họ cần đến permisson đó.
Vậy làm thế nào để quản lý permisson của những app đã cài vào máy rồi? Nếu bạn xài thiết bị đã root thì bạn có thể xài thêm ứng dụng LBE Security Master, một trình quản lý permisson mạnh mẽ và có thể hoạt động với các máy Android 4.0 trở lên.
Ngoài ra, nếu bạn đang sử dụng Android 4.3 hoặc các phiên bản Android 4.4 đầu tiên, bạn có thể chỉnh permisson cho từng ứng dụng bằng trình App Ops do Google ẩn trong hệ điều hành. Tất cả những gì bạn cần làm là cài shortcut này vào máy là xong. Khi dùng shortcut để chạy App Ops lên, bạn sẽ thấy các thẻ đại diện cho từng nhóm permission, chẳng hạn như thẻ Location thì chứa những quyền liên quan đến định vị, thẻ Personal liên quan đến quyền truy cập thông tin cá nhân trên máy, thẻ Messaging thì liên quan đến đọc, gửi SMS.
Ở mỗi thẻ như thế, bạn sẽ thấy có một số app được liệt kê. Chạm vào mỗi app thì danh sách chi tiết các permission sẽ hiện ra và bạn có thể bật tắt chúng. Ví dụ, chạm vào app Facebook, tắt permission "Location" đi thì app sẽ không thể nào định vị được nữa, tắt quyền "Vibrate" thì thông báo gửi ra sẽ không rung máy. Có một số permission thì chỉ khi nào app đang chạy hoặc đã từng sử dụng ít nhất một lần mới xuất hiện.
3. Cẩn thận với app giả mạo trên Google Play
Cũng hơi buồn khi mà ngay chính trên Google Play vẫn có tình trạng ứng dụng giả mạo. Ví dụ dễ thấy nhất đó là ứng dụng BlackBerry Messenger. Hồi app này mới được ra mắt thì số ứng dụng nhái lên đến hơn 10 app, thậm chí còn xuất hiện trước khi BBM chính thức được cho phép tải về nữa. Hãy cẩn thận với những phần mềm như thế bởi chúng ẩn chứa nguy cơ bảo mật cực kì rõ ràng, và thường thì đã giả mạo thì lập trình viên sẽ có ý đồ xấu xa gì đó chứ nếu không thì cần gì hắn ta phải lừa đảo người dùng. Hiện nay các app BBM giả đã bị Google xử lý nên nếu bạn tìm kiếm với từ khóa "BBM" thì chỉ có ứng dụng chính chủ từ BlackBerry mới xuất hiện mà thôi.
Một số ứng dụng của các nhà phát triển Việt Nam chúng ta cũng bị giả mạo, ví dụ như ZingMP3, NhacCuaTui hay GoTiengViet, do đó các bạn hãy lưu ý đọc kĩ thông tin về lập trình viên cũng như các bình luận bên dưới trước khi cài app.
4. Kích hoạt tính năng xác thực ứng dụng trong Android
Trong Android, Google có tích hợp một tính năng để xác thực ứng dụng, không quan trọng là bạn cài app đó từ Google Play hay cài từ nguồn bên ngoài vào. Tính năng này nằm rất hữu ích nếu bạn thường xuyên cài app không qua Google Play để dùng các mục đích thử nghiệm và vọc máy (giống mình). Theo Google giải thích thì Android sẽ tự động kiểm tra xem một ứng dụng bạn chuẩn bị cài vào có tiềm ẩn nguy cơ bảo mật hay không, nó có chứa đoạn mã nào nhằm khai thác trái phép dữ liệu và phần cứng hay không. Nếu có thì hệ điều hành sẽ hiển thị cảnh báo cho bạn.
Cách kích hoạt rất đơn giản:
Với Android 4.2 trở lên: vào Settings > Security > chọn dòng Verify apps
Với Android 4.1 trở xuống: chạy ứng dụng Google Settings (logo Google màu xanh lá hoặc màu xám) > Verify apps > bật dòng Verify apps
Verify apps có hai mức độ bảo mật khác nhau:
1. Nếu ứng dụng chỉ hơi nguy hiểm thì Android sẽ cảnh báo rằng việc cài nó có thể gây hại đến thiết bị của bạn. Bạn có quyền cân nhắc, nếu vẫn chấp nhận rủi ro và biết chắc app mình sắp cài không có malware thì có thể chọn vào ô "I understand that this app may be dangerous" rồi nhấn Install để cài. (ảnh dưới bên trái)
2. Nếu ứng dụng thuộc diện cực kì nguy hiểm thì Android sẽ chặn hoàn toàn việc cài ứng dụng. Bạn không có cách nào để cài nó vào máy. (ảnh dưới bên phải)
5. Cập nhật phần mềm thường xuyên
Đây là thứ "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", vậy mà vẫn còn nhiều người cảm thấy lười và không update hệ điều hành hay các ứng dụng mà mình đang dùng. Việc lập trình viên hay các hãng sản xuất tung ra bản cập nhật phần mềm là để sửa lỗi, để khắc phục các hạn chế còn tồn tại và cả bổ sung tính năng mới nữa. Bạn để ý xem, hầu hết các đợt cập nhật app là để "cải thiện độ ổn định, sửa lỗi bảo mật, tăng cường hiệu năng hoạt động" đấy thôi. Các bản vá Android cũng có mục đích tương tự như thế. Đừng lười nhé anh em, chịu khó để máy cập nhật thì chúng ta sẽ an toàn hơn, lợi ích cho chính mình mà.
6. Ứng dụng antivirus
Đây cũng là một giải pháp mà nhiều người nghĩ đến khi cần chống lại malware và tăng cường tính bảo mật cho thiết bị di động. Phần mềm antivirus trên Android có rất nhiều, từ những tên tuổi lớn như Norton, Kaspersky, Bitdefender, Trend Micro, ESET cho đến những công ty nhỏ hơn như Lookout, Comodo, Sophos..., cả có phí lẫn miễn phí. Hiệu quả của những ứng dụng này thì dễ thấy rồi, đó là nó giúp chúng ta phát hiện kịp thời không chỉ malware mà cả những tập tin bị nhiễm virus, những file bị nhúng mã độc có khả năng lan truyền khi chia sẻ và sao chép.
Khả năng tìm diệt thì sẽ khác nhau tùy phần mềm, nhưng nhìn chung con số này cũng khá cao. Theo số liệu từ công ty AV-Tech thì những tên tuổi mà mình liệt kê bên trên đều có khả năng diệt được khoảng 95-99% các mối hiểm họa mà họ giả lập. Nhiều app còn cung cấp thêm một vài tính năng bổ trợ như chống trộm, tìm thiết bị, duyệt web bảo mật, xóa dữ liệu từ xa...
Cũng cần lưu ý rằng việc cài các phần mềm diệt virus vào thiết bị Android có thể gây ra một số tác dụng phụ, mà thường gặp nhất là tình trạng xung đột ứng dụng. Có thể vài app của bạn sẽ không hoạt động do bị ứng dụng diệt virus can thiệp vào một bộ phận nào đó, hoặc chặn không cho chúng tiếp tục làm việc. Một số người, nhất là những bạn xài điện thoại cấu hình trung và thấp, có thể sẽ bị chậm máy do trình antivirus hoạt động thường xuyên và chiếm tài nguyên thiết bị. Đây là những điều bạn nên cân nhắc bên cạnh giá tiền và tính năng của trình diệt virus, và cũng là lý do mình cho nó xuống đến mục số 6 chứ không phải lên đầu tiên.
Một số link dẫn đến các ứng dụng chống virus cho Android
Hi vọng những thông tin bên trên sẽ giúp được anh em trong quá trình sử dụng thiết bị Android của mình. Nếu bạn có thêm điều gì muốn chia sẻ thì mời comment ngay trong topic này luôn nhé. Chúc vui vẻ!
[Infographic] So sánh thú vị về dung lượng lưu trữ - BYTE
Trong thời đại bùng nổ dữ liệu kỹ thuật số hiện nay, không chỉ các thiết bị vi tính điện tử, các thiết bị analog, mà ngay cả các bộ phận trong cơ thể người cũng được mã hóa về mặt năng lượng.
Đơn vị dung lượng phổ biến hiện nay là Byte, Megabyte, Gigabyte, Terabyte, Betabyte, Exabyte, Zettabyte, Yottabyte. Chẳng hạn 1 gram ADN có thể lưu trữ đến 455 tỉ Gigabyte Như vậy chỉ cần 4 gram ADN, về mặt lý thuyết, đã đủ để lưu hết dữ liệu mà cả thế giới tạo ra trong suốt 365 ngày. Bạn có muốn biết não người có thể nhớ được bao nhiêu dữ liệu không? Lưu lượng bộ nhớ trong các thiết bị sử dụng quen thuộc hiện tại là bao nhiêu? Hãy cùng chúng tôi tham khảo infographic dưới đây.Nguồn: BBC
Quản lý của Intel nói về những điểm hạn chế của các thiết bị đeo được hiện nay
Tại triển lãm CES năm nay chúng ta đã được thấy rất nhiều thiết bị đeo được (wearable), từ đồng hồ thông minh, thiết bị theo dõi sức khỏe, băng tay ghi lại cuộc sống hằng ngày cho đến camera và cả tai nghe thông minh nữa. Mike Bell, quản lý trưởng bộ phận Thiết bị mới của Intel, nghĩ rằng wearable là một cơ hội khổng lồ, có điều người ta đang tham gia vào thị trường này một cách không đúng đắn. Chính vì thế, Bell được giao nhiệm vụ định hình cho tương lai về thiết bị đeo được của Intel, và theo ông, nếu mọi thứ diễn tiến tốt thì nó cũng trở thành tương lai cho cả thế giới wearable.
Khi lên làm vị trí dẫn đầu cho một nhóm mới tại Intel, bạn cần phải nhìn xa hơn những xu hướng hiện thời, hay nói cách khác, bạn sẽ là người tạo ra xu hướng. Và đó chính xác là những gì Bell đang suy nghĩ trong tâm trí của ông. Khi Bell vừa giới thiệu chiếc tai nghe có khả năng theo dõi nhịp tim trên sân khấu tại CES 2014, nhiều người có cảm giác rằng thiết bị này chả có gì mới. Mãi cho đến khi ông giải thích thêm về tính năng của thiết bị này này mọi người mới nhận ra rằng nó không cần nguồn điện riêng để hoạt động, cũng có nghĩa là bạn không cần phải sạc pin cho thiết bị. Đối với Bell thì đây chính là một sản phẩm wearable thật thụ: thông minh, không phô trương và dễ dàng.
Thực chất thì Valencell (một công ty chuyên làm cảm biến sinh trắc học) đã tìm đến Bell và nhóm của ông đầu tiên để giới thiệu về ý tưởng tai nghe đo nhịp tim. Bell chia sẻ: "Họ có sẵn thiết kế tham chiếu, bao gồm một cảm biến kết nối vào một thứ hình móng ngựa để đeo qua cổ, và tất nhiên là nó xài pin. Tôi nhìn vào thiết bị này, họ hỏi tôi 'Anh nghĩ thế nào?', tôi mới nói 'Nó rất tuyệt, nhưng anh cần phải bỏ pin và Bluetooth đi' ". Sau đó Intel đã bắt tay với Valencell để cùng nhau tạo ra được chiếc tai nghe ghi nhận nhịp tim mà hãng trình làng ở CES.
Và nếu đem các thiết bị đeo được mới ra mắt ở CES năm nay đến cho Bell thì nhiều khả năng ông cũng sẽ đưa ra nhận xét như trên, kiểu như "bạn rất tốt nhưng bạn cần phải cố gắng hơn". Đến đây thì chúng ta đã có thể thấy được tầm nhìn của Intel, rằng việc tạo ra một thiết bị wearable không có nghĩa là người dùng phải có thêm một thứ để sạc, có thêm một thứ cần phải đăng nhập phức tạp. Bell muốn các sản phẩm wearable đạt đến mức độ không cần người dùng làm thêm gì nhưng vẫn hưởng được lợi ích từ nó.
Bell nhận xét thêm rằng thị trường wearable hiện nay quá "rời rạc" trong bối cảnh mỗi một món thực hiện một chức năng khác nhau, và bạn cũng cần phải cập nhật phần mềm cho chúng nữa. "Tôi không nghĩ rằng người ta đã suy nghĩ kĩ về những trải nghiệm tổng quát như thế", Bell chia sẻ.
Vị trưởng nhóm này cũng nhận biết rõ về những lời quảng cáo xung quanh các sản phẩm đeo được hiện có trên thị trường, và theo ông thì đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến các rắc rối của chính thiết bị wearable. "Những lời thổi phồng đang càng ngày càng lớn dần lớn - để đạt được những thứ như thế, bạn cần phải nghĩ về cả một vòng đời sản phẩm, cả việc lau chùi nó, sạc nó, làm sách nó và cất giữ nữa. Bạn cần phải thật sự nghĩ về mọi khía cạnh mà người ta sẽ làm với sản phẩm chứ không chỉ hô lên rằng 'Hey, thiết bị này có tuyệt không chứ!'".
Như vậy Bell đã chỉ ra được những vấn đề chính, bao gồm việc quảng cáo quá mức trong khi việc ứng dụng lại kém, các thiết bị không liên lạc được với nhau, cùng với đó là trải nghiệm người dùng chưa tốt. Thế thì đâu là câu trả lời cho những vấn đề này? Góc nhìn của Bell rất đơn giản. Thị trường wearable hiện còn rất non trẻ và chưa trưởng thành, bao nhiêu đó cũng đã đủ để Intel bước vào và cố gắng đẩy thị trường theo một hướng đi mới. Hay nói cách khác, Intel đang cố gắng định nghĩa ra thiết bị đeo được để khắc phục những hạn chế còn tồn tại.
Rõ ràng Intel đang có ý định đầu tư mạnh vào thị trường này, và điều đó cũng không quá ngạc nhiên. Trước đây Intel từng chậm chân khi không kịp nhảy vào mảng thiết bị di động như smartphone và tablet vì vẫn còn mãi đắm chìm trong thế giới PC, và bây giờ hãng sẽ không để sai lầm tương tự diễn ra một lần nữa với wearable. Bên cạnh đó, wearable cũng có thể trở thành một cánh cửa sau để Intel đi vào thị trường mobile nếu hãng đưa ra các tiêu chuẩn đủ hấp dẫn để các công ty sản xuất thiết bị di động nghe theo.
Để kết lại, Bell nói rằng "chúng tôi đang làm việc với một số công nghệ rất thú vị và hi vọng rằng chúng có thể giúp việc tương tác giữa người với thiết bị wearable trở nên tụ nhiên hơn chứ không giả tạo như hiện nay. Nó cũng không giống với các bộ phim viễn tưởng đâu, nó sẽ rất bình thường". Ngoài ra, Intel cũng đang nỗ lực làm việc để tạo nên một không gian mở để các thiết bị trao đổi dữ liệu với nhau. Bell nhấn mạnh tầm quan trọng của điều này: "Đi xa hơn, nếu dữ liệu không được mở ra thì những thiết bị kết nối hay nhà thông minh cũng chẳng thể phổ biến được". Bell nói thêm: "Có nhiều thứ lắm. Chúng tôi hi vọng sẽ làm các bạn ngạc nhiên".
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)