Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Yahoo mua các công ty khởi nghiệp thất bại thực chất là để có được lập trình viên giỏi

[IMG]

Yahoo hôm nay cho biết hãng đã mua lại Rockmelt, một công ty khởi nghiệp từng phát triển trình duyệt tích hợp với các tính năng mạng xã hội. Lúc trình duyệt cùng tên vừa ra mắt, nhiều người nói rằng nó sẽ làm một cuộc cách mạng về trải nghiệm lướt web của người dùng trong thời buổi xã hội hóa hiện nay. Thế nhưng Rockmelt đã không làm được chuyện này, công ty cũng dừng phát triển sản phẩm. Ngay đúng thời điểm đó, CEO Marissa Mayer của Yahoo quyết định thâu tóm Rockmelt, cũng như những gì bà đã làm với nhiều công ty công nghệ khác trong thời gian vừa qua. Vậy động lực nào khiến vị nữ CEO đưa ra những quyết định như thế?

Nhiều công ty mà Yahoo bỏ tiền ra để mua lại trong thời gian gần đây chỉ là những công ty nhỏ, không có mấy tiếng tăm, hoặc sản phẩm của họ không nổi tiếng. Hay như thương vụ Yahoo mua Summly, trong thông cáo báo chí nói rằng tính năng đọc tin tức của Summly rất nổi bật, nhưng thực chất công nghệ này do một hãng khác phát triển, Summly chỉ được cấp phép sử dụng mà thôi. Thế nhưng Mayer không mua các công ty này vì những gì họ làm ra, bà thực chất mua những kĩ sư, những lập trình viên đã làm tạo nên chúng.

Theo Bloomberg, mỗi lần CEO Mayer mua một công ty khởi nghiệp nào đó, "Yahoo đều 'khóa' những kĩ sư của các công ty này bằng hợp đồng hai hoặc bốn năm". Yahoo để cho họ tự do phát tiếp tục phát triển ứng dụng của mình và họ có thể thuê thêm những lập trình viên khác nếu cần.

Vậy tại sao Yahoo không tự mình đi thuê trên thị trường lao động tự do hay đón đầu những người tài giỏi khi họ vừa tốt nghiệp, như vậy chẳng phải sẽ rẻ hơn sao? Thật sự thì không rẻ hơn đâu. Sự cạnh tranh về việc tuyển dụng người tài giữa các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon rất gay gắt. Có thể lấy ví dụ của công ty game online Zynga, mới đây hãng này đã sa thải hàng trăm lập trình viên. Ngay trong phần bình luận về tin tức sa thải, các nhà tuyển dụng từ nhiều nơi đã cố gắng mời những nhân viên mới bị cho nghỉ việc về làm cho mình. Một số khác thì đi đến các quán bar, nơi những cựu nhân viên Zynga đang "uống rượu giải sầu", mời họ uống nước và lên lịch hẹn phỏng vấn.

Việc tuyển dụng nhân sự càng trở nên khó khăn hơn với Yahoo, vốn "mang tiếng" là một chú khủng long già cỗi đang bị những hãng công nghệ trẻ tuổi khác lấn át. Nếu nghe danh tiếng như thế thì chẳng ai thèm đến Yahoo, người ta sẽ nộp đơn vào Google, Apple, Microsoft, Facebook... Điều mà CEO Mayer cần đó là những người thật sử giỏi trong việc phát triển ứng dụng di động, và với số tiền Yahoo có được từ cổ phần trong trang web bán hàng Alibaba, bà đã và đang kiếm được người tài cho Yahoo mà không phải đi tuyển dụng trực tiếp.

Bên cạnh đó, những lập trình viên giỏi của các công ty bị mua lại thường muốn trở thành một nhà sáng lập doanh nghiệp. Thế nên họ rời đi, đứng ra gây dựng công ty của riêng mình và lấy vốn từ những quỹ đầu tư mạo hiểm. Nếu những công ty khởi nghiệp dạng này thất bại, quỹ đứng sau lưng họ thường sẽ cố gắng thu lại được càng vốn càng tốt. Nhà điều hành các quỹ sẽ đi tìm những ông lớn trong làng công nghệ như Yahoo, Apple, Google, vốn có hứng thú với các nhân tài, để mua lại công ty mà họ đã đầu tư. Vòng quay đó vẫn đang tiếp tục diễn ra tại Thung lũng Silicon.

Thời gian sẽ cho chúng ta biết liệu chiến lược của Mayer có thành công hay không. Mới đây Yahoo đã ra mắt ứng dụng thời tiết dành cho iPhone với giao diện đẹp và nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng, điều đó cho thấy rằng hãng có thể viết ra những phần mềm di động rất tốt. Mặc dù tình hình tài chính của công ty vẫn đang giảm nhưng lượng người dùng và lưu lượng sử dụng các dịch vụ Yahoo đang dần tăng lên sau nhiều năm ảm đạm.

Mới đây Bloomberg cũng đã tiết lộ rằng việc Mayer theo đuổi vị trí CEO Yahoo là hoàn toàn bí mật và trong lúc bà còn làm cho Google, không nhiều người biết về việc đó.