Đại học Illinois phát triển "hình xăm điện tử" với khả năng đo nhiệt độ
da siêu nhạy
Các nhà nghiên cứu tại đại học Illinois cho biết họ đang phát triển một loại phim điện tử mỏng, dẻo, có thể đeo được với khả năng đo nhiệt độ cơ thể siêu nhạy. Theo John Rogers thành viên nhóm nghiên cứu, loại "hình xăm điện tử" này có thể thực hiện chức năng của những chiếc camera nhiệt hồng ngoại trị giá hàng trăm ngàn đô la mặc dù mức giá của mỗi tấm phim chỉ vài xu. Thêm vào đó, thiết bị thậm chí còn có thể đảm nhận nhiệm vụ tốt hơn nhiều lần bởi chúng được gắn lên da, có thể đo nhiệt độ trong một thời gian dài, xuyên suốt những hoạt động hàng ngày của mỗi người và rất kín đáo để không gây sự chú ý.
Đối với những ai không thể kiểm soát nhiệt độ cơ thể, thiết bị có thể đo nhiệt độ da ở tỉ lệ vài mK (1 millikelvin = - 273,149 độ C), qua đó các bác sĩ có thể nói chính xác điều gì đang xảy ra bên dưới. Ngoài khả năng đo nhiệt độ, thiết bị còn có thể theo dõi nhiệt chảy theo dòng máu hoặc tìm hiểu sự co thắt/dãn nở của các mạch máu làm thay đổi nhiệt độ xung quanh như thế nào. "Đây là những yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tim mạch", Rogers nói.
Thiết bị trông giống như một mã vạch với hình mẫu ngoằn nghèo và được dán dính lên da bằng một loại keo tan trong nước. Nhóm nghiên cứu của Rogers đã tạo ra 2 phiên bản khác nhau của thiết bị theo 2 phương pháp riêng nhưng mang lại cùng một kết quả. Cả 2 đều có thể xác định chính xác nhiệt độ tại nhiều điểm tiếp xúc trên da và thậm chí có thể đo phản ứng của da.
Nhóm nghiên cứu đã mất vài năm để phát triển các cảm biến nhưng công việc chính của họ là chế tạo thiết bị. Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ tìm cách biến tấm phim thành một thiết bị không dây thực sự bởi phiên bản hiện tại vẫn cần đến nguồn cấp năng lượng bên ngoài để hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại Rogers và các cộng sự đã có thể áp dụng thiết bị vào một số trường hợp nhất định. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã liên hệ với Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ để thử nghiệm thiết bị theo yêu cầu tìm kiếm một phương pháp đo nhiệt độ dưới da tốt hơn.
Mặc dù vậy, việc gắn thiết bị lên da để đo nhiệt độ chỉ là bước khởi đầu. Rogers cho biết: "Vẫn còn rất nhiều vùng khác trên cơ thể nơi bạn muốn đo nhiệt độ." Vì vậy, nhóm của Rogers đang thử nghiệm khả năng sử dụng thiết bị cho các cơ quan nội tạng hay thâm chí là đặt trực tiếp lên thành tim để đo các đặc tính. Trước mắt là nhiệt độ, những thế hệ cảm biến tiếp theo hứa hẹn sẽ mang lại thông tin chi tiết hơn về cơ thể. "Da chỉ mới là điểm xuất phát," Rogers nói.