Sau khi được Boeing giới thiệu hồi tháng 8 vừa qua thì phiên bản nâng cấp của 787 Dreamliner là 787-9 đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm thành công đầu tiên trên bầu trời Washington. Chuyến bay kéo dài 5 giờ 16 phút đã đánh dấu sự khởi đầu cho chương trình bay thử dành cho phiên bản 787-9 Dreamliner mới, dự kiến được đưa vào phục vụ thương mại vào giữa năm sau.
787-9 là biến thể thứ 2 của 787 Dreamliner bên cạnh 787-8. So với phiên bản 787-8, 787-9 Dreamliner dài hơn 6 m, chở nhiều hơn 40 người (tối đa 290 hành khách) và tầm bay cũng xa hơn 555 km (đạt 14.800 đến 15.750 km).
Trong chuyến bay khai trương hôm nay, 787-9 Dreamliner đã bay ở độ cao 6218 m ở tốc độ 250 knot với sự điều khiển của cơ phó dự án Mike Bryan và cơ trưởng Randy Neville.
Chiếc 787-9 Dreamliner hôm nay sẽ cùng với 2 chiếc khác thực hiện các chuyến bay thử tiếp theo trong vài tháng nữa. Trong đó, 1 chiếc sẽ sử dụng động cơ Genx của General Electric, 2 chiếc còn lại dùng động cơ Rolls-Royce Trent 1000.
Boeing cho biết nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ thì 787-9 Dreamliner sẽ bắt đầu đi vào biên chế của hãng hàng không Air New Zealand vào giữa năm 2014. Ngoài 787-9 Dreamliner, một biến thể thứ 3, to hơn của Dreamliner là 787-10 cũng đang được phát triển và dự kiến được phát hành vào năm 2018.
Các biến thể của 787 Dreamliner.
Dreamliner hay còn gọi là "Giấc mơ bay", "Khách sạn bay" là dòng máy bay chở khách lớn nhất từ trước đến nay của Boeing. Dreamliner sử dụng 2 động cơ phản lực do Boeing Commercial Airplanes phát triển thân máy bay tầm trung, khoang rộng và chuyên dùng cho các đường bay dài. Không chỉ lấn át các đối thủ khác về kích thước và khả năng chuyên chở, Dreamliner cũng là chiếc máy bay sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến, đặc biệt là vât liệu chế tạo chính là composite. Với thân máy bay nhẹ hơn, Dreamliner cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn 20% so với người tiền nhiệm 767.
Dự án 787 Dreamliner được khởi động vào tháng 1 năm 2005. Vào ngày 8 tháng 7 năm 2007, chiếc 787 Dreamliner đầu tiên được hoàn thiện tại nhà máy lắp ráp Everett của Boeing. Vào thời điểm này, Boeing đã nhận được 667 đơn hàng Dreamliner. Tháng 5 năm 2013, số lượng đơn hàng đã đạt 890 đơn từ 58 khách hàng. Theo tổ chức tài chính ILFC thì Dreamliner là mẫu máy bay đạt số lượng đơn hàng lớn nhất trong lịch sử.
Hoạt động phát triển và sản xuất 787 bao gồm sự tham gia của nhiều tập đoàn quy mô lớn kèm một loạt các nhà cung cấp trên thế giới. Giai đoạn lắp ráp hoàn thiện của 787 Dreamliner được thực hiện tại nhà máy Everett, thành phố Everett, bang Washington, Mỹ hoặc tại nhà máy mới thành lập của Boeing ở North Charleston, bang Nam Carolina. 2 nhà máy ở 2 đầu đất nước, hoạt động chuyển giao máy bay cho khách hàng sẽ được thực hiện thuận tiện hơn.
Chuyến bay đầu tiên của 787 Dreamliner được thực hiện vào ngày 15 tháng 12 năm 2009 và hoạt động bay thử hoàn tất vào giữa năm 2011. Dreamliner nhận được chứng nhận bay từ Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) và cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) vào tháng 9 năm 2011 và bắt đầu hoạt động thương mại kể từ ngày 26 tháng 10 cùng năm.
Tuy nhiên, 787 Dreamliner đã khởi đầu không được suôn sẻ. Siêu máy bay chở khách của Boeing đã liên tục gặp vấn đề, đáng chú ý là các vụ cháy trên khoang liên quan đến pin Li-ion. Hệ thống này đã được FAA và cơ quang hàng không Nhật Bản xem xét. Vào ngày 16 tháng 1 năm 2013, FAA đã ban hành lệnh cấm bay đối với tất cả những chiếc 787 Dreamliner tại Mỹ. EASA, bộ vận tải Nhật Bản, tổng giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) và Chile (DGAC) đã đồng loạt ban hành các lệnh cấm tương tự đối với 787 Dreamliner. Sau khi Boeing hoàn tất công tác kiểm tra, khắc phục và thử nghiệm thiết kế mới của hệ thống pin Li-ion, FAA đã tái phê duyệt thiết kế này vào ngày 19 tháng 4 năm 2013 và dỡ bỏ lệnh cấm vào ngày 26. 787 Dreamliner trở lại phục vụ hành khách ngay sau đó với hãng hàng không Ethiopian Airlines.
Năm 2004, Boeing công bố sẽ cung cấp 4 biến thể của 787 Dreamliner. 787-8 là biến thể đầu tiên được sản xuất, sau đó là 787-9 năm 2014 và 787-10 năm 2018. Phiên bản bay chặn ngắn 787-3 ban đầu được phát hành thương mại nhưng không còn được phát trển theo kế hoạch.
787-8 Dreaminer của All Nippon Airways (ANA).
787-8 Dreamliner là biến thể gần với bản gốc nhất với chiều dài thân 57 m, chiều rộng sải cánh 60 m và tầm bay 14.170 đến 15.200 km tùy theo bố trí hành khách. 787-8 cũng là phiên bản duy nhất của 787 Dreamliner và cũng là mẫu máy bay thân rộng thứ 3 của Boeing sau 747SP và 777-200LR với sải cánh rộng hơn chiều dài thân. 787-8 có thể chuyên chở 210 hành khách với 3 hạng ghế. Phiên bản này bắt đầu được khai thác vào năm 2011 và theo Boeing, 787-8 Dreamliner sẽ thay thế cho 767-200ER và 767-300ER đồng thời mở rộng sang các thị trường mới nổi nơi những mẫu máy bay chở khách cỡ lớn không kinh tế. 2/3 số đơn đặt hàng 787 thuộc về 787-8.
Nếu 787-8 cánh rộng hơn thân thì 787-9 Dreamliner là phiên bản kéo dài hay thân dài hơn cánh. Phiên bản này có đủ ghế cho 250 đến 290 hành khác với 3 hạng ghế, tầm bay từ 14.800 đến 15.750 km. 787-9 khá khác biệt so với 787-8 theo nhiều khía cạnh, bao gồm cấu trúc được tăng cường, thân kéo dài, dung tích nhiên liệu cao hơn, tải trọng cất cánh tối đa (MTWO) cũng cao hơn nhưng sải cánh tương tự 787-8. Thời gian thương mại hóa ban đầu được lên lịch vào năm 2010 nhưng đến tháng 10 2011, hoạt động chuyển giao máy bay mới được thực hiện và thời gian khai thác được lùi lại vào năm 2014. Boeing 787-9 sẽ nhắm vào những đối thủ như Airbus A330 và thay thế cho 767-400ER. Air New Zealand sẽ là hãng hàng không đầu tiên sử dụng 787-9 Dreamliner cho các chuyến bay của mình.
Phiên bản thứ 3 của 787 Dreamliner là 787-10 với chiều dài 68,3 và tầm bay tối đa 12.964 km. Tầm bay của 787-10 bao phủ đến 90% các đường bay của máy bay chở khách 2 hàng ghế trên thế giới bao gồm từ châu Ấu đến bờ Tây nước Mỹ và các chuyến bay vượt Thái Bình Dương. 787-10 có thể chở tối đa 330 hành khách với 3 tùy chọn ghế. Boeing 787-10 Dreamliner nhắm đến mục tiêu thay thế 777-200 và Airbus A330 và A340. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Singapore Airlines đã nhấn mạnh sẽ đặt hàng 30 chiếc 787-10 và tại triển lãm Paris Air Show năm nay, Boeing cũng đã chính thức ra mắt 787-10 đồng thời công bố sẽ đáp ứng 102 chiếc cho tập đoàn cho các đối tác gồm tập đoàn cho thuê máy bay ALC (30 chiếc), Singapore Airlines (30 chiếc), United Airlines (20 chiếc), International Airlines Group/British Airways (12 chiếc), và GECAS (10 chiếc). So với đối thủ Airbus A350, 787-10 có lợi thế cạnh tranh về tính kinh tế nếu sử dụng trên chặn bay ngắn, theo Boeing.