Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Google, Nokia, Samsung: không thể theo dõi điện thoại khi đã bị tắt nguồn

[IMG]

Hồi đầu năm nay tờ Washington Post nói rằng Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ đã phát triển nên một phương thức để định vị điện thoại ngay cả khi máy đã bị tắt. Nguồn tin nói phương thức này đã được phát triển 9 năm về trước nhưng không tiết lộ về các phần cứng hay phần mềm nào đã được NSA sử dụng. Để làm rõ xem điều này có khả thi hay không, công ty bảo mật Privacy International (PI) của Anh đã thực một nghiên cứu với 8 hãng sản xuất điện thoại và công nghệ di động. Có 4 công ty phản hồi lại cho PI, tuy nhiên không một ai có thể giải thích rõ về nội dung mà Washington Post đã đăng tải.

Google, một trong số những hãng đã trả lời lại cho PI, nói rằng họ không thể điều khiển hay theo dõi các điện thoại Android một khi nó đã được tắt nguồn. "Khi một thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android được tắt đi, không một thành phần nào của hệ điều hành có thể chạy hay phát tín hiệu", người phát ngôn cho Google nói, "Google cũng không có cách nào để mở nguồn thiết bị từ xa".

Phía Nokia thì nói rằng "chúng tôi không biết bất kì cách nào mà chúng (bộ thu nhận sóng radio) có thể được tái kích hoạt trừ việc người dùng tự mình bật thiết bị lên". Hãng nói thêm rằng các thiết bị của mình đã được thiết kế để bộ thu nhận này tắt đi hoàn toàn một khi người dùng tắt nguồn điện thoại.

Trái ngược với hai công ty trên, hãng viễn thông Ericsson giải thích việc theo dõi như NSA làm là có thể diễn ra bằng cách sử dụng malware. Elaine Weidman Grunewald, phó chủ tịch của Ericsson, nói rằng một khi những phần mềm mã độc bị cài vào máy thì chúng có thể khai thác các lỗ hổng của thiết bị. Tuy nhiên, vị này không cho biết cách thức mà NSA sử dụng có phải là malware hay không.

Samsung cũng không rõ làm thế nào để NSA có thể định vị điện thoại khi đã tắt. Phó chủ tịch Hyunjoon Kim nói: "Nếu không có nguồn điện thì không thể truyền được bất kì tín hiệu nào bởi vì các thành phần và linh kiện đều ngừng hoạt động". Samsung có nói đến khả năng một phần mềm gián điệp nào đó sẽ giả lập tình trạng hết pin trong khi vẫn duy trì hoạt động của thiết bị ở mức vừa đủ cho mục đích theo dõi vị trí. Tuy nhiên, câu hỏi đó là làm thế nào mà NSA có thể viết nên một phần mềm phức tạp đến như thế trong điều kiện công nghệ 10 năm về trước.

Hiện Privacy International vẫn đang đợi câu trả lời từ Apple, BlackBerry, HTC và Microsoft.