Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Hop - Email Client kiêm ứng dụng chat cho iPhone

photo.JPG

Thông thường một ứng dụng email client chỉ đóng vai trò của một hộp thư - tức là nơi để nhận và gởi email, ngoài ra thì nó không còn chức năng nào nữa. Tuy nhiên với Hop thì khác, đây là một ứng dụng "2 trong 1" thứ thiệt, khi nhà phát triển đã tích hợp 2 chức năng: Email client + Chat OTT vào trong một app duy nhất là Hop. Bên cạnh đó, cách quản lý email cũng có nhiều sự khác biệt và tiện ích. Bài viết này mình xin đánh giá sơ qua về ứng dụng Hop này, và hy vọng các bạn sẽ tìm được một app email client tốt nhất cho mình.

Trước khi đi vào chi tiết, mình xin lưu ý đó là hiện Hop đã cho tải về miễn phí qua App Store, tuy nhiên tin buồn đó là bạn sẽ phải xếp hàng chờ nếu như muốn được sử dụng. Vào khoảng gần 1 tuần trước thì mình thấy có khoảng gần 50.000 người phía sau mình, trung bình mỗi ngày Hop xử lý khoảng 200 người, như vậy sẽ còn rất rất lâu nữa các bạn mới được sử dụng. Vì thế, tốt nhất là chúng ta nên đợi khi nào có thông tin Hop bỏ hoàn toàn hệ thống xếp hàng thì hãy sử dụng, tất nhiên bạn nào đủ kiên nhẫn thì tải về chờ thôi.

Tải về Hop cho iPhone (miễn phí)

1. Hop chia hộp mail thành hai mục: Email cá nhân và Email quảng cáo

aaa.

Đầu tiên mình xin đề cập sơ qua về phần giao diện của Hop. Tương tự như các email client khác, Hop vẫn sử dụng giao diện của một inbox truyền thống đó là tiêu đề email, avatar của người gởi bên cạnh, nhìn chung Hop không có nhiều sự khác biệt so với các app còn lại.

Thế nhưng điểm mà mình thích nhất ở Hop chính là nó chia hộp thư của chúng ta thành 2 phần riêng biệt: một dành cho các email công việc + email cá nhân, và một dành cho email từ các trang quảng cáo, các email từ các trang web tự động gởi. Đây quả thật là một cách "lọc" inbox rất đáng giá từ Hop, bởi chúng ta sẽ dễ dàng theo dõi được những email quan trọng mà không phải bị phân tán bởi hàng tá các email quảng cáo thường ngày.

photo 1.

Điểm cộng thứ hai từ Hop là khả năng quản lý email, bình thường nếu như bạn nhận 2 email từ một người (cách nhau một khoảng thời gian), thì các email client khác sẽ chia nó ra thành 2 email riêng biệt. Vì vậy, nếu bạn muốn xem email mà người này đã gởi trước đó thì phải ra search lại. Hop thì không làm thế, bất kỳ email nào từ một người gởi, nó sẽ gom lại thành 1 mục. Tức là bạn sẽ có thể xem được toàn bộ các email mà người này đã gởi cho bạn từ trước đó, chỉ với việc vút lên mà không cần tìm kiếm phức tạp.

photo 5.PNG
Có thể xem toàn bộ ảnh từ email bằng cách xoay ngang iPhone

Ngoài ra, Hop còn có các mục Media và Documents. Ở mục Media, Hop sẽ hiển thị tất cả hình ảnh từ thư mục Camera Roll trên iPhone của bạn. Còn ở mục Documents, Hop sẽ lưu giữ tất cả những file tài liệu đính kèm mà bạn nhận được thông qua email. Bởi vậy, nếu bạn muốn tìm kiếm nhanh một file nào đó nhưng ngại lục inbox, chỉ cần vào Documents rồi tra lại là xong.

2. Hop: Email Client kiêm ứng dụng chat

image.

Hop không gọi hộp thư của chúng ta là inbox, mà nó gọi bằng một cái tên khác, đó là "Chats". Đúng vậy Hop muốn chúng ta đối xử với từng email như từng đoạn hội thoại, thậm chí bình thường khi hồi đáp email một ai đó, ta sẽ gặp từ "Reply" hay "Reply All" nhưng Hop lại dùng từ Message/Message All. Tất nhiên, không phải vì thế mà Hop bỏ đi những tính năng của một email client truyền thống như cho phép ta chèn ảnh, gởi nhiều địa chỉ, thêm tiêu đề. Nhìn chung bạn sẽ thấy giao diện email (đặc biệt là email nhóm) của Hop sẽ tương tự như một đoạn chat không hơn không kém.

bbb.

Điểm cuối cùng và cũng là điểm khiến cho Hop trở nên khác biệt chính là tính năng chat của nó. Từ đầu bài đến giờ mình chỉ đề cập về vai trò email client của Hop, nhưng nên nhớ rằng Hop là app "2 trong 1", và bên cạnh là một email client, nó kiêm luôn chức năng của một ứng dụng chat OTT. Có nghĩa là sao? Để dễ hiểu mình sẽ lấy một ví dụ đơn giản nhất cho các bạn: Hop = Mailbox + WhatsApp.

Cụ thể hơn, nhà phát triển cho biết nếu bạn và bạn bè đều dùng Hop, thì các bạn có thể tạo nên một cuộc hội thoại theo thời gian thực, và lúc này Hop sẽ trở thành một ứng dụng OTT đích thực như WhatsApp, Viber hay BBM. Tin nhắn sẽ được chuyển đi ngay tức thì - không phải tốn vài giây như khi chúng ta gởi email - bên cạnh đó, bạn cũng có lựa chọn gởi tin nhắn bằng âm thoại, vẽ hình gởi cho bạn bè, gởi ảnh hay chụp nhanh một tấm ảnh nào đó rồi gởi sang.

Tóm lại điều kiện để biến Hop trở thành ứng dụng OTT chính là bạn và người thân đều phải sử dụng Hop. Nếu chỉ một trong hai người dùng Hop, thì tin nhắn đó sẽ được gởi đi dưới dạng là một email.

Kết

Rõ ràng là Hop đang thực hiện đúng phương châm của mình: "Your Email. Reimagined". Hop muốn thay đổi cách mà chúng ta đối xử với từng email, muốn hộp thư trở thành nơi vui vẻ hơn và ít phức tạp hơn. Việc tích hợp chức năng của một ứng dụng OTT vào Hop là một ý tưởng hay và mang nhiều ý nghĩa. Email là một thứ không thể thiếu với mỗi người chúng ta, nhưng với Hop, mong muốn có họ chính là loại bỏ hoàn toàn email và thay vào đó là những tin nhắn nhanh, cho tốc độ cao hơn và mang lại nhiều thông điệp hơn.

Ưu điểm
  • Tốc độ push mail xuất sắc: sau vài ngày thử thì mình thấy Hop push mail cực kỳ nhanh, trong một vài trường hợp nó còn nhanh hơn trên máy tính của mình. So với Mailbox hay Gmail thì Hop nhanh và ổn định hơn;
  • Chia hộp thư inbox thành hai mục: email cá nhân và email quảng cáo;
  • Biến từng email thành từng đoạn hội thoại: dễ nhìn và vui vẻ hơn;
  • Có riêng một mục lưu trữ hình ảnh và những file đính kèm, thuận lợi cho việc tìm kiếm;
  • Tính năng chat rất độc đáo và mới lạ.
Nhược điểm
  • Vẫn bắt người dùng xếp hàng mới được sử dụng;
  • Chỉ hỗ trợ một tài khoản email (Hop cho biết bản cập nhật tới sẽ hỗ trợ nhiều hơn 2 tài khoản);
  • Chỉ có cho iPhone (mình có email hỏi mấy anh developer của Hop thì được biết họ đang phát triển Hop cho Android, iPad và cả nền web);
  • Việc soạn email cho một địa chỉ mới chưa nhanh, khá rườm rà (nếu soạn email cho địa chỉ có sẵn thì nhanh);
  • Thao tác vút qua để archive email chưa ngon như Mailbox, Hop cũng không có tính năng đặt lịch để xem email như Mailbox.
Trong đoạn video ứng dụng tên là Ping, tuy nhiên họ đã đổi qua tên Hop do một số vấn đề pháp lý