Nhiều studio game kí hợp đồng sử dụng Mantle API, cuộc đua đang nghiêng
về phía AMD?
AMD mới đây cho biết có 3 đối tác phát triển game lớn trên thế giới là Cloud Imperium, Eidos-Montreal (thuộc Square Enix Group) và Oxide Games đã kí hợp đồng với họ để sử dụng hàm lập trình Mantle API trong việc phát triển những game mới của họ, dành cho PC và 2 thế hệ console next-gen là PS4 và Xbox One. Mantle API sẽ giúp các nhà phát triển này tận dụng sức mạnh của GPU và APU của AMD dựa trên AMD GCN, vốn đang được họ sử dụng để phát triển nên những thế hệ card đồ họa gồm HD 7000/7000M series HD 8000/8000M series, Radeon R7 và Radeon R9 series.
Hiểu đơn giản theo hình minh họa của AMD thì ví dụ Trái Đất có 4 lớp, thì vi kiến trúc GCN là lõi của hành tinh - chính là phần cứng máy tính, card đồ họa Radeon; Mantle Driver (trình điều khiển Catalyst) là lớp bên trên; Mantle API là phần đệm và các ứng dụng đồ họa và lớp ngoài cùng. Tóm tại, Mantle API là một hàm lập trình cấp trung gian, thứ kết nối giữa phần cứng và các ứng dụng đồ họa, ví dụ game, phần mềm design, đồ họa... Hàm API này tương thích với tất cả những phần cứng được phát triển từ vi kiến trúc GCN, tức là từ thế hệ GPU Radeon HD 7000 trở lên, bao gồm cả 2 dòng máy console next-gen PlayStation 4 của Sony và Xbox One của Microsoft.
Để phát triển nên một ứng dụng đồ họa, ví dụ game, nhà phát triển cần tận dụng một hoặc nhiều hàm lập trình API, phổ biến hiện nay có OpenGL của Khronos Group và DirectX của Microsoft. Phần lớn các game phát triển cho PC lẫn console đều ứng dụng 2 bộ API này. Tuy nhiên, OpenGL và DirectX lại "quá cao cấp", có thể tương thích với rất nhiều ngôn ngữ lập trình, phần cứng máy tính, từ GPU của AMD cho đến nVIDIA, Intel đều hỗ trợ 2 bộ API này. Do đó, cái nào ôm đồm quá nhiều chức năng thì dẫn đến hiệu quả thường không đạt được tối đa. Chính vì vậy, AMD đã phát triển ra Mantle API, nhằm tối ưu hóa cho vi kiến trúc GCN và thế hệ GPU hiện nay của họ.
Để cạnh tranh với đối thủ, bạn phải có ít nhất 1 "át chủ bài", với AMD, họ có Mantle API để cạnh tranh với nVIDIA. Như chúng ta đã biết, 3 thế hệ máy chơi game để bàn (console) sắp tới đây gồm Wii U, PS4 và X1 (chính thức bán ra giữa tháng 11) đều sử dụng GPU do AMD phát triển. Đặc biệt là PS4 và X1, cả 2 đều sử dụng CPU lẫn GPU thế hệ mới của AMD dựa trên kiến trúc GCN. nVIDIA từng sai lầm khi từ chối phát triển GPU cho PS4, bởi họ chê thương vụ này quá rẻ, không đáng để bỏ công ra làm, nhưng họ đã lầm, vì với việc chiến thắng 2 hợp đồng làm GPU cho cả PS4 và Xbox 1, uy tín của AMD đã tăng chóng mặt. Thêm nữa, gần đây những tựa game đỉnh đều được dán nhãn "chơi tốt hơn với card đồ họa của AMD", ví dụ Crysis 3, Tomb Raider, Bioshock: Infinite, Far Cry 3, Battlefield 4...
Từ trước tới nay có một thực tế là rất nhiều tựa game đình đám được các studio phát triển cho console trước, sau đó mới port qua cho PC, thậm chí có nhiều game chỉ được làm riêng cho PlayStation hoặc Xbox. Trong khi đó, với việc GPU của mình xuất hiện trên PS4 và X1, chắc chắn một điều là các studio phát triển game bắt buộc phải sử dụng hàm lập trình Mantle API của AMD để tối ưu cho game của mình, tận dụng phần cứng của console tốt hơn. Chưa bàn tới việc GPU của nVIDIA mạnh hơn hay của AMD mạnh hơn, nhưng AMD đã xuất hiện trên 2 hệ console next-gen trong khi nVIDIA chỉ đánh mạnh vào PC và mobile, điều này đã giúp AMD dẫn trước đội áo xanh 1-0. Vì vậy, tâm lý của người dùng cũng sẽ phần nào nghiêng về AMD, khi mà một game nào đó được tối ưu cho GPU của AMD, thì dĩ nhiên chọn card đồ họa thương hiệu này là một lựa chọn sáng suốt nếu muốn chơi game mượt mà.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là những phỏng đoán mang tính ngắn hạn trong vài năm tới. Biết đâu, nVIDIA sẽ có một bước đột phá mới, thu hút các studio quay lại với họ, tiếp tục hỗ trợ card đồ họa GeForce như trước đây. Chúng ta hãy cùng chờ xem.