NASA cho phép các công ty tư nhân đầu tư nhằm khai thác tài nguyên trên
Mặt Trăng
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đang tìm kiếm sự hợp tác với các công ty tư nhân nhằm thực hiện những bước đầu tiên trong chương trình khám phá và khai thác những nguồn tài nguyên quý hiếm trên mặt trăng. Động thái trên thuộc khuôn khổ chương trình đổ bộ và vận tải hàng hóa trên mặt trăng (Lunar CATALYST) do NASA khởi xướng nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học đồng thời xúc tiến các hoạt động thương mại trên mặt trăng.
Không giống như chương trình vận chuyển hàng lên trạm không gian quốc tế ISS trước đây do NASA liên kết với SpaceX và Orbital Sciences, dự án Lunar CATALYST sẽ không nhận được viện trợ kinh phí từ chính phủ Mỹ.
Bước đầu tiên, NASA kêu gọi các công ty tư nhân đầu tư nguồn vốn và sử dụng đội ngũ chuyên gia, trang thiết bị cùng các công nghệ của NASA để giúp thiết kế và chế tạo robot vận hành trên mặt trăng. Những công ty trúng thầu sẽ dùng những robot thương mại này để đổ bộ và khai thác tài nguyên trên mặt trăng.
Theo các nghiên cứu trước đây, đất trên mặt trăng chứa tới 17 nguyên tố hiếm trong bảng tuần hoàn. Đây là các nguyên tố có nhu cầu sử dụng ngày càng lớn đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. Chương trình kêu gọi đầu tư của NASA không chỉ tạo ra cơ hội lớn cho các công ty tại Mỹ mà còn nhiều công ty khác trên toàn cầu.
Trước đây, NASA cũng đã tìm tới các công ty tư nhân để tiếp tục nghiên cứu và khám phá trong khi nguồn kinh phí đang ngày càng ít ỏi. Trong chương trình cải tiến thuật toán khám phá tiểu hành tinh, NASA cũng đã kêu gọi sự quyên góp từ nhiều công ty tư nhân để thực hiện sứ mạng của mình và đã nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều công ty lớn. Hiện tại, các dịch vụ cung cấp cho trạm không gian ISS cũng nhận được sự cung cấp từ các công ty tư nhân.
Giám đốc hệ thống thăm dò cao cấp của NASA Jason Crusan cho biết: "Những sứ mạng gần đây bởi các vệ tinh đã tiết lộ các bằng chứng về sự tồn tại của nước và các nguyên tố thú vị khác trên mặt trăng. Nhưng để có thể biết được quy mô và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên, chúng ta cần phải tiêp cận và nghiên cứu trực tiếp trên bề mặt. Việc kêu gọi đầu tư từ các công ty tư nhân có thể phục vụ cho cả 2 mục đích nghiên cứu lẫn thương mại ngoài không gian."
Tuy nhiên, khả năng khai thác tài nguyên trên mặt trăng và sự xuất hiện của các công ty tư nhân đang gây ra nhiều tranh luận về quyền sở hữu mặt trăng của các quốc gia. Theo Hiệp ước ngoài vũ trụ của Liên hiệp quốc ban hành năm 1967, không quốc gia nào được phép tuyên bố quyền sở hữu đối với mặt trăng.
Qua trao đổi với tờ The Telegraph, giáo sư khoa học không gian Crawford cho biết: "Rõ ràng, các tổ chức cá nhân đang muốn khai thác nguồn tài nguyên trên mặt trăng cho riêng mình. Do đó, hiện tại cần phải phát triển một đạo luật quốc tế trong lĩnh vực này vì hiệp ước năm 1967 không đề cập tới quyền khai thác mặt trăng của các cá nhân. "