"Chuyện đó chuyện đây" là chủ đê được kể bằng hình ảnh, và hình ảnh được chụp bằng điện thoại. Đây là một chủ đề bản thân mình rất thích bấy lâu, nay xin bắt đầu. Hầu hết mọi người đều có một chiếc điện thoại và có thể lưu lại ảnh mọi cảnh mình sống, khoảnh khắc mình gặp, con người với con người, trong xã hội và với thiên nhiên vạn vật. Có nhiều ý kiến về "ảnh điện thoại" lắm, nhưng có thể đó là những ý kiến sâu xa về "nghệ thuật nhiếp ảnh". Mình chỉ là người thích chụp và chụp rồi thì mang đi kể lại thôi.
"Chuyện đó chuyện đây" kỳ này là câu chuyện ghé thăm làng H'mông ở Lâm Đồng và Daknong. Trước khi kể lại nhớ cụ Nguyễn Du viết bốn câu thơ như hát như ngắm cảnh như nghe âm thanh rằng:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa...
Có cả âm thanh, nhạc điệu, có cả hình ảnh, có cả cái cụ thể, lại như mơ hồ. Không phải là những "nốt", những âm điệu rõ ràng, xác định, mà là tiếng suối, tiếng gió, tiếng mưa, dễ hình dung, nhưng thật ra lại ít xác định, mở ra nhiều liên tưởng.
Ngôn ngữ là phương tiện như vậy. Còn hình ảnh thì sao?
- Đối tượng của nhiếp ảnh? - Là cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trong đó chủ yếu là cuộc sống của con người. Dẫu một bức ảnh thể hiện khía cạnh nào của cuộc sống chăng nữa, một ngôi nhà, một ngọn núi, dòng sông, cảnh hoàng hôn, đêm trăng, đàn chim, bầy cá v.v... thì điều mà người chụp ảnh chiêm ngắm, điều làm họ ngạc nhiên, xúc động, cảm nhận và muốn chia sẻ để người khác cũng ngạc nhiên, xúc động, cảm nhận như mình. Không phải là tự thân của cảnh chụp đó, mà là mối liên hệ của chúng với con người, tính chất người, ý nghĩa cuộc sống con người mà cách chụp, cách thể hiện, sự rung động của con người trước cái đẹp cụ thể đó và trước cuộc sống.
- Hình ảnh chia sẻ mang ý nghĩa gì? - Không phải người chụp chỉ phản ánh, tái hiện cuộc sống, nêu lên những hiểu biết về vạn vật, con người... mà còn bày tỏ thái độ chủ quan của họ, qua những từ "cảm xúc", "cảm giác", "cảm nhận"... nói lên khát vọng, ước mơ của họ về thế giới, về cuộc sống. Cái đẹp soi sáng cuộc sống bằng một lý tưởng thẩm mỹ nào đó, gián tiếp hay trực tiếp đều mong cái đẹp, sự hài hoà giữa con người với nhau, với xã hội, với thiên nhiên được đẹp hơn.
- Đặc trưng của chụp ảnh? - Đó là tính độc đáo, mới mẻ ngay trong cảnh vật, cuộc sống, thiên nhiên hàng ngày. Một bức ảnh được chụp trong hoàn cảnh cụ thể, và "một đi không trở lại", gắn liền với khả năng và tính sáng tạo độc đáo riêng của từng người chụp. Người chụp bị thu hút bởi cái riêng, cái cá biệt, cái đặc sắc, lưu lại trong khung ảnh của mình. "Nghệt thuật là tôi, khoa học là chúng ta" (L'art c'est moi, la science c'est nous).
- Nhiếp ảnh là đóng khung cuộc sống? - Nhiếp ảnh không ngừng đi tìm cái mới, tìm tòi cái mới. Cái mới và cái độc đáo gắn với nhau. Không độc đáo, không mới, thì khó lòng có được chỗ đứng. Chụp ảnh dễ mà khó! Nhiều bức ảnh của thợ khéo tay, rành kỹ thuật, làm theo một vài kiểu mẫu, người chụp chúng không tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái chưa có.
Lời quê góp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Lên đường nhé anh em!
Ở Saigon đô thành, nhà chen nhà, xe chen xe, người chen người, công việc chen công việc. Thời gian dường như chuyển động rất nhanh, nhanh đến chóng mặt với những va đập đối lập, phi lý, vô cảm, khiến tâm hồn mình như bị xé nát thành nhiều mảnh. Vì vậy, trong vô thức, nỗi khát khao được trở về với thiên nhiên, đắm mình trong trời đất, núi sương, gió mưa hoa lá ... để mà ngưng nghỉ. Và, cuối năm rồi mình đã có những chuyên đi, chuyến đi gần như xuyên Việt. Lúc xe đò, khi xe máy, có hôm ra biển, có lúc lên núi cao, có ngày ở tận Tây Bắc, có ngày lang thang ở Miền Tây Nam Bộ. Và, dĩ nhiên, chụp ảnh bằng điện thoại.
Ảnh trong bài được chụp rải rác bằng Nokia Lumia 1020, Lumia 1520, Oppo N1, iPhone... đồ mượn
Từ Saigon, hết phố mù cát bụi, qua khỏi đèo Bảo Lộc, bạn có ngay cảm giác phố núi của sương của rừng chè bạt ngàn. Nếu một cơn gió lành đưa bạn đến đây, vào bất cứ mùa nào của bốn mùa xuân hạ thu đông, bạn đều cảm nhận được một thiên thai mộng lơ lửng trên sương. Một ao ước có cái chòi để mà ẩm trà nghe tiếng gió tiếng mây. Lòng nhẹ êm, thanh thản, quên kiếp sống nhọc nhằn.
Khi trời chưa tỏ sáng, lờ mờ theo từng luống chè và cafe, không gian tịch mịch và thánh thiêng làm sao. Đêm đen vẫn dày đặc nhất vào lúc trước hừng đông. Mặt trời ló dạng xé toác màn đêm. Từng luồng ánh sáng phóng xuyên màn sương sớm, làm bung tỏa những dãy khúc xạ đổi màu liên tục tuyệt đẹp. Sương Lâm Đồng vẫn có nét đặc trưng như thế.
Nhìn lên là mây trời lượn lờ trong nắng sớm. Sương mù bao quanh cả dưới chân đứng của mình. Cảm giác cứ lành lạnh tăng thêm sự hòa quyện với không gian núi rừng sương gió. Dọc đường, cũng nên dừng lại một chút để được đi xa hơn trong cảm xúc với thiên nhiên.
Và khi ánh sáng chan hòa nhân gian, vạn sự được bừng sáng, hơi ấm lan tràn đến vạn vật, bầu trời kia trở nên rộng rãi bao la, mây vần mây vũ tuyệt đẹp. Thiên nhiên bao la bừng tĩnh như lời tạ ơn Đấng Tạo Hóa - kiến trúc sư thiên tài - kiến tạo một trật tự, thiên nhiên lạ lùng. Sương khói như quấn lấy chân và cả cơ thể người chụp. Phải đứng lặng mình, nín thở chiêm ngắm!
Chúng tôi vào Bảo Lâm và theo con đường xuyên rừng cây đi mãi... thì xuất hiện bóng người. Hỏi ra thì được biết có nhóm dân H'mong lập cư ở đây. Nghe bảo nhóm dân này phiêu cư từ Tây Bắc vào tận đây lập nghiệp. Được biết Dân tộc Hmông phân bố khắp trên các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và số ít ở Phú Thọ. Sau 1975, một bộ phận Người Hmông di cư vào sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên. Đây là một trong số đó.
Trang phục
Ấn tượng đầu tiên với văn hoá H’mông chính là trang phục. Nhất là trang phục của các thiếu nữ. Áo có cổ lật ra phía sau gáy. Thắt lưng buông hai dải dài phía sau. Tấm vải che đằng trước váy. Vuông vải che ở phía mông. Khăn quấn đầu. Xà cạp và tấm áo khoác ngoài không có tay, có cổ lật ra phía sau gáy. Tất cả các chi trong dân tộc H'mông đều có kỹ thuật thêu khá tinh vi và có truyền thống giỏi trong trang trí bằng hình chắp vải mầu, vẽ sáp ong trên vải để lấy họa tiết mầu trắng trên nền mầu chàm. Hầu hết các họa tiết được thêu, vẽ, chắp vải trên nền vải lanh trắng hoặc vải đỏ, có định hình sẵn là các bộ phận của áo, váy. Sau khi hoàn thiện đồ án trang trí từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may ráp, hoàn chỉnh váy, áo...
Phụ nữ H’Mông Hoa trang trí họa tiết ở trang phục phong phú hơn, ở cả khăn đội đầu, cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, bồ giáo, thân váy, xà cạp… kỹ thuật thêu hoa văn của người H’Mông rất phức tạp và vì thế, nó thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ H’Mông. Cách bố cục và họa tiết trên trang phục của người Mông còn thể hiện sức sống, bản lĩnh của người Mông trước thiên nhiên…
Quần áo của người Mông chủ yếu may bằng vải tự dệt, đậm đà tính cách tộc người trong tạo hình và trang trí với kỹ thuật đa dạng. Chỉ với 4 màu chủ đạo xanh, đỏ, trắng, vàng của chỉ tơ tằm mà họa tiết của trang phục đã tỏa ra muôn sắc màu, tạo cảm giác trầm ấm. Trang phục của phụ nữ Mông có họa tiết hoa văn đẹp từ khăn đội đầu đến xà cạp quấn chân. Phụ nữ Mông trắng trang phục có họa tiết tập trung ở cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, bồ giáo phía trước.
Người H’Mông rất gắn bó với trang phục truyền thống. Hàng ngày, dù lạnh dù nóng, làm gì ở đâu như đốt đồng, nấu nướng, xay ngô, trông em hay tham gia các trò chơi dân gian mọi người vẫn mặc trang phục truyền thống, ít khi vận mượn của dân tộc khác. Khi làm đồng hay việc nhà, ai nấy có thể mặc áo quần mộc mạc, nhạt màu, ít hoa văn và không đeo nhiều trang sức, nhưng đi hội thì phải thật lộng lẫy, có bao nhiêu áo váy, vòng bạc đều diện hết. Áo quần khi thay ra giặt được treo phơi ngay cửa nhà.
Ẩm thực
Người H’Mông có những nét văn hóa ẩm thực độc đáo như: Thắng cố, thịt hun khói, các loại thịt nướng, cá suối … Các món ăn đó ngoài việc cấp chất dinh dưỡng, giúp người ta khả năng chịu rét cắt da mùa đông mà còn góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa ẩm thực. Hôm đó, mình được cơ máy chứng kiến một món trong số đó.
Mình chui vào trong bếp của một gia đình. Giật mình vì những chuỗi thịt treo trên vách. Hỏi ra mới biết người H'mong có thói quen tích trữ thịt heo ăn dần. Họ treo thịt hun khói từ rất nhiều ngày ở đó. Thậm chí là đến khi thịt có mùi là lạ rồi xẻo từng miếng cho bữa ăn gia đình. Vào mùa lễ gặt lúa hoặc lễ tết H'mong thì hầu như nhà nào cũng tích trữ thịt thế này. Trong các món ăn hàng ngày cũng như lễ hội, dân tộc H'Mông rất chú trọng đến gia vị và màu sắc vì đặc điểm thiên nhiên ở đây giá lạnh, rất cần có những món ăn ấm, nóng với màu sắc mạnh.
Trẻ em hồn nhiên
Điều mà bạn sẽ có nhiều xúc cảm, cũng như ở các vùng dân tộc khác, ấy là trẻ thơ H’mông. Tuổi thơ con người đều có vạch xuất phát như nhau, sanh ra từ lòng mẹ, nhưng ngay sau đó thật khác nhau. Có ai đó bảo họ bị ném vào cuộc đời hỗn loạn này; kẻ khác lại bảo họ được trãi thảm từ thuở bình sinh; có người có đích để mà đi để mà đến, có người cuộc đời như thể hai đầu là hư vô... Dẫu là gì, con người là một huyền nhiệm.
Và, dẫu là gì, dẫu như thế nào, tuổi thơ con người luôn luôn đẹp! Tuyệt đẹp!
Hôm đó, mình đứng ngất ngây và lặng đi với rất nhiều cảnh và đời của trẻ H'mong. Không ngôn ngữ chung diễn tả cảm xúc của tôi và giữa chúng tôi. Chỉ đến, thấy và cảm nhận. Mượn thơ của KatiushaLover gửi để mơ về một tuổi. Thằng bé bấu lấy lưng mẹ nó, đôi mắt sáng ngời, hồn nhiên và muốn nói!
"Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ...! "
Một vé trở về giấc mơ màu cổ tích
Bút mực, truyện tranh...những tiếng cười khúc khích.
Bàn có năm người và một bịch bỏng ngô.
Cho tôi về cái thời biết tập tô
Vẽ ông mặt trời cười hiền hiền như bố
Cột tóc hai bên lon ton chào khắp phố
Chiếc xắc xinh xinh đựng những món đồ hàng.
Cho tôi về chơi lại ô ăn quan
Bắn chun, ùn đẩy rồi xếp hàng vào lớp
Kéo áo bàn trên mượn bút chì, tẩy, thước...
"Mày ơi !" , xòe tay là được hạt ô mai...
Cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ.
Vé hạng trung
Người bán vé hững hờ
Khe khẽ đáp:
Hôm nay vé hết!
...
Bé vẫn cười... làm tôi suýt khóc!
Biết làm sao!
Vé hết, biết làm sao!
Cho tôi xin một vé, không hai
Vé một chiều chẳng còn đường quay lại
Cho tôi về tuổi thơ tôi mãi mãi
Ngủ với trăng sao trong những giấc mơ dài...
...
Trò chơi dân gian H’mông
Hôm mình lên là ngày Tết H’mông. Mồng Sáu Tết Âm Lịch. Trước đây, người H'Mông ăn Tết theo "Lịch Mặt Trăng," nhưng có sự xê dịch so với lịch Âm là không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày, đếm theo thứ tự cứ đến ngày thứ 361 là ngày mồng 1 “Tết của một năm.” Như vậy năm nhuận của lịch Âm thì Tết H'Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán hàng tháng trời, không nhuận thì có thể ngay sau Tết Nguyên đán.
Theo cách tính của lịch H'Mông, cuối tháng Con Bò hoặc đầu tháng Con Hổ tương đương với tháng 11 hoặc tháng Chạp (tính theo con giáp) là các làng bản người H'Mông đã nhộn nhịp không khí Tết. Việc ăn Tết cổ truyền của người H'Mông mang nặng tính cộng đồng, dòng họ, gắn liền với tín ngưỡng của dòng họ mang tính nội tộc là chủ yếu. Vì vậy, không phải ai cũng được mời đến ăn Tết hoặc tự đến chúc Tết gia đình họ.
Và, Tết là dịp họ tổ chức các trò chơi dân gian. Hôm mình đến, chỉ được xem các trò "ném còong", thảy "còong", "kéo co", "đẩy gậy", "leo cột mỡ", "đánh cù"... còn nhiều trò chơi khác, thật tiếc là mình không ở lại được đến hết ngày. Kéo co là trò chơi tạo không khí nhộn nhịp nhất. Có rất nhiều nhóm tham gia kéo, nam riêng, nữ riêng và mỗi bên 5 người. Có trọng tài và tổ chức kéo đến khi nào hết người thích kéo thì thôi!
Lớn kéo, nhỏ cũng kéo...
Thảy còong là trò chơi hầu hết của các thiếu nữ. Một cuộn vải buộc chặt lại trông như quả banh tennis, và cứ thảy cho nhau. Họ chơi suốt ngày, cả giữa trưa chang chang nắng khô như ngói.
Con trai thì chơi đánh cù. Trò này rất hấp dẫn, và phải phục các chàng trai, đánh rất chính xác và con cù hú lên là mọi người vỗ tay.
Leo cột mỡ là trò dễ cười nhất. Cây cọc cao khoảng 12m được bôi đầy mỡ trơn tuồn tuột. Người tham gia chơi sẽ đeo bao tay bao chân trèo lên đỉnh cột lấy được cờ là thắng. Nghe người dân bảo đúng ra là phải ở trần không ở truồng nữa, nhưng hôm đó mình không thấy
Ném Còong là trò chơi khó nhất và được nhiều người chú ý nhất. Một cây sào rất cao treo cờ giấy. Ai cũng có thể tham gia bằng cách làm một chiếc còong bằng vải cuộc lại và ném sao lọt vào lá cờ thì thắng. Mình cũng mượn ném thử và ... để lại một tràng cười.
Đẩy gậy là trò chơi từng cặp một. Đẩy sao cho người bên kia ra khỏi vòng tròn là thắng. Khán giả và mọi người ai cũng vui vẻ. Kẻ chơi người dạo đầy màu sắc.
Em ghé thăm một gia đình, bà cụ mở cửa và rất nhiều câu chuyện được nghe ở ngôi nhà này. Nhà người H'mông, Cửa bao giờ cũng mở vào trong chứ không mở ra ngoài. Người Mông không sử dụng bản lề, then chốt bằng sắt mà hoàn toàn bằng gỗ, bởi người Mông coi cửa mở ra đóng vào là lòng bụng con người, trong khi đó bản lề sắt thép là những vật cứng được ví như dao kiếm. Ngoài cửa chính, nhà của người Mông còn có cửa phụ, là lối để đưa đồ dùng cho người chết vào nhà lúc tang ma.
Gia đình ngoài làm nương rẫy, được các tổ chức bác ái giúp cho một máy may để lao động thêm.
Đến làng H'mông ở Lâm Đồng hoặc ở Đaknong, bạn nên đi bộ từ đầu làng đến cuối làng, khoảng 5km, ghé đây đó mỗi nơi. Không ở lại được nhiều hơn, chỉ một ngày lên thăm núi rừng và bà con H'mông, chia sẻ lại cho anh em những bức ảnh mộc mạc. Trưa đứng bóng, mình chia tay gia đình này và ra về, ra ngoài còn thấy các con trẻ chơi đùa lẫn mình trong đám cỏ...
Tạm biệt, hẹn gặp lại!
Và, bắt gặp dưới bóng cây đại thụ... một tình yêu!
Nghịch chút... Chúc anh em vui vẻ!