Hiển thị bài đăng được sắp xếp theo mức độ liên quan cho truy vấn hp mua palm. Sắp xếp theo ngày Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị bài đăng được sắp xếp theo mức độ liên quan cho truy vấn hp mua palm. Sắp xếp theo ngày Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Qualcomm mua lại của HP 2400 bằng sáng chế liên quan đến Palm, iPAQ và Bitfone

Patenet_Wall_Qualcomm.
Bức tường treo các bằng sáng chế của Qualcomm tại trụ sở chính của họ

Qualcomm mới đây thông báo rằng họ đã mua lại từ HP bộ sưu tập 2400 bản quyền và đơn đăng kí bản quyền liên quan đến Palm, iPAQBitfone, trong đó bao gồm 1400 cái ở Mỹ và 1000 cái tại các nước khác. Những bản quyền này nói đến nhiều thứ, từ "những kĩ thuật cơ bản liên quan đến hệ điều hành di động" cho đến công nghệ và phần mềm ứng dụng. Qualcomm viết rằng việc mua một số lượng rất lớn bằng sáng chế như trên sẽ giúp "cung cấp nhiều giá trị hơn nữa" đến những công ty khác vốn đang và sắp được Qualcomm cấp quyền sử dụng các bản quyền.

Thực chất thì Qualcomm là hãng đã phát triển nên một trong những chiếc điện thoại chạy Palm OS đầu tiên vào năm 1999, chính là chiếc PDQ 800, sau khi không thể thuyết phục Apple mua bộ thu phát sóng di động của mình để dùng cho chiếc PDA Apple Newton. Do đó, những bản quyền nói trên có thể bao gồm một số ý tưởng ban đầu của Qualcomm nhưng đã được bán cho Palm từ lâu, giờ đây sau khi đi một vòng qua nhiều công ty thì chúng đã quay trở về với ngôi nhà của mình.

Qualcomm xác nhận với trang The Verge rằng hãng" đã sở hữu các bằng sáng chế về webOS như một phần của thương vụ với HP". Hiện chưa rõ việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến LG, vốn đang sử dụng webOS cho các TV thông minh của mình. LG đã kí thỏa thuận sử dụng webOS với HP hồi năm ngoái, tuy nhiên hãng không mua lại các bằng sáng chế có liên quan.

Vậy Qualcomm sẽ làm gì với số bằng sáng chế khổng lồ mà họ vừa mua được? Có nhiều khả năng xảy ra, không loại trừ việc hãng sẽ tự mình làm smartphone như những gì từng xảy ra với chiếc PDQ 800. Khả năng cao nhất nằm ở việc Qualcomm sẽ tăng cường việc cấp quyền sử dụng cho các công ty, từ đó tăng doanh thu từ lượng tài sản trí tuệ mà hãng đang nắm trong tay. Việc có nhiều bằng sáng chế cũng giúp Qualcomm có được lợi thế trong quá trình đàm phán để bán chip cho các hãng sản xuất mobile.

Nguồn: Qualcomm, The Verge

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Jon Rubinstein trải lòng về quyết định bán Palm cho HP

jonrubinstein

Jon Rubinstein từng có vài năm giữ chức CEO tại Palm và khi ông này ra đi cũng như việc Palm chìm xuống vực sâu, Jon đã có những trải lòng về quyết định bán công ty cho HP. Trong cuộc phỏng vấn với Fierce Wireless, Rubinstein cho rằng nếu có cơ hội làm lại thì ông đã không quyết định bán Palm cho HP. "Điều đó thật phí phạm. Nếu chúng tôi biết họ mua lại chỉ để khai tử và không cho bất cứ cơ hội nào cho Palm, tại sao chúng tôi phải bán mình cho HP?", Jon Rubinstein tiếc nuối khi nói về quyết định trong quá khứ.

Quyết định bán lại Palm cho HP vào năm 2010 là một sai lầm nhưng Jon Rubinstein còn cho biết đối tác nhà mạng mà họ hợp tác cũng phần nào khiến Palm bị diệt vong. Ở thời điểm bắt đầu, thương vụ hợp tác giữa Palm và hai nhà mạng Vodafone và Verizon đã gần hoàn thành nhưng sau đó hai nhà mạng này rút lui vào phút chót và Sprint là lựa chọn duy nhất dành cho Palm lúc đó. Trong quá khứ, Sprint là nhà mạng duy nhất phân phối Pre tại Mỹ nhưng họ đã thất bại trong việc cạnh tranh với iPhone cũng như những smartphone khác.

Đó là những gì đã qua, vậy còn hiện tại thì sao? Jon Rubinstein cho biết những phát minh của Palm hiện đang được Microsoft, Apple và Andoid học hỏi và đi theo. Ông này cho rằng những công nghệ, tính năng có trên webOS bao gồm đa nhiệm, thông báo, Synergy hay thậm chí là cập nhật OTA đều là những ý tưởng mà các nền tảng khác học hỏi từ Palm. WebOS hiện tại được coi là một nền tảng chết trên thị trường di động vì LG mua lại nó chỉ để dùng trên TV mà thôi.


Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Những "khách hàng tiềm năng" từng được cho là sẽ mua lại BlackBerry

[IMG]

Bắt đầu từ cuối năm ngoái cho đến tận tháng 10 năm nay, BlackBerry đã được đồn thổi là sẽ bị mua lại bởi nhiều công ty, tổ chức và cá nhân khác nhau. Giờ đây nhà sản xuất điện thoại Canada đã nhận 1 tỷ USD tiền đầu tư từ hãng tài chính Fairfax và một số nhà đầu tư khác, đồng thời thay đổi CEO. Việc mua bán công ty chắc chắn chưa phải là kết thúc, tuy nhiên nó có thể sẽ hoãn lại một thời gian. Và để nhìn lại chặn đường đã qua, chúng ta hãy cùng xem những tên tuổi nào đã từng xuất hiện như là các "khách hàng tiềm năng" cho việc thâu tóm BlackBerry.

Đồng sáng lập BlackBerry Mike Lazaridis

Mike Lazaridis đã thành lập RIM (tên cũ của BlackBerry) từ năm 1984, và chủ mới rời khỏi chức đồng CEO của mình hồi năm ngoái mà thôi. Giờ đây có vẻ như ông đang muốn khôi phục và làm mới lại "đứa con" của mình. Chỉ ít hôm trước, Lazaridis được cho là đang làm việc với hãng tài chính Cerberus Capital Management và có thể với cả Qualcomm để mua lại BlackBerry.

Thực chất thì Lazaridis chưa bao giờ muốn rời khỏi BlackBerry, thế nên không có gì quá ngạc nhiên khi chúng ta nghe đồn về việc ông sẽ trở lại. Trong cuộc phỏng vấn với trang The Globe and Mail, khi thảo luận về vấn đề đi xuống của BlackBerry, Lazaridis nói điều đó "thật sự làm tôi rất đau". "Mọi người đều nói về viễn cảnh BlackBerry bị tách ra nhiều phần nhỏ rồi đem đi bán. Nhưng điều gì sẽ xảy ra cho vùng Waterloo, hay Canada? Công ty nào sẽ thay thế cho BlackBerry?"

Facebook

Hồi tuần trước chúng ta cũng có thông tin nói là Facebook đã có cuộc gặp mặt với những quan chức cấp cao thuộc BlackBerry để bàn về việc mua lại. Cuộc đàm phán như thế này khá lạ và nó không thật sự phù hợp với những gì Facebook đang kinh doanh, mặc dù hãng cũng có để mắt đến phần cứng có khả năng kết hợp với Facebook. Có thể đây là nỗ lực của BlackBerry trong việc thu hút sự chú ý từ đế chế của Mark Zuckerberg mà thôi.

Cựu CEO Apple, ông John Sculley

John Sculley từng giữ chức CEO của Apple trong 10 năm (1983 - 1993) và nổi tiếng vì là người đã sa thải Steve Jobs trong thập niên 80. Sau khi rời Apple, Sculley chủ yếu làm việc như một nhà đầu tư và ông được cho là đã khám phá tiềm năng của thương vụ mua lại BlackBerry cùng với các đối tác của mình. Mặc dù Sculley từng nhận xét việc hồi sinh BlackBerry sẽ là một thử thách nhưng ông vẫn nghĩ rằng "có rất nhiều giá trị tương lai ở BlackBerry".

Lenovo

Lenovo hiện đang mở rộng việc kinh doanh smartphone của mình ra khỏi Châu Á nên không lạ khi hãng có ý định mua lại BlackBerry. Đã hai lần công ty Trung Quốc này được cho là đang thương thảo với BlackBerry, nhưng tin tức mới nhất nói rằng chính phủ Canada đã ngăn không cho điều này xảy ra vì lo ngại đến an ninh quốc gia.

Google, Samsung, Intel, Cisco, LG...

BlackBerry không chỉ ngồi một chỗ và chờ người mua đến với mình, hãng cũng đã tích cực và chủ động đi tìm khách hàng tiềm năng và đã tiếp cận những cái tên kể trên. Chưa rõ những cái tên này có thật sự muốn mua BlackBerry hay không, nhưng hãng thông tấn Reuters từng nói rằng BlackBerry đã đàm phán với Cisco, Google và SAP (công ty chuyên về phần mềm doanh nghiệp của Đức). Nguồn tin của Reuters tiết lộ thêm rằng BlackBerry cũng có tìm kiếm phản ứng từ những "khách hàng tiềm năng khác", bao gồm Intel và những công ty châu Á như LGSamsung, trong khoảng đầu tuần sau.

Tập đoàn tài chính Fairfax

Vào cuối tháng 9, Fairfax đề nghị một thương vụ tư nhân hóa BlackBerry trị giá 4,7 tỉ USD. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng có vẻ như không muốn cho Fairfax mượn tiền để thực hiện ý định của mình vì không tin vào tương lai của BlackBerry. Cuối cùng thì Fairfax cũng đã không chi ra số tiền nói trên, hãng chỉ hợp tác cùng nhiều nhà đầu tư khác bơm cho BlackBerry 1 tỉ USD để nắm quyền kiểm soát một phần công ty và cho CEO Thorsten Heins ra đi. Đây là người mua "tiềm năng" duy nhất thật sự đã có hành động cụ thể tính đến thời điển hiện tại. Và hiện BlackBerry vẫn đang là một công ty độc lập và có niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

IBM

Khoảng một năm trước, IBM được cho là đang cân nhắc mua lại bộ phận dịch vụ doanh nghiệp của BlackBerry. IBM là một công ty chuyên cung cấp giải pháp cho các công ty, tổ chức, nên việc hãng "nhòm ngó" các công nghệ và dịch vụ của BlackBerry là hoàn toàn có lý. Sau này cái tên IBM không còn xuất hiện nhiều nữa trong những tin tức liên quan đến BlackBerry, nhưng vẫn còn đó khả năng IBM sẽ quay trở lại với thương vụ này trong trường hợp BlackBerry bị chia nhỏ ra thành nhiều phần.

Oracle

CEO Larry Ellison của Oracle hồi năm ngoái tiết lộ rằng công ty ông thực chất đã từng cân nắc đến việc mua lại BlackBerry hoặc Palm để gia nhập vào cuộc chơi smartphone. Số phận của Palm sau đó đã về với HP, trong khi BlackBerry thì rõ ràng vẫn còn quá đắt giá ở thời điểm đó. Bây giờ thì đã khác, nhưng có vẻ như Oracle sẽ không mua lại BlackBerry trong tương lai gần.

"Tiến sĩ" Nono C. Pearson

Trong số những khách hàng mua BlackBerry có sự xuất hiện của "tiến sĩ tự phong" Nono C. Pearson, nhà sáng lập và là CEO của một công ty giải trí mang tên United Vision Marketing Firm (UVMF). Đề nghị mua lại RIM được công ty UVMF đưa ra sau một cuộc bàn bạc chiến lược với các thành viên đứng đầu cũng như những người tư vấn, kèm theo đó là "tuyên bố mới đây của CEO RIM về việc muốn bán công ty". Pearson muốn thương vụ này được thực hiện thông qua việc trao đổi cổ phiếu với công ty của ông, vốn đang chuẩn bị công bố cổ phiếu ra công chúng (IPO). Pearson khởi nghiệp là một DJ và nhà viết nhạc, năm nay 38 tuổi, hiện đang làm việc liên quan đến nhạc rap. Bạn nghĩ thế nào về việc một rapper có ý định mua lại RIM?

Microsoft và Nokia

Một thời gian dài trước khi Microsoft quyết định mua lại Nokia, cả hai công ty đều đã từng được cho là đã thương thảo với BlackBerry để mua lại hãng smartphone Canada. Hai khách hàng này không còn xuất hiện nhiều trong thời gian sau đó, nhưng cũng đã có lúc BlackBerry nghĩ đến việc nhảy sang Windows Phone rồi đấy! Giờ đây thì Microsoft đã thâu tóm Nokia nên khó có khả năng Microsoft sẽ cân nhắc đến việc mua BlackBerry.

Amazon

Năm 2011, Amazon được cho là đã thuê một ngân hàng đầu tư để đánh giá khả năng và lợi nhuận nếu như Amazon mua lại BlackBerry. BlackBerry đã không hứng thú với thương vụ này vào thời điểm đó. Lại một lần nữa cái tên Amazon không còn xuất hiện nhiều trong các tin tức về BlackBerry trong khoảng một năm trở lại đây.

Kết

Hiện Fairfax đang chỉ định John Chen - một người nổi tiếng trong việc phục hồi các công ty đang trên đà thất bại - làm CEO lâm thời của BlackBerry. Chen sẽ có nhiệm vụ cắt bỏ các mảng kinh doanh không mang lại lợi nhuận cho công ty và tập trung nhiều hơn trong việc phục vụ đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Nhưng nếu Chen không thành công, nhiều khả năng những cái tên nói trên (và cả những công ty mới) sẽ lại bắt đầu cân nhắc đến việc mua lại BlackBerry.

Xem thêm: Vì sao BlackBerry thất bại - một câu chuyện được kể từ bên trong


Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Qualcomm bổ nhiệm Jonathan Rubinstein, cựu chủ tịch Palm vô ban quản trị công ty

Jonathan Rubinstein

Hôm qua 6/5, tập đoàn Qualcomm cho biết hội đồng quản trị đã bỏ phiếu thông qua để mời ông Jonathan Rubinstein vào vị trí trong ban giám đốc công ty. Ông Rubinstein có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển các thiết bị di động, trước đây ông từng là phó chủ tịch cấp cao trong mảng sáng tạo sản phẩm của Hewlett-Packard tính tới tháng 1/2012 vừa qua. Ở HP, Jon Rubinstein từng là người giữ quyết định chính trong việc thiết kế ra PC cũng như thế hệ máy tính bảng Touchpad.

Ngoài những chức vụ quan trọng ở HP kể trên, Jonathan Rubinstein cũng là viện sĩ Viện hàn lâm Kỹ sư của Mỹ, một thành viên cấp cao của IEEE và còn là thành viên hội đồng quản trị của Amazon. Hồi năm 2007 trước khi HP mua lại Palm thì Jon giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của công ty này, và sau đó về làm tổng giám đốc của Palm kể từ 2010, sau khi công ty sáp nhập vào HP.


Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Bloomberg: HP lên kế hoạch bán một phần các bản quyền di động, có cả tài sản liên quan đến webOS

[IMG]
Theo hãng tin Bloomberg, HP đang lên kế hoạch bán một phần trong số các bản quyền về thiết bị và công nghệ di động, trong đó có cả một số thứ liên quan đến webOS, nhằm củng có tình hình tài chính của công ty. Nguồn tin ẩn danh nói rằng HP đã "bỏ đi những điều khoản giới hạn có khả năng làm bản quyền trở nên kém hấp dẫn" và hiện đã tiếp cận với một số khách hàng tìm năng để mua lại khối tài sản trí tuệ này.

HP đã thâu tóm webOS hồi năm 2010 khi họ mua lại Palm. Tuy nhiên sau đó bộ phận di động của HP không đạt kết quả kinh doanh tốt nên hãng đã quyết định chuyển webOS thành hệ điều hành mã nguồn mở và đã bán mã nguồn cộng với đội ngũ kĩ sư cho LG. Mặc dù vậy, các bản quyền phía sau webOS thì vẫn do HP quản lí và hãng chỉ cấp phép sử dụng nó cho LG mà thôi. Nguồn tin của Bloomberg cho biết thêm rằng việc HP bán các bằng sáng chế sẽ không ảnh hưởng đến LG trong việc ra mắt TV chạy webOS vào năm sau.


Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Người tạo ra chuột máy tính đầu tiên cho Apple kể về sự nghiệp thiết kế đầy thú vị của ông

20140805-IDEO-JAMES-YURCHENCO-036edit.

Jim Yurchenco là người chịu trách nhiệm nhét hàng tá linh kiện phức tạp vào bên trong thân hình mảnh mai của chiếc Palm V. Ông cũng là người giúp thiết kế nên con chuột dùng với máy tính Apple Lisa, vốn là chú chuột PC đầu tiên có thể được sử dụng bởi những người tiêu dùng bình thường. Ông cũng là một trong những nhân viên toàn thời gian đầu tiên của Ideo, một công ty thiết kế có tầm ảnh hưởng lớn, và Yurchenco cũng là một nhà điêu khắc.

Vào khoảng giữa thập niên 1970, Yurchenco chuẩn bị vào học thạc sĩ mỹ thuật tại Đại học Stanford. Ngay khi vừa đến trường, ông đã tham gia vào các buổi hướng dẫn dành cho sinh viên ngành thiết kế và thường dành nhiều thời gian tại đây. Ông bắt đầu học cách hàn, sau đó thử qua đủ loại công cụ và kĩ thuật khác nhau khi mà các tác phẩm của Yurchenco ngày càng trở nên tham vọng hơn. Đồng thời, ông cũng học hỏi từ những sinh viên khác, những người đang làm việc cùng ông.

Điều đó đã xây dựng nên một nền tảng cho sự nghiệp của Yurchenco: ở trong xưởng, học hỏi những kiến thức chuyên môn, và tìm ra những cách mới để tạo ra các đồ vật xung quanh. Nếu bạn làm việc này đủ lâu, bạn sẽ trở nên giỏi hơn, và trong thời gian làm việc tại Ideo, Yurchenco không chỉ tạo ra những sản phẩm mới mà còn góp phần thiết kế nên các công cụ mới để biến ước mơ thành hiện thực.

Hồi tuần trước (đầu tháng 8/2014), Yurchenco đã có một buổi tiệc để chia tay sự nghiệp của mình và về hưu sau 35 năm cống hiến. Khi đến thăm ông, phóng viên của trang Wired đã cảm thấy bất ngờ trước 80 bằng sáng chế mang tên Yurchenco đang treo đầy trên tường. Quả thật đây là một cách trang trí đậm chất riêng của các kĩ sư thiết kế.

Nhưng không ai khởi đầu là một thiên tài cả. Yurchenco cùng các đồng nghiệp của ông đã phải học hỏi rất nhiều trong sự nghiệp của họ, học cách tham gia vào ngành công nghiệp thiết kế theo thời gian. "Nếu bạn biết về một ngày rõ hơn khách hàng, bạn đã thành công".

Ngay cả khi vị khách hàng đó là Steve Jobs.

Thiết kế nên Apple Mouse

Yurchenco chỉ mới ra trường khoảng một hai năm khi ông nhận được cuộc gọi từ người bạn cũ hồi còn học ở Stanford, David Kelley. Kelley vừa lập ra một công ty thiết kế mang tên Hovey-Kelley và hỏi rằng liệu Yurchenco có muốn tham gia vào công ty với vai trò là một kĩ sư hay không. Điều đó có nghĩa là ông sẽ được trả lương nhiều hơn, bởi trước đó Yurchenco đầu quân cho một đơn vị kĩ thuật y tế còn non trẻ và hầu hết được trả lương chỉ bằng cổ phần mà thôi. Thế là ông đồng ý. Lúc này Hovey-Kelley vẫn chưa nổi tiếng, nhưng nhờ vào mối quan hệ của đồng sáng lập Dean Hovey với Steve Jobs, Apple đã trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của công ty.

Apple lúc đó đang phát triển chiếc Lisa, chiếc máy tính cá nhân đầu tiên được trang bị giao diện người dùng đồ họa (GUI) với giá thành không quá đắt tiền. Trước đó, Jobs từng có một chuyến tham quan đến trụ sở công ty Xerox PARC ở thành phố Palo Alto và thấy rằng tương lai của PC nằm ở giao diện đồ họa, cùng với đó là một con chuột để sử dụng giao diện này. Các kĩ sư của Apple chịu trách nhiệm về GUI, thế nên nhiệm vụ của Hovey-Kelley chính là thiết kế nên một con chuột thật tốt.

Phiên bản chuột mà Xerox đang dùng một một bản mẫu đắt tiền và không chắc chắn. Yurchenco cùng công ty ông đã được sờ tận tay và "mổ xẻ" chú chuột máy tính này. "Rõ ràng nó quá phức tạp so với những gì Jobs cần, vốn là một thứ có giá thành rẻ, một sản phẩm dễ sản xuất và dễ mang đến tay người dùng", Yurchenco nhớ lại. Xerox đã tốn đến 400$ chỉ để làm ra con chuột này, và nhiệm vụ của Yurchenco đó là chuyển hóa nó thành một thứ có giá thấp hơn rất nhiều.

Mouse-Prototype-Edit.

Các đồng nghiệp của ông nhanh chóng lãnh phần thiết kế bên ngoài, trong khi Yurchenco dành thời gian cho "nội thất" của chuột. Con chuột Xerox sử dụng một quả bóng nhỏ, người ta sẽ đặt nó trên một bề mặt và chuyển động của bóng sẽ được theo dõi nhờ vào một hệ thống switch cơ khí phức tạp. Thế là ông bắt đầu xem xét những thiết bị nhập liệu khác để xem chúng hoạt động ra sao, và làm thế nào ông có thể cải thiện nó. Yurchenco tìm thấy lời giải cho vấn đề của mình trong chiếc máy chơi game thùng của hãng Atari. Viên bi (trackball) của hệ thống này dường như là một giải pháp hoàn hảo.

Cỗ máy Atari khác biệt so với con chuột Xerox ở một vài điểm chính. Một trong số đó là việc trackball không bị ép lên hoặc xuống. Thay vào đó, nó chỉ nổi lên. Yurchenco thử làm theo cách của Atari và nhận thấy rằng con chuột hoạt động y như bình thường nếu như ông để cho trọng lực làm công việc của mình. Ngoài ra, nó còn giảm ma sát và giúp tiết giảm linh kiện cho sản phẩm.

Chưa hết, cỗ máy Atari còn sử dụng hệ thống quang học để theo dõi chuyển động của trackball (bằng cách nhận biết việc các chùm sáng bị ngắt) thay vì hệ thống switch cơ khí. Khi vay mượn ý tưởng này, Yurchenco đã càng làm cho linh kiện bên trong con chuột được đơn giản hóa hơn nữa.

Mouse-IDEO.

Cuối cùng, sự khác biệt nằm ở cách mà người dùng xài phương tiện nhập liệu. Yurchenco nhớ lại rằng hồi đó mọi người đều mặc định nghĩ chuột thì phải chính xác để mang lại trải nghiệm tốt. "Thế rồi đột nhiên chúng tôi nhận ra, bạn chẳng quan tâm nếu nó chính xác", ông nói. Người dùng không chú ý đến tay họ đang làm gì khi họ rê con chuột; họ chỉ quan tâm xem con trỏ chạy đi đâu. "Cũng giống như khi bạn lái xe. Bạn không nhìn vào tay mình khi bẻ vô-lăng, bạn chỉ liên tục bẻ vô-lăng cho đến khi chiếc xe đi đúng theo hướng mà bạn muốn". Chính vì lẽ đó, nhóm thiết kế của Yurchenco đã không còn phải quá quan tâm đến tính chính xác và họ đã có thể giảm đi số lượng linh kiện lẫn giảm chi phí.

Sau đó, con chuột này trở thành một thành công lớn. Apple tiếp tục sử dụng các linh kiện bên trong cho những dòng chuột Macintosh vài năm sau đó, hãng chỉ đổi lớp vỏ bên ngoài mà thôi. Yurchenco nói: "Nó là sự kết hợp của một vài việc tìm hiểu đơn giản, khi bạn hiểu về nó là khi bạn biết cách mọi thứ hoạt động. Và điều này quyết định cách mà bạn sẽ thiết kế nó".

Ý tưởng cơ bản - phối hợp một viên bi lăn tự do với một hệ thống quang điện tử - đã được sử dụng bởi hàng tá thế hệ chuột máy tính về sau, và điều này chỉ thay đổi khi chuột quang (vốn dùng ánh sáng để theo dõi vị trí của chuột chứ không dùng bi) xuất hiện ngày càng rộng rãi hơn.

Apple-Mouse-Edit.

Trở thành bậc thầy của sáng tạo

Quy trình thiết kế nên con chuột của Apple đã thiết lập nên một vài nguyên tắc giúp định nghĩa cho sự thành công của Ideo. Được biết Ideo được thành lập thông qua việc gộp 4 đơn vị thiết kế, bao gồm: David Kelley Design (chính là công ty Hovey-Kelley ở trên), Moggridge Associates (có trụ sở tại London), ID Two và Matrix Product Design.

Quay trở lại với những nguyên tác nói trên, một trong những thứ mà Ideo chú trọng đó là những công việc "trên tay" và mang tính thực tế. Yurchenco nói: "Chúng tôi luôn làm ra nhiều thứ khác nhau. Xây dựng ý tưởng thật nhanh, thật đơn giản nhất có thể". Lý do? Ideo xuất hiện ở thời kì mà các phần mềm CAD, kĩ thuật in 3D và máy tiện CNC chưa phổ biến, hoặc ít nhất là những công nghệ này chưa đủ rẻ để một studio thiết kế mua về phục vụ cho hoạt động thường ngày của họ.

Khi đó, Yurchenco làm việc chủ yếu với bút chì và giấy, và đã từng có một thời gian dài công cụ hiện đại nhất mà ông có là một chiếc máy tính bỏ túi của HP. Những công cụ mạnh mẽ thời nay, vốn cho phép bạn xây dựng cả một sản phẩm hoàn chỉnh bằng phần mềm rồi ra lệnh cho máy móc tạo ra nó, đơn giản là chưa xuất hiện ở những buổi đầu của Ideo. Bạn cần phải tự làm mọi thứ, từng chút từng chút một.

Kĩ năng mà Yurchenco học được thông qua các buổi hướng dẫn tại Đại học Stanford trở nên hữu ích cho công việc của ông. Tuy nhiên, các sản phẩm mẫu không phải lúc nào cũng cần đưa vào sản xuất. Đôi khi các nhà thiết kế sẽ tạo ra những mô hình đẹp mắt, nhưng thường thì họ sẽ chỉ làm nên những đồ vật thô sơ. Thời đó cũng như bây giờ, chỉ một nguyên mẫu làm từ lõi bọt biển và một vài băng cao su cũng có thể trở thành vô giá trong việc định hình ý tưởng. Ngay cả con chuột dành cho Apple cũng thế, một trong những nguyên mẫu đầu tiên của nó chỉ là một trái banh đặt trên một cái dĩa đựng bơ. "Tất cả những gì mà nó (nguyên mẫu) phải làm đó là minh họa cho một nguyên lý nào đó", Yurchenco nói.

Thế nhưng studio chỉ là nơi mà các sản phẩm được sinh ra, còn để nhân nó lên số lượng lớn thì phải nhờ đến các nhà máy. Yurchenco đã quá quen thuộc với thế giới của các studio rồi, nhưng ông lại gặp nhiều trở ngại khi làm quen với ngành công nghiệp sản xuất. "Lúc đó chúng tôi không có kiến thức sâu về tất cả những thứ này. Chúng tôi vẫn tiếp tục làm! Nhưng chúng tôi học thêm những thứ mới xuyên suốt quá trình đó. Tôi đã đọc sách và nói chuyện với những người sản xuất ra các công cụ và linh phụ kiện. Theo thời gian, tôi đã tích hợp được những thứ đó vào thiết kế. Thế nhưng, trong những năm đầu, chúng tôi phải học rất nhiều", Yurchenco kể.

Palm-Protos07.

Một trong những thử thách đầu tiên mà Yurchenco gặp đó là phải "uốn nắn" sản phẩm cho phù hợp với quy trình sản xuất. Bạn biết được hệ thống nung có thể làm được gì, và rồi bạn thiết kế một sản phẩm dựa theo điều đó. Cuối cùng, Yurchenco trở nên tinh thông và ông có thể tinh chỉnh lại việc sản xuất theo ý mình. Trước khi chiếc Palm V xuất hiện, dòng PDA Palm Pilots được chế tạo từ các mảnh nhựa được bắt vít với nhau. Khi Palm đi đến Ideo với một ý tưởng đầy táo bạo cho thiết bị mới của họ - sử dụng cùng các linh kiện với mẫu máy hiện tại nhưng thiết kế của máy sẽ mỏng hơn đáng kể - Yurchenco phải tìm ra cách để hiện thực hóa điều đó.

Thế rồi ông nghĩ ra một kết cấu rất tuyệt vời. Ông đặt nội thất của thiết bị này lên một cái khung nhựa, sau đó dùng keo nóng chảy để dán khung trước và sau bằng nhôm dập lại. Thiết kế này đã tạo ra không gian dành cho chỗ nhét bút stylus trên chiếc Palm V, đồng thời giúp sản phẩm có thể được bung ra chỉ bằng cách hơ nóng trong trường hợp máy cần phải sửa chữa, bảo hành.

"Đó là một sản phẩm rất quan trọng đối với chúng tôi, và với cả ngành công nghiệp", Yurchenco nói. "Nó là một trong những trường hợp đầu tiên mà thiết kế vật lý được xem trọng tương đương với hiệu năng sản phẩm". Và điều đó đã được chứng minh bởi thị trường. Chiếc Palm V bán đắt như tôm tươi và đã góp phần tạo nên bộ mặt của thế giới công nghệ hiện nay. Ngay cả trang tin Ars Technica, lúc đánh giá chiếc PDA này, họ còn phải nói như sau: "Nên nhớ, nếu bạn không có ý định mua Palm V, bạn không bao giờ được phép để bản thân nhìn / chạm / cầm / giữ / ngửi / thấy / điều tra / sờ / ôm / nếm hay có bất kì tiếp xúc nào với một chiếc Palm V".

Palm-Edit.

Trên đây là một ví dụ để cho thấy khả năng của Yurchenco trong việc ép quy trình sản xuất phải làm ra một sản phẩm với hình dạng được xác định sẵn. Còn trong một số trường hợp khác, chính Yurchenco phát minh ra quy trình. Một trong những bằng sáng chế của ông nói về một công cụ mà Yurchenco nghĩ ra trong lúc thiết kế ổ cứng Western Digital Passport. Các kĩ sư của Western Digital đã nói rằng thiết kế mà Ideo đề xuất là không thể sản xuất được bởi nó bao gồm một bộ vỏ được nung lên với các đường cắt xung quanh.

Bằng cách tạo nên một công cụ giúp kéo dãn bộ vỏ sản phẩm sau khi nó được nung, Yurchenco đã biến thiết kế của mình thành hiện thực, và đến giờ ông vẫn còn đánh giá cao kết quả của điều đó. "Nó là một cái ổ cứng, cũng giống như bao ổ cứng khác. Nó chứa dữ liệu. Tuy nhiên, nó là thứ được làm ra một cách hoàn hảo và tỉ mỉ", ông nói.

Bí quyết: Hỏi nhiều người cùng một câu hỏi

Yurchenco đã có được cái nhìn cơ bản nhất của ngành công nghiệp thiết kế từ những buổi đầu của máy tính cá nhân. Vậy điều gì đã thay đổi?

Theo ông, tính dễ sử dụng đã trở thành một phần quan trọng trong việc thiết kế ngay từ những ngày đầu. Nó liên quan đến những câu hỏi như: Người ta sẽ phản ứng như thế nào với một sản phẩm? Người ta có thể tận dụng nó như thế nào? Thường thì người ta sẽ gặp các lỗi gì khi sử dụng, và làm thế nào sản phẩm có thể giúp người dùng không mắc các lỗi đó? "Nếu thiết kế của chúng ta cho phép người dùng làm thứ gì đó không đúng, thì đó không phải là lỗi của họ. Đó là lỗi của chúng ta, những nhà thiết kế", ông chia sẻ.

Mouse-Inside-Edit.

Yurchenco cũng thấy rằng các nhà thiết kế ngày nay đã rất khác. Họ rất có tài, nhưng họ không có được mối liên hệ với ngành công nghiệp sản xuất, cũng giống như Yurchenco và đồng nghiệp của mình trong những ngày đầu tạo nghiệp. "Các kĩ sư trẻ thường khá ngây thơ khi nói về cách để thật sự tạo ra một thứ gì đó", ông cho biết. Trong kỉ nguyên mà bạn có thể tạo ra các bản mẫu một cách nhanh chóng, khi bạn có thể làm mọi thứ theo nhu cầu, rất dễ để quên đi những sản phẩm vẫn còn được sản xuất ở nước ngoài, nơi mà công nghệ sản xuất hàng loạt vẫn còn nhiều hạn chế.

Yurchenco có một lời khuyên dành cho những nhà thiết kế trẻ tuổi: hỏi cùng một câu hỏi nhưng với nhiều người khác nhau. Tại sao phải làm như vậy? Bởi vì bạn sẽ nhận được hàng tá những câu trả lời khác nhau. "Khi tôi học về ép nhựa, tôi đã đi vòng vòng quanh các xưởng và hỏi nhiều câu hỏi. Họ sẽ mô tả cho tôi nghe thứ mà họ đang làm, cách làm như thế nào. Khi tôi đi qua một xưởng khác, sẽ có thay đổi chút ít về những mô tả đó. Mỗi người có một ngôn ngữ khác nhau và một cách làm khác nhau. Khi tôi đi sang xưởng thứ ba, điều tương tự lại diễn ra. Tất cả đều đưa tôi đến mục tiêu cuối cùng là quy trình ép nhựa, nhưng họ đi đến mục tiêu đó theo các cách khác nhau."

Ông nói tiếp: "Bằng việc thường xuyên hỏi cùng một câu hỏi hết lần này đến lần khác, tôi đã học được rất nhiều thứ về ép nhựa, và đến một lúc nào đó tôi biết còn nhiều hơn những người thợ mà tôi từng đi hỏi. Đó là bởi vì tôi đã đi 300 xưởng và thấy 300 cách làm khác nhau. Và bạn càng biết nhiều về cách làm ra sản phẩm, bạn càng trở thành một nhà thiết kế giỏi hơn".

Nguồn: Wired

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Giám đốc HP châu Á-TBD: Chúng tôi vẫn sản xuất smartphone

palm_pre

Trong một cuộc phỏng vấn ngắn với Press Trust of India (PTI, một đại diện truyền thông của hơn 450 tờ báo, tạp chí ở Ấn Độ), ông Yam Su Yin, Giám đốc mảng máy tính cá nhân khu vực châu Á-TBD của HP đã cho biết rằng công ty của ông vẫn sẽ tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, và sẽ đưa ra thị trường một thiết bị mang đến cho người dùng những "trải nghiệm khác biệt". Tuy nhiên, Yin không nói rõ khi nào thiết bị đó sẽ được ra mắt và chỉ khẳng định là HP vẫn đeo đuổi cuộc đua trong thị trường smartphone và sẽ cạnh tranh tới cùng.

Cách đây 3 năm, hồi tháng 4/2010 thì HP tuyên bố mua lại Palm với số tiền hơn 1,2 tỉ USD nhưng sau đó những chiếc máy chạy WebOS của họ đều không thành công trên thị trường, vì vậy mà HP đã tạm rút lui trong lĩnh vực này để chuẩn bị cho những lần ra mắt sản phẩm mới.


Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Trên tay WebOS TV: Đẹp, đơn giản, thông minh, phản ứng nhanh

WebOS trên TV LG cho trải nghiệm đơn giản hơn, đẹp hơn và tiện hơn so với hệ điều hành Netcast mà LG đang dùng trên Smart TV của họ cũng như hệ điều hành trên Tv của các hãng khác. Tốc độ phản ứng với thao tác của người dùng, độ mượt của WebOS. Trong bài này mình chia sẻ với anh em 3 Video về tổng thể WebOS, chạy ứng dụng và thiết lập một chiếc TV mới với WebOS. Hiện tại chợ ứng dụng chưa chạy trên các máy có màn hình FullHD nên mình chưa thử được, hẹn anh em ở bài sau.

WebOS được phát triển bởi Palm nhằm cạnh tranh với iOS của Apple. Năm 2010 khi HP mua lại Palm thì WebOS cũng trở thành tài sản của HP. LG đã mua lại WebOS từ HP vào năm 2013 để trang làm nền tảng cho tv thông minh của mình. Từ năm 2014 trở đi thì các SmartTV của LG sẽ được trang bị WebOS hay cho hệ điều hành NetCast.

Giao diện


WebOS trên TV mang lại một trải nghiệm mới hoàn toàn không chỉ so với NetCast của LG mà cả với các hệ điều hành trên TV của các hãng khác. Anh em có thể thấy được sự thông minh, đơn giản, đẹp và phản ứng nhanh hơn. Lý do ở đây mình nghĩ rằng OS này được thiết kế cho điện thoại và do một công ty của Mỹ làm.

Giao diện của WebOS nhìn phẳng hơn, nhẹ nhàng hơn và nhiều mảng màu lớn hơn so với giao diện 3D khá phúc tạp và rồi ở NetCast trước đây.

Có ba màn hình chính là: Màn hình hiện tại, màn hình tương lai và màn hình quá khứ.
  • Màn hình hiện tại: Đang ở bất cứ chỗ nào, khi các bạn nhất nút Home trên điều khiển thì Tv sẽ đưa bạn về màn hình chính, màn hình này gồm ứng dụng bạn đang chạy và các ứng dụng bạn hay sử dụng. TV sẽ tự động chọn phần này cho bạn. Thẻ ngoài cùng bên trái và to nhất là ứng dụng đang chạy. Điểm khác biệt bạn thấy ở trên WebOS đó là màn hình chính không chiếm hết toàn bộ màn hình hiển thị của TV mà chỉ chiếm hoảng 1/3 phía dưới của màn hình. Khi nhấn nút để mở WebOS lên thì chúng ta vẫn thấy nội dung hiện tại ở 2/3 bên trên và âm thanh vẫn còn.

  • Màn hình tương lai: Đang ở màn hình hiện tại các bạn đưa chuột về cạnh phải của TV thì sẽ dẫn chúng ta đến màn hình tương lai. Đây là màn hình liệt kê tất cả các app và nó sẽ tiếp tục di chuyển về bên phải nếu số lượng app các bạn cài vào nó nhiều hơn. Ở màn hình này chúng ta có thể di chuyển vị trí các icon của App bằng cách nhấn vào app và kéo.

  • Màn hình quá khứ: Ở màn hình quá khứ hay màn hình đa nhiệm thì các thẻ bây giờ là các cửa sổ của các nội dung mà chúng ta đã xem qua. Chúng ta có thể xem đây như là cử sổ đa nhiệm. Đa nhiệm trên WebOS cũng tiến bộ hơn nhiều so với các nền tảng TV khác. Chúng ta sẽ quay lại ngay nội dung đang xem thay vì phải tải lại hoặc mở lại ứng dụng từ đầu.

Ứng dụng


Giống như Smartphone thì WebOS Tv có sẵn một số app và thông qua chọ ứng dụng thì chúng ta có thể cài thêm. Một cái mà anh em rất quen thuộc đó là sau khi đưa tv về cài đặt gốc thì các update trước đó sẽ mất chúng ta sẽ được yêu cầu update khi mở ứng dụng. Các ứng dụng này được viết để tối ưu hóa màn hình lớn trên Tv và dĩ nhiên về tổng thể giao diện nó giống với WebOS trên TV, cũng phẳng, màu sắc, bàn phím đẹp...

Thiết lập Tv
WebOS giúp cho thiết lập Tv một cách đơn giản và vui vẻ. Trong video này mình cho các bạn thấy việc mình thiết lập nhanh chóng một chiếc Tv chạy WebOS. Vì là Tv thông minh nên việc kết nối internet là rất cần thiết và là việc làm đầu tiên.



Tinhte_Lg_Webos_smarttv_tv-3.
Giao diện chính khi bạn bấm vào nút home, gồm các thẻ đại diện các ứng dụng hay dùng nhất được TV tự động lọc ra. Cái ngoài cùng bên trái là cái đang chạy. Các thẻ ở màn hình này thì TV sẽ dựa vào thói quen sử dụng của chúng ta để chọn ra.

Tinhte_Lg_Webos_smarttv_tv-4.
Giao diện tương lai: có thể xem như Appdrawn trên điện thoại, các ứng dụng cài thêm sẽ nằm ở đây. Chúng ta có thể thay đổi được vị trí các thẻ ứng dụng.

Tinhte_Lg_Webos_smarttv_tv-10.
Giao diện quá khứ hay đa nhiệm, nơi các ứng dụng mới chạy được thể hiện. Khi chúng ta quay về bất cứ ứng dụng nào thì nó sẽ ở trạng thái cuối cùng, không cần tải lại, mở lại.

Tinhte_Lg_Webos_smarttv_tv-12.
Có rất nhiều cách khác nhau để kết nối đến TV chạy WebOS

Tinhte_Lg_Webos_smarttv_tv-16.
Hình ảnh và video trên điện thoại Android có thể trình diễn không dây lên TV thông qua các công nghệ: DLNA, Miracast..

Tinhte_Lg_Webos_smarttv_tv-8.
Duyệt web trên WebOS sẽ chạy bản desktop. WebOS không hỗ trờ Flash.

Tinhte_Lg_Webos_smarttv_tv-6.
Khi mình reset lại cài đặt gốc của TV, thiết lập xong và chạy ứng dụng thì đc yêu cầu cập nhật ứng dụng. Cái này rất giống với hành vi khi anh em sử dụng điện thoại Android và reset lại cài đặt gốc.

Tinhte_Lg_Webos_smarttv_tv-8.Tinhte_Lg_Webos_smarttv_tv-6.

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

LG sẽ ra mắt TV chạy webOS tại CES 2014

LG_TV-1.
LG smartTV sẽ chạy nền tảng mới.

Sau gần một năm mua lại nền tảng webOS, LG đã sẵn sàng để cho ra mắt những sản phẩm TV đầu tiên chạy trên hệ điều hành vốn dành cho smartphone này. Phát biểu tại một sự kiện về chất bán dẫn ở Seoul, Hàn Quốc, nhà nghiên cứu của LG Hong Sung-pyo tiết lộ, sản phẩm đầu tiên chạy webOS của công ty sẽ là một bộ TV mới và sẽ trình làng tại CES 2014 vào đầu tháng 1 năm sau.

Sau 3 năm gián đoạn, vẫn chưa rõ là LG sẽ mang tới một phiên bản webOS như thế nào, nhưng hồi cuối tháng Hai vừa qua, LG nó rằng nó được chỉnh sửa từ giao diện đã từng sử dụng bở Palm và HP cho điện thoại và máy tính bảng, ngoài ra còn mạnh miệng tuyên bố rằng “nó sẽ là kẻ thay đổi cuộc chơi”. Hệ điều hành webOS nổi tiếng với hệ thống đa nhiệm kiểu thẻ, sau đó đã xuất hiện trên Android, Windows Phone và cả iOS. Có lẽ chúng ta cũng sẽ được chứng kiến lại hình ảnh những “chiếc thẻ đa nhiệm” trên các TV chạy webOS mới của LG.

Trong sự kiện ở Seoul, ông Hong nói rằng LG sẽ làm sống lại nỗ lực phát triển khung ứng dụng Enyo của Palm/HP. Enyo là một nền tảng phát triển ứng dụng cho các thiết bị chạy webOS và dựa trên nó LG sẽ kêu gọi các hãng thứ 3 phát triển ứng dụng cho sản phẩm của họ.

Trả lời câu hỏi tại sao LG lại cảm thấy cần thiết phải phát triển một hệ điều hành mới cho TV thông minh, Hong Sung-pyo cho biết, bất chấp những nỗ lực cải tiến hệ điều hành hiện tại trên các TV của LG là Netcast, nhiều người dùng vẫn chưa thể tận dụng tối đa những tính năng thông minh trên TV của họ. Chúng tôi hy vọng webOS sẽ mang đến những trải nghiệm tốt hơn và khuyến khích mọi người sử dụng phần mềm của LG qua một sản phẩm của hãng khác như là Apple TV, Roku hay Chromecast.

CES sẽ diễn ra vào đầu tháng 1 năm sau ở Las Vegas, Nevada, Tinh tế sẽ có đại diện tham dự sự kiện này và thông tin đến các bạn những tin tức mới nhất về các TV chạy webOS và nhiều hơn thế nữa.