Camera của Desire 816 có độ phân giải 13MP, khả năng quay phim Slow-Motion ở mức 720p và quay phim Full-HD tốc độ 60 khung hình/giây. Vừa qua mình có làm một chuyến đi Nha Trang chơi và chụp khá nhiều hình bằng chiếc điện thoại này. Chất lượng ảnh của 816 khá tốt, màu sắc trung thực, đậm đà. Đặc biệt là chức năng chụp ảnh HDR làm việc rất hiệu quả, cho ra ảnh HDR đẹp chứ không phải làm cho có như một số máy khác. Nhược điểm của 816 là chỉ up hình 960px lên Facebook chứ không đạt tới chuẩn chất lượng cao nhất là 2048px.
Chụp hình
1. Thao tác chụp
Tốc độ màn trập của 816 khá nhanh, ảnh được chụp gần như ngay tức thì sau khi bấm nút chụp. Khi chụp tự sướng bằng camera trước thì máy sẽ đếm ngược 3 giây để bạn có đủ thời gian đứng yên và tạo dáng trước khi máy chính thức chụp hình. Tốc độ lưu hình của máy cũng nhanh, lưu hình HDR thì chậm hơn, kéo dài khoảng 2 đến 3 giây. Nhược điểm của 816 là không có phím cứng dùng để chụp hình nên mọi thao tác đều phải thao tác trên màn hình của máy.
Mặc dù máy có kích thước hơi to với màn hình 5,5" nhưng trọng lượng lại không quá nặng, máy mỏng nên việc cầm máy chụp hình liên tục cũng không gặp phải khó khăn gì.
Ảnh minh họa trong bài viết này chỉ có kích thước 640px chiều ngang, để xem ảnh gốc với chất lượng cao nhất, mời các bạn xem bên phần Gallery (toàn bộ hình đều chưa qua chỉnh sửa): http://www.tinhte.vn/gallery/albums/nha-trang-chup-bang-htc-desire-816.961/
2. Chụp Auto và HDR
Chế độ chụp Auto làm việc tốt trong hầu hết các trường hợp, từ chụp ngược sáng, chụp đêm cho tới chụp những bối cảnh có độ tương phản ánh sáng cao, tuy nhiên muốn có hình đẹp nhất thì lúc đó bạn nên chuyển qua chụp HDR. Mời các bạn xem ảnh:3. Chụp thiếu sáng
Trời lúc này rất nắng nhưng máy vẫn có thể lấy được mảng bầu trời màu xanh phía sau (không bị cháy), ảnh đủ sáng, chi tiết tốt, không bị hiện tượng dư sáng.
Ảnh này hơi tối vì thực tế quang cảnh lúc đó nắng rất gắt. Chế độ Auto tự động bù trừ sáng để cho ra ảnh không bị cháy, lấy được nhiều chi tiết như nền cát, mặt biển và bầu trời, chỉ có điều là nó hơi tối mà thôi.
Tấm này chụp Auto, mặt mẫu không bị tối nhưng nhiều phần của ảnh đã có hiện tượng bị cháy.
Chụp HDR: vừa thấy rõ vùng tối bên dưới những chòi lá vừa thấy được màu xanh khá đẹp của bầu trời.
Chụp HDR: chụp nhiều tấm với tốc độ nhanh nên không có hiện tượng bóng ma, bạn có thể thấy những sợi tóc không bị mờ nhòe và bắt đúng khoảnh khắc nụ cười trên gương mặt của mẫu. Tuy nhiên màu da lúc này hơi bị tái.
Chụp Auto: con nhum biển.
Chụp Auto: con mực.
Chụp Auto: cận cảnh
Chụp bằng camera trước của máy.
Chụp Auto: bể cá.
Chụp Auto
Chụp HDR: dưới trời nắng gắt, ánh sáng xiên, ảnh lên rất nhiều chi tiết và không có khu vực nào bị thiếu sáng, chúng ta có thể thấy rõ các chi tiết trên thân ống tre và các chùm hoa giấy, đệm phía sau là bầu trời với một mảng màu xanh nhẹ.
Chụp Auto: ngược sáng với nguồn sáng cực mạnh.
Chụp HDR.
Chụp HDR: nguồn sáng rất mạnh.
Chụp Auto: phong cách Silhouette
Vẫn để chế độ chụp là Auto, bối cảnh lúc này từ chiều tà cho đến rất tối.
Chụp Auto: Lên dĩa.
Chụp Auto: Một góc Nha Trang về đêm.
Chụp Auto: chợ đêm.
Chụp Auto: bắp nướng.
Chụp Auto: hoa hậu biển đảo.
4. Độ chi tiết của ảnh
Xem ở kích thước chuẩn 100% của file:
Quay phim
Desire 816 có 3 chế độ quay phim là quay 720p, quay 1080p tốc độ cao 60 fps và quay Slow-Motion. Dưới đây là một đoạn clip Slow-Motion được quay bởi 816:Tính năng quay 60fps hoạt động rất tốt, máy xử lý nhanh, không làm nặng máy, clip sau khi quay có thể xem ngay trên điện thoại với tốc độ nhanh hơn hẳn so với những đoạn video 30fps thông thường. Bạn sẽ thấy video 60fps mượt mà hơn và nhanh hơn. Do YouTube không hỗ trợ xem video 60fps nên mình phải upload lên Fshare.vn, bạn có thể tải file gốc 60fps tại đây, dung lượng 93,7 MB: http://www.fshare.vn/file/MMM0288L65/
Kết luận
Mình khá hài lòng với camera của Desire 816, ảnh chụp tuy không phải đẹp nhất nhưng đủ xài.
Ưu điểm:Nhược điểm:
- Chất lượng ảnh tốt.
- Chức năng HDR hoạt động rất hiệu quả.
- Thao tác chụp ngon, tốc độ chụp nhanh, tốc độ xử lý và lưu hình nhanh.
- Quay phim Slow-Motion.
- Không có phím cứng chụp hình.
- Chỉ up hình 960px lên Facebook.
Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014
Xem ảnh chụp và đánh giá camera của HTC Desire 816
Ai đã thiết kế các biểu tượng dự báo thời tiết hiện đại?
Ngày nay, các biểu tượng thời tiết dường như đã phổ biến với tất cả mọi người như bảng chữ cái. Đó là những biểu tượng hết sức trực quan: hình dạng bong bóng uốn lượn để chỉ các đám mây, một vòng tròn với các tia tỏa ra xung quanh để chỉ trời nắng,... Dù vậy, các biểu tượng không hề xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà đây cũng là một sáng chế! Vậy ai đã nghĩ ra các biểu tượng này?
Tấm bản đồ thời tiết phiên bản thương mại lần đầu tiên được giới thiệu bởi Cục khí tượng Hoa Kỳ vào năm 1910. Lúc đó, người ta quy ước những ký hiệu khá khó hiểu để truyền đạt tình hình thời tiết: vòng tròn rỗng diễn tả trời nắng, vòng tròn tô đen diễn tả mưa và gió được biểu thị bằng những mũi tên. Hệ thống ký hiệu này nhanh chóng phổ biến khắp nước Mỹ và được sử dụng không những bởi các nhà khí tượng mà hầu hết các cư dân bình thường.
Một chương trình dự báo thời tiết trên BBC vào năm 1969, các biểu tượng vẫn còn khá khó hiểu
Cho đến những năm 1970, các nhà khí tượng học vẫn sử dụng những hệ thống biểu tượng khó hiểu để dự báo tình hình thời tiết. Mãi đến khi một sinh viên thiết kế xuất hiện và anh đã thay đổi mọi thứ: Một bộ biểu tượng thời tiết trực quan, sinh động và dễ dàng hình dung. Đó chính là Mark Allen, sinh viên tại Đại học mỹ thuật Norwich, vương quốc Anh. Trên thực tế, những biểu tượng thời tiết sử dụng tại Anh lúc bấy giờ cũng không mấy thân thiện với đại đa số mọi người và dĩ nhiên, Allen cũng nhận thấy được điều đó.
Như mọi người khác, ngày nào Allen cũng theo dõi chương trình dự báo thời tiết phát sóng mỗi buổi chiều trên kênh BBC. Vào thời điểm đó, chương trình dự báo thời tiết không hiện đại như các bạn thấy trên VTV hay HTV như hiện nay. Để diễn tả tình hình thời tiết tại các khu vực, người dẫn chương trình sẽ trượt các biểu tượng làm bằng nam châm trên một tấm bản đồ sắt. Lýc bấy giờ, những hình tam giác diễn tả cho trời mưa, dấu hoa thị diễn tả có tuyết rơi, những đường gạch ngang trên một vùng nào đó sẽ diễn tả cho áp suất không khí trung bình... Đơn giản chỉ có thế.
Vào một ngày nọ, Allen xuất hiện ý nghĩ: "Họ vẫn còn dùng các chữ tượng hình từ thời xa xưa và gây khó hiểu cho mọi người à? Tại sao một hình tam giác lại diễn tả cho một cơn mưa rào rải rác!?!" Cuối cùng, trong đồ án tốt nghiệp được thực hiện vào năm 1974, Allen đã chọn chủ đề là thiết kế lại các biểu tượng thời tiết. Khi đó, Allen đã tham khảo các mẫu biểu tượng của Otl Aicher, người đã dùng các vòng tròn đan lại với nhau để tạo nên biểu tượng Olympic vào năm 1972.
Nguyên mẫu các biểu tượng mới do Allen thiết kế được đài BBC sử dụng ngay sau đó.
Dựa trên nguồn cảm hứng đó, Allen đã sử dụng phong cách tương tự để thiết kế nên các biểu tượng thời tiết. Allen dùng một đường khép kín lồi lõm để diễn tả các đám mây, thêm các biểu tượng đơn giản xuống bên dưới: các giọt nước sẽ diễn tả có mưa, biểu tượng sấm sét hoặc thêm các đường gạch ở cạnh bên để diễn tả ánh nắng Mặt Trời. Allen cho biết: "Trung tâm của các biểu tượng sẽ là đám mây và từ đây sẽ tạo nên tất cả các tình hình thời tiết còn lại."
Ngay sau đó vào năm 1975, đài truyền hình BBC đã chấp nhận bản thiết kế biểu tượng của Allen đồng thời mua lại bảng quyền sử dụng bộ biểu tượng với giá 200 bảng Anh. Hiện tại, bản vẽ đầu iên của Allen vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Đây chính là những biểu tượng thời tiết thanh lịch và thân thiện nhất đối với mọi người tính đến thời điểm bấy giờ. Những ký hiệu lộn xộn sử dụng trong nhiều thập niên trước đó đã được thay đổi một cách hiện đại hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đó vẫn là những hình ảnh trắng đen.
Đến những năm 1980, sự ra đời của đồ họa máy tính đã cung cấp cho các nhà thiết kế công cụ mạnh mẽ hơn để chuẩn hóa các biểu tượng thời tiết. Tuy nhiên, do giới hạn về cấu hình nên các biểu tượng vẫn có độ phân giải thấp và chưa hỗ trợ nhiều màu sắc. Mike Nelson, nhà khí tượng học làm việc cho công ty mang tên ColorGraphics Weather Systems, đã phát biểu: "Bạn chỉ có 16 màu sắc để thiết kế. Tất cả những gì bạn sáng tạo nằm trong khuôn khổ giới hạn đó."
Mãi đến cuối những năm 1980, khi hệ thống máy tính được nâng cao đủ để các nhà thiết kế có thể tự vẽ nên cho họ những biểu tượng chi tiết hơn dựa trên nguyên mẫu ban đầu. Đồng thời, thông tin dự báo thời tiết cũng bắt đầu được đăng tải trên website và điện thoại di động. Kể từ đây, các biểu tượng thời tiết được phân hóa theo hướng chi tiết và sinh động hơn. Dù vậy, "biểu tượng đám mây" vẫn là thành phần quan trọng trong toàn bộ hệ thống thời tiết.
Những biểu tượng dự báo thời tiết đang được sử dụng trên Windows Phone của Microsoft
Khoảng năm 2000, nhà khí tượng học đang làm việc cho đài dự báo thời tiết Texas mang tên Dennis Cain đã thiết kế một bộ biểu tượng thời tiết tập hợp từ các hình ảnh: mưa trên phố, tuabin gió, đèn pha trong sương mù,... Đây đã trở thành chuẩn hình ảnh trên trang dự báo thời tiết uy tín tại Mỹ Weather.gov.
Vào năm 2011, đài BBC cuối cùng cũng ngừng sử dụng các biểu tượng thời tiết của Allen. Các nhà thiết kế cho rằng: "Các thông tin thời tiết hiện nay ngày càng được cập nhật theo hướng chứa đựng nhiều thông tin, số liệu chi tiết hơn. Điều đó đòi hỏi cần phải có một bộ biểu tượng thời tiết mới đáp ứng được sự cân bằng giữa vẻ thẩm mỹ và mức độ phong phú của nội dung." Đó là một bộ biểu tượng động, các hình ảnh đẹp với độ phân giải cai và hiển thị nhiều trạng thái khác nhau của môi trường.
Biểu tượng thời tiết trên iOS 7 của Apple, thiết kế phẳng mang tính hiện đại nhưng không hề thiếu biểu tượng đám mây.
Như giờ đây chúng ta cũng nhận thấy, các ứng dụng thời tiết chính là một động lực thúc đẩy sự thay đổi của BBC. Đó chính là sự ra đời của ứng dụng thời tiết trên iOS của Apple với thiết kế hoàn toàn hiện đại. Hay phiên bản biểu tượng của HTC cũng góp phần không nhỏ trong việc định hình tiêu chuẩn biểu tượng thời tiết hiện nay. Thay vì những biểu tượng cứng nhắc, những gì chúng ta đang thấy hiện nay trên màn hình điện thoại là những biểu tượng động như đang chứng kiến ngoài thực tế. Dù vậy, ý tưởng nguyên mẫu ban đầu lấy đám mây làm trung tâm vẫn còn ảnh hưởng đến các nhà thiết kế chẳng những hiện nay mà còn có thể trong tương lai.
Broadcom ra mắt chip mới tương thích với tất cả các chuẩn sạc không dây
Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao người ta không sử dụng sạc không dây trên tất cả các điện thoại cho dù nó tiện hơn nhiều so với việc cắm cáp truyền thống? Một trong những lý do dẫn đến việc này là các nhà sản xuất phải lựa chọn giữa quá nhiều chuẩn khác nhau, chẳng hạn như Nokia hỗ trợ Qi trong khi Google và Starbucks lại ủng hộ PMA. Thật may mắn là Boardcom vừa giới thiệu một con chip hỗ trợ tất cả các chuẩn sạc không dây hiện hành. Một khi đã trang bị con chip với tên mã BCM59350 này, bạn sẽ không còn phải quan tâm đến việc mua đế sạc nào cho điện thoại nữa mà chỉ cần đặt lên là đã có thể nạp năng lượng. Hơn thế nữa, BCM59350 còn hỗ trợ tối đa 7.5W thay vì chỉ 5W như hiện tại với hiệu suất chuyển đổi AC to DC tới 88%.
Thật tiếc là Broadcom chưa công bố ngày ra mắt sản phẩm chính thức nhưng họ nói rằng đã gửi mẫu thử đến một số đối tác. Hy vọng với con chip này, các điện thoại hỗ trợ sạc không dây sẽ nhiều hơn, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp điện tử.Nguồn: Broadcom
Microsoft trình diễn công nghệ dịch đoạn hội thoại trực tuyến theo thời gian thực Skype Translator
Tại sự kiện lập trình Re/code đang diễn ra tại Palos Verdes, Microsoft đã trình diễn một công nghệ mới mang tính đột phá mà hãng đang phát triển: Skype Translator - dịch đoạn hội thoại trực tuyến trên Skype theo thời gian thực. Cùng với bài phát biểu, CEO Satya Nadella cũng sử dụng thử tính năng của công nghệ độc đáo trên.
Trong cuộc trình diễn, Nadella đã thực hiện một cuộc gọi video với trưởng nhóm phát triển Skype là Gurdeep Singh Pall. Cuộc nói chuyện được thực hiện thông qua dịch vụ Skype, Nadella nói tiếng Anh trong khi Gurdeep nói tiếng Đức. Khi đó, Skype sẽ tự động lắng nghe câu nói của Gurdeep sau đó dịch ra tiếng Anh ngay lập tức để Nadella có thể hiểu được. Chiều dịch ngược lại, từ tiếng Anh sang tiếng Đức, cũng được Skype thực hiện trên Surface của Gurdeep giúp ông có thể hiểu được những gì Nadella đang nói bằng tiếng Anh. Các bạn có thể xem đoạn video trình diễn theo đường dẫn ở đây.Theo thông tin từ Microsoft, hãng đã bắt đầu phát triển công nghệ dịch thuật trong suốt 1 thập kỷ qua. Và đây là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu chính thức quyết định tích hợp công nghệ dịch theo thời gian thực vào dịch vụ Skype. Đoạn video đã cho thấy công nghệ trên là 1 sự kết hợp giữa ứng dụng Skype, công nghệ IM, ứng dụng Microsoft Translator và công nghệ nhận diện giọng nói của Microsoft.
Microsoft cho biết, bằng việc tích hợp công nghệ dịch thời gian thực lên Skype, Microsft muốn mang lại cho người dùng những trải nghiệm mới mẻ nhằm kết nối với mọi người trên thế giới mà không cần lo ngại về rào cản ngôn ngữ. Đồng thời, đây còn được đánh giá là một sản phẩm hữu ích đánh dấu một bước tiến mới cho sự phát triển của giáo dục, y học và kinh doanh trực tuyến. Theo dự kiến, Microsoft sẽ giới thiệu tính năng Skype Translator beta đầu tiên trên Windows 8 vào khoảng cuối năm 2014 sắp tới.
Dưới đây là đoạn video giới thiệu về các tính năng của Skype Translator.
Chụp dưới nước: 2 người mẫu, 7 thợ lặn và chiếc tàu đắm ở Bali
Trong vài năm qua, chúng ta đã thấy Benjamin Wong Von lâu lâu lại có những loạt ảnh đỉnh cao. Và lần này cũng vậy, anh ta lại lội xuống nước (một vùng biển hoang sơ chưa từng đặt chân ở Bali) với nỗ lực chụp ở nơi bao quanh bởi một con tàu đắm đầy san hô bao phủ. Nói theo cách của Von Wong, "mọi thứ tiến hành dưới nước đều phức tạp hơn."Đây là video thứ nhất trong 2 video mà Benjamin giới thiệu, và tập trung vào việc hoach định cũng như trang thiết bị cần có để thực hiện một điều tương tự.
Von Wong mô tả những điều cần lưu ý khi lập kế hoạch để chụp ảnh dưới nước:
- Các cô người mẫu thông thường sẽ không làm được, trừ khi được huấn luyện lặn một cách rất cẩn thận, và họ sẽ không thể nín thở trong thời gian dài, đặc biệt là ở độ sâu như vậy, và do đó cần có thêm hỗ trợ của thợ lặn.
- Quần áo bình thường không thể thuê được bởi nước biển sẽ phá hỏng chúng, thế nên chúng tôi đã phải tìm một nhà thiết kế sẵn sàng "chia tay" trang phục mà họ cho mượn.
- Trợ lý bình thường cũng không được việc, cần có thợ lặn chuyên về an toàn đã được huấn luyện đặc biệt thì mới có thể giúp buổi chụp tiến hành một cách trơn chu.
- Khảo sát bối cảnh cũng sẽ phức tạp - cần có thợ lặn địa phương để giúp di chuyển xung quanh xác tàu và đối phó với những diễn tiến bất ngờ về thời tiết và thủy triều.
- Ánh sáng và thiết bị cũng bị giới hạn - chụp dưới nước cũng có nghĩa là phải sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc đàn flash gắn trên máy.
Theo fstopper
LG kể về quá trình chọn lựa và thiết kế các thành phần phần cứng cho G3
9 tháng trước, sâu bên trong một phòng thí nghiệm được canh gác cẩn mật tại Seoul, Hàn Quốc, nhóm thiết kế của LG đã đặt ra mục tiêu tạo nên một chiếc điện thoại thật sự mạnh có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của Samsung. Đây là một trách nhiệm không hề nhẹ nhàng tí nào. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu IDC, Samsung lúc đó đang thống trị thị trường smartphone trong cả năm 2013 với 31,3% thị phần, trong khi LG chỉ có vỏn vẹn 4,8% mà thôi. Với thời gian hạn chế nhưng nhóm vẫn có thể cho ra đời một sản phẩm hấp dẫn với những nét mang đậm chất LG. Đó chính là LG G3. Chiếc máy mới được giới thiệu ngày hôm nay thật sự là một con quái vật khi sở hữu màn hình 5,5” độ phân giải 2560 x 1440, vi xử lý 4 nhân Snapdragon 801, camera 13 megapixel với khả năng chống rung quang học và đặc biết hơn hết là hệ thống lấy nét bằng laser. Vậy còn câu chuyện về thiết kế của máy thì như thế nào? LG đã tổ chức một chuyến tham quan cho báo giới đến văn phòng của mình để kể về chuyện đó.
LG đang phải chật vật để tồn tại trong thị trường smartphone. Đó là một sự thật. Có thể hãng không lâm vào tình trạng nghiêm trọng như HTC nhưng rõ ràng vị thế của LG đang bị lung lay. Doanh số của sản phẩm chủ lực G2 trong năm 2013 không cao như kỳ vọng ban đầu mặc dù máy được thiết kế theo một hướng rất mới, lại còn sử dụng những linh kiện thuộc hàng tốt trên thị trường. LG G2 vẫn chưa thể thoát cái bóng quá lớn của Galaxy S4, thế nên với G3, hãng muốn nhắm đến việc đánh bại Samsung. G2 sử dụng một màn hình lớn hơn, độ phân giải cao hơn so với các đối thủ của mình, trong khi vẫn giữ kích thước sản phẩm ở mức vừa phải. Máy cũng được trang bị viên pin to hơn và hệ thống lấy nét nhanh hơn. Nói cách khác, LG đã cố gắng khắc phục nhiều hạn chế mà người dùng đã than phiền với G2.
Nói về chuyến tham quan đến trụ sở LG, sau khi đi xuyên qua một tòa nhà văn phòng trông có vẻ bình thường, LG dẫn các phóng viên đến một phòng họp không đề bảng tên gì cả. Tại đây có rất nhiều hàng ghế và trên chiếc bàn to giữa phòng là một nguyên mẫu của chiếc G3. Kế bên nó còn có hàng loạt mẫu thử của các nút nằm ở mặt lưng, ngoài ra còn có hơn hai tá mặt lưng với đủ mọi màu sắc. Những thứ này chắc chắn đã được chuyển đến đây từ một phòng thí nghiệm bí mật nào đó trong tòa nhà. Và tất cả bọn chúng đều không phải là máy thật. Chúng không thể hoạt động được mà chỉ là những mảnh nhựa được chế tác và mô phỏng theo thiết kế, trọng lượng của chiếc G3 thật. Tất nhiên, các phóng viên có xin phép chụp ảnh những bản mẫu này nhưng không được vì biết đâu một trong số chúng sẽ được sử dụng trong các sản phẩm tương lai thì sao.
LG cho biết thêm rằng những thứ để trên bàn này chỉ là một số trong hơn 300 mẫu mà LG đã từng cân nhắc. Hãng đã phải loại bỏ rất nhiều mẫu rồi mới có được chiếc G3 hoàn chỉnh như những gì chúng ta thấy trong buổi giới thiệu. Mỗi phiên bản có một họa tiết khác nhau, một số thì bóng, một số thì có lằn, ngoài ra LG còn thử nghiệm một số cách bố trí nút ở mặt lưng rất kì quái. Thậm chí có một model còn thay thế luôn những nút này với một thứ gì đó tròn tròn mà LG từ chối giải thích.
G3 không phải là chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị màn hình Quad HD với độ phân giải 2560 x 1440 pixel. Trước đó đã có một vài hãng Trung Quốc tích hợp loại panel này lên các smartphone của họ. Có một số người nói rằng với độ phân giải cao như thế thì người dùng chẳng thể nào nhận thấy sự khác biệt trên một màn hình nhỏ, còn LG, tất nhiên, hãng tin là có. Công ty đã tiến hành một cuộc thử nghiệm để xem người dùng có phát hiện thấy sự khác biệt giữa màn hình mật độ 500ppi và 400ppi hay không (chiếc G3 có mật độ là 538ppi). Tất nhiên hãng không nói máy nào có ppi cao, máy nào thấp hơn. Kết quả, nhóm người này nhận thấy rằng những dòng chữ nhỏ hoặc các cảnh ban đêm trông rõ ràng hơn trên màn hình độ phân giải cao. Sẽ luôn có nhu cầu cao hơn đối với những gì chúng ta đang có, và LG sẽ dùng nhu cầu này để đánh bại những đối thủ của mình theo mọi cách có thể.LG tự tin rằng nếu màn hình không phải là điểm thu hút của G3 đối với bạn thì cảm biến laser mới sẽ làm chuyện đó. Đại diện của LG chia sẻ thêm rằng cảm biến này suýt chút nữa đã không được tích hợp vào thiết kế cuối cùng. Thực chất thì tính năng này được phát triển bởi Roboking, đơn vị sản robot hút bụi cho LG, nhưng đây lại là lần đầu tiên nó được mang lên một chiếc điện thoại. Ban đầu, cảm biến laser được hãng làm ra để đo khoảng cách giữa robot hút bụi với các vật cản trên đường đi để nó có thể tránh. Tuy nhiên, chính Roboking cũng không sử dụng công nghệ này vì nhiều lý do, thay vào đó, họ đã nói với nhóm di động của LG về cảm biến laser trong một buổi cà phê.
Kể từ đó, các kĩ sư hình ảnh của LG đã phải làm việc cật lực để mang cảm biến từ máy hút bụi lên điện thoại. Và cũng nhờ nó mà G3 có thời gian khóa nét nhanh hơn so với các đối thủ (M8 và Galaxy S5 có thời gian khóa nét là 300 mili giây, còn G3 là 276 mili giây). May mắn cho chúng ta đó là chùm tia phát ra từ cảm biến sẽ không làm hại đến võng mạc như cây chỉ laser bình thường.
Trước sự ngạc nhiên của các phóng viên, hơn phân nữa nguyên mẫu G3 được đặt trên bàn thậm chí còn không có lỗ để đặt cảm biến vào bởi vì nhóm phát triển phải chuẩn bị cho khả năng công nghệ này không được phát triển kịp lúc. Tính năng LaserAF chỉ mới được thông qua vào hai tháng trước, vừa kịp hạn chót của dự án. Đội ngũ kĩ sư của LG có vừa đủ thời gian để thay đổi thiết kế trên máy và đảm bảo mọi thứ hài hòa với nhau. “Bất kì sự chỉnh sửa nhỏ nào cũng có thể ảnh hưởng đến hình dáng của máy. Trước đây vẻ ngoài của G3 hơi khác một chút, đường cong phía sau phẳng hơn”, đại diện LG cho biết.
Ngoài ra, LG cũng có tạo một bản mẫu bằng NHÔM. Khoan đã: vậy chẳng phải LG đã thật sự cân nhắc đến việc sản xuất một chiếc điện thoại bằng kim loại đó sao? Cũng như Samsung, LG có một lịch sử lâu dài trong việc sử dụng nhựa polycarbonate cho hầu hết những smartphone của mình. Trong quá trình chọn lựa, hãng đã quyết định sẽ không dùng nhôm cho G3, thay vào đó sẽ tạo ra một lớp hoàn thiện kiểu sơn xước mô phỏng kim loại trông giống y như thật.
Việc sử dụng chất liệu này cũng làm cho máy ít bám vân tay hơn và chống trầy tốt hơn. Cảm giác cầm cũng ấm hơn, nhẹ hơn và ít trơn tuột hơn. Và cũng nhờ sử dụng nhựa nên LG không phải lo lắng đến chuyện ăng-ten bị mất sóng nhu vụ lùm xùm của iPhone 4 vài năm trước. Tính năng sạc không dây cũng hiệu quả hơn khi dùng với bề mặt nhựa bởi vì quá trình truyền điện qua hiện tượng cảm ứng có xu hướng làm vỏ máy nóng lên nhanh hơn. Tóm lại, có rất nhiều lý do để LG nói riêng và các công ty smartphone nói chung từ chối sử dụng kim loại cho sản phẩm của mình mặc dù chính bản thân họ đã từng cân nhắc về điều đó.
Nhưng tại sao LG lại không áp dụng lớp phủ có khả năng tự phục hồi nhưng trên chiếc điện thoại uốn cong G Flex? Mặc dù chỉ chống lại được những vết trầy nhẹ nhưng nó cũng là điểm khiến G Flex khác biệt hẳn so với nhiều sản phẩm khác trên thị trường. Nó cũng là thứ mà LG đang dẫn trước so với tất cả các đối thủ lớn khác. Theo đại diện của công ty, họ “không thể tìm được cách áp dụng tính năng tự phục hồi mà không làm cho vỏ máy bị bóng lên”.
Yếu tố này rất quan trọng. Trên G2, nhiều người dùng than phiền rằng mặt sau quá bóng, thế nên công ty quyết định sẽ không tiếp tục duy trì điểm này trên G3. Một chiếc smartphone dù có tốt đến đâu thì cũng luôn có hạn chế tồn tại, và phản hồi từ người dùng sẽ là thứ giúp chúng hãng sản xuất cải thiện chính mình. G3 được thiết kế để thoải mái sử dụng hơn, đơn giản hơn và dễ cầm hơn. Cũng vì vậy mà LG làm cho nắp lưng của máy có thể tháo ra được, pin có thể thay thế và nếu thích thì khách hàng hoàn toàn có thể gắn thêm khe thẻ nhớ microSD. Và theo lời Tiến sĩ Ram-Chan Woo, trưởng nhóm kế hoạch sản phẩm di động của LG, “nắp lưng của G2 cho cảm giác nhựa và bám vân tay nhiều hơn”.
LG nói thêm rằng chỉ có một nửa số người dùng G2 thích cách bố trí của các nút ở mặt lưng thiết bị. Điều này có nghĩa là để thuyết phục người dùng bỏ tiền ra mua G3, LG sẽ phải thu hút được sự chú ý của ngay từ những ngày đầu tiên. Nhóm của hãng quyết định thay đổi hình dáng các nút cho tròn hơn, đồng thời khiến cho cụm nút trở nên khác biệt hơn so với camera nhưng một nỗ lực giúp khách hàng không cầm nhầm vào mặt kính của máy ảnh và làm nó bị bẩn. Nhóm cũng thêm nút nguồn ở chính giữa và nằm ở đỉnh cao nhất của máy bởi nó sẽ tạo ra một thế cân bằng tốt, hạn chế việc làm rớt thiết bị trong quá trình sử dụng một chiếc điện thoại màn hình to. Những chi tiết này, cộng với cạnh bên mỏng và mặt lưng cong nhẹ, mang lại cho người dùng cảm giác G3 nhỏ hơn so với kích thước thật của nó.
Pin 3000mAh của G2 cũng là một trong số những viên pin được đánh giá rất cao so với các smartphone khác có cùng kích cỡ (nhưng chưa lên đến mức phablet to như Galaxy Note). Chính vì vậy mà LG quyết định phải giữ lại đặc điểm này. Tuy nhiên, không phải cứ mang nguyên cục pin của G2 rồi gắn vào G3 là xong. Chính vì mặt sau cong cong của G3 nên hãng không thể sử dụng một thỏi pin tiêu chuẩn. Vậy giải pháp là gì? Viên “pin cong”. Thoạt nhìn thì viên pin này có vẻ cũng phẳng y hệt như những sản phẩm khác trên thị trường, tuy nhiên, theo lời tiến sĩ Woo thì thực chất không phải thế. “Bởi vì mặt sau đã cong nhẹ nên pin cũng phải cong theo để vừa với nắp lưng”, ông nói.
Nhưng nếu viên pin giữ nguyên dung lượng thì màn hình Quad HD độ phân giải chẳng phải sẽ làm thời lượng sử dụng bị giảm đi hay sao? Không đâu, bởi vì LG nói rằng panel của G3 sử dụng “hệ thống điều khiển khung hình động”. Tính năng này sẽ có nhiệm vụ nói màn hình không làm mới nội dung nếu bạn dừng ở một giao diện, một khung hình nào đó trong thời gian dài, từ đó giúp giảm lượng điện tiêu thụ của tấm nền.
Như nhiều anh em cũng biết thì G3 sẽ có 5 tùy chọn màu khác nhau. Trắng và xám đen dường như là hai màu phải có đối với bất kì một hãng sản xuất smartphone nào. LG cho biết thêm rằng 80% số điện thoại bán ra có màu trắng và đen. Ngoài ra, vì muốn cung cấp thêm những lựa chọn phong phú, nhóm thiết kế quyết định bổ sung thêm màu vàng, đỏ hồng và tím. Tất cả những đối thủ chính của LG đều đã có smartphone chủ lực màu vàng, và đỏ cũng đang dần xuất hiện trên nhiều thiết bị hơn. Màu tím thì không phải là một thứ thường thấy, nhưng LG nói “Tím có vẻ như khá thời trang trong thời buổi hiện nay”.
Nói tóm lại, LG có thể và đã mang những điểm mới đến với thị trường smartphone. Các nút ở mặt lưng, cảm biến laser, mức độ hoàn thiện kiểu kim loại là những ví dụ cho điều đó. Tuy nhiên, LG cần phải cố gắng hơn nữa để truyền tải những thông điệp này đến người tiêu dùng, chỉ khi đó hãng mới có thể cạnh tranh lại Samsung, HTC và nhiều tên tuổi lớn khác. G3 đã đi đúng hướng về mặt kĩ thuật, nhưng marketing và định hướng tiêu dùng lại là chuyện khác. Chúng ta hãy chờ xem LG sẽ làm gì để giúp chiếc G3 bán tốt nhé.Nguồn: Engadget
Google hé lộ nguyên mẫu chiếc xe tự lái không vô lăng, không bàn đạp ga & thắng
Trước thềm hội nghị Code Conference mới đây, nhà đồng sáng lập Google - Sergey Brin đã bật mí về nguyên mẫu chiếc xe tự lái mà hãng này đang trong giai đoạn phát triển. Kèm theo đó, là một đoạn phim ngắn cho thấy ngoại hình cùng một phần cách thức hoạt động của chiếc xe trong cuộc thử nghiệm thực tế với người ngồi bên trong.
Google cho biết bên trong nguyên mẫu chiếc xe tự lái 2 chỗ ngồi này sẽ rất đơn giản. Không hề có bàn đạp ga, phanh hay vô lăng. Chúng ta sẽ điều khiển chiếc xe thông qua một màn hình hiển thị lộ trình cùng một nút bật/tắt chiếc xe. Yếu tố an toàn được Google rất chú trọng, thể hiện ở những cảm biến đặt xung quanh thân xe và thuật toán xử lý thông minh giúp chiếc xe có thể tự vận hành ở mọi điều kiện giao thông. Đặc biệt, Google cho biết những cảm biến này có khả năng nhận biết vật cản và tầm kiểm soát rộng bằng chiều dài của 2 sân bóng đá ở tất cả các hướng, đồng nghĩa với việc chiếc xe sẽ không hề có "điểm mù". Tuy nhiên, nguyên mẫu chiếc xe tự lái đời đầu này chỉ đạt được vận tốc tối đa 25 mph(khoảng 40 km/h).
Dự kiến sẽ có khoảng 100 nguyên mãu chiếc xe tự lái của Google được sản xuất để phục vụ cho những cuộc thử nghiệm thực tế. Nếu thành công, Google sẽ triển khai chương trình dùng thử chiếc xe tự lái này ở bang California trong những năm tiếp theo. Và chắc chắn không lâu nữa, những chiếc xe tự lái này sẽ trở thành một phần trong cuộc sống chúng ta.
Lucasfilm và Disney làm mới loạt 3 tập phim Star Wars, Episode VII ra mắt 18/12/2015
Hãng Lucasfilm và Disney cho biết họ sẽ cùng nhau thực hiện loạt phim Star Wars mới, gồm có 3 phần, với cốt truyện hoàn toàn độc lập so với nội dung của những tập phim trước đây, dĩ nhiên là vẫn cùng bối cảnh, tức cuộc chiến giữa các vì sao. Star Wars là một trong những phim thành công nhất và doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Thế giới.
Tập phim mới đây nhất là Star Wars: Episode III - Revenge of the Sith ra mắt năm 2005, và tập tiếp theo Episode VII (chưa có tên chính thức) dự kiến ra rạp vào ngày 18/12/2015.
So với Episode III, tập phim mới ra đời sau đó 10 năm. Trong một thập kỉ qua thì nền điện ảnh Thế giới đã có những bước tiến cực kì ấn tượng, đặc biệt là công nghệ đồ họa, kĩ xảo CGI. Do đó, Lucasfilm và Disney hứa hẹn loạt triology (3 trong 1) của Star Wars mới sẽ được làm rộng lớn hơn, thoát khỏi những sự gò bó mà vì giới hạn kĩ thuật thì Star Wars cũ chưa làm được, đem tới cho người hâm mộ những trải nghiệm thú vị và mới lạ.
Chịu trách nhiệm đạo diễn cho loạt phim 3 phần Star Wars mới này sẽ là Gareth Edwards (1975), một đạo diễn người Anh còn khá trẻ với điểm sáng trong sự nghiệp chính là việc đạo diễn bộ phim Monsters (2010), và tác phẩm gần đây nhất là bom tấn Godzilla - bộ phim hiện đứng thứ 2 phòng vé Bắc Mỹ. Kịch bản phim được Gary Whitta viết, tác giả của kịch bản phim The Book of Eli.
J.J Abrams sẽ giữ vai trò nhà sản xuất phim, người từng thực hiện nhiều phim nổi tiếng, mà sắp tới đây có nhiều bom tấn là Half-Life, Portal, Star Trek 3 và Mission Impossible 5.
Ngoài ra không thể không nhắc tới sự góp mặt của diễn viên kì cựu Harrison Ford sẽ vào vai chính Han Solo trong loạt phim này. Han là thuyền trưởng của tàu không gian Millennium Falcon, anh đã giúp đỡ Luke Skywalker và Leia Organa khi họ bị Đế Chế truy đuổi. Sau này anh gia nhập quân kháng chiến và kết hôn với Leia Organa (tức Leia Skywalker).
Gary Whitta nói: "Từ giây phút đầu tiên xem bộ phim gốc khi còn là một đứa trẻ, Star Wars đã luôn là nguồn cảm hứng chính cho sự nghiệp sáng tác của tôi. Với tôi bộ phim thật đặc biệt, vì vậy khi được trao cơ hội đóng góp vào sự tiếp nối những di sản khổng lồ của nó, nhất là khi hợp tác với một nhà làm phim tài năng như Gareth Edwards, thật chẳng khác nào một giấc mơ thành sự thật. Tôi vẫn phải tự nhéo mình để chắc rằng mình không mơ."
Valve hoãn ra mắt máy tính chơi game Steam Machine và tay cầm Steam Controller sang năm sau
Thông tin trên được Valve thông báo qua một bài post trên blog của mình. Valve giải thích thêm rằng họ cần thời gian để cải tiến tay cầm Steam Controller dựa trên "hàng tấn lời phản hồi hữu ích" sau khi hãng cho nhiều đối tượng người dùng khác nhau thử nghiệm phần cứng này. "Một cách thực tế, chúng tôi ước thời điểm ra mắt sẽ rơi vào năm 2015, không phải 2014. Rõ ràng chúng tôi rất nóng lòng để có được một chiếc Steam Machine trong tay cũng như các bạn. Tuy nhiên, mục tiêu số một của công ty đó là khi bạn nhận được máy thì bạn sẽ có được trải nghiệm chơi game tốt nhất có thể. Chúng tôi hi vọng các bạn sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc đó".
Đó là phần của Valve. Trong bài post, hãng không nói rõ liệu động thái này có ảnh hưởng gì đến lịch trình ra mắt Steam OS, hệ điều hành nền Linux sẽ được cài vào Steam Machine, hay không. Valve cũng không nói gì đến lịch trình ra mắt các mẫu Steam Machine khác được sản xuất bởi 14 đối tác phần cứng, trong đó có nhiều cái tên lớn như Zotac, Gigabyte, CyberPowerPC. Alienware, một trong số những công ty bắt tay cùng Valve, từng nói rằng máy Steam Machine của riêng họ sẽ được bán ra vào tháng 9 năm nay.Nguồn: Valve
Gigabyte giới thiệu dòng bo mạch chủ dùng chipset Z97/H97, BIOS tiếng Việt
Sáng hôm qua tại khách sạn Eden, Sài Gòn, hãng điện tử Đài Loan - Gigabyte đã chính thức giới thiệu các bo mạch chủ dùng chipset Intel Z97 và H97 mới nhất thuộc các dòng G1 Gaming, SOC, Ultra Durable và phiên bản đặc biệt Black Edition. Tất cả các bo mạch đều hỗ trợ thế hệ vi xử lý Intel thứ 4 và 5, tích hợp nhiều tính năng mới, nâng cấp đặc biệt về âm thanh, hỗ trợ ép xung tốt hơn và tiếp tục được hoàn thiện với tiêu chí độ bền cao.
Bắt đầu với dòng bo mạch siêu bền Ultra Durable, Gigabyte cùng đối tác phân phố Viễn Sơn đã giới thiệu một loạt các model dùng chip Z97 và H97 mới trong đó phiên bản cao cấp nhất sẽ được phân phối tại Việt Nam là Z97X-UD7 TH. Các model này đều hỗ trợ các vi xử lý socket LGA1150 từ Intel Pentium/Celeron đến Core i7 thế hệ thứ 4 (Haswell) và thứ 5 (Broadwell). Việc hỗ trợ thế hệ vi xử lý mới nhất sẽ cho phép người dùng dễ dàng nâng cấp lên CPU Broadwell mà không cần đổi bo mạch chủ.
Những cải tiến đáng chú ý khác trên dòng bo mạch này là việc tích hợp chuẩn SATA Express và khe M.2 PCIe với tốc độ 10 Gb/s dành cho các ổ SSD M.2 trên một số model như GA-H97-D3H để giải quyết tình trạng "thắt cổ chai" về tốc độ đọc và ghi dữ liệu theo giải thích của đại diện phía Intel. Bên cạnh đó, Gigabyte cũng giới thiệu thiết kế 2 cổng LAN dùng 2 chip xử lý khác nhau là Killer E2200 và Intel GbE, cho phép người dùng phân phối băng thông tùy theo ứng dụng. Tiếp theo là công nghệ âm thanh mới với chip giải mã Realtek ALC1150 và chip khuếch đại tích hợp cùng thiết kế khu vực chứa thành phần âm thanh tách biệt trên bo mạch được Gigabyte gọi là Audio Noise Guard. Có thể hình dung khu vực này được phân tách với các thành phần khác trên bo mạch bằng một đường cắt nhằm và khoảng trống giảm thiểu tình trạng nhiễu điện từ, qua đó bảo toàn trải nghiệm âm thanh. Ngoài ra, Gigabyte cũng giới thiệu về tính năng UEFI DualBIOS với nhiều chế độ thiết lập và đặc biệt là việc hỗ trợ giao diện BIOS tiếng Việt.
Kế đến là dòng bo mạch chuyên dùng cho game thủ là G1 Gaming với các phiên bản dùng chipset Z97 cao cấp và H97 giá rẻ hơn. Thiết kế của các bo mạch chủ dòng G1 Gaming tiếp tục được Gigabyte cải tiến, thay đổi từ tông màu đen - xanh chuối sang đen - đỏ bắt mắt. Tương tự như dòng Ultra Durable, dòng bo mạch chủ G1 Gaming cũng được tích hợp các công nghệ mới như khe M.2 PCIe, SATA Express, 2 cổng LAN với chip Killer E2200/Intel GbE vàcông nghệ liên kết giao tiếp AMD CrossFireX và NVIDIA SLI cho tối đa 4 card đồ họa. Tuy nhiên, để nâng cao trải nghiệm chơi game với các bo mạch này thì Gigabyte cũng đã nâng cấp đáng kể về mặt âm thanh với chip xử lý Creative Sound Core 3D bọc vàng trên các model cao cấp và Realtek ALC1150 trên các model rẻ hơn; sử dụng tụ lọc âm MUSE ES chất lượng phòng thu của Nichicon; tích hợp 2 cổng USB dành riêng cho DAC-UP; phân tách khu vực chứa thành phần âm thanh và các jack cắm âm thanh được mạ vàng để đảm bảo độ bền và chất lượng âm thanh qua thời gian. Ngoài ra, để tăng khả năng tản nhiệt cho các hệ thống chơi game hiệu năng cao, các bo mạch chủ thuộc dòng G1 Gaming được thiết kế tối ưu cho các bộ tản nhiệt nước với nhiều đầu ống kích cỡ đa dạng từ 1/4", 3/8" đến 1/2".
Cuối cùng là dòng bo mạch chủ SOC (Super Overclocking) chuyên dùng cho các tín đồ ép xung và phiên bản Black Edition. Gigabyte cho biết phiên bản cao cấp nhất của dòng bo mạch SOC là Z97X-SOC Force sẽ được phát hành chính hãng tại Việt Nam. Các bo mạch chủ thuộc dòng SOC sở hữu nhiều tính năng dành riêng cho các OCer như switch để tắt nhanh RAM, card đồ họa, hệ thống nút bấm hỗ trợ ép xung tích hợp trực tiếp trên bo mạch, DualBIOS và giao diện BIOS cải tiến cho phép người dùng mới từng bước làm quen với việc ép xung.
Bốc thăm trúng thưởng bo mạch chủ GA-Z97X-Gaming G1.
Riêng về dòng bo mạch chủ mới toanh Black Edition thì đây thực chất là các bo mạch Ultra Durable nhưng điều đặc biệt là chúng được sản xuất và kiểm tra chất lượng từ nhà máy còn hoạt động duy nhất của Gigabyte tại Nanping, Đài Loan (hầu hết các dòng bo mạch khác đều được sản xuất tại Trung Quốc). Mỗi bo mạch Black Edition đều được thử nghiệm hoạt động liên tục trong 168 giờ (7 ngày) và được sản xuất với số lượng giới hạn với mỗi đợt hàng chỉ khoảng 3000 chiếc. Theo Gigabyte thì dòng bo mạch chủ Black Edition cũng là cơ hội để hãng có thể ước lượng tỉ lệ hỏng hóc và xu hướng hỏng hóc của các sản phẩm bo mạch được bán ra. Được biết tỉ lệ hỏng hóc của bo mạch Gigabyte trên toàn cầu vào khoảng 3% và hãng đang rất muốn giảm con số này. Ngoài ra, với những người dùng sở hữu bo mạch chủ phiên bản Black Edition thì họ sẽ nhận được các đặc quyền bao gồm chế độ bảo hành 5 năm và cơ hội đi du lịch Đài Loan và thăm cơ sở sản xuất của Gigabyte tại Nanping. Rất tiếc là Gigabyte không trưng bày chiếc phiên bản Black Edition tại sự kiện.
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)