Ngày nay, các biểu tượng thời tiết dường như đã phổ biến với tất cả mọi người như bảng chữ cái. Đó là những biểu tượng hết sức trực quan: hình dạng bong bóng uốn lượn để chỉ các đám mây, một vòng tròn với các tia tỏa ra xung quanh để chỉ trời nắng,... Dù vậy, các biểu tượng không hề xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà đây cũng là một sáng chế! Vậy ai đã nghĩ ra các biểu tượng này?
Tấm bản đồ thời tiết phiên bản thương mại lần đầu tiên được giới thiệu bởi Cục khí tượng Hoa Kỳ vào năm 1910. Lúc đó, người ta quy ước những ký hiệu khá khó hiểu để truyền đạt tình hình thời tiết: vòng tròn rỗng diễn tả trời nắng, vòng tròn tô đen diễn tả mưa và gió được biểu thị bằng những mũi tên. Hệ thống ký hiệu này nhanh chóng phổ biến khắp nước Mỹ và được sử dụng không những bởi các nhà khí tượng mà hầu hết các cư dân bình thường.
Một chương trình dự báo thời tiết trên BBC vào năm 1969, các biểu tượng vẫn còn khá khó hiểu
Cho đến những năm 1970, các nhà khí tượng học vẫn sử dụng những hệ thống biểu tượng khó hiểu để dự báo tình hình thời tiết. Mãi đến khi một sinh viên thiết kế xuất hiện và anh đã thay đổi mọi thứ: Một bộ biểu tượng thời tiết trực quan, sinh động và dễ dàng hình dung. Đó chính là Mark Allen, sinh viên tại Đại học mỹ thuật Norwich, vương quốc Anh. Trên thực tế, những biểu tượng thời tiết sử dụng tại Anh lúc bấy giờ cũng không mấy thân thiện với đại đa số mọi người và dĩ nhiên, Allen cũng nhận thấy được điều đó.
Như mọi người khác, ngày nào Allen cũng theo dõi chương trình dự báo thời tiết phát sóng mỗi buổi chiều trên kênh BBC. Vào thời điểm đó, chương trình dự báo thời tiết không hiện đại như các bạn thấy trên VTV hay HTV như hiện nay. Để diễn tả tình hình thời tiết tại các khu vực, người dẫn chương trình sẽ trượt các biểu tượng làm bằng nam châm trên một tấm bản đồ sắt. Lýc bấy giờ, những hình tam giác diễn tả cho trời mưa, dấu hoa thị diễn tả có tuyết rơi, những đường gạch ngang trên một vùng nào đó sẽ diễn tả cho áp suất không khí trung bình... Đơn giản chỉ có thế.
Vào một ngày nọ, Allen xuất hiện ý nghĩ: "Họ vẫn còn dùng các chữ tượng hình từ thời xa xưa và gây khó hiểu cho mọi người à? Tại sao một hình tam giác lại diễn tả cho một cơn mưa rào rải rác!?!" Cuối cùng, trong đồ án tốt nghiệp được thực hiện vào năm 1974, Allen đã chọn chủ đề là thiết kế lại các biểu tượng thời tiết. Khi đó, Allen đã tham khảo các mẫu biểu tượng của Otl Aicher, người đã dùng các vòng tròn đan lại với nhau để tạo nên biểu tượng Olympic vào năm 1972.
Nguyên mẫu các biểu tượng mới do Allen thiết kế được đài BBC sử dụng ngay sau đó.
Dựa trên nguồn cảm hứng đó, Allen đã sử dụng phong cách tương tự để thiết kế nên các biểu tượng thời tiết. Allen dùng một đường khép kín lồi lõm để diễn tả các đám mây, thêm các biểu tượng đơn giản xuống bên dưới: các giọt nước sẽ diễn tả có mưa, biểu tượng sấm sét hoặc thêm các đường gạch ở cạnh bên để diễn tả ánh nắng Mặt Trời. Allen cho biết: "Trung tâm của các biểu tượng sẽ là đám mây và từ đây sẽ tạo nên tất cả các tình hình thời tiết còn lại."
Ngay sau đó vào năm 1975, đài truyền hình BBC đã chấp nhận bản thiết kế biểu tượng của Allen đồng thời mua lại bảng quyền sử dụng bộ biểu tượng với giá 200 bảng Anh. Hiện tại, bản vẽ đầu iên của Allen vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Đây chính là những biểu tượng thời tiết thanh lịch và thân thiện nhất đối với mọi người tính đến thời điểm bấy giờ. Những ký hiệu lộn xộn sử dụng trong nhiều thập niên trước đó đã được thay đổi một cách hiện đại hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đó vẫn là những hình ảnh trắng đen.
Đến những năm 1980, sự ra đời của đồ họa máy tính đã cung cấp cho các nhà thiết kế công cụ mạnh mẽ hơn để chuẩn hóa các biểu tượng thời tiết. Tuy nhiên, do giới hạn về cấu hình nên các biểu tượng vẫn có độ phân giải thấp và chưa hỗ trợ nhiều màu sắc. Mike Nelson, nhà khí tượng học làm việc cho công ty mang tên ColorGraphics Weather Systems, đã phát biểu: "Bạn chỉ có 16 màu sắc để thiết kế. Tất cả những gì bạn sáng tạo nằm trong khuôn khổ giới hạn đó."
Mãi đến cuối những năm 1980, khi hệ thống máy tính được nâng cao đủ để các nhà thiết kế có thể tự vẽ nên cho họ những biểu tượng chi tiết hơn dựa trên nguyên mẫu ban đầu. Đồng thời, thông tin dự báo thời tiết cũng bắt đầu được đăng tải trên website và điện thoại di động. Kể từ đây, các biểu tượng thời tiết được phân hóa theo hướng chi tiết và sinh động hơn. Dù vậy, "biểu tượng đám mây" vẫn là thành phần quan trọng trong toàn bộ hệ thống thời tiết.
Những biểu tượng dự báo thời tiết đang được sử dụng trên Windows Phone của Microsoft
Khoảng năm 2000, nhà khí tượng học đang làm việc cho đài dự báo thời tiết Texas mang tên Dennis Cain đã thiết kế một bộ biểu tượng thời tiết tập hợp từ các hình ảnh: mưa trên phố, tuabin gió, đèn pha trong sương mù,... Đây đã trở thành chuẩn hình ảnh trên trang dự báo thời tiết uy tín tại Mỹ Weather.gov.
Vào năm 2011, đài BBC cuối cùng cũng ngừng sử dụng các biểu tượng thời tiết của Allen. Các nhà thiết kế cho rằng: "Các thông tin thời tiết hiện nay ngày càng được cập nhật theo hướng chứa đựng nhiều thông tin, số liệu chi tiết hơn. Điều đó đòi hỏi cần phải có một bộ biểu tượng thời tiết mới đáp ứng được sự cân bằng giữa vẻ thẩm mỹ và mức độ phong phú của nội dung." Đó là một bộ biểu tượng động, các hình ảnh đẹp với độ phân giải cai và hiển thị nhiều trạng thái khác nhau của môi trường.
Biểu tượng thời tiết trên iOS 7 của Apple, thiết kế phẳng mang tính hiện đại nhưng không hề thiếu biểu tượng đám mây.
Như giờ đây chúng ta cũng nhận thấy, các ứng dụng thời tiết chính là một động lực thúc đẩy sự thay đổi của BBC. Đó chính là sự ra đời của ứng dụng thời tiết trên iOS của Apple với thiết kế hoàn toàn hiện đại. Hay phiên bản biểu tượng của HTC cũng góp phần không nhỏ trong việc định hình tiêu chuẩn biểu tượng thời tiết hiện nay. Thay vì những biểu tượng cứng nhắc, những gì chúng ta đang thấy hiện nay trên màn hình điện thoại là những biểu tượng động như đang chứng kiến ngoài thực tế. Dù vậy, ý tưởng nguyên mẫu ban đầu lấy đám mây làm trung tâm vẫn còn ảnh hưởng đến các nhà thiết kế chẳng những hiện nay mà còn có thể trong tương lai.