Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

LG kể về quá trình chọn lựa và thiết kế các thành phần phần cứng cho G3

G3+Sketch_2_keys.

9 tháng trước, sâu bên trong một phòng thí nghiệm được canh gác cẩn mật tại Seoul, Hàn Quốc, nhóm thiết kế của LG đã đặt ra mục tiêu tạo nên một chiếc điện thoại thật sự mạnh có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của Samsung. Đây là một trách nhiệm không hề nhẹ nhàng tí nào. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu IDC, Samsung lúc đó đang thống trị thị trường smartphone trong cả năm 2013 với 31,3% thị phần, trong khi LG chỉ có vỏn vẹn 4,8% mà thôi. Với thời gian hạn chế nhưng nhóm vẫn có thể cho ra đời một sản phẩm hấp dẫn với những nét mang đậm chất LG. Đó chính là LG G3. Chiếc máy mới được giới thiệu ngày hôm nay thật sự là một con quái vật khi sở hữu màn hình 5,5” độ phân giải 2560 x 1440, vi xử lý 4 nhân Snapdragon 801, camera 13 megapixel với khả năng chống rung quang học và đặc biết hơn hết là hệ thống lấy nét bằng laser. Vậy còn câu chuyện về thiết kế của máy thì như thế nào? LG đã tổ chức một chuyến tham quan cho báo giới đến văn phòng của mình để kể về chuyện đó.

LG đang phải chật vật để tồn tại trong thị trường smartphone. Đó là một sự thật. Có thể hãng không lâm vào tình trạng nghiêm trọng như HTC nhưng rõ ràng vị thế của LG đang bị lung lay. Doanh số của sản phẩm chủ lực G2 trong năm 2013 không cao như kỳ vọng ban đầu mặc dù máy được thiết kế theo một hướng rất mới, lại còn sử dụng những linh kiện thuộc hàng tốt trên thị trường. LG G2 vẫn chưa thể thoát cái bóng quá lớn của Galaxy S4, thế nên với G3, hãng muốn nhắm đến việc đánh bại Samsung. G2 sử dụng một màn hình lớn hơn, độ phân giải cao hơn so với các đối thủ của mình, trong khi vẫn giữ kích thước sản phẩm ở mức vừa phải. Máy cũng được trang bị viên pin to hơn và hệ thống lấy nét nhanh hơn. Nói cách khác, LG đã cố gắng khắc phục nhiều hạn chế mà người dùng đã than phiền với G2.

G3sketch3.

Nói về chuyến tham quan đến trụ sở LG, sau khi đi xuyên qua một tòa nhà văn phòng trông có vẻ bình thường, LG dẫn các phóng viên đến một phòng họp không đề bảng tên gì cả. Tại đây có rất nhiều hàng ghế và trên chiếc bàn to giữa phòng là một nguyên mẫu của chiếc G3. Kế bên nó còn có hàng loạt mẫu thử của các nút nằm ở mặt lưng, ngoài ra còn có hơn hai tá mặt lưng với đủ mọi màu sắc. Những thứ này chắc chắn đã được chuyển đến đây từ một phòng thí nghiệm bí mật nào đó trong tòa nhà. Và tất cả bọn chúng đều không phải là máy thật. Chúng không thể hoạt động được mà chỉ là những mảnh nhựa được chế tác và mô phỏng theo thiết kế, trọng lượng của chiếc G3 thật. Tất nhiên, các phóng viên có xin phép chụp ảnh những bản mẫu này nhưng không được vì biết đâu một trong số chúng sẽ được sử dụng trong các sản phẩm tương lai thì sao.

LG cho biết thêm rằng những thứ để trên bàn này chỉ là một số trong hơn 300 mẫu mà LG đã từng cân nhắc. Hãng đã phải loại bỏ rất nhiều mẫu rồi mới có được chiếc G3 hoàn chỉnh như những gì chúng ta thấy trong buổi giới thiệu. Mỗi phiên bản có một họa tiết khác nhau, một số thì bóng, một số thì có lằn, ngoài ra LG còn thử nghiệm một số cách bố trí nút ở mặt lưng rất kì quái. Thậm chí có một model còn thay thế luôn những nút này với một thứ gì đó tròn tròn mà LG từ chối giải thích.

G3 không phải là chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị màn hình Quad HD với độ phân giải 2560 x 1440 pixel. Trước đó đã có một vài hãng Trung Quốc tích hợp loại panel này lên các smartphone của họ. Có một số người nói rằng với độ phân giải cao như thế thì người dùng chẳng thể nào nhận thấy sự khác biệt trên một màn hình nhỏ, còn LG, tất nhiên, hãng tin là có. Công ty đã tiến hành một cuộc thử nghiệm để xem người dùng có phát hiện thấy sự khác biệt giữa màn hình mật độ 500ppi và 400ppi hay không (chiếc G3 có mật độ là 538ppi). Tất nhiên hãng không nói máy nào có ppi cao, máy nào thấp hơn. Kết quả, nhóm người này nhận thấy rằng những dòng chữ nhỏ hoặc các cảnh ban đêm trông rõ ràng hơn trên màn hình độ phân giải cao. Sẽ luôn có nhu cầu cao hơn đối với những gì chúng ta đang có, và LG sẽ dùng nhu cầu này để đánh bại những đối thủ của mình theo mọi cách có thể.

G3sketch2.
LG tự tin rằng nếu màn hình không phải là điểm thu hút của G3 đối với bạn thì cảm biến laser mới sẽ làm chuyện đó. Đại diện của LG chia sẻ thêm rằng cảm biến này suýt chút nữa đã không được tích hợp vào thiết kế cuối cùng. Thực chất thì tính năng này được phát triển bởi Roboking, đơn vị sản robot hút bụi cho LG, nhưng đây lại là lần đầu tiên nó được mang lên một chiếc điện thoại. Ban đầu, cảm biến laser được hãng làm ra để đo khoảng cách giữa robot hút bụi với các vật cản trên đường đi để nó có thể tránh. Tuy nhiên, chính Roboking cũng không sử dụng công nghệ này vì nhiều lý do, thay vào đó, họ đã nói với nhóm di động của LG về cảm biến laser trong một buổi cà phê.

Kể từ đó, các kĩ sư hình ảnh của LG đã phải làm việc cật lực để mang cảm biến từ máy hút bụi lên điện thoại. Và cũng nhờ nó mà G3 có thời gian khóa nét nhanh hơn so với các đối thủ (M8 và Galaxy S5 có thời gian khóa nét là 300 mili giây, còn G3 là 276 mili giây). May mắn cho chúng ta đó là chùm tia phát ra từ cảm biến sẽ không làm hại đến võng mạc như cây chỉ laser bình thường.

Quad_HD.

Trước sự ngạc nhiên của các phóng viên, hơn phân nữa nguyên mẫu G3 được đặt trên bàn thậm chí còn không có lỗ để đặt cảm biến vào bởi vì nhóm phát triển phải chuẩn bị cho khả năng công nghệ này không được phát triển kịp lúc. Tính năng LaserAF chỉ mới được thông qua vào hai tháng trước, vừa kịp hạn chót của dự án. Đội ngũ kĩ sư của LG có vừa đủ thời gian để thay đổi thiết kế trên máy và đảm bảo mọi thứ hài hòa với nhau. “Bất kì sự chỉnh sửa nhỏ nào cũng có thể ảnh hưởng đến hình dáng của máy. Trước đây vẻ ngoài của G3 hơi khác một chút, đường cong phía sau phẳng hơn”, đại diện LG cho biết.

Ngoài ra, LG cũng có tạo một bản mẫu bằng NHÔM. Khoan đã: vậy chẳng phải LG đã thật sự cân nhắc đến việc sản xuất một chiếc điện thoại bằng kim loại đó sao? Cũng như Samsung, LG có một lịch sử lâu dài trong việc sử dụng nhựa polycarbonate cho hầu hết những smartphone của mình. Trong quá trình chọn lựa, hãng đã quyết định sẽ không dùng nhôm cho G3, thay vào đó sẽ tạo ra một lớp hoàn thiện kiểu sơn xước mô phỏng kim loại trông giống y như thật.

Việc sử dụng chất liệu này cũng làm cho máy ít bám vân tay hơn và chống trầy tốt hơn. Cảm giác cầm cũng ấm hơn, nhẹ hơn và ít trơn tuột hơn. Và cũng nhờ sử dụng nhựa nên LG không phải lo lắng đến chuyện ăng-ten bị mất sóng nhu vụ lùm xùm của iPhone 4 vài năm trước. Tính năng sạc không dây cũng hiệu quả hơn khi dùng với bề mặt nhựa bởi vì quá trình truyền điện qua hiện tượng cảm ứng có xu hướng làm vỏ máy nóng lên nhanh hơn. Tóm lại, có rất nhiều lý do để LG nói riêng và các công ty smartphone nói chung từ chối sử dụng kim loại cho sản phẩm của mình mặc dù chính bản thân họ đã từng cân nhắc về điều đó.

Nhưng tại sao LG lại không áp dụng lớp phủ có khả năng tự phục hồi nhưng trên chiếc điện thoại uốn cong G Flex? Mặc dù chỉ chống lại được những vết trầy nhẹ nhưng nó cũng là điểm khiến G Flex khác biệt hẳn so với nhiều sản phẩm khác trên thị trường. Nó cũng là thứ mà LG đang dẫn trước so với tất cả các đối thủ lớn khác. Theo đại diện của công ty, họ “không thể tìm được cách áp dụng tính năng tự phục hồi mà không làm cho vỏ máy bị bóng lên”.

Yếu tố này rất quan trọng. Trên G2, nhiều người dùng than phiền rằng mặt sau quá bóng, thế nên công ty quyết định sẽ không tiếp tục duy trì điểm này trên G3. Một chiếc smartphone dù có tốt đến đâu thì cũng luôn có hạn chế tồn tại, và phản hồi từ người dùng sẽ là thứ giúp chúng hãng sản xuất cải thiện chính mình. G3 được thiết kế để thoải mái sử dụng hơn, đơn giản hơn và dễ cầm hơn. Cũng vì vậy mà LG làm cho nắp lưng của máy có thể tháo ra được, pin có thể thay thế và nếu thích thì khách hàng hoàn toàn có thể gắn thêm khe thẻ nhớ microSD. Và theo lời Tiến sĩ Ram-Chan Woo, trưởng nhóm kế hoạch sản phẩm di động của LG, “nắp lưng của G2 cho cảm giác nhựa và bám vân tay nhiều hơn”.

LG nói thêm rằng chỉ có một nửa số người dùng G2 thích cách bố trí của các nút ở mặt lưng thiết bị. Điều này có nghĩa là để thuyết phục người dùng bỏ tiền ra mua G3, LG sẽ phải thu hút được sự chú ý của ngay từ những ngày đầu tiên. Nhóm của hãng quyết định thay đổi hình dáng các nút cho tròn hơn, đồng thời khiến cho cụm nút trở nên khác biệt hơn so với camera nhưng một nỗ lực giúp khách hàng không cầm nhầm vào mặt kính của máy ảnh và làm nó bị bẩn. Nhóm cũng thêm nút nguồn ở chính giữa và nằm ở đỉnh cao nhất của máy bởi nó sẽ tạo ra một thế cân bằng tốt, hạn chế việc làm rớt thiết bị trong quá trình sử dụng một chiếc điện thoại màn hình to. Những chi tiết này, cộng với cạnh bên mỏng và mặt lưng cong nhẹ, mang lại cho người dùng cảm giác G3 nhỏ hơn so với kích thước thật của nó.
LG_G3_Back_button.

Pin 3000mAh của G2 cũng là một trong số những viên pin được đánh giá rất cao so với các smartphone khác có cùng kích cỡ (nhưng chưa lên đến mức phablet to như Galaxy Note). Chính vì vậy mà LG quyết định phải giữ lại đặc điểm này. Tuy nhiên, không phải cứ mang nguyên cục pin của G2 rồi gắn vào G3 là xong. Chính vì mặt sau cong cong của G3 nên hãng không thể sử dụng một thỏi pin tiêu chuẩn. Vậy giải pháp là gì? Viên “pin cong”. Thoạt nhìn thì viên pin này có vẻ cũng phẳng y hệt như những sản phẩm khác trên thị trường, tuy nhiên, theo lời tiến sĩ Woo thì thực chất không phải thế. “Bởi vì mặt sau đã cong nhẹ nên pin cũng phải cong theo để vừa với nắp lưng”, ông nói.

Nhưng nếu viên pin giữ nguyên dung lượng thì màn hình Quad HD độ phân giải chẳng phải sẽ làm thời lượng sử dụng bị giảm đi hay sao? Không đâu, bởi vì LG nói rằng panel của G3 sử dụng “hệ thống điều khiển khung hình động”. Tính năng này sẽ có nhiệm vụ nói màn hình không làm mới nội dung nếu bạn dừng ở một giao diện, một khung hình nào đó trong thời gian dài, từ đó giúp giảm lượng điện tiêu thụ của tấm nền.

Như nhiều anh em cũng biết thì G3 sẽ có 5 tùy chọn màu khác nhau. Trắng và xám đen dường như là hai màu phải có đối với bất kì một hãng sản xuất smartphone nào. LG cho biết thêm rằng 80% số điện thoại bán ra có màu trắng và đen. Ngoài ra, vì muốn cung cấp thêm những lựa chọn phong phú, nhóm thiết kế quyết định bổ sung thêm màu vàng, đỏ hồng và tím. Tất cả những đối thủ chính của LG đều đã có smartphone chủ lực màu vàng, và đỏ cũng đang dần xuất hiện trên nhiều thiết bị hơn. Màu tím thì không phải là một thứ thường thấy, nhưng LG nói “Tím có vẻ như khá thời trang trong thời buổi hiện nay”.

LG_G3_mau_sac.
Nói tóm lại, LG có thể và đã mang những điểm mới đến với thị trường smartphone. Các nút ở mặt lưng, cảm biến laser, mức độ hoàn thiện kiểu kim loại là những ví dụ cho điều đó. Tuy nhiên, LG cần phải cố gắng hơn nữa để truyền tải những thông điệp này đến người tiêu dùng, chỉ khi đó hãng mới có thể cạnh tranh lại Samsung, HTC và nhiều tên tuổi lớn khác. G3 đã đi đúng hướng về mặt kĩ thuật, nhưng marketing và định hướng tiêu dùng lại là chuyện khác. Chúng ta hãy chờ xem LG sẽ làm gì để giúp chiếc G3 bán tốt nhé.

Nguồn: Engadget