[Đánh giá] Toshiba Satellite P50 - laptop giải trí cao cấp với CPU
Haswell
Ngay sau khi Intel chính thức giới thiệu nền tảng chip xử lý Core i thế hệ thứ 4 tại Việt Nam thì các hãng sản xuất cũng chuẩn bị tung ra những mẫu laptop mới dùng CPU Haswell cho thị trường trong nước. Sau Sony Vaio Duo 13 thì hôm nay, chúng ta có đại diện đầu tiên đến từ Toshiba là Satellite P50. P50 là một trong số nhiều model dòng Satellite P được hãng điện tử Nhật Bản công bố nâng cấp cấu hình lên Haswell và sở hữu ngôn ngữ thiết kế Skyline mới. Máy có 2 phiên bản gồm phiên bản thuần và phiên bản cảm ứng. Chiếc máy mình mượn được của Toshiba là phiên bản thuần, không cảm ứng và dưới đây xin gởi đến các bạn bài đánh giá chi tiết sản phẩm này.
Thiết kế, ngôn ngữ Skyline và Fusion Finish:
Là một chiếc máy thuộc dòng Satellite P hướng đến thị trường laptop giải trí cao cấp nên P50 sở hữu một thiết kế đẹp mắt, hiện đại. Theo ngôn ngữ Skyline của Toshiba, hình dáng tổng thể của P50 có dạng chữ U với 2 góc dưới bo cong trong khi 2 góc trên vuông hơn. P50 cũng sở hữu bộ khung bằng hợp kim magie như dòng doanh nhân cao cấp Porterge Z; vỏ ngoài nắp máy, khu vực chiếu nghỉ tay, vỉ phím và loa được làm bằng nhôm phay xước chống bám vân tay đồng thời giảm thiểu trọng lượng (P50 nặng khoảng 2,4 kg). Thêm vào đó, với quy trình hoàn thiện Fushion Finish, nội thất của P50 có khá nhiều điểm nhấn thiết kế, cụ thể là các chi tiết mạ crom như viền phân cách loa/bàn phím và viền bao quanh bàn rê.
Bao bọc quanh màn hình 15,6" của P50 là phần viền đen bằng nhựa bóng khá dày. Kích thước đo được là 1,5 cm viền 2 bên và 2 cm viền trên. Thiết kế viền trên dày tạo khoảng trống cần thiết cho cụm webcam, cảm biến ánh sáng và microphone. Trong khi viền 2 bên vừa đủ độ rộng cho ngón tay cái khi chúng ta đặt vào làm điểm tựa để mở góc màn hình mà không chạm vào phần hiển thị bên trong. Phần bản lề được làm khá chắc chắn với góc mở tối đa khoảng 160 độ.
Bên dưới màn hình là hệ thống loa Harman/Kardon được thiết kế với các lỗ nhỏ li ti trải dài theo chiều ngang máy. Nằm trong khu vực này sát cạnh phải là nút nguồn có đèn led tròn trông hiện đại và dễ nhận biết.
Bàn phím, bàn rê và cổng giao tiếp:
Toshiba Satellite P50 sở hữu một chiếc bàn phím rộng rãi dạng chiclet có đèn nền. Qua 3 ngày trải nghiệm, phải thừa nhận rằng bàn phím của P50 mang lại cảm giác gõ rất tốt. Mình đang sử dụng HP ProBook 4530s và khi chuyển sang P50, mọi thứ trở nên dễ dàng mà không phải mất thời gian làm quen. Layout phím được bố trí hợp lý, khoảng cách giữa mỗi phím khoảng 3,5 mm, phím mềm, có độ nảy vừa phải khiến hiện tượng flex cũng không xảy ra. Thêm vào đó, việc bổ sung bàn phím số Numpad cũng giúp ích rất nhiều cho những ai hay chơi game, cần thêm các phím để gán chức năng.
Mặc dù vậy, có một điểm mình chưa ưng ý trên bàn phím của P50 là hệ thống phím Function (Fn). Do tập trung vào tính năng giải trí nên dãy phím F1 đến F12 đã được thay thế bằng các phím chuyên dùng để điều khiển trình nghe nhạc, xem phim, tăng giảm độ sáng và âm lượng. Nếu muốn bấm F4 thì bạn phải nhấn tổ hợp Fn + F4. Vì vậy đối với những ai có thói quen tắt ứng dụng bằng Alt + F4 thì giờ đây bạn phải nhấn Alt + Fn + F4, khá rườm rà. Việc trang bị đèn bàn phím trên P50 là hoàn toàn hợp lý bởi không chỉ là một yếu tố "thời thượng" về thiết kế, đèn bàn phím còn giúp ích rất nhiều cho người dùng về ban đêm.
Để tạo nên trải nghiệm gõ phím tốt thì chất lượng bàn phím thôi vẫn chưa đủ. Yếu tố quan trọng tiếp theo là khu vực chiếu nghỉ tay. Từ đường gờ phân cách phím đến rìa trước của máy mình đo được khoảng 9 cm, đủ rộng để đặt hoàn toàn 2 tay và cổ tay mà không gây vướng víu. Bàn rê được đặt đối xứng với nút Space trên bàn phím, do đó nó không nằm chính giữa khu vực chiếu nghỉ như nhiều dòng máy khác. Tuy nhiên, bàn rê hơi lõm xuống và được phân cách bởi đường gờ mạ crom nên lòng bàn tay không chạm lên bàn rê làm nhảy con trỏ lung tung khi chúng ta gõ phím. Đây là một cải tiến đơn giản nhưng tiện dụng mà mình đã từng thấy trên Satellite U840W và giờ là P50.
Nói về bàn rê, Satellite P50 được trang bị một chiếc bàn rê đa điểm phủ kiếng cỡ lớn, kích thước đo được khoảng 10,5 x 6,5 cm. Đây là loại bàn rê ClickPad nên bạn có thể nhấn xuống tại mọi nơi trên bàn rê, khá giống với kiểu màn hình cảm ứng SurePress trên dòng máy BlackBerry Storm. Bàn rê có độ nhạy cao, độ phản hồi tốt thêm nữa là bề mặt phủ kiến khiến các thao tác vuốt, phóng to thu nhỏ được thực hiện dễ dàng. Nhìn chung về trải nghiệm gõ phím và bàn rê thì mình hoàn toàn hài lòng với P50.
Toshiba Satellite P50 vẫn là một chiếc laptop có thiết kế truyền thống, vì vậy máy được trang bị khá đầy đủ các cổng kết nối và cả ổ đĩa DVD-RW. Trên các cạnh máy, P50 có 2 x USB 2.0, 2 x USB 3.0 trong đó có 1 cổng hỗ trợ công nghệ Sleep & Charge, 1 x HDMI hỗ trợ xuất hình ảnh độ phân giải 4K, VGA, LAN, 2 x Jack 3.5 tai nghe/mic và khe đọc thẻ. Các cổng giao tiếp được bố trí khá hợp lý nhưng khe tản nhiệt và ổ quang lại thay đổi vị trí cho nhau. Khe tản nhiệt nằm tại cạnh phải còn ổ quang được đưa về cạnh trái, vì vậy hơi nóng từ khe tản nhiệt sẽ phà thẳng vào tay phải - cũng chính là tay cầm chuột khi bạn chơi game, khá phiền toái.
Màn hình và loa:
Satellite P50 được trang bị màn hình 15,6" độ phân giải Full HD, đèn nền LED kèm công nghệ TrueBrite HD+. Giống như màn hình của dòng Qosmio, màn hình trên P50 có độ tương phản cao và màu sắc tươi sáng. Là màn hình kiếng nên hiện tượng chói khi sử dụng dưới nắng vẫn xảy ra nhưng bù lại, màn hình cho góc quan sát 2 bên khá rộng giúp bạn chia sẻ nội dung tốt hơn với người ngồi cạnh.
Bên cạnh màn hình, hệ thống loa Harman/Kardon cũng là một yếu tố mang lại trải nghiệm giải trí hợp nhất trên P50. Mình luôn đánh giá cao chất lượng loa Harman/Kardon trên các dòng máy Qosmio của Toshiba và lần này với P50, chất âm gần như được giữ nguyên. Âm thanh có độ vang, âm lượng lớn nhưng không rè, âm trầm và âm cao được thể hiện rõ ràng. Mặc dù vậy, nếu so với Satellite U840W mà mình đã đánh giá thì Harman/Kardon trên P50 vẫn có một chút thua kém về uy lực.
Hiệu năng:
Satellite P50 là một trong những mẫu máy tính đầu tiên của Toshiba được trang bị vi xử lý Intel Core i hế hệ 4 kèm theo đó là card đồ họa NVIDIA GeForce GT 745M với công nghệ Optimus chuyển đổi tự động giữa GPU Intel HD Graphics 4600 và GPU NVDIA. Chi tiết cấu hình phiên bản Satellite P50 mình sử dụng như sau:
- HĐH: Windows 8 64-bit;
- CPU: Intel Core i7-4700MQ, xung nhịp 2,4 GHz;
- GPU: Intel HD Graphics 4600 + NVIDIA GeForce GT 745M 4 GB VRAM với công nghệ NVDIA Optimus;
- RAM: 8 GB DDR3 (2 x 4 GB);
- HDD: Hitachi 1 TB (5400 rpm).
Trước tiên về CPU Intel Core i7 4700MQ, ở đây chúng ta có hậu tố MQ - trông mới nhưng thực ra chính là QM của các thế hệ CPU trước ám chỉ dòng chip xử lý di động 4 lõi (Quad-core Mobile). CPU này có xung nhịp thực tế là 2,4 GHz và khi Turbo Boost sẽ tăng xung lên tối đa 3,4 GHz. Mình đã thử so sánh với một CPU thế hệ Ivy Bridge có xung nhịp tương đương là Core i7 3635QM và phát hiện ra Core i7 4700MQ tiêu thụ nhiều điện năng hơn: 47 W so với Core i7 3635QM là 45 W nhưng bù lại, theo kết quả benchmark do CPUBoss thực hiện thì hiệu năng xử lý đa lõi và đơn lõi của Core i7 4700MQ nhỉnh hơn một chút so với Core i7 3635QM. Theo đó, điểm xử lý đa lõi của Core i7 4700MQ là 9,5, cao hơn Core i7 3635QM là 8,8. Tương tự, điểm xử lý đơn lõi lần lượt là 9,3 so với 8,3.
Với cấu hình trên, Windows Experience Index đánh giá Satellite P50 đạt 5,7 điểm. Các điểm xử lý, bộ nhớ RAM đều cao, xấp xỉ 7,7 điểm. Điểm tốc độ truyền tải dữ liệu ổ cứng được 5,9 điểm cũng dễ hiểu bởi máy sử dụng ổ HDD thường có tốc độ quay chỉ 5400 rpm. Nếu sử dụng một ổ 7200 rpm hoặc SSD thì hiệu suất sẽ được cải thiện đáng kể. 2 điểm còn lại liên quan đến đồ họa là hiệu năng đồ họa Desktop và hiệu năng đồ họa 3D lần lượt có số điểm 5,7 và 6,8. Điểm số này được chấm căn cứ theo GPU tích hợp Intel HD Graphics 4600.
Như đã đề cập ở trên, P50 sử dụng cả 2 GPU Intel HD Graphics 4600 và NVIDIA GeForce GT 745M. Công nghệ NVIDIA Optimus sẽ tối ưu hiệu năng đồ họa và kéo dài thời gian sử dụng pin. Optimus tự động chuyển sang sử dụng GPU NVIDIA đối với các ứng dụng, trò chơi cần đồ họa và Intel HD Graphics cho các tác vụ thông thường. Dưới đây là kết quả benchmark của một số công cụ bao gồm 3DMark 11 v1.1.0 (phiên bản 2013); 3DMark 11 v1.0.5 và PCMark 7.
3DMark 11 2013:
Điểm 3 nội dung của phép thử 3DMark 11 2013 của Satellite P50 khá cao. 63911 điểm cho bài test Ice Storm, 8101 điểm cho bài test Cloud Gate và 1359 điểm cho bài test hạng nặng Fire Strike. Đối với bài test Fire Strike, điểm số mà P50 đạt được cao hơn rất nhiều so với mức điểm 525 của một chiếc laptop dùng GPU Intel HD Graphics 4000 như U840W. Theo kết quả so sánh trên FutureMark thì mức điểm 1359 của P50 tốt hơn 16% so với tất cả kết quả còn lại. Vị trí thứ 3 của P50 trên bảng so sánh rất phù hợp với mục tiêu của chiếc máy - giải trí cao cấp nhưng không quá thiên về game.
3DMark 11 v1.0.5:
Trên đây là bảng so sánh kết quả benchmark giữa 3 chiếc máy dùng vi xử lý Core i thế hệ 4 mới nhất. Bên cạnh Satellite P50, chúng ta có Sony Vaio Duo 13 dùng CPU Core i5 4200U 1,6 GHz, GPU Intel HD Graphics 4400 và Sony Vaio Pro 11 dùng CPU Core i7 4500U 1,8 GHz, GPU Intel HD Graphics 4400. Kết quả so sánh cho thấy mức chênh lệch lớn giữa 3 chiếc máy theo 2 chế độ test Extreme (nội dung benchmark hạng nặng dành cho máy tính chơi game cấu hình cao) và Performance (nội dung benchmark trung bình dành cho hầu hết máy tính).
PCMark 7:
Benchmark với PCMark 7, Satellite P50 đạt 3885, thấp hơn so với Sony Vaio Duo 13 và Vaio Pro 11. Rõ ràng cấu hình của Satellite P50 cao hơn nhiều so với 2 đối thủ nhưng điểm PCMark 7 vẫn không cao. Theo mình nghĩ chính tốc độ ổ cứng là nguyên nhân làm giảm hiệu năng hệ thống. Benchmark bằng phần mềm CrystalDisk Mark, tốc độ ổ cứng Hitachi 1 TB 5400 rpm chỉ đạt 98,92 MB/s (đọc) và 96,83 MB/s (ghi). Trong khi đó, cả Sony Vaio Duo 13 và Pro 11 đều sở hữu ổ SSD với tốc độ nhanh hơn rất nhiều lần: Sony Vaio Duo 13 (546 MB/s - 139 MB/s) và Sony Vaio Pro 11 (558 MB/s - 255 MB/s).
Pin và nhiệt:
Toshiba Satellite P50 được trang bị pin 4 cell 43 Wh, hơi ít đối với một chiếc máy màn hình 15,6" dùng Core i7 và card đồ họa rời. Thử nghiệm thời lượng sử dụng pin như sau:
- Chế độ pin Balanced, bắt đầu từ 9:21 PM (61% pin), độ sáng 80%, âm lượng 75%, Bluetooth/WiFi bật, nghe nhạc liên tục, mở 12 tab Chrome để duyệt web, soạn thảo văn bản, các ứng dụng chạy ngầm khác vẫn để mặc định. Kết thúc 9:55 PM, pin còn 33%. 34 phút hết 28% pin.
- Chế độ pin Toshiba Eco, bắt đầu 7:20 PM (64% pin), độ sáng 100%, đèn phím bật, Bluetooth/WiFi bật, mở 10 tab Chrome duyệt web, soạn thảo văn bản bằng OneNote. Kết thúc 8:26 PM, pin còn 10% báo cắm sạc. 1 giờ 06 phút hết 54% pin.
Từ 2 kết quả trên, có thể suy ra thời lượng sử dụng pin của Satellite P50 trung bình chỉ khoảng 2 giờ.
Về nhiệt độ, dưới đây là bảng so sánh nhiệt độ các cấu thành như CPU, GPU, bo mạch chủ, ổ cứng khi tải vừa và tải nặng (chạy game Crysis 3).
Qua sử dụng, bên cạnh việc khe tản nhiệt đặt trên cạnh phải phà hơi nóng trực tiếp vào tay cầm chuột thì phần chiếu nghỉ tay bên phải cũng hơi ấm nhưng không gây khó chịu.
Tổng kết:
Satellite P50 là một chiếc máy đẹp, thể hiện phong cách thiết kế mới của Toshiba. Với việc sử dụng chất liệu nhôm, hoàn thiện tốt, màn hình đẹp, âm thanh hay và cấu hình cao, Satellite P50 đang đi đúng hướng khi đánh vào phân khúc giải trí cao cấp. Mặc dù vậy, P50 vẫn gặp phải những nhược điểm truyền thống của Toshiba mà chúng ta đã thấy nhiều trên những dòng giải trí như Qosmio như thời lượng pin ngắn, khe tản nhiệt đặt bên phải gây khó chịu khi sử dụng. Hiện tại, Toshiba Satellite P50 vẫn chưa được phân phối chính hãng tại Việt Nam, mức giá mình tham khảo trên trang Toshiba Mỹ cho chiếc máy cùng cấu hình trên là 1299 USD và Toshiba giá cho thị trường VN sẽ rẻ hơn đôi chút. Theo mình thì đây là một mức giá khá hợp lý cho một chiếc máy được trang bị toàn "đồ mới" như Satellite P50.
Ưu điểm:
- Thiết kế đẹp, chắc chắn;
- Màn hình sáng đẹp, góc nhìn rộng;
- Loa Harman/Kardon chất lượng;
- Bàn phím/bàn rê tốt;
- Cấu hình cao.
Nhược điểm:
- Bố trí khe tản nhiệt chưa hợp lý;
- Thời lượng pin ngắn.