Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Chúng ta sắp sửa có thể chặn được căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS?

HIV

Ít nhất 35 triệu người trên hành tinh đang phải sống với virus HIV và con virus này giết chết khoảng 1,7 triệu người mỗi năm, đây được xem là căn bệnh của thế kỷ và là một thách thức cho nền y học thế giới. Nhưng với các tiến bộ khoa học trong những năm gần đây dường như chúng ta đã bắt đầu đẩy lùi được HIV hơn bao giờ hết - vậy liệu chúng ta có thực sự loại bỏ được loại virus này? Câu trả lời là nhiều hy vọng hơn bạn có thể nghĩ!

Việc đối phó với con virus HIV là không dễ dàng vì nó phát triển quá nhanh khiến cho các loại thuốc bị kháng lại cực kỳ nhanh. Cách xử lý là bệnh nhân phải dùng các liệu pháp lâu dài và chấp nhận sống chung với con virus. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cách ngăn chặn nó và quét sạch hết mầm mống trước khi có "tấn công" hệ miễn dịch của cơ thể.

Với số lượng người mắc bệnh AIDS hay HIV nhiều như hiện nay, thì việc tìm ra một liệu pháp chữa trị hiệu quả là hết sức quan trọng - nhưng nó cần phải an toàn và có thể sử dụng lại được. Nếu chúng ta muốn "nhổ tận gốc" các mầm mống của virus HIV thì rất cần thiết là phải ngăn chặn và điều trị ở giai đoạn sớm nhất có thể để hạn chế việc virus lan rộng ra. Và để có thể phổ biến rộng rãi thì các phương pháp điều trị cần phải có chi phí hợp lý và độ tin cậy.

Timothy-Ray-Brown
Anh Timothy Ray Brown, người đầu tiên được chữa trị khỏi bệnh AIDS. Ảnh: Foxnews

Sự thật là chúng ta đã từng thành công trong việc khống chế con virus HIV. Năm 2007, Timothy Ray Brown, một bệnh nhân 40 tuổi dương tính với virus HIV, đã được áp dụng liệu pháp cấy ghép tuỷ để trị bệnh ung thư bạch cầu. Brown lúc đó đang ở bên bờ vực của cái chết, và ghép tuỷ là hy vọng cuối cùng. May mắn là tuỷ sống từ người hiến tặng cho anh có một loại gen hiếm, CCR5 delta32, có khả năng giúp tế bào mầm chống lại virus HIV. Và sau hơn 20 tháng điều trị mà không dùng thuốc chống virus, mức độ của virus HIV trong máu và tuỷ xương của Brown đã xuống tới mức không thể phát hiện ra. Và theo một báo cáo vào năm 2011 đã khẳng định rằng Brown hoàn toàn không bị tái phát, anh đã hoàn toàn đánh bại được virus HIV.

Trường hợp của Timothy Ray Brown khá là đặc biệt vì người hiến tặng tuỷ xương cho anh có gen CCR5 delta32, miễn dịch với virus HIV. Tuy nhiên, mới cách đây chừng 10 ngày, hai bệnh nhân khác cũng đã được chữa khỏi bệnh HIV sau khi ghép tuỷ. Hai người đàn ông - một bị nhiễm HIV "ngay từ những năm đầu mà dịch bệnh này bùng phát", người còn lại lại nhiễm khi còn nhỏ - đã được cấy ghép tuỷ sống để điều trị bệnh ung thư bạch huyết. Trước đó, hai người này từng trải qua quá trình điều trị kháng virus lâu dài nhằm ngăn chặn không cho virus HIV phát triển và không cho nó tiến triển thành AIDS. Sau khi được cấp ghép tuỷ, họ vẫn phải tiếp tục dùng thuốc kháng virus. Tuy nhiên đến đầu năm 2013, tiến sĩ Timothy Henrich, người chịu trách nhiệm điều trị cho 2 bệnh nhân này đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng và chỉ định cho 2 bệnh nhân ngưng dùng thuốc để xem kết quả. Và kết quả là virus vẫn chưa có dấu hiệu xuất hiện trở lại.

Như vậy có nghĩa là đã thành công? Không hoàn toàn như vậy. Vì vẫn mới chỉ có 3 người có thể loại bỏ được virus HIV trong khi còn hàng chục triệu người vẫn đang phải sống chung với nó. Và phương pháp điều trị bằng cách cấy ghép tuỷ rõ ràng là có hiệu quả, nhưng nó không phải là cách có thể áp dụng rộng rãi vì chi phí thực hiện rất là cao, tỉ lệ gây chết người cũng ở mức 15-20%, ngoài ra loại thuốc dùng để ngăn chặn các phản ứng miễn dịch với tuỷ sống của người hiến tặng cũng có thể gây ra vấn đề với bệnh nhân - đặc biệt là những người mắc bệnh HIV.

Rõ ràng là để tìm ra một phương pháp hiệu quả giúp loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể một con người là điều không hề dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất có lẽ phải xác định được mầm mống virus và tiến hành điều trị ngay ở giai đoạn đầu ngay khi bị nhiễm. Nếu con virus bị kiểm soát ngay khi nó chưa thể tấn công vào hệ miễn dịch thì kết quả thu được sẽ hiệu quả hơn nhiều lần. Ví dụ một trường hợp hồi đầu năm nay, một đứa trẻ sơ sinh bị lây nhiễm virus HIV từ mẹ đã được điều trị thuốc kháng virus sau khi sinh được 30 giờ, đến nay bé đã được 2 tuổi rưỡi, và đã thôi dùng thuốc được 1 năm, hiện tại các kết quả xét nghiệm đều không phát hiện ra dấu hiệu của virus HIV nữa.

Trong một thử nghiệm khác, 14 bệnh nhân ở Pháp cũng đã được dùng thuốc kháng virus ở khoảng thời gian từ 35 ngày đến 10 tuần sau khi tiếp xúc với virus HIV. Sau quá trình điều trị với thuốc kháng virus khoảng 3 năm, họ đã dần dần ngừng sử dụng thuốc. Và các nhà khoc học đã tuyên bố là những người này đã thành công trong việc loại bỏ virus HIV ra khỏi cơ thể.

ku-xlarge
Hình ảnh mô tả cấu trúc của vỏ caspid.

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học với sự trợ giúp của siêu máy tính Blue Waters đã đi tìm phương pháp ngăn chặn sự phát triển của virus HIV khi nó xâm nhập vào cơ thể con người. Thứ giúp cho virus HIV chống lại hệ miễn dịch của con người chính là lớp vỏ caspid, hình thành từ các protein. Caspid có trách nhiệm bảo vệ cho các chuỗi RNA và vô hiệu hoá hệ thống miễn dịch để đưa virus HIV xâm nhập vào cơ thể người. Với sự trợ giúp của siêu máy tính, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu cách Caspid hình thành và cách thức hoạt động của nó để từ đó tìm ra phương pháp tốt nhất nhằm tấn công virus HIV ở cấp độ phân tử, ngăn không cho nó phát triển và "tận diệt" nó.

Tuy nhiên, trong một "thế giới lý tưởng" thì chúng ta vẫn có một cách khác để ngăn chặn HIV, đó là tạo ra một vắc-xin đặc trị, tương tự như thứ mà chúng ta đã làm với các bệnh sởi, lao, hay nhiều loại khác. Có thể nói đây là cách có thể áp dụng rộng rãi nhất. Chỉ cần tiêm vắc-xin cho mọi người lúc còn nhỏ hoặc là trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời, virus HIV sẽ có thể bị rơi vào quên lãng, tương tự như virus gây bệnh bại liệt hay đậu mùa. Đó cũng là lý do để các nhà khoa học cố gắng nhiều hơn nhằm tìm ra loại vắc-xin này. Và hiện tại thì họ cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể.

Truvada

Vào năm ngoái, Cơ quan quản lý Dược và Mỹ phẩm Mỹ đã phê chuẩn một loại thuốc viên dùng để điều trị dự phòng lây nhiễm HIV, là Truvada. Cơ quan này đã cho phép sử dụng thuốc viên Truvada do Công ty Gilead Sciences sản xuất như là một biện pháp điều trị dự phòng lây nhiễm HIV ở những người có nguy cơ cao nhiễm loại virus này, vì dụ như những người có quan hệ tình dục với bạn tình đã bị nhiễm HIV. Các nghiên cứu kéo dài trong 3 năm liền cho thấy, việc sử dụng Truvada theo liều hàng ngày có thể giúp giảm tới 42% nguy cơ lây nhiễm HIV ở những nam giới đồng tính khoẻ mạnh và 73% nguy cơ lây nhiễm đối với quan hệ tình dục khác giới, trong đó có 1 người đã bị nhiễm HIV, còn người kia không bị.

Những con số này thật sự là ấn tượng và đáng khích lệ, tuy nhiên việc phải dùng liều hàng ngày cũng kéo theo nhiều bất tiện như là có thể bị quên uống, và phải tốn nhiều tiền. Và nếu có thể chuyển loại thuốc này sang dạng vắc-xin thì sẽ rất tiện lợi, chỉ cần uống một lần vắc-xin là sẽ có thể giải quyết được mọi nguy cơ. Ở thời điểm hiện tại, thì khả năng có thể phát triển thành công vắc-xin vẫn còn chưa rõ ràng, tuy nhiên với những phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ, thì hy vọng là chúng ta sẽ không phải đợi quá lâu để có loại vắc-xin đặc trị cho virus HIV này.

Qua những câu chuyện ở trên, rõ ràng chúng ta thấy là các nhà khoa học đã có những bước đi khá vững chắc cho đến cái đích là tìm được cách chữa trị bệnh HIV. Có thể là phải cần nhiều năm nữa họ mới tới được cái đích cuối cùng, nhưng chúng ta vẫn có rất nhiều hy vọng. Tuy nhiên, để có thể đối phó với một căn bệnh mà đang có tới 35 triệu người bị ảnh hưởng thì đó không phải là việc đơn giản. Nó đòi hỏi một sự liên kết cả về khoa học, xã hội và chính trị để cùng nhau "tấn công tổng lực" lên con virus quái ác đó. Ngoài ra, mỗi cá nhân còn phải hiểu rõ hơn về căn bệnh HIV này để có thể phòng ngừa và chữa trị một cách hiệu quả nhất.