Bạn có còn nhớ băng Cassette? Nó 50 tuổi rồi đấy
Bạn có nhớ lần cuối mình nghe một bài nhạc được phát từ băng Cassette là khi nào không? Mình dám cá là những đứa trẻ chừng 10 tuổi chắc là chẳng có ấn tượng gì về nó nữa cả. Mà thậm chí nếu không nhắc lại thì chắc hẳn nhiều bạn cũng đã không còn nhớ đến sự tồn tại của những chiếc băng Cassette, khởi đầu cho những tâm hồn yêu thích âm nhạc từ 20-30 năm về trước. Còn một điều khác nữa là chắc không nhiều người biết rằng, băng Cassette đã 50 năm tuổi.
Băng cassette được phát minh bởi Dale Wiggins, trưởng nhóm nghiên cứu của công ty điện tử Philips. Tháng 8 năm 1963, hãng Philips ở Hà Lan đã cho ra mắt băng Compact Cassette và máy nghe Cassette (được giới thiệu lần đầu tại Hội chợ Triển lãm Phát sóng Funkausstellung tại Berlin). Từ năm 1965, những băng nhạc Cassette thông dụng bắt đầu được bán ra thị trường, lúc đầu chỉ có thể phát bằng chất lượng âm thanh mono (âm thanh đơn kênh, đơn loa), nhưng từ năm 1966 đã có băng Cassette stereo (đa kênh).
Băng Cassette Còn được gọi đơn giản là băng nhạc. Một băng Cassette được cấu tạo từ một cuộn băng có mang từ trường trong một vỏ băng bằng nhựa, trong đó thường được ghi bằng 4 rãnh âm thanh cho 2 mặt. Cuộn băng từ trường này rộng 3,81 mm, còn độ dài của cuộn băng và độ dày của băng tùy thuộc vào thời gian có thể chạy của cả băng, như có nhiều chuẩn thông dụng C60 (30 phút âm thanh mỗi mặt, băng dài 90 m), C90 (45 phút mỗi mặt, băng dài khoảng 130 m)... Cuộn băng từ trường này lúc đầu được làm từ một hỗn hợp ferric oxide (Fe2O3), nhưng sau có loại tráng thêm chromium dioxide (CrO2), hoặc vài hỗn hợp khác để tăng cường chất lượng âm thanh.
Cho đến năm 1988, riêng hãng Philips, nhà sản xuất thiết bị điện tử khổng lồ của Hà Lan, bán được khoảng 3 tỷ băng Cassette. Những hãng sản xuất băng Cassette nổi tiếng khác có thể kể ra như TDK, Maxell, BASF, Sony, JVC, Nakamichi,… Những biến thể phát triển của băng Cassette sau này như Digital Audio Tape (DAT), Digital Compact Cassette (DCC) (phát triển trong những năm 1992-1996) ... tuy nhiên với sự biến chuyển nhanh chóng của thị trường kỹ thuật số, những sản phẩm này không đủ sức cạnh tranh lâu dài với những sản phẩm khác và dần dần bị quên lãng.
Ngày nay, ở các thành phố lớn, băng Cassette gần như đã bị lãng quên khi các thiết bị kỹ thuật số khác đang phát triển quá nhanh. Tuy nhiên, sự thật là nó vẫn còn được dùng để ghi các thể loại nhạc đường phố hay dân gian của người dân ở những khu vực như Trung Đông, Ấn Độ, và châu Á, một chủ cửa hàng bán băng đĩa nói với CNN.
Ngoài ra thì vẫn còn những người lưu luyến với những ký ức đẹp về băng Cassette. Bằng chứng là có nhiều món phụ kiện được lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc băng từ này. Đơn cử như là những vỏ bảo vệ dành cho điện thoại di động có hình băng Cassette hay những món đồ tự chế được làm từ băng Cassette.
Kỳ thực mình vẫn còn nhớ như in cái cảm giác thích thú khi mà Ba mình tặng cho mình chiếc máy Cassette đầu tiên vào năm 1995, lúc đó mình mới 11 tuổi. Nó thực sự là một món quà ý nghĩa và mang tới cho mình nhiều niềm vui. Nhờ nó mình nghe được những bản nhạc phát qua sóng radio, rồi tìm mua các băng Cassette ở cửa hàng, hay là mượn của những thằng bạn. Lúc đó mình nghe đi nghe lại những bài hát của Michael Learns To Rock, Backstreet Boys hay The Moffats. Canh nghe từng bài hát trên sóng radio để thu lại vào băng. Một chiếc băng được thu đi thu lại nhiều lần cho đến khi nó nhão, hoặc là bị cấn và rối. Hồi đó thỉnh thoảng cũng có làm một vài cuốn băng Cassette với những bài hát hay và lãng mạn tặng cho mấy bạn cùng lớp. Thật là vui!
Giờ đây sau 50 năm tồn tại, băng Cassette đã dần dần biến mất, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ còn nhớ đến nó rất lâu. Có thể những đứa con, cháu của chúng ta chỉ có thể tìm được băng Cassette trong bảo tàng nhưng hy vọng là qua những câu chuyện kể của các bậc cha ông, chúng có thể mường tượng ra được cái cách mà những thế hệ đi trước đã nghe nhạc và đã yêu âm nhạc như thế nào.