Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Câu chuyện về Google Doodle và những con người thích sáng tạo

Google_Doodle.

Doodle là những logo Google được vẽ lại theo chủ đề của những sự kiện quan trọng xảy ra trên toàn thế giới. Khi đến một dịp kỉ niệm hoặc ngày lễ, logo đặc biệt này sẽ thay thế cho chữ Google mặc định khi bạn truy cập vào trang chủ của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới. Kể từ khi nhà đồng sáng lập Sergey Brin vẽ ra phiên bản logo Google để kỉ niệm tuần lễ Burning Man vào năm 1998, Doodles đã trở thành một phần quan trọng được nhắc đến và cũng được xem bởi hàng triệu người dùng. Vậy những ai đã tạo ra các logo đẹp và vui vẻ như thế? Họ là những người làm việc trong bộ phận Tính năng Tìm kiếm tại khu phức hợp thuộc khuôn viên trụ sở chính của Google.

Nhóm thiết kế Doodle thực chất khá nhỏ bé so với quy mô của Google, chỉ bao gồm 10 họa sĩ + 4 lập trình viên + 2 quản lý dự án, tuy nhiên chỉ trong năm ngoái họ đã tạo ra được 350 kiểu logo Doodle. Ryan Germick, một trong hai người lãnh đạo nhóm, cho biết: "Nhóm Doodle rất nhỏ nhưng nguồn lực của chúng tôi là huyền thoại", đồng thời mô tả đội ngũ của ông là "một lực lượng lao động được công ty yêu quý.. Chúng tôi có cả tá tình nguyện viên và cộng tác viên, ngoài ra còn có những người giúp chúng tôi trong việc dịch thuật và đề xuất ý tưởng cho các Doodles trên toàn thế giới".

googleburn.
Doodle đầu tiên ra đời vào 30/8/1998

Và để chứng minh cho lời nói này, Germick chỉ về chiếc bảng trắng đang treo trong phòng làm việc của mình, trên đó có hình ảnh mô tả nguyên lý hoạt động của ánh sáng. Nó được hai kĩ sư từ một bộ phận khác của Google ghé qua để vẽ và giải thích cho nhóm Doodle nhằm chuẩn bị cho dịp kỉ niệm công lao của một nhà vật lý học sắp diễn ra.

Từ ý tưởng đến Google.com

Vậy làm thế nào Google chọn sự kiện để kỉ niệm bằng những hình vẽ Doodle? Germick nói rằng trọng tâm của việc lựa chọn sẽ là những thứ "tốt cho thế giới". Đó có thể là một phát minh có tầm ảnh hưởng quan trọng, một công nghệ mới, một sự sáng tạo hoặc những thứ vui vẻ. Nói chung, nó là những thứ mà nhiều người thường gọi với cái tên "bác học" (nguyên văn: nerdy stuff). Ngoài ra Google cũng đưa những sự kiện văn hóa, ví dụ như lễ Tạ Ơn hoặc ngày Quốc khánh và những dịp tương tự như thế trên toàn cầu.

"Chúng tôi sẽ lấy ý tưởng từ những người trong nhóm, trong công ty, từ một người dùng Internet hoặc bất kì ai cũng được. Chúng tôi sẽ xem xét những đề xuất đó và cứ vài tháng thì chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch cho những việc mình sẽ làm trong sáu tháng hoặc một năm tới. Làm thế nào chúng tôi có thể mang lại niềm vui tột độ cho nhiều người nhất có thể với nguồn lực mà chúng tôi hiện có? Đó là một phương trình mà mà chúng tôi thường phải giải quyết và đến giờ thì mọi việc đều ổn cả".

Ryan-Germick-786x305.

Với một thứ sẽ xem bởi hàng triệu người, thật ngạc nhiên khi không có một người nào của bộ phận marketing tham gia vào việc chọn hay chấp thuận ý tưởng cho Doodles. "Chúng tôi không phải đi qua một đợt đánh giá về mặt tiếp thị, chúng tôi cũng chẳng có những biểu đồ nói rằng 'Chúng ta cần thu hút những người dùng nữ có độ tuổi từ 18-24 ở khu vực phía Nam", Germick chia sẻ.

Thay vào đó, thứ mà nhóm thật sự quan tâm là "Thứ tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể làm là gì?". Germick nói ông có cả một nhóm toàn nhân tài, có một công ty tin vào nhóm và cho nhóm sự tự do để thực hiện công việc này. Làm thế nào chúng tôi có thể làm nên những thứ tuyệt vời để làm cả trăm triệu người thích thú? Chúng tôi chỉ cố gắng tận dụng cơ hội đó và tối ưu công việc của mình - thật là tuyệt khi được sống và sáng tạo".

Nói đến thời gian cần thiết để tạo ra một hình Doodle, Germick giải thích rằng điều đó còn tùy thuộc vào độ phức tạp của ý tưởng. Nó có thể chỉ mất một vài giờ nếu hình ảnh đơn giản, nhưng nó cũng có thể chiếm lấy nhiều tháng trời với sự tham gia của phần lớn thành viên trong nhóm. Ông cho biết thêm là không có một quy trình cố định nào trong việc thiết kế Doodle cả.

Đẩy đến giới hạn

Một trong những Doodle mà Germick tự hào nhất đó là tác phẩm mô phỏng lại synthesizer, một loại nhạc cụ có khả năng giả lập nhiều loại âm thanh khác nhau. Logo nói trên được Google triển khai ngày 23/5/2012 để kỉ niệm ngày sinh nhật thứ 78 của Robert Moog, vị tiến sĩ khai sinh ra synthesizer. Germick nhớ lại rằng công nghệ web lúc đó chỉ mới ở thời điểm mà các hàm API Web Audio trong trình duyệt Chrome vừa tiến vào giai đoạn ổn định. "Chúng tôi đã có thể làm được một thứ mà chỉ vài tuần trước còn không khả thi". Và với Doodle mô phỏng nhạc cụ nói trên, nhóm đã xây dựng thêm một phiên bản Flash để nếu người dùng có truy cập Google.com bằng Firefox, Internet Explorer hay Safari thì họ vẫn có thể tương tác với Doodle như những gì có thể làm với Chrome. Tuy nhiên, chỉ có một mình Chrome là sử dụng những hàm API âm thanh với độ trễ thấp.

Moog-Doodle-520x232.

Germick hào hứng kể thêm rằng nhóm của ông "luôn cố gắng bắt kịp công nghệ, điều đó giúp chúng tôi theo kịp thời đại. Bất kì một phương thức mới trong cách người dùng tiêu thụ thông tin đều cơ bản là một cơ hội để chúng tôi sáng tạo". Ông lấy Doodle mô phỏng trò chơi Pac-Man hồi năm 2010 làm ví dụ cho điều này.

Tuy nhiên, không chỉ Doodle về synthesizer, về trò Pac-Man hay về nhóm của ông mới là điều làm cho Germick tự hào. Ông còn cảm thấy vui khi người chia sẻ những video, những đoạn âm thanh được tạo ra từ chính Doodle đó. "Thật tuyệt vời khi bạn làm việc với một thứ gì đó, ra mắt nó rồi xem cả thế giới thực hiện những điều mà bạn thậm chí còn không hề dự đoán được".

Pac-Man-520x162.

Sự sáng tạo là tất cả

"Tôi thích trở thành một phần trong quy trình tạo ra những thứ mà người khác có thể tiếp tục sáng tạo với chúng. Nó trở thành một thứ còn lớn hơn cả sự tổng hợp từ những mảnh nhỏ. Tôi có thể làm ra một bức họa đẹp và bạn sẽ phản ứng kiểu như 'Ồ, nó thật đẹp', nhưng nếu tôi cho bạn một công cụ để bạn tự mình sáng tạo và bộc lộ cảm xúc thì điều đó còn tuyệt hơn. Chúng tôi rất thích thú khi chúng tôi đưa cho thế giới một thứ gì đó và nhìn nó quay trở lại mang theo một cuộc sống hoàn toàn khác, và của riêng nó".

Và rồi cũng có những nhân tố giáo dục được Google đưa vào Doodles. Germick đề cập đến logo hình chiếc máy tính được tạo ra hồi năm ngoái nhân dịp kỉ niệm sinh nhật lần thứ 84 của Shakuntala Devi, một người phụ nữ giỏi tính nhẩm đến mức bà được biết được như là một "chiếc máy tính sống". Germick chưa bao giờ nghe đến tên bà trước khi làm việc với dự án, và có lẽ nhiều người dùng nhìn thấy Doodle này cũng thế.

Shakuntala-Devi-520x139.

Việc làm cho người dùng cảm thấy bất ngờ cũng là một phần trong cách thức hoạt động của nhóm Doodle. Ví dụ, Google đã tạo ra logo chào mừng 63 năm thành lập một vườn quốc gia tại Anh Quốc. Nhóm không cần chờ tới đợt kỉ niệm thứ 65, Germick nói đùa.

Peak-District.

Trong nhóm còn có một người nữa rất yêu công việc của mình và ông xem Doodles không chỉ là một thứ vui vẻ gắn trên trang chủ Google. "Thế giới của chúng ta ngày càng rạng nứt. Thật sự thì không có một cụm lửa trại nào để cả thế giới đi vòng xung quanh, và chúng tôi thì thật may mắn khi có được công việc mang đầy tính sáng tạo tại Google với rất nhiều người xem mỗi ngày. Chúng tôi muốn làm một thứ gì đó xứng đáng với thời gian người đã bỏ ra như một vật chứng cho sự cảm phục của mình".

Để xem tất cả những logo Doodle, mời các bạn truy cập vào trang web này.

Nguồn: The Next Web