Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Sản xuất thành công tế bào hồng cầu trong phòng thí nghiệm, sẽ truyền cho người vào năm 2016

blood_2881853b.

Mới đây, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Glasgow tuyên bố đã sản xuất thành công tế bào hồng cầu từ tế bào gốc toàn năng trong phòng thí nghiệm với độ an toàn cao và có thể truyền được cho con người. Đây là bước đột phá lớn trong dự án sản xuất máu ngoài cơ thể người do Quỹ từ thiện Welcome Trust tài trợ. Thành công bước đầu của nghiên cứu đã mở ra triển vọng mới về việc sản xuất máu trên quy mô công nghiệp nhằm cung cấp đủ lượng máu truyền cho các bệnh nhân và giảm chi phí truyền máu vốn vẫn còn khá đắt đỏ như hiện nay.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 107 triệu lượt hiến máu nhân đạo được thực hiện. Tuy nhiên, lượng máu cần thiết vẫn thường xuyên bị thiếu hụt, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, mặc dù đã được bảo quản và sử dụng một cách cẩn thận nhất, nhưng quá trình truyền máu vẫn xảy ra các nguy cơ như không tương thích với người nhận hoặc lây lan các bệnh nhiễm qua đường máu.

Do đó, tổ chức từ thiện Wellcome Trust đã phát triển phương pháp sản xuất máu nhân tạo bên ngoài cơ thể người với hy vọng có thể giải quyết được các khó khăn nói trên. Cuối cùng, việc nghiên cứu đã đạt được những thành công ban đầu hết sức khả quan. Hồi tuần trước, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng đã tổng hợp thành công các tế bào hồng cầu tại phòng thí nghiệm và sẽ bắt đầu thử nghiệm trực tiếp trên người vào cuối năm 2016.

Chương trình nghiên cứu được lãnh đạo bởi Dịch vụ truyền máu quốc gia Scotland và hoạt động dựa trên khoản viện trợ trị giá 8,4 triệu đô la từ tổ chức từ thiện Wellcome Trust. Chương trình đã được hợp tác nghiên cứu bởi nhiều trường đại học và các tổ chức khác nhau như Đại học Glasgow, Đại học Edinburgh, Đại học Loughborogh, viện truyền máu và huyết học, Đại học Cambridge,...

Trong cơ thể người, máu được tạo thành một cách từ nhiên từ tủy xương. Tùy vào độ tuổi mà máu được tạo thành bởi tủy của những loại xương khác nhau. Đồng thời, độ tuổi càng lớn tương ứng với khả năng tạo ra hồng cầu ngày càng suy giảm. Kết quả đầu tiên của dự án là đã có thể tổng hợp thành công tế bào hồng cầu nhóm máu O và hoàn toàn có thể được sử dụng cho người. Các tế bào hồng cầu này được sản xuất từ tế bào gốc toàn năng của cơ thể người.

Tiến sĩ Joanne Mountford tại Đại học Glasgow cho biết: "Đầu tiên, chúng tôi phải biến các tế bào gốc thành trung bì - một thành phần trong cơ thể người tạo nên cơ bắp, xương và máu. Sau đó, các trung bì này sẽ được chuyển hóa thành các tế bào hồng cầu cần thiết. Cuối cùng, chúng tôi sẽ làm cho chúng tự tách nhân và phát triển thành một tế bào hồng cầu trưởng thành."

Nhóm máu được chọn để sản xuất nhân tạo là máu O do đây là nhóm máu chuyên cho nên có thể truyền được cho bệnh nhân mang tất cả các nhóm máu khác. Đây được xem như một thành công đột phá bước đầu của dự án nghiên cứu. Các nhà khoa học cho biết vẫn còn rất nhiều vấn đề khác cần phải giải quyết trước khi tiến hành thử nghiệm trên người vào năm 2016.

Tiến sĩ Mountford chia sẻ: "Mỗi túi máu được dùng để truyền cho bệnh nhân có chứa khoảng 2 nghìn tỷ tế bào hồng cầu bên trong. Đây là một con số quá lớn để có thể sản xuất trong phòng thí nghiệm. Chỉ tính riêng tại Anh, chúng tôi đã sử dụng hơn 2 triệu túi máu như thế này mỗi năm. Chính vì vậy, việc sản xuất máu trên quy mô công nghiệp chính là vấn đề mà chúng tôi cần phải tiếp tục nghiên cứu và đưa ra giải pháp thích hợp trong tương lai."