[Nhiếp ảnh điện thoại] Chụp ảnh cơ bản với Camera của Nokia Lumia
Khi làm bài này, nhiều bạn giỏi chụp ảnh điện thoại bảo rằng: "Nhảm!" hoặc "Xàm!"... Nhưng thiển nghĩ với nhiều người mới sắm máy hoặc mới bắt đầu thích chụp, ngoài thao tác cầm máy lên và chụp với chế độ tự động, chưa tận dụng được các tính năng có sẵn của máy để có bức ảnh ưng ý hơn, nên mình mạo muội chia sẻ cho những người ấy. Sở dĩ Camera Nokia có thể có được những khung ảnh tuyệt đẹp do nhiều bạn chụp, là bởi nó có cơ chế hiệu chỉnh các thông số cơ bản của nhiếp ảnh khá chuyên nghiệp. Làm chủ được nó và hiệu chỉnh phù hợp với hoàn cảnh ánh sáng trước khi bấm máy, đặc biệt những hoàn cảnh ánh sáng phức tạp hoặc khó, sẽ được khung ảnh tốt hơn cứ để hoàn toàn auto.
Nokia Camera cho bạn tuỳ chỉnh: Cân bằng trắng (WB, tức là tuỳ theo môi trường ánh sáng khác nhau sẽ có màu sắc khác nhau: ngoài trời nắng, trong bóng râm,dưới ánh đèn huỳnh quang, đèn dây tóc...), tốc độ màn trập (thời gian màn trập mở và đóng của một lần chụp), ISO (độ nhạy sáng của cảm biến máy ảnh, dải ISO chạy từ 100-3200), khoảng cách nét từ máy đến vật thể chụp (m từ 4s - 1/8000s), tăng giảm bù trừ sáng EV +/-. Khả năng tuỳ chỉnh này về cơ bản là cầu nối giữa một chiếc điện thoại thông mình và một chiếc máy ảnh bỏ túi thực sự. Mời xem video thao tác cơ bản phần này.
Một số tình huống thực tế. Máy sử dụng là 1020 và 1520
Hình 1: Đặc tả chủ đề, tách hẳn những vật thể lộn xộn xung quanh Đây là người chơi guitar trong một đại sảnh hội trường ánh sáng rất yếu và xung quanh nhiều đồ vật lộn xộn.
- Khi mình chụp auto, xảy ra 2 trường hợp:
Lấy nét và đo sáng vào chỗ tối nhất, ảnh sáng trưng và thấy hết những thứ lộn xộn xung quanh.
Lấy nét và đo sáng vào chỗ sáng nhất, ảnh tối thui không thấy gì.
- Chỉnh các thông số: Lấy nét và đo sáng vào bộ khoá đàn, AWB, ISO100, 1/10s và có được bức hình dưới.
Hình 2: Chụp thao tác mờ nhoè diễn tả hành động Nếu chụp chế độ Auto, máy ảnh sẽ bắt dính đôi tay người làm bánh. Để có sự mờ nhoè của thao tác lăn bột bánh nướng, ánh sáng ở ngoài vỉa hè buổi chiều, mình chỉnh các thông số: AWB, ISO100, 1/20s, kéo thanh lấy nét để khoá nét cố định. Sự mờ nhoè chưa ưng ý, nhưng có phần diễn tả hành động đang nhồi bột của người thợ bánh.
Hình 3: Ánh sáng ngược và chênh lệch độ sáng Nếu lấy nét và đo sáng vào vùng sáng bên ngoài, phía bên trong tối đen. Nếu lấy nét và đo sáng vào vùng tối bên trong, phía bên ngoài cháy trắng. Mình lấy nét và đo sáng vào giữa vùng sáng/tối và chỉnh EV +3, như vậy vùng sáng hơi dư 1 chút, và vùng tối hơi thiếu 1 chút để bức ảnh có thể sử dụng được.
Hình 4: Chụp khoảnh khắc chuyển động với 1020 Thời gian chờ giữa 2 lần bấm máy của 1020 rất chậm, nên khi chụp khoảnh khắc chuyển động nhanh với 1020 là rất khó khăn, chỉ cần bấm sai thời điểm thì mất khoảnh khắc đẹp nhất.
Mình khoá nét bằng thanh trượt khoảng cách (m), các thông số tự động với ánh sáng buổi sáng đẹp, và theo dõi thao tác nhấc xe đạp lần thứ nhất rồi quyết định bấm máy lần thứ hai vào lúc cậu bé cong mình chuẩn bị nhấc xe, bánh xe còn chạm đất, thì 1020 kịp bắt dính và lưu ảnh khi xe ở trong không trung.
Hình 5: Góc thấp để có hiệu ứng ấn tượng Tư thế cầm máy ngang ngực và làm chủ khung ảnh là chuẩn mực. Nhưng, có một số tình huống hạ thấp camera, thậm chí sát mặt đất để có hiệu ứng ảnh ấn tượng hơn và diễn tả chủ ý tốt hơn.
Tình huống thực tế là buổi sáng đi đón bình minh ở Hóc Môn, khi thấy em bé chạy từ xa trên con đường mòn, để diễn tả sắc thái và dáng chạy, mình hạ máy sát mấy cây cỏ dại, khoá nét bằng thanh trượt để khi bấm máy là chụp máy không mất 1s lấy nét, các thông số khác tự động và ngồi chờ... khi em bé vào đúng vị trí canh nét sẵn, bấm máy và nhảy sang 1 bên. Những cây cỏ lau trong ảnh chỉ cao khoảng hơn 1 gang tay thôi, nhưng với góc thấp sẽ như ảnh. Ảnh này xử lý bằng App Fotor trên Lumia.
Hình 6: Chọn tiền cảnh cho ảnh phong cảnh tĩnh Nếu chụp bức hình dưới chỉ là mấy chiếc thuyền neo thì ảnh sẽ trống trải trên dưới và không có điểm nhấn. Mình tìm một đám cỏ ven bờ và chọn góc lấy nó làm tiền cảnh. Bức ảnh sẽ có tiền cảnh, những con thuyền nổi bật trên mặt nước tĩnh lặng. Và, bởi vì hôm ấy trời âm u xám xịt, nên mình chuyển sang ảnh trắng đen. Đo sáng lấy nét vào chiếc thuyền, vì vùng trời nước sáng, và chấp nhận đám cỏ tiền cảnh hơi thiếu chút, hoặc có thể EV + 1 hoặc 2 để đám cỏ đủ sáng nếu bạn muốn.
Nhưng với bức dưới đây, vì phần trời chỉ 1/3 khung, nhấn mạnh phần nước, nên mình vẫn để màu cỏ xanh. Tiền cảnh là cái cọc cột dây neo. Lấy nét và đo sáng vào cái cọc cột dây, giảm sáng EV - 1 để vùng trời nước không quá sáng.
Hình 7: Bố cục cơ bản điểm vàng 1/3 Có những bức ảnh không tuân theo quy tắc bố cục nào cả, tuyệt đẹp, nhưng để "phá bố cục" trước hết phải tuân theo nguyên tắc đã. Xem bài này. Cái thúng được đặt vào điểm mạnh của khung ảnh diễn tả một cảm xúc khi đứng ngắm cảnh hoàng hôn ở đây. Nhỏ bé và bồng bềnh.
Hình 8: Chụp qua gương cửa Gương cửa sổ, hoặc ô cửa tạo bố cục ảnh và tạo ấn tượng cho bức ảnh. Bức ảnh dưới được chụp qua ô cửa để hai mẹ con thợ may tự nhiên, bức sau chụp xuống đường qua ô cửa sổ lúc trời mưa. Nếu lấy nét tự động, Nokia Lumia sẽ rất khó lấy nét vào đối tượng như mình muốn, có thể nó lấy nét vào gương mà không lấy nét vào thợ máy, hoặc nó lấy nét ra phía sau mà không lấy nét vào những giọt mưa trên gương. Nên kéo thanh nét (m) chủ động là rất tiện dụng.
Lấy nét bằng thanh (m) ra phía sau gương.
Lấy nét bằng thanh (m) vào bề mặt gương.
Hình 9: Chụp mặt trời hừng đông hoặc hoàng hôn Chụp trực diện mặt trời vào hai thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn, nếu để chế độ hoàn toàn Auto của máy, ảnh sẽ hoặc là cháy sáng phần trời hoặc tối đen phần đất. Phải tuỳ chỉnh một chút các thông số, để làm sao phần trời không quá sáng mà phần đất vẫn còn thấy, không làm một mảng đen.
Mình thường đo sáng vào mặt trời (ưu tiên nguồn sáng), khi đó phần trời sẽ hơi tối và phần đất sẽ tối đen, và mình: hoặc chỉnh EV + 1 - 3, hoặc: ISO100, S 1/250 (nếu cần bắt dính 1 chuyển động nào đó), EV + / - cho phù hợp, để vùng trời vừa đủ, vùng đất có thể hơi tối chút (chấp nhận).
Tấm dưới thay đổi WB để có ánh sáng vàng hơn, nhưng mình không nhớ lúc đó là WB gì.
Hình 10: App xử lý ảnh Fotor (có bài hướng dẫn về App này ở Link) Trên hệ điều hành WP của Lumia có nhiều phần mềm xử lý ảnh sau khi chụp, nhưng cá nhân mình thấy Fotor là phần mềm mạnh mẽ, xử lý nhanh gọn, và đảm bảo dung lượng và chất lượng ảnh sau khi xử lý. Tấm hình dưới dùng Fotor: chuyển qua trắng đen, rồi tạo hiệu ứng khung.
Chỉ là dài dòng với các bạn mới làm quen chụp ảnh hoặc phần chỉnh ảnh của Lumia. Trong quá trình chụp thực tế, có muôn vàn tình huống khác nhau và với chủ ý khác nhau của người chụp. Hơn nữa, sự "đẹp & xấu" chỉ là khái niệm mơ hồ, quan trọng là làm chủ thiết bị, có ý tứ sáng tạo riêng, chụp thật nhiều, và có ảnh đúng ý người chụp mong muốn. Mỗi thiết bị mỗi khác, nhưng mục đích đó thì giống nhau.