Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Tổng hợp các tin đồn và tính năng của Android 4.3/5.0 trước thềm Google I/O

Tin_don_Google_IO_Android


Chỉ còn khoảng hơn một tuần nữa là sự kiện Google I/O 2013 sẽ diễn ra. Đây là nơi Google được kì vọng sẽ công bố phiên bản tiếp theo của Android, có thể đó là 5.0 Key Lime Pie hoặc 4.3 Jelly Bean như một số tin đồn trong thời gian qua. Vậy thì tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có những tin đồn nào liên quan đến hệ điều này, các tính năng nào được kì vọng có trong phiên bản Android kế tiếp? Những điểm nào Google cần bổ sung để giúp hệ điều hành di động của hãng trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau.

1. Một số tin đồn về bản Android mới


key-lime-pie-cartoon


Vào ngày 31/1 vừa qua, trong một lộ trình của Qualcomm bị rò rỉ cho thấy rằng Android 5.0 sẽ được ra mắt vào khoảng tháng 5 năm nay, tức đúng thời điểm mà Google I/O 2013 diễn ra. Google là một nhà phát triển phần mềm và không có gì ngạc nhiên khi hãng cung cấp cho đối tác phần cứng của mình (Qualcomm) những thông tin về phiên bản OS mới. Đến ngày 20/4, nguồn tin của trang Android Community cho biết dường như Android 5.0 sẽ xuất hiện trên một chiếc Nexus 4 dùng mạng 4G LTE (trước đây tất cả những chiếc Nexus 4 bán ra trên toàn cầu đều chỉ tương thích với mạng 3G HSPA+ mặc dù chip có hỗ trợ 4G). Thế nhưng chỉ bốn ngày sau, trang tin gadgetronica.com cho biết nguồn tin từ nội bộ Google tiết lộ rằng Android 5.0 sẽ không xuất hiện tại Google I/O lần này và bị dời ngày ra mắt từ 2 đến 4 tháng. Lý do được đưa ra là Google muốn dành cho các đối tác của mình thêm nhiều thời gian hơn, để họ có thể hoàn thành quá trình cập nhật Android 4.2.2 Jelly Bean cho các thiết bị hiện có của mình.

android-4-3-server-logs
Android 4.3 xuất hiện trong một nhật kí của server


Bên cạnh đó, những bằng chứng xác thực hơn về Android 4.3 cũng đã xuất hiện trong "giang hồ" trong vài tuần trở lại đây, trong khi Android 5.0 thì chỉ mời dừng lại ở dạng tin đồn. Android 4.3 đã xuất hiện trong lịch sử truy cập vào máy chủ của trang AndroidPolice, còn thiết bị sử dụng nó là Nexus 7, Nexus 4. Bản build được phát hiện có mã hiệu JWR23B, trong đó chữ cái đầu tiên (J) giống với tất cả những bản Android Jelly Bean trước đây nên gần như chắc chắn Android 4.3 vẫn được gọi bằng cái tên này. Điểm đáng chú ý là 2 dải địa chỉ IP sử dụng những chiếc Nexus 7/4 nói trên đều bắt nguồn từ Google. Đây cũng là những dải IP đã từng truy cập vào AndroidPolice với những bản Android mới trước cả khi chúng được công bố. Nói tóm lại, nhiều khả năng là Android 4.3 sẽ là sản phẩm được Google công bố vào tháng 5 chứ không phải là Android 5.0.


2. Vậy còn thiết bị mới của Google thì sao?


Như đã nói ở trên, nhiều tin đồn trên mạng gần đây nói rằng Google sẽ công bố một phiên bản mới của Nexus 4 có khả năng chạy trên mạng 4G LTE và được cài sẵn phiên bản Android kế tiếp. Cấu hình bên trong máy thì vẫn tương tự như Nexus 4 hiện nay với vi xử lí bốn nhân Qualcomm Snapdragon S4 Pro, RAM 2GB, bộ nhớ trong 16GB hoặc 8GB, màn hình 4,7" độ phân giải 1280 x 768. Nexus 5 với "cảm biến gấp ba" của Nikon cũng nằm trong danh sách đồn đoán, tuy nhiên khả năng xuất hiện khá thấp vì Google có chu kì ra mắt thiết bị mới là 1 năm, trong khi Nexus 4 chỉ mới được giới thiệu hồi tháng 10 năm ngoái.

[IMG]
Chiếc điện thoại Motorola bị rò rỉ ở Tinh tế trước đây


Cũng nói về điện thoại, Google được kì vọng sẽ tung ra chiếc smartphone mới do Motorola sản xuất và hiện có hai "series" tin đồn liên quan đến nó. Series đầu tiên nói về một chiếc X-Phone với cấu hình đỉnh cao, bao gồm vi xử lí bốn nhân mới nhất, RAM 2GB hoặc 3GB, màn hình 5" Full-HD, có khả năng chống nước, độ bền cao, pin lên đến 3000mAh, thậm chí là 4000mAh. Series thứ hai thì nói về một chiếc máy "vừa đủ dùng", tất nhiên là cấu hình vẫn mạnh nhưng Google chủ yếu chú trọng đến pin, độ bền hơn. Thực chất thì chiếc máy "vừa đủ dùng" này đã từng xuất hiện đầu tiên tại Tinh tế với mới đây tài khoản @evleaks cũng đăng tải thông tin tương tự.


Một phần cứng khác cũng rất có khả năng sẽ được trình làng tại Google I/O năm nay đó là Nexus 7 thế hệ mới. Năm ngoái Nexus 7 cũng được giới thiệu ở Google I/O. Khi chúng ta xét thêm chu kì làm mới sản phẩm 1 năm của Google thì xác suất "Nexus 7 II" ra đời thậm chí còn cao hơn cả chiếc điện thoại Nexus hay Motorola mới. Tin đồn cho thấy Asus vẫn tiếp tục là nhà sản xuất mẫu tablet giá rẻ cho Google và giá cũng chỉ nằm trong khoảng 149$ đến 199$, tương tự như Nexus 7 hiện nay.

3. Những tính năng mới được đồn là sẽ có mặt trên Android 4.3/5.0

Kernel Linux 3.8

Hồi tháng Hai vừa qua, trang Android Central nói rằng Google đang làm việc trên kenrel Linux phiên bản 3.8 để tích hợp vào Android. Một trong những cải tiến rất đáng giá của Linux 3.8 đó là lượng RAM tiêu thụ ít hơn, đồng nghĩa với việc chúng ta có hiệu năng chạy đa nhiệm trên smartphone và tablet Android tốt hơn.

Dịch vụ chat Babel

Google cũng được cho là đang phát triển một dịch vụ chat mang tên Babel, nó có thể xuất hiện trên nền web và không thể nào thiếu ứng dụng dành cho Android. Người ta đồn rằng Babel sẽ được tích hợp thẳng vào phiên bản Android kế tiếp và nó cung cấp chức năng gần như tương đương với Viber, WhatsApp… Babel có thể là một nỗ lực của Google trong việc hợp nhất nhiều dịch vụ nhắn tin lại với nhau, bao gồm Talk, Hangouts, Voice, Messenger, Chat for Google Drive và Chat trên Google+.

[IMG]

Cải thiện việc chơi game

Đến cuối tháng rồi, mã nguồn ứng dụng MyGlass (để kết nối điện thoại với Google Glass) cho thấy Android sẽ có những tính năng chú trọng đến việc chơi game nhiều người. Theo đó, Android sẽ được tích hợp một số công cụ phục vụ cho việc chơi multiplayer, chẳng hạn như chơi theo thời gian thực hoặc chơi theo lượt, chat ngay trong game, bản thống kê thành tích, nơi liệt kê những người đứng đầu của game. Ngoài ra, một tùy chọn để mời bạn bè cùng tham gia chơi game cũng được tiết lộ trong mã nguồn của app. Tất cả những thứ kể trên sẽ giúp lập trình viên tích hợp chế độ nhiều người chơi vào game một cách nhanh chóng bởi họ không phải bỏ công sức ra tự phát triển những thành phần cần thiết cho mỗi tựa game mới. Trước đây iOS đã có một tính năng phục vụ cho cùng mục đích như trên và Apple gọi nó là Game Center. Nếu thông tin là chính xác thì nó sẽ giúp Android cạnh tranh tốt hơn với iOS trên lĩnh vực game.

Ảnh chụp màn hình các tập tin rò rỉ liên quan đến tính năng Multiplayer
[IMG]
Thông tin về bảng dẫn đầu (Leaderboard)
[IMG]
Mời người khác cùng vào chơi (Invitation)

Giao diện mới



newgoogleplay


Chúng ta không có nhiều tin đồn về giao diện của phiên bản Android kế tiếp, tuy nhiên dựa theo bản Google Play 4.0 mới ra mắt gần đây thì có thể chúng ta sẽ thấy một giao diện sinh động hơn, nhiều màu hơn và sáng sủa hơn. Kể từ Android 4.0 Ice Cream Sandwich, Google đã áp dụng cho hệ điều hành của mình một theme mang tên Holo và nó bao gồm các thành phần đồ họa màu đen, xanh, trắng. Theme này được rất nhiều người ưa chuộng nhưng cũng có không ít bạn chê rằng trông nó quá tối và đơn điệu. Động thái áp dụng các màu sắc mới có thể giúp thu hút thêm người dùng đến với Android, đặc biệt là các thiết bị chạy Android gốc như Nexus.

4. Những tính năng Google nên bổ sung vào bản Android mới


Ở trên là tin đồn, còn bây giờ chúng ta sẽ nói đến một số thứ mà Google có thể bổ sung để giúp Android trở nên hoàn thiện hơn và phục vụ cuộc sống tốt hơn.

1. Tạo profile sử dụng điện thoại

Profile_CyanogenMod_Android
Profile trên ROM CyanogenMod


Hiện nay Android không cung cấp các profile ("hồ sơ") để chúng ta tùy biến điện thoại tùy mục đích và thời điểm sử dụng, chỉ khi nào cài thêm ROM Cook hoặc dùng phần mềm trợ giúp thì mới có những tính năng này. Hãy thử tưởng tượng rằng lúc vào học hay cơ quan bạn đầu phải đổi chế độ rung thủ công, lúc đi ngủ phải tắt data thủ công thì thật sự rất tốn thời gian. Việc tối ưu hóa hiệu năng hệ thống thông qua profile cũng là những tính năng nên được thêm vào Android để tối ưu hóa sức mạnh phần cứng. Ví dụ, Google có thể sử dụng một profile dành cho việc chơi game, khi đó máy sẽ dùng hết công suất của phần cứng mà không quan tâm nhiều đến vấn đề hao pin. Một profile khác thì dành cho việc tiết kiệm pin, một cái khác nữa giúp cân bằng hiệu năng - thời lượng pin. Hiện tại cũng có một số nhà sản xuất mang các profile này lên thiết bị của mình nhưng con số này không nhiều. Nếu nó là một phần của hệ điều hành thì nhiều người sẽ được tiếp cận với chức năng profile hơn.

2. Tăng cường hỗ trợ cho các mạng xã hội


Social_Plus_LG
Widget Social+, một phần trong số những tính năng về mạng xã hội (cũng được gọi là Social+) trên các điện thoại LG


iOS được tích hợp rất tốt với Facebook và Twitter vào thẳng trong hệ điều hành, Windows Phone cũng bắt tay cực kì ngon lành với Facebook để tạo ra một hệ thống đồng bộ hóa xuyên suốt cả máy với nhiều nội dung khác nhau. Android thì từ trước đến nay cũng có hỗ trợ đồng bộ hóa với nhiều mạng xã hội, tuy nhiên điều này chỉ diễn ra khi chúng ta cài thêm app của mạng xã hội đó vào máy. Việc này không có gì khó khăn, tuy nhiên nó vẫn tốn nhiều bước và thời gian hơn là iOS và Windows Phone. Các nhà sản xuất thiệt bị hiện tại đã khắc phục nhược điểm này bằng các phần mềm riêng của mình, ví dụ như LG có Social+, Sony có hệ thống TimeScape, Samsung có Social Hub, nhưng chẳng phải sẽ tốn hơn nếu Google đứng ra tích hợp nó thành một thành phần chung hay sao? Đồng ý rằng Google có mạng xã hội riêng của họ là Google+, tuy nhiên vẫn còn đó rất nhiều dịch vụ khác mà người ta dùng rất nhiều.

3. Cho phép chọn nhiều số liên lạc cùng lúc


People_Android
Ứng dụng danh bạ của Android cũng đã khá hữu ích, tuy nhiên nó sẽ tốt hơn nếu cho phép người dùng chọn một lúc nhiều số liên lạc. Tính năng này sẽ rất hữu ích khi chúng ta muốn nhắn tin hay gửi email cho nhiều người cùng lúc. Hiện tại, nếu muốn gửi tin cho người dùng thì ta phải thêm lần lượt họ vào địa chỉ nhận, rất mất thời gian và lại dễ nhầm lẫn. Google nên bổ sung một hộp kiểm (checkbox) phía trước các số liên lạc giống như giao diện của app Gmail để phục vụ cho tính năng này.

4. Đồng bộ dữ liệu giữa nhiều thiết bị với nhau


Thường thì chúng ta sẽ đồng bộ danh bạ, lịch, email… giữa nhiều thiết bị với nhau thông qua tài khoản Google. Tuy nhiên, với một số dữ liệu hệ thống như lịch sử cuộc gọi, SMS, báo thức… thì phải dùng đến app bên thứ ba mới đồng bộ được. Tính năng của những app bên ngoài này đôi khi không ổn định, không đảm bảo việc sync tức thời (vì bạn phải ra lệnh backup/restore/sync thủ công) và không phải ai cũng có thể chọn ra một phần mềm đủ tốt. Nếu Google làm được chuyện này thì hãng sẽ tạo ra một lợi thế cho mình, người dùng thì cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn.

5. Chuẩn hóa việc kết nối tai nghe với Android


Với iPhone, bạn có thể gắn hầu như bất kì tai nghe nào được tích hợp các nút điều khiển để tăng giảm âm lượng cũng như trả lời cuộc gọi, kể cả việc sử dụng tai nghe từ những nhà sản xuất bên ngoài. Còn với Android, một chiếc tai nghe chưa chắc đã dùng được hết với tất cả mọi chiếc điện thoại. Tất nhiên là tính năng truyền âm thanh thì không có vấn đề gì rồi, chủ yếu ở đây là các nút điều khiển mà thôi. Hoặc nếu dùng được với nhiều loại máy thì chức năng của nút cũng khác nhau, ví dụ như khi dùng trên Galaxy S 3 hay Nexus 4 thì việc nhấn hai lần nút trên tai nghe sẽ chuyển bài nhạc kế, còn ở HTC One thì gọi lại số vừa liên lạc gần nhất. Để giải quyết tình trạng này thì người ta nhờ đến những phần mềm dạng như JAYS Headset control nhưng nó không thể nào tốt bằng việc Google chuẩn hóa việc sử dụng tai nghe trên Android. Nên nhớ rằng số lượng người dùng có khả năng mày mò để giải quyết lỗi không nhiều nên những gì được tích hợp sẵn đều rất quý giá.

6. Chuẩn hóa tùy chọn chia sẻ


Android-Sharing-Options-Android-50
Ba menu chia sẻ hiện nay trên Android


Tính tới thời điểm hiện tại, việc chia sẻ trên Android đều phải thực hiện thông qua nút Share, nhưng điều đáng nói là có đến ba giao diện khác nhau để cho phép bạn chia sẻ. Cái đầu tiên hiển thị tùy chọn chia sẻ theo dang sách dọc, cái thứ hai là theo icon lớn dạng lưới và cái cuối cùng sử dụng một menu nhỏ. Ngay cả những ứng dụng do Google viết ra cũng sử dụng giao diện share khác nhau và bạn có thể tự kiểm chứng bằng các app như Gallery, Chrome, YouTube. Nhiều loại giao diện khác nhau khiến thao tác của chúng ta không thống nhất xuyên suốt toàn hệ thống, khi thì phải thao tác thế này, khi thì phải làm thế kia. Dân lập trình gọi đây là "inconsistency", một trong những điều tối kị khi thiết kế ứng dụng.

Còn các bạn, các bạn muốn tính năng gì sẽ có trên Android 4.3/5.0?


Một số công cụ nâng cao giúp can thiệp vào hệ thống của Android

ROM_tool_cong_cu_he_thong_tinhte

Bình thường, mỗi khi cần can thiệp gì đó vào hệ thống của Android, ví dụ như chỉnh sửa thông số máy, ép xung, thay font chữ, chúng ta hay sử dụng Root Explorer hay ES File Explorer để thay hoặc chỉnh sửa những tập tin tương ứng. Tuy nhiên, cách làm này phức tạp, đôi khi không hiệu quả và lại dễ sai sót bởi các tên tập tin đôi khi quá giống nhau, hoặc sửa nhầm nội dung file dẫn đến những hậu quả… cay đắng. Để giúp đơn giản hóa những tác vụ chỉnh sửa hệ thống, hôm nay mình xin giới thiệu đến các bạn một số ứng dụng hỗ trợ bao gồm ROM Manager, ROM Toolbox, AutoStart ManagerFont Installer.

Một số lưu ý trước khi các bạn bắt tay vào sử dụng:
  • Máy bạn phải có quyền root để sử dụng hầu hết các tính năng của những mà mình chuẩn bị giới thiệu ở bên dưới

  • Việc chỉnh sửa hệ thống luôn tiềm ẩn rủi ro, do đó bạn cần hết sức cẩn thận

  • Nên thực hiện sao lưu trước khi chỉnh sửa. Để backup toàn bộ ROM, mời các bạn xem phần 1: ROM Manager

  • Các bạn tự chịu trách nhiệm về những thứ mà mình chỉnh sửa nhé

Mình nghĩ các bạn nên vừa cầm máy thao tác, vừa theo dõi những gì mình ghi bên dưới thì sẽ dễ dàng hơn nhiều. Chứ nếu các bạn đọc qua một lần thì khó nhớ lắm, vừa làm vừa đọc sẽ rành ngay. Còn bây giờ, mời các bạn cùng theo dõi bài viết.

Phần 1: ROM Manager: hỗ trợ cài recovery, quản lí ROM, tạo bản sao lưu và phục hồi ROM, sửa permission hệ thống

Phần 2: ROM Toolbox: công cụ đa năng giúp quản lí ROM, chỉnh thông số CPU, duyệt tập tin root, cài theme

Phần 3: AutoStart Manager: quản lí và cho phép vô hiệu hóa những ứng dụng chạy kèm theo Android lúc khởi động

Phần 4: Font Installer: thay đổi font chữ của hệ thống

1. ROM Manager


ROM_Manager_giao_dien_chinh


Đây là phần mềm do nhóm ClockworkMod làm ra. Họ cũng chính là những lập trình viên đã tạo nên trình recovery nổi tiếng được sử dụng rất phổ biến hiện nay để flash ROM cho Android. Thực chất ROM Toolbox cũng có một số tính năng của ROM Manager, tuy nhiên khó sử dụng hơn khá nhiều nên tất cả những sự can thiệp nào liên quan đến ROM, mình khuyên các bạn nên sử dụng ROM Manager. App này có hai phiên bản: miễn phí và trả phí, nhưng mình thấy hầu hết các tính năng của bản có phí đã đủ dùng. Rồi, bây giờ bắt đầu đi vào chi tiết các tính năng của nó nhé.

Tải về ROM Manager phiên bản miễn phí
Tải về ROM Manager phiên bản có tính phí (5,99$)

Recovery:


Flash_Recovery
Đây là nơi phần mềm sẽ giúp kiểm tra xem ClockworkMod Recovery (CWR) cài trên máy bạn đã là bản mới nhất hay chưa. Nếu máy bạn chỉ mới root mà chưa hề cài Recovery, app cũng sẽ giúp bạn thực hiện việc flash. Nói thêm về recovery cho những bạn chưa biết: nó là một trong các phân vùng hệ thống của Android có nhiệm vụ chính là phục hồi lại phần mềm của máy trong trường hợp hệ điều hành bị lỗi. Tuy nhiên, recovery mặc định của Google hay các nhà sản xuất đính kèm theo máy thường rất ít tính năng, do đó nhóm ClockworkMod làm ra Custom Recovery của riêng họ, trong đó bạn có thể flash ROM rất dễ dàng chỉ bằng cách chọn lấy file zip mong muốn. Bạn cũng có thể xóa sạch dữ liệu, sao lưu toàn bộ máy hoặc phục hồi lại, tất cả đều cũng chỉ cần một hai lần nhấn là xong. Một custom recovery là một thứ không thể không có đối với những bạn muốn up ROM cho máy.


Quay trở lại ứng dụng, để cài đặt hoặc cập nhật bản recovery mới nhất từ ClockworkMod, các bạn nhấn vào chữ "ClockworkMod Recovery" ở phần Install or Update Recovery. Trong màn hình kế tiếp, xác nhận tên thiết bị của bạn (ví dụ trong hình minh họa là "Google Nexus 4", chạm vào dòng đó. Trong trường hợp thiết bị của bạn chưa được hỗ trợ bởi CWR, bạn sẽ phải lên trang web của họ hoặc tìm kiếm ở các diễn đàn và phải flash thủ công. Nhưng đừng lo lắng, hầu hết các thiết bị từ những hãng lớn như LG, Samsung, HTC, Sony đều nằm trong diện hỗ trợ, chỉ khi nào bạn dùng máy gì đó quá mới hoặc quá lạ mới phải lo thôi.


Trong màn hình kế tiếp hiện ra, nhấn "Flash ClockworkMod Recovery". Chờ cho ứng dụng tải về bản CWR mới nhất là nó sẽ tự cài cho bạn. Vậy là xong.

ROM Management:


Flash_File_ROM


Tính năng này chỉ có thể sử dụng sau khi bạn đã cài xong Recovery. Bình thường chúng ta thường phải tắt thiết bị, dùng một số tổ hợp phím đặc biệt tùy máy mới vào được CWR. Còn với ROM Manager, bạn có thể chọn trước tập tin cần flash ở giao diện ứng dụng, sau đó app sẽ tự chạy phần việc còn lại.


Để flash một tập tin zip hay một ROM dạng zip, bạn nhấn vào dòng "Install ROM from SD Card" ở mục ROM Management, duyệt đến nơi chứa tập tin và chọn tập tin mong muốn. Trong màn hình kế tiếp, bạn có tùy chọn "Backup Existing ROM" (sao lưu ROM hiện tại), "Wipe Data and Cache" (xóa hết dữ liệu người dùng và bộ nhớ đệm). Sau khi đã hoàn thành đâu đó và chắc chắn, nhấn dòng "Reboot And Install". Kế đó, máy sẽ tự khởi động thẳng vào CWR, tự flash tập tin cho bạn và khi hoàn tất, nó sẽ tự khởi động máy lại. Bạn chỉ việc nhìn và chờ đợi thành quả mà thôi.

Backup and Restore


Backup_Restore


Như cái tên của nó, mục này giúp bạn sao lưu và phục hồi toàn hệ thống và những thao tác kế tiếp app sẽ làm giúp bạn. Bạn không phải reboot thủ công vào CWR để làm như trước đây. Phần Backup and Restore này cũng là thứ mình dùng nhiều nhất trên ROM Manager. Để sao lưu ROM hiện tại, bạn nhấn vào dòng "Backup Current ROM", đặt tên cho ROM rồi nhấn OK và ngồi đợi. Còn muốn phục hồi hay quản lí những bản backup trước đây, chọn dòng "Manager and Restore Backups". Ở màn hình kế tiếp, bạn có thể chọn "Download Backups" để dùng trình duyệt trên máy tính sao chép bản backup lên máy tính, tuy nhiên bạn phải xài bản trả phí của ROM Manager thì mới dùng được nhé.


Nhìn xuống bên dưới một chút, bạn sẽ thấy tất cả những bản backup của mình. Nhấn vào từng cái, bạn sẽ có những tùy chọn như "Restore" (phục hồi lại nguyên trạng máy giống như khi bản backup đó được tạo), Rename (đổi tên) và Delete (xóa bản backup).

Utilities


Fix Permission: nhấn vào dòng này, máy sẽ sửa các lỗi liên quan đến quyền của tập tin trong Linux, Android. Nếu bạn hay bị Force Close một app nào đó mà trước đây không hề bị, bạn hãy thử qua tùy chọn này. Quá trình sửa lỗi khá lâu nên các bạn hãy kiên nhẫn nhé.


Partition SD Card: giúp các bạn phân vùng thẻ nhớ để cài đặt ứng dụng lên thẻ. Lưu ý là bạn cần phải biết kĩ thuật cài lên SD Card để tận dụng được lợi thế sau khi đã phân vùng. Mình sẽ không nói đến tính năng này vì trên Tinh tế đã có nhiều bài chia sẻ, bạn có thể tìm lại và đọc nếu muốn.

2. ROM Toolbox


Đây là ứng dụng đa tính năng, nó hỗ trợ rất rất nhiều thứ để can thiệp sâu vào hệ thống, một số bị giới hạn chỉ có thể dùng ở bản tính phí mà thôi. Phần nào bị tính phí, mình sẽ nói rõ để các bạn bạn biết. Cách chạy mỗi tính năng khá đơn giản, do đó chỉ khi nào cần thiết mình mới hướng dẫn chi tiết từng bước, còn lại giao diện khá trực quan nên bạn hoàn toàn có thể tự sử dụng được.

Tải về ROM Toolbox bản miễn phí (có một số tính năng giới hạn và áp dụng trả phí từng phần theo dạng in-app purchase)
Tải về ROM Toolbox bản tính phí (4,99$, có thể sử dụng tất cả mọi tính năng)

Thẻ Tools

ROM Management: những tính năng ở đây bao gồm:

ROM_Manager_ROM_Toolbox
  • Thẻ ROM List: Xem các bản ROM có thể cài trên máy của bạn, tuy nhiên nó khá ít và không dùng ngon. Việc tự tìm ROM sẽ tốt hơn và đảm bảo được cập nhật mới hơn

  • Thẻ Management:
    • Flash Recovery: Flash các bản recovery mới nhất (giống cách hoạt động của phần flash trong ROM Manager mà mình đã nói ở trên), tuy nhiên có thể flash recovery Touch khá hay mà không cần phải trả phí như ROM Manager.

    • Reboot Recovery: khởi động vào recovery, bạn không phải nhấn các tổ hợp phím phức tạp.

    • Install ROM from SD: chọn lập một tập tin zip chứa ở thẻ SD hoặc trong bộ nhớ máy để flash.

    • Create Backup: tạo tập tin sao lưu toàn bộ máy, tuy nhiên chạy không tốt như ROM Manager, do đó phần này các bạn nên dùng ROM Manager như hướng dẫn ở post trên.

    • Check for Updates: kiểm tra bản cập nhật mới cho ROM của bạn.

    • Wipe Options: các tùy chọn xóa sạch dữ liệu của máy


App Manager:



backup_app_ROM_toolbox


Tính năng này hoạt động gần giống như các task manager khác, tuy nhiên nó cung cấp nhiều chức năng để bạn kiểm soát những ứng dụng và dịch vụ đang có mặt trên máy của mình. Bạn sẽ thấy được dung lượng bộ nhớ mỗi app tiêu thụ, chạm vào app bất kì sẽ có tùy chọn gỡ bỏ app, sao lưu, "freeze" (tạm ngưng, đóng băng) app, gửi bản backup của phần mềm đó cho người khác, quẹt tay qua bên phải thì có thể xóa dữ liệu đệm, tìm hiểu xem trong file APK đó có những gì. Nói chung là bạn có thể làm được rất nhiều việc, tuy nhiên có một số điều mình muốn nhấn mạnh ở App Manager:


+ Khả năng sao lưu và phục hồi ứng dụng: khi nhấn vào nút Backup, bạn có thể chọn lưu tập tin sao lưu trên bộ nhớ máy hoặc lưu lên các dịch vụ đám mây Box, Dropbox và Google Drive. Bạn để ý rằng khi chọn nơi sao lưu, có một dòng nhỏ dưới cùng ghi "Backup application data". Nếu bạn muốn sao lưu dữ liệu của app, hãy tick vào đây. Còn nếu không, chỉ có tập tin APK được sao lưu mà thôi. Tính năng này cực kì hữu ích nếu bạn muốn sao lưu save game hoặc cấu hình của các ứng dụng.


+ Khả năng Freeze/Defrost: khi chọn đông cứng một ứng dụng, bạn sẽ tạm thời không dùng nó được, trong app drawer cũng không thể tìm ra nó. Tính năng này sẽ hô biến để app tạm thời bốc hơi khỏi điện thoại hay máy tính bảng của chúng ta. Chỉ có App Manager mới thấy ứng dụng và "rã đông" (Defrost).


+ Những phần mềm bạn cài thêm vào sẽ có màu nền là đen, còn những app hệ thống có màu nền đỏ. Mình khuyên các bạn nên hạn chế Freeze hay dừng những app hệ thống bởi nó có thể khiến máy khởi động lại hoặc tệ hơn là không chạy lên được. Do đó, đừng chỉnh gì tới các app màu đỏ nếu bạn không biết rõ.


+ Trong màn hình của App Manager, khi kéo ngón tay từ rìa ngoài bên trái của máy vào trong màn hình, bạn có được tùy chọn "Backup Phone Data". Nút này sẽ cho phép bạn sao lưu danh bạ, các widget của app, những máy đã ghép đôi bằng Bluetooth, Bookmark trình duyệt, cấu hình hệ thống, danh sách nhạc, tin nhắn, từ điển người dùng, wallpaper và có cả cấu hình cho Wi-Fi nữa. Ví dụ như khi bạn cần reset lại máy, hãy dùng App Manager của ROM Toolbox backup hết những thứ này ra, lưu vào bộ nhớ trong hoặc ngoài rồi reset. Khi muốn phục hồi, bạn chọn dòng "Restore Phone Data".

backup_contact_sms_config


+ Cũng khi kéo ngón tay sang trái và cuộn xuống dưới, chúng ta có mục APK Installer. Tính năng này sẽ tự động tìm kiếm tất cả những file APK bạn lưu trên máy và cho phép cài thật nhanh chóng. Bạn có thể chọn cài nhiều app cùng lúc.


+ Ở thẻ Tasks là những dịch vụ đang chạy, bạn có thể chọn một hoặc nhiều tiến trình để đóng "Force Stop" chúng cùng lúc, tính năng này thì giống như các Task Manager khác.

Root Browser: Trình duyệt tập tin hỗ trợ xem và thao tác với các tập tin hệ thống, giống Root Explorer hay ES File Explorer. Bạn cũng có thể đặt permission cho file hoặc folder, cut, copy, paste nhiều file cùng lúc, chia sẻ file, quản lí theo giao diện hai mảng giống Total Commander thời xưa.

Scripter: chạy các đoạn mã Linux do bạn soạn thảo sẵn. Cái này mình không đề cập vì không nhiều bạn cần đến.

Terminal Emulator: ra lệnh cho hệ thống bằng mã lệnh (giao diện dòng lệnh - CLI). Phần này cũng không nhiều bạn dùng nên mình không nói đến.

Thẻ Performance


CPU_tweak

CPU Control: kiểm soát xung nhịp tối đa và tối thủ của CPU, chỉnh scheduler và Governor, hơi tiếc rằng nó chưa chúng ta ép xung. Còn I/O Scheduler và Governor, mình sẽ giới thiệu kĩ bọn nó trong một bài viết sau này, các bạn chờ nhé.

Kernel Tweak: chỉnh các thông số liên quan đến kernel, ví dụ như chỉnh dung lượng bộ nhớ đêm, dung lượng mà máy ảo Linux cần giữ cho trống,… Phần này mình nghĩ chỉ những bạn cao cấp mới can thiệp, còn người dùng phổ thông sẽ không quan tâm mấy đến Kernel Tweak. Nếu muốn tìm hiểu thì cũng được thôi, ROM Toolbox có ghi rõ từng phần tùy chỉnh sẽ gây ra tác động gì với hệ thống nên bạn có thể dựa vào đó mà thử.

build.prop Editor: chỉnh sửa tập tin build.prop của hệ thống, ví dụ như bạn muốn "giả dạng" thiết bị của mình thành một dòng máy khác thì có thể biên tập file này.

buildprop

Task Manager: quay lại App Manager khi nãy, nhưng bạn chỉ có tương tác với thẻ Tasks. Bạn cũng được phép sao lưu, gỡ bỏ, đông cứng dịch vụ hoặc app.

SD Booster: theo lời ROM Toolbox thì công cụ này giúp đẩy nhanh tốc độ đọc ghi dữ liệu cho thẻ nhớ SD bằng cách tạo bộ nhớ đệm. Tuy nhiên mình không thấy thay đổi rõ rệt lắm trên những máy mình thử qua. Các bạn thử xem sao nhé.

Thẻ Interface


Đây là nơi bạn có thể tùy biến những thành phần giao diện của máy.

Boot_Animation

Font Installer: cài và thay đổi font chữ của toàn bộ hệ thống, cái này hơn dài một tí và cũng có app riêng nên mình sẽ nói đến ở post bên dưới.

Boot Animations: thay đổi hình ảnh động mà bạn thấy khi máy khởi động lên. Trước đây khi muốn thay boot animation, chúng ta phải chép tập tin vào tít tận sâu trong file system, không tiện tí nào. Còn với ROM Toolbox, bạn có thể thoải mái lấy tập tin animation do mình chuẩn bị sẵn hoặc tải về các tập tin do ROM Toolbox đề xuất. Trong số những thứ mà app đề xuất có những hình động rất đẹp. Xin lưu ý là trước khi lấy animation khác đè lên animation mặc định của ROM hoặc nhà sản xuất, bạn nên nhấn vào nút Menu > chọn Backup để sau này lỡ có muốn quay lại bản gốc thì còn làm được.

Theme Manager: Phần này nhiều tính năng bị giới hạn ở phiên bản có phí. Thật ra app có cung cấp cho chúng ta một vài theme cũng khá đẹp, tuy nhiên không phong phú bằng việc bạn tự đi kiếm trên Internet. Mình có thử qua việc đổi hình nền cho khu vực notification trên hai máy thì nhận thấy rằng không có máy nào áp dụng được cả, thôi cho qua luôn. Nếu bạn nào dùng được, vui lòng comment cho mình biết nhé. Trước khi áp dụng bất kì theme nào máy cũng yêu cầu bạn backup nên nếu không thích, bạn hoàn toàn có thể phục hồi lại nguyên gốc giao diện của mình.

Statusbar Icons: Tại mục này, bạn có thể chọn thay biểu tượng trên thanh trạng thái (nằm trên cùng màn hình smartphone hoặc dưới cùng màn hình tablet). Tuy tính năng này hay nhưng lại không miễn phí và để có thể thay được các icon Statusbar, bạn sẽ phải trả 1,50$.
  • Biểu tượng cho mạng 3G, 4G, GPS, Wi-Fi

  • Biểu tượng khi sử dụng Android Debugging Bridge (ADB), download, kết nối USB

  • Biểu tượng khi kích hoạt chế độ máy bay

  • Biểu tượng của pin, thanh tín hiệu

  • Biểu tượng khi máy đang ở chế độ rung

  • Màu của statusbar

StatusBar_Icon


Theme Chooser: cho phép duyệt qua rất nhiều theme được thiết kế cho ứng dụng Theme Chooser (có trong một số ROM AOKP hay CyanogenMod). Tại đây có các theme miễn phí, theme kêu gọi đóng góp và có cả theme trả phí nữa. Lưu ý: trên máy của bạn bắt buộc phải có Theme Chooser thì mới sử dụng được tính năng này.

3. AutoStart Manager

Tải về AutoStart Manager (miễn phí)


Như cái tên của app, nó cho phép chúng ta kiểm soát những phần mềm, dịch vụ nào sẽ khởi chạy lên lúc thiết bị khởi động. Một số máy mạnh thì không sao, tuy nhiên những thiết bị Android yếu mà có quá nhiều app chạy kèm lúc mở lên thì sẽ làm máy chậm đi khá nhiều vì nó tiêu tốn RAM và những tài nguyên hệ thống. Có một số app không cần thiết phải chạy lên ngay lúc đầu thì bạn có thể vô hiệu hóa chúng trong AutoStart Manager.

AutoStart_Manager


Để thực hiện việc này, sau khi đã cài xong app, bạn chạy lên. Ở giao diện chính, góc trên bên trái có một danh sách xổ xuống, bạn chạm vào đây rồi chọn Boot Completed. Tất cả những ứng dụng và dịch vụ xuất hiện nơi đây đều sẽ chạy lên khi thiết bị Android của chúng ta mới boot lên. Chọn lấy app không cần thiết, bỏ dấu tick ở đầu dòng các dịch vụ nhỏ đi là xong. Lưu ý rằng lập trình viên muốn phần mềm khởi chạy khi máy vừa boot là có ý của họ, ví dụ như Facebook là để tự động cập nhật thông tin cho bạn, Dropbox là để kích hoạt tính năng tự tải ảnh, Viber thì cần chạy thường trực để ai nhắn tin thì bạn có thể nhận được ngay. Do đó, chỉ vô hiệu hóa những thứ không cần thiết như game chẳng hạn. Việc chọn sai có thể khiến những ứng dụng trên máy không hoạt động đúng như những gì nó được thiết kế đấy nhé.


Cũng ở AutoStart Manager, với những phần mềm nào đang chạy (có chữ running màu xanh dương), bạn hãy chạm vào biểu tượng app, nhấn Kill để ngừng dịch vụ. Cái này thì gần giống với Task Manager ở trên ROM Toolbox. Bạn cũng có thể ra lệnh chạy app, gỡ bỏ, xem thông tin, hoặc freeze app tùy nhu cầu.

Lưu ý: nếu bạn cảm thấy hệ thống kì quá, chạy rối tung cả lên sau khi tùy chỉnh lung tung, hãy vào lại AutoStart Manager, nhấn phím Menu (vật lý trên máy, hoặc ở góc trên bên phải màn hình > Restore All). Máy sẽ trở lại mặc định và bạn chỉ việc khởi động lại là ổn.

4. Font Installer

Tải về Font Installer (miễn phí)


font_installer_huong_dan
Phần mềm này sẽ cho phép bạn cài đặt font chữ cho hệ thống. Nó cũng do cùng lập trình viên viết ra ROM Toolbox phát triển nhưng được tách riêng ra để tiện cho khách hàng hơn. Cách sử dụng Font Installer hết sức đơn giản. Sau khi đã chạy lên, trong phần Server, bạn sẽ thấy rất rất nhiều font được liệt kê, thích font nào thì tải font đó về áp dụng. Chạm vào tên một font bất kì, bạn có thể nhấn nút Preview để xem trước chữ nghĩa ra làm sao, có thích hay không. Bạn cũng được phép đánh dấu favorite để lưu vào bộ sưu tập của mình. Trong trường hợp bạn có chứa font trong bộ nhớ máy hay thẻ nhớ, kéo ngón tay sang trái để chuyển qua thẻ Local, duyệt chọn font cần cài. Khi đã thấy được font yêu thích, bạn nhấn vào tên font, chọn Install là xong. Để thấy được thành quả, bạn khởi động lại máy.

Đây là kết quả của mình
font_installer_ket_qua


Lưu ý: khi ứng dụng hỏi có muốn sao lưu font hiện tại của hệ thống hay không, hãy chọn Backup nhé. Lưu lại một bản sao lưu lúc nào cũng an toàn cả, đề phòng trường hợp bạn không thể kiếm lại đúng font mặc định mà nhà sản xuất đính kèm theo thiết bị của chúng ta.

Honda Việt Nam ra mắt Wave S 110 và Vision 2013 mới

vision (2)


Cuối tháng 4 vừa qua, Honda Việt Nam đã âm thầm cho ra mắt 2 chiếc xe máy mới nhất của mình cho thị trường trong nước, là Wave 110 và Vision 2013. Wave 110S là chiếc xe số phổ thông được họ giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 5/2009, tới nay đã tròn 4 năm cùng với nhiều lần cải tiến nâng cấp nhỏ. Chiếc Wave mới vẫn sử dụng động cơ 110cc, gồm 3 phiên bản là Wave 110S, Wave 110S Deluxe và Wave 110RS. Song song đó, Vision 2013 cũng được giới thiệu, đây là chiếc xe tay ga thay thế cho Click trước kia. Wave 110 và Vision mới đều được bổ sung thêm màu mới thời trang hơn và áp dụng hệ thống kiểm soát hơi xăng EVAPO giống như Air Blade 125cc. Về giá bán, Vision 2013 mới có giá cao hơn phiên bản 2012 là 200.000 đồng/chiếc xe, tức là 28,7 triệu và 28,9 triệu so với giá cũ 28,5 triệu và 28,7 triệu đồng (phiên bản thời trang và phiên bản chuẩn). Giá của Wave S mới thì cao phiên bản cũ 1 triệu đồng, theo đó bản 110S giá 17,8 triệu đồng và bản 110RS giá 19 triệu đồng. Giá bán này đã gồm VAT nhưng chưa tính phí trước bạ và phí biển số.



NASA: Dự án vệ tinh PhoneSats mang theo smartphone đã thành công, đăng tải ảnh chụp từ chúng

PhoneSts

NASA mới đây đã thông báo về sự thành công của chiếc ba vệ tinh nano PhoneSats-1 (còn được gọi là "Bell"), PhoneSats-2 ("Graham") và PhoneSats-3 ("Alexander"). Đây là ba vệ tinh được NASA phóng lên không gian hồi hôm 24/4 vừa qua để thử nghiệm khả năng hoạt động của smartphone trong không gian. Chúng có giá rất rẻ và kích thước vệ tinh cực kì nhỏ gọn. Graham và Bell mang trong mình chiếc Nexus One, trong khi Alexander thì sử dụng Nexus S. Mặc dù cả ba vệ tinh PhoneSats đều đã bị thiêu rụi trên bầu khí quyển vào ngày 27/4 đúng như dự kiến nhưng NASA cho biết chúng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. PhoneSats giúp chứng tỏ rằng những phần cứng ở mức độ tiêu dùng hoàn toàn có thể được áp dụng vào chương trình không gian và hoạt động tốt ở môi trường khắc nghiệt đó.


Nói thêm về những bức ảnh do các vệ tinh PhoneSats chụp lại, chúng được chuyển từ vũ trụ về Trái Đất dưới dạng các gói dữ liệu, mỗi gói chứa một phần của tấm ảnh. Nhiều trạm mặt đất trên khắp Trái Đất sẽ tiếp nhận dữ liệu này và tổng hợp lại để cho ra tấm ảnh mà bạn thấy ở trên. Tất cả các ảnh đều được chụp bằng camera gốc của điện thoại, còn hiệu tượng mờ và bể ảnh là do việc truyền tín hiệu qua sóng UHF.

NASA_PhoeSats


[Tin đồn] Nokia sẽ mắt Lumia 925 và Lumia "EOS" tại sự kiện ngày 14/5

[IMG]

Hình ảnh rò rỉ của Lumia 928

Ngày 14/5 này Nokia sẽ tổ chức một sự kiện tại London để giới thiệu sản phẩm mới và theo trang tin WindowsPhoneBar.cn, nhà sản xuất Phần Lan sẽ công bố chiếc Lumia 925 tại đây. Lumia 925 mang tên mã Catwalk và nó thực chất là phiên bản quốc tế của mẫu Lumia 928 chưa được ra mắt chính thức. Về mặt cấu hình, Lumia 925 sở hữu những thành phần tương tự như tin đồn về 928, bao gồm màn hình 4,5" độ phân giải 1280 x 768, vi xử lí hai nhân Snapdragon S4 xung nhịp 1,5GHz, RAM 1GB, máy ảnh 8 megapixel PureView, flash LED và Xenon. Máy không có tích hợp sạc không dây nhưng người dùng sẽ có tùy chọn nắp lưng hỗ trợ tính năng này. Cũng trong sự kiện này, Nokia được cho là sẽ giới thiệu thêm chiếc smartphone Lumia "EOS" với cảm biến 41 megapixel của chiếc PureView 808 và chạy Windows Phone 8. Tinh tế sẽ có mặt tại London để chuyển đến bạn những thông tin mới nhất.


comScore: Q1/2013, Apple dẫn đầu thị trường smartphone Mỹ nhưng Android vẫn có thị phần cao nhất

comScore


Theo số liệu từ hãng nghiên cứu comScore, trong ba tháng đầu năm nay, số người Mỹ sở hữu smartphone là 136,7 triệu chiếc, tăng 9% so với quý trước. Trong đó, Apple chiếm thị phần lớn nhất 39%, tăng 2,7% so với quý liền trước, theo sau đó là Samsung với 21,7% thị phần, tăng 0,7% so với quý cuối năm 2012. Đứng thứ ba, tư và năm lần lượt là HTC, Motorola và LG. Trong số các hãng cung cấp smartphone tại Mỹ, chỉ có Apple và Samsung là ghi nhận mức tăng trưởng thị phần trong quý 1 năm nay, còn những OEM khác đều giảm. Nếu xét ở phương diện hệ điều hành, Android vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu bảng khi hiện diện trên 52% tổng số điện thoại nhưng đã giảm 1,4% so với quý trước. Trong khi đó, iOS thì ghi nhận sự tăng trưởng từ 36,3% lên 39%, theo sau là BlackBerry, Windows Mobile/Phone và Symbian.

Thị phần smartphone ở Mỹ của các nhà sản xuất thiết bị
solieu

Thị phần của các hãng làm hệ điều hành di động của smartphone ở Mỹ
solieu1


Xuất hiện hình ảnh của một chiếc smartphone LG bí ẩn: có thể là Optimus G2?

Tinhte-LG Optimus G2


Tài khoản Twitter, @evleaks, quen thuộc vừa mới đây đã đăng tải một tấm hình về một chiếc smartphone bí ẩn mang thương hiệu LG. Theo ảnh, máy có một màn hình dài và lớn, viền màn hình dường như được thiết kế mỏng hết mức có thể. Ngoài ra, nếu để ý các bạn sẽ thấy chiếc smartphone này không hề được trang bị nút bấm nào cả, như vậy nhiều khả năng nó sẽ dùng 3 phím cảm ứng như Nexus 4 hiện nay, thay vì có nút Home vật lý như Optimus G hay G Pro. Điều đáng tiếc là chúng ta chưa có bất kỳ thông tin rò rỉ nào về cấu hình phần cứng của máy. Vậy tên gọi thì sao? Nhiều người cho rằng đây nhiều khả năng là chiếc Optimus G2 - thế hệ tiếp theo của chiếc Optimus G Pro hiện nay - chứ không phải là chiếc Nexus mới từ LG, bởi những smartphone Nexus thông thường không hề có logo hãng sản xuất ở mặt trước của máy. Dù sao chúng ta cũng nên chờ thêm một số tin tức khác về thông số kỹ thuật và tên gọi chính xác của chiếc smartphone LG này.


Nokia Lumia 928 xuất hiện trên bảng quảng cáo cùng logo Verizon

original1

Trong khi Nokia chưa từng chính thức giới thiệu Lumia 928 ra thị trường thì những hình ảnh của nó đã xuất hiện trên các bảng quảng cáo đặt ngoài trời rồi, thông tin cho thấy máy sẽ được phát hành thông qua nhà mạng Verizon của Mỹ. Điểm đáng chú ý nhất đó chính là câu slogan "the best low-light smartphone camera", có lẽ 928 sẽ được cải tiến nhiều về camera so với Lumia 920. Những hình ảnh lộ diện trước đây cho thấy máy sẽ có thay đổi thiết kế so với 920, mặt lưng sau không còn logo Nokia nữa mà chỉ có PureViewCarl Zeiss.


Nokia cũng đã gửi giấy mời cho một sự kiện ra mắt điện thoại mới vào ngày 14/5 tới đây, tuy nhiên lại tổ chức tại thành phố London của Anh. Có lẽ sự kiện này sẽ giới thiệu một chiếc Windows Phone PureView khác, vì chả có lý nào máy cho nhà mạng Verizon lại mang qua Anh giới thiệu cả.


Facebook đã thương thuyết thành công với công ty Timelines, chi phí "không quá lớn"

Facebook_Timelines


Hồi tháng 9/2011, Facebook đã bị kiện bởi công ty Timelines Inc, đơn vị sáng lập ra một trang web từ năm 2009 cho phép người dùng tạo một dòng các sự kiện lịch sử. Timelines Inc nói Facebook đã sử dụng trái phép thương hiệu của mình và cạnh tranh không công bằng. Họ nộp đơn kiện chỉ một tuần sau khi Facebook chính thức giới thiệu giao diện Timeline ra toàn thế giới và đến đầu tháng rồi, tòa án đã buộc Facebook phải thương thuyết với Timelines về vấn đề này. Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán vài ngày trước, Facebook cho biết rằng cuối cùng hãng cũng đã đạt được một thỏa thuận với Timelines để giải quyết vụ án kéo dài suốt 19 tháng qua. Mạng xã hội lớn nhất thế giới không tiết lộ các điều khoản có liên quan, họ chỉ nói rằng chi phí bỏ ra "không quá lớn".


Cũng trong hồ sơ nói trên, Facebook ghi rằng trong ba tháng đầu năm 2013, chi tiêu cho hoạt động quản trị và các mục đích chung khác là 176 triệu USD, tăng 69% so với cùng kì năm ngoái. Trong khoản tiền này đã có bao gồm chi phí trả cho Timelines cũng như chi phí thương thuyết với một công ty khác tên Summit 6 (hãng này kiện Facebook, RIM và Samsung vì sử dụng trái phép một bản quyền upload ảnh).


BlackBerry Z10 được bán chính hãng, giá 15.49 triệu, bảo hành 18 tháng

blackberry-z10


Mặc dù chưa được giới thiệu chính thức tại Việt Nam nhưng hôm nay một số cửa hàng trong nước như MaiNguyen.vnTheGioiDiDong.com đã chính thức bày bán chiếc BlackBerry Z10 chính hãng với giá 15.490.000 đồng (đã có VAT) và được bảo hành 18 tháng. Theo trang MaiNguyen.vn cho biết thì đợt hàng đầu tiên chỉ có mỗi phiên bản màu đen, các màu khác như trắng và đỏ đều chưa thấy có. BlackBerry Z10 là một trong hai chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới chạy trên hệ điều hành BlackBerry 10, bạn có thể xem lại bài đập hộp và đánh giá chi tiết tại đây:

NPD DisplaySearch: Amazon có khả năng sẽ ra mắt Kindle Fire 10,1" độ phân giải 2560 x 1600

Kindle_Fire


Theo nhà phân tích Richard của hãng NPD DisplaySearch, Amazon nhiều khả năng sẽ ra mắt máy tính bảng với màn hình 10" trong năm nay bên cạnh các phiên bản Kindle Fire HD 7" và 8.9" hiện tại. Nguồn tin nói rằng thiết bị này sẽ hỗ trợ màn hình độ phân giải rất cao, lên đến 2560 x 1600 trên tấm nền 10,1". Như vậy mật độ điểm ảnh của máy sẽ là 300ppi, cao hơn nhiều so với mức 264ppi của màn hình Retina trên iPad 4 và bằng với màn hình của Nexus 10. Shim nói rằng việc sản xuất đại trà Kindle Fire 10" sẽ bắt đầu trong quý 3 và máy sẽ được công bố cùng lúc với những phiên bản mới của Kindle Fire 7" cũng như 8,9". NPD DisplaySearch không đưa ra thời điểm ra mắt cụ thể cho những chiếc tablet này, cũng chưa rõ giá bán là bao nhiêu. Theo số liệu mới nhất từ IDC, Amazon hiện là hãng sản xuất tablet lớn thứ 4 thế giới khi nắm 3,7% thị phần trong ba tháng đầu năm nay.


Facebook Beta trên Windows Phone cập nhật bản mới, đã hỗ trợ nhập liệu tiếng Việt có dấu

Facebook_Beta_moi_5_0_1_1_tinhte


Hồi thứ ba vừa rồi Microsoft đã công bố bản Beta của ứng dụng Facebook mới dành cho Windows Phone. App này sở hữu một giao diện được làm mới hoàn toàn so với phiên bản hiện tại và nó có rất nhiều nét tương đồng với Facebook trên Android, iOS. Tuy nhiên, có một lỗi trong bản Beta làm chúng ta rất khó chịu: không gõ được tiếng Việt. May mắn là chỉ bốn ngày sau, Microsoft đã cập nhật app lên bản 5.0.1.1 để khắc phục vấn đề này. Giờ đây bạn có thể sử dụng bàn phím của Windows Phone và nhập liệu tiếng Việt mà không gặp phải thông báo "không hỗ trợ kí tự đặc biệt" như trước. Bên cạnh đó, Microsoft cũng đã sửa lỗi không share được link, chế độ xem ảnh khi xoay ngang máy không còn bị lỗi và các comment mới nhất sẽ hiển thị ở dưới cùng, tức giống như bình thường chứ không còn bị ngược nữa. Mời các bạn tải về bản cập nhật 5.0.1.1 cho app Facebook Beta trên Windows Phone Store.

QR_Facebook_Beta
Để quét mã này, bạn nhấn phím tìm kiếm [IMG] trên máy, nhấn tiếp vào biểu tượng con mắt [IMG]trong app Bing mới mở ra. Đưa camera của điện thoại lên để quét và nhấn vào đường link hiện ra trên màn hình.