Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Cựu kỹ sư thiết kế của Opera bị cáo buộc tiết lộ bí mật công nghệ cho Mozilla

Opera_Software


Hôm thứ 2, một cựu kỹ sư thiết kế của Opera Software đã bị cáo buộc tội tiết lộ những bí mật công nghệ của công ty cho đối thủ Mozilla. Nhân viên này đã từ chối bồi thường và cho rằng đơn tố cáo của Opera nhằm vào tính năng tìm kiếm trực tiếp từ thanh địa chỉ trên trình duyệt (Search Tabs) khi anh đang làm cố vấn cho Mozilla.


Trong một nội dung đăng tải trên Tumblr, Trond Werner Hansen cho biết anh đã bị buộc tội nhầm và tuyên bố "Tôi có thể chứng minh trường hợp của tôi".


Opera Software đã kiện Hansen lên tòa án Na Uy và yêu cầu một khoảng bồi thường thiệt hại lên đến 3,4 triệu USD khi cho rằng Hansen đã chia sẻ những thông tin tuyệt mật với nhà sản xuất trình duyệt Firefox, nơi anh ta từng làm việc với vai trò cố vấn vào năm 2012. "Trong số những vấn đề khác, chúng tôi cho rằng anh ấy đã vi phạm nghĩa vụ trung thành và các giao ước bảo mật theo luật định," một luật sư của Opera cho biết.


Một bài báo được tờ Dagens Naeringsliv (DN) đăng tải hôm thứ 2 cho rằng vụ kiện của Opera bắt nguồn từ một bài thuyết trình được Hansen thực hiện vào tháng 6 năm ngoái tại Mozilla. Khi đó, Hansen đã trình diễn một nguyên mẫu trình duyệt mới có tên mã "Junior" dành cho Apple iPad.


Hansen đã lên tiếng bác bỏ và cho rằng "Nguyên mẫu này không liên quan gì đến cáo buộc của Opera." Thay vào đó, anh nhắc đến một dự án có tên "Search Tabs" được nêu trong bài thuyết trình lần trước bởi Alex Limi - lãnh đạo bộ phận thiết kế sản phẩm chiến lược tại Mozilla.


Trong suốt phần thuyết trình của mình, Limi đã nhiều nói rằng ông và Hansen đã hợp tác tạo ra những thiết kế đầu tiên nhằm giúp Mozilla lấy lại vị thế từ Google Chrome - trình duyệt được gã khổng lồ tìm kiếm phát hành vào năm 2008 và đến nay đã vượt mặt Firefox về thị phần sử dụng. Trong số các thiết kế thì có 2 mẫu liên quan đến Search Tabs.


Nói về Search Tabs, Limi nhấn mạnh: "Tất cả đều được Trond thiết kế lại" và ở cuối bài thuyết trình, Hansen được nêu tên là thiết kế trưởng của công cụ tìm kiếm này.


Tính năng được Limi giới thiệu như một bước đột phá nói trên cho phép người dùng tinh chỉnh kết quả tìm kiếm bằng cách sử dụng nhiều bộ máy tìm kiếm khác nhau. Cũng giống như các trình duyệt khác, người dùng có thể sử dụng thanh địa chỉ như một nơi để nhập URL của trang web hay tìm kiếm trực tiếp từ đây và có thể chọn các biểu tượng bên trái cửa sổ Firefox để gọi các kết quả từ nhiều bộ máy tìm kiếm như Google, Yahoo, Bing, Amazon, eBay và thậm chí Twitter.


Theo Limi, qua thử nghiệm tính năng Search Tabs, người dùng đã tiếp cận nhiều hơn với các bộ máy tìm kiếm. Ông nói: "Người dùng bắt đầu thay đổi thói quen tìm kiếm thông tin của họ." Trong đó, 2/3 số người dùng thử cho biết họ thích Firefox hơn với tính năng này và đây là một tỉ lệ rất cao đối với một công cụ mới.


Limi cho rằng tính năng trên sẽ "tạo sự cân bằng cho thị trường tìm kiếm", mang lại cho các bộ máy tìm kiếm nhỏ hơn một cơ hội để cạnh tranh với Google và người dùng cũng sẽ có cơ hội khám phá những kết quả tìm kiếm có liên quan. "Điều ngạc nhiên nhất chính là Twitter", Limi nói khi cho rằng gần như mọi người dùng thử đều bắt đầu sử dụng Twitter để tìm kiếm bên cạnh các tùy chọn quen thuộc.


Limi đưa ra lý lẽ rằng các trình duyệt khác như Chrome và Internet Explorer có thể sẽ không đi theo xu hướng của Firefox bởi mỗi hãng đều có bộ máy tìm kiếm mặc định riêng như Google và Microsoft Bing. Do đó, Mozilla có thể khai thác tính năng tìm kiếm đa bộ máy để tạo sự khác biệt so với các trình duyệt khác đang phát triển trên thị trường.


Hansen đã phủ nhận sử dụng các ý tưởng của Opera để phục vụ cho công việc hợp tác giữa Mozilla. Hansen cho biết sau khi rời Opera vào năm 2006, anh đã tìm cách phát triển một trình duyệt mới có tích hợp tính năng tìm kiếm đa nguồn và trực tiếp từ thanh địa chỉ có tên "GB". Anh nói: "Vào mùa hè năm 2008, nhà sáng lập Opera kiêm CEO đương nhiệm - Jon von Tetzchner đã gặp và hỏi tôi liệu có muốn đóng góp nhiều hơn cho Opera hay không. Tôi đã nói cho Tetzchner nghe về GB và đề nghị chúng tôi có thể phát triển GB như một phiên bản mới và đơn giản hóa của Opera. Ông ta rất lấy làm thú vị nhưng khi chúng tôi nói về chuyện kinh doanh, tôi bảo rằng tôi không cần lương, không cần cổ phiếu, chỉ cần 1% lợi nhuận thu về từ hoạt động tìm kiếm thì ông ta lập tức từ chối. Vì vậy, không có bất kỳ hợp đồng hay thỏa thuận nhượng quyền sử dụng nào của mô hình GB cho Opera."


Ngoài ra, Hansen cũng cho biết vào năm 2010, khi hợp đồng tư vấn của anh và Opera không được ký mới, anh đã trình bày với CEO Lars Boilesen về nguyện vọng muốn tiếp tục phát triển mô hình GB với một công ty khác, nhiều khả năng là Mozilla thì ông ta ít nhất cũng đã ngầm chấp thuận. Vì vậy, Hansen nhấn mạnh: "Tôi kịch liệt phản đối ví trí của họ (Opera) và tôi tin tôi đã bị cáo buộc sai, và tôi có thể chứng minh trường hợp của tôi."


Hansen là một trong những nhà thiết kế đáng chú ý nhất trong thế giới trình duyệt web. Sau khi bắt đầu làm việc tại Opera vào năm 1999, anh là người chịu trách nhiệm chính cho hàng loạt tính năng cốt lõi mà các trình duyệt hiện nay đều sử dụng, bao gồm tính năng tìm kiếm trong trình duyệt, hay tính năng hiển thị hình ảnh thumbnail của những trang web vừa duyệt khi tạo một tab mới (Khi mới tích hợp, Opera gọi là Speed Dial và Alex Limi cũng sử dụng một khái niệm tương tự trong bài thuyết trình năm ngoái trên Firefox).


Phiên xử đầu tiên trong vụ kiện giữa Opera và Hansen đã được lên lịch vào cuối tháng 8 tới tại Oslo.