Bên cạnh V series thì Acer mới đây cũng đã bổ sung vào gia đình Aspire một chiếc "Ultrabook" khá lạ mắt với tên gọi P3. Có thể nói Aspire P3 chẳng khác gì một chiếc máy tính bảng chạy Windows 8 nhưng tại sao lại được xếp vào dòng Ultrabook thì chắc hẳn Acer phải làm nhiều thứ để đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo do Intel đặt ra. Liệu trong thân xác máy tính bảng, Aspire P3 có thể mang lại hiệu năng như một chiếc Ultrabook thông thường? Mời các bạn xem qua bài đánh giá dưới đây.
Thiết kế:
Aspire P3 được bán kèm với một chiếc dock bàn phím vừa là cover. Bạn có thể tháo rời ra để sử dụng như một chiếc máy tính bảng bình thường và khi gắn vào thì Aspire P3 sẽ như một chiếc Ultrabook.Về phần thân máy, Aspire P3 sở hữu thiết kế tương tự những chiếc máy tính bảng Windows 8 thệ hệ mới của Acer. Giống như W510 hay W700, P3 cũng có vỏ nhôm nguyên khối rất chắc chắn và sang trọng. Mặt trước của máy là màn hình cảm ứng 11" nằm trong vùng viền đen khoảng 1,5 cm - đủ rộng để bạn có thể cầm chắc máy bằng một tay và thao tác thuận tiện với tay còn lại mà lòng bàn tay không chạm lên khu vực cảm ứng. Bên dưới màn hình là nút Windows vật lý được hoàn thiện khá tinh xảo. Mặt sau là một bề mặt nhôm hơi sần, trông khá giống với chất liệu nhôm của MacBook. Gần cạnh trên là một phần ốp bằng nhựa, nơi có chứa camera 5 MP.Nếu tháo rời, Aspire P3 có độ dày chỉ 0,8 cm. So với các máy tính bảng Windows 8 khác của Acer thì Aspire P3 dày hơn 1 chút so với Acer Iconia W510 (0,76 cm), mỏng hơn Iconia W700 (1,27 cm) và so với Microsoft Surface Pro thì Aspire P3 còn mỏng hơn rất nhiều: 0,8 cm so với 1,34 cm và trọng lượng cũng nhẹ hơn: 0,79 kg so với 0,9 kg.
Thiết kế mỏng khiến Aspire P3 không được trang bị nhiều cổng kết nối như một chiếc Ultrabook bình thường. Bên cạnh trái chỉ có cổng microHDMI (có tặng kèm adapter chuyển microHDMI sang VGA) và 1 cổng USB 3.0 tiêu chuẩn. Bên cạnh phải là jack tai nghe 2-in-1 Combo 3,5 mm và máy cũng không có khe cắm thẻ nhớ mở rộng.
Tại cạnh phải còn nút nguồn và nút tăng giảm âm lượng nhưng lại thiếu sót nút khóa xoay màn hình, khá bất tiện khi sử dụng dạng máy tính bảng thuần. Trên cạnh trên là 2 khe tản nhiệt (hút bên trái/thổi bên phải) và trên cạnh dưới là 2 loa với công nghệ Dolby Home Theater.
Về dock bàn phím, nó gồm 2 phần, phần khay cố định máy và phần bàn phím bên dưới, được chế tạo bằng nhựa giả kim loại. Khác với Surface hay Iconia W510, phần bàn phím không gắn kết cơ học với máy, nó hoàn toàn rời rạc. Trên phần khay cố định có một đường gờ mỏng, khi đặt máy lên bàn phím, đường gờ này sẽ khớp với một rãnh nhỏ ngay phía trên khu vực phím, giữ cố định màn hình và tạo ra góc nghiêng phù hợp để quan sát và thao tác. Tuy nhiên, thiết kế này chỉ hiệu quả nếu sử dụng máy trên bàn còn nếu để trên đùi hay những bề mặt gồ ghề thì không được chắc chắn. Thêm vào đó, bạn cũng không thể chỉnh góc nghiêng màn hình theo ý muốn.
Do không gắn kết cơ học với máy nên bàn phím dùng giao tiếp không dây Bluetooth. Bàn phím tự động pair nên chúng ta không cần quan tâm đến việc có kết nối hay chưa. Khi tháo máy ra hoặc khi không cần dùng đến bàn phím, bạn có thể ngắt kết nối bàn phím bằng một nút ở trên cùng góc trái. Trên rìa trái gần nút tắt mở bàn phím là một cổng microUSB và bạn có thể sạc lại pin cho bàn phím bằng sợi cáp USB đi kèm. Máy chỉ có 1 cổng USB nên khi sạc pin cho bàn phím thì bạn không thể dùng thêm thiết bị nào khác. May mắn là pin của phím rất lâu nên bạn không phải lo chuyện sạc lại liên tục.
Bàn phím được thiết kế dạng chiclet với kích thước tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do mỏng chỉ 3 - 4 mm nên phím rất nông, vì vậy để soạn thảo không bị sót kí tự thì bạn phải dùng lực mạnh hơn bình thường một chút. Mặc dù vậy, khoảng trống giữa các phím khá rộng rãi, hành trình ngón tay không bị ngắn quá mức. Các phím cần thiết như Shift, Ctrl đều được giữ nguyên kích thước nhưng bù lại phím Caps Lock lại bị thu nhỏ và nằm ngay cạnh phím "~''. Thêm nữa, do chỉ có 5 hàng phím thay vì 6 hàng như các bàn phím tiêu chuẩn nên các nút chức năng F1 đến F12 cũng được tích hợp vào hàng phím số trên cùng. Nhìn chung trải nghiệm gõ phím trên Aspire P3 khá thoải mái, không mất nhiều thời gian làm quen.
Hình ảnh, âm thanh & camera:
Aspire P3 sử dụng màn hình IPS 11" với độ phân giải 1366 x 768 px, thấp hơn so với Iconia W700 và Surface Pro. Tuy nhiên, với kích thước màn hình này thì độ phân giải trên rất phù hợp để hiển thị các yếu tố giao diện và giữ được độ sắc nét của hình ảnh.
Tấm nền IPS cùng công nghệ màn hình LED CineCrystal mang lại cho Aspire P3 một chiếc màn hình rất sáng (392 lux), màu sắc được tái hiện sinh động, rất phù hợp để xem các nội dung đa phương tiện hoặc chỉnh sửa hình ảnh, đồ họa. Thêm vào đó, tấm nền IPS cũng mang lại góc nhìn rộng, khoảng 170 độ từ 2 bên. Tuy nhiên, do vẫn dùng màn hình gương nên khả năng hiển thị của Aspire P3 bị hạn chế nhiều khi sử dụng ngoài trời.
Màn hình hỗ trợ cảm ứng 10 ngón tay với độ nhạy cao. Mình đã trải nghiệm qua nhiều máy tính cảm ứng chạy Windows 8 và khi làm việc với môi trường Desktop thì hầu hết đều không thể đáp ứng tốt bởi ngón tay thì to mà nút bấm, biểu tượng lại nhỏ. Tuy nhiên, nhược điểm này trên Aspire P3 đã được khắc phục khá tốt nhờ sự kết hợp giữa màn hình cảm ứng nhạy, kích thước màn hình và độ phân giải phù hợp. Có lẽ Acer đã rất tự tin về độ phản hồi chính xác của màn hình nên quyết định không trang bị cho máy bàn rê cảm ứng như các Ultrabook khác.
Acer Aspire P3 được trang bị 2 loa nằm trên cạnh dưới. Khi gắn vào dock bàn phím thì 2 loa sẽ hướng xuống nền phím, âm thanh đi ra sẽ được khuếch đại thêm. Chất lượng âm thanh của Aspire P3 trên mức trung bình, vang và chi tiết với những bài nhạc giàu tiếng nhạc cụ như guitar, saxophone nhưng bass kém. Trải nghiệm bằng tai nghe sẽ tốt hơn trên Aspire P3 và nếu cần thêm hiệu ứng thì bạn có thể điều chỉnh bằng phần mềm Dolby Home Theater cài sẵn trên máy. Máy mỏng, không gian phần cứng được tận dụng tối đa nên theo mình thì âm thanh của Aspire P3 có thể chấp nhận được.
Bên cạnh webcam hỗ trợ cho các ứng dụng chat video hoặc "tự sướng" thì Aspire P3 cũng được trang bị một chiếc camera 5 MP ở mặt sau. Chất lượng ảnh khi chụp ngoài trời với ánh sáng đầy đủ ở mức khá, giàu màu sắc và khá chi tiết. Tuy nhiên, nếu chụp trong điều kiện hơi thiếu sáng thì rất nhiễu. Thêm vào đó, nếu lắp máy vào dock thì bạn không thể sử dụng camera sau do phần khay cố định máy không khoét lỗ cho ống kính. Nói chung so với các máy tính bảng khác của Acer như W510, W700 thì camera của Aspire P3 tốt hơn rất nhiều, dễ lấy nét, chất lượng ảnh ok.
Hiệu năng:
Chiếc máy mình dùng đánh giá mang mã P3-171-5333Y2G12as dành cho thị trường châu Á như Việt Nam. Cấu hình máy như sau:Ngoài cấu hình trên, Aspire P3 còn có 2 phiên bản cấu hình khác là Core i5-3339Y, RAM 4 GB và Core i3-3229Y, RAM 4 GB. Điểm chung trên tất cả các phiên bản Aspire P3 là việc sử dụng CPU Intel thế hệ 3 (Ivy Bridge) và series 3200Y/3300Y. Với kí hiệu "Y" ở cuối, chúng ta có thể hiểu đây là những CPU tiết kiệm điện năng nhất của họ Ivy Bridge, hơn cả dòng "U" trên nhiều Ultrabook khác. Đối với phiên bản Core i5, CPU hỗ trợ Turbo Boost lên xung nhịp tối đa 2 GHz nhưng mức tiêu thụ điện năng TDP tối đa chỉ 13 W so với các CPU dòng U là 17 W. Ngoài ra, thế hệ 3200Y/3300Y cũng hỗ trợ các công nghệ như Intel Engine Management, Anti-Theft, Identity Protection. Vì vậy, Aspire P3 đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết về phần cứng mà Intel đặt ra đối với một chiếc Ultrabook nền tảng Chief River.
- HĐH: Windows 8 64-bit cài sẵn
- CPU: Intel Core i5-3339Y, xung nhịp 1,5 GHz
- GPU: Intel HD Graphics 4000
- RAM: DDR3 2 GB
- SSD: Intel SSD 120 GB
Trở lại với phần đánh giá hiệu năng bằng các công cụ Benchmark, trước tiên là Windows Experience Index:
Aspire P3 đạt 4,6 điểm căn cứ theo thang điểm thấp nhất là hiệu năng đồ họa Desktop. Các điểm số còn lại khá cao như điểm xử lý 6,3, điểm hiệu năng đồ họa 3D và chơi game 6,1, điểm tốc độ truy xuất ổ cứng cao nhất với 8,1 điểm và điểm bộ nhớ RAM trung bình ở 5,5 điểm.
Đánh giá hiệu năng đồ họa với 3DMark 11, chế độ Performance (P) với nội dung test trung bình cho các máy tính không dùng card đồ họa rời, Aspire P3 đạt 441 điểm. Cũng dùng card đồ họa Intel HD Graphics 4000 nhưng điểm số của Aspire P3 thấp hơn so với Surface Pro và Dell XPS 12. Cả 2 chiếc máy này dùng CPU Core i5-3317U, xung nhịp 1,7 GHz.
Đánh giá hiệu năng tổng thể với PCMark 7, 2 gói test Lightweight và Productivity, Aspire P3 đạt 3908 điểm, vẫn thấp hơn so với mốc điểm trên 4000 của Surface Pro và Dell XPS 12. Điều này cũng dễ hiểu bởi chiếc Aspire P3 mình dùng có CPU xung nhịp thấp hơn và RAM cũng chỉ 2 GB thay vì 4 GB như 2 chiếc máy còn lại.
Đánh giá tốc độ truy xuất ổ SSD bằng phần mềm CrystalDisk Mark cho thấy ổ Intel SSD 120 GB có tốc độ đọc 434 MB/s trong khi tốc độ ghi là 147 MB/s. So với 2 Surface Pro và Dell XPS 12 thì các thông số khá xấp xỉ.
Với cấu hình trên, qua trải nghiệm thực tế thì Aspire P3 có thể đáp ứng tốt nhu cầu làm việc đa nhiệm, không nặng về đồ họa. Đồng thời, về nhu cầu giải trí thì Aspire P3 vẫn chơi ngọt các bộ phim HD mở từ ổ cứng hoặc stream trực tuyến. Qua đó, mình cho rằng Acer hoàn toàn có thể xếp Aspire P3 vào dòng Ultrabook về mặt hiệu năng.
Pin và nhiệt:
Aspire P3 được trang bị pin 4 cell dung lượng 5280 mAh và thời lượng sử dụng tối đa là 6 giờ theo công bố của Acer. Để kiểm chứng, mình đã thử đo mức độ hao hụt pin của P3 trong 1 giờ làm việc với các tác vụ như: Duyệt web bằng Chrome với 13 tab, dùng Evernote để viết bài đánh giá (tự động Sync), Corel PaintShop Pro để sửa ảnh, nghe nhạc trên web với âm lượng 70%, độ sáng màn hình khoảng 70%. Thời gian bát đầu test là 20:31 - 78% pin thì đến 21:31 - pin còn 53%.
Như vậy, trong 1 giờ làm việc ở chế độ pin Balanced thì Aspire P3 mất 25% pin. Nếu làm việc như vậy liên tục thì pin của máy khoảng 4 giờ. Tuy nhiên, với các tác vụ và cường độ làm việc khác nhau thì pin có thể trụ lâu hơn.
Về vấn đề nhiệt, nhiệt độ CPU đo được ở 46 độ C (không tải) và tối đa 55 độ C (tải vừa) với tác vụ duyệt web và xem video flash. Nhiệt độ bo mạch có biên độ nhiệt khoảng 7 độ, từ 55 đến 62 độ C, trong khi nhiệt độ ổ cứng SSD ổn định ở 40 độ C. Nếu sử dụng với dock bàn phím thì Aspire P3 không có vấn đề nào về nhiệt. Nếu cầm trên tay dùng như máy tính bảng thì máy hơi ấm ở khu vực tay trái và khe thoát nhiệt.
Lời kết:
Trở lại câu hỏi ở đầu bài viết này, Acer Aspire P3 - thân máy tính bảng, hồn Ultrabook, liệu sự kết hợp này có mang lại những gì chúng ta cần hay không. Qua kết quả đánh giá trên, hẳn các bạn cũng đã có được câu trả lời. Aspire P3 đủ nhẹ, đủ mỏng để bạn có thể dùng như một chiếc máy tính bảng Windows 8 thông thường. Bên cạnh đó, với việc sử dụng CPU Core I thế hệ mới thay vì Atom, ổ SSD nhanh, thời lượng pin khá, Aspire P3 cũng đã chứng minh được hiệu năng cần thiết của một chiếc Ultrabook mặc cho thiết kế có phần khác biệt.
Aspire P3 phiên bản Core i5 được bán với giá 18 triệu 490 ngàn (khoảng 890 USD). Nếu so với các đối thủ khác như Dell XPS 12 (giá 1099 USD) hay Microsoft Surface Pro phiên bản 128 GB kèm Touch Cover (giá 1128 USD) thì Aspire P3 vẫn rẻ hơn nhiều. Vì vậy, mức giá vừa phải với trọn bộ phụ kiện thì Aspire P3 sẽ là một sự lựa chọn lý tưởng 2 trong 1 cho những ai vừa thích Ultrabook vừa thích máy tính bảng Windows 8.
Tóm lược ưu nhược điểm đáng chú ý của Acer Aspire P3:
Ưu điểm:Nhược điểm:
- Thiết kế lạ mắt, chất lượng hoàn thiện tốt, gọn nhẹ;
- Màn hình đẹp, góc nhìn rộng;
- Hiệu năng khá.
- Dock bàn phím rời rạc, phím chưa tốt, không có bàn rê;
- Thiếu nhiều cổng kết nối;
- Không có khe cắm thẻ nhớ mở rộng.
Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013
[Đánh giá] Acer Aspire P3 - thân máy tính bảng hồn Ultrabook, hiệu năng khá, giá tốt
Nhãn:
Acer Aspire P3
,
Aspire P3
,
Core i3 3229Y
,
Core i5 3339Y
,
đánh giá
,
Máy tính
,
máy tính bảng Windows 8
,
Máy tính Windows
,
TIN TỨC - GIỚI THIỆU
,
ultrabook