Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Sự thật về vụ tai nạn máy bay của Yuri Gagarin chính thức được công bố sau hơn 40 năm

Gagarin

Người đàn ông đầu tiên bay vào vũ trụ - Yuri Gagarin mất vào ngày 27 tháng 3 năm 1968 trong một vụ tai nạn máy bay gần thị trấn Kirzhach, cách Moscow 100 km. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến máy bay rơi vẫn là một bí ẩn trong suốt nhiều năm qua. Nhiều giả thuyết được đặt ra, trong đó thậm chỉ có cả giả thuyết rằng chiếc máy bay huấn luyện của Gagarin đã va phải … UFO. Sau hơn 40 năm, sự thật đằng sau nhưng sự kiện xảy ra trong ngày tang thương đó đã được phi hành gia kỳ cựu người Nga - Aleskey Leonov tiết lộ.

Aleskey Leonov là người đàn ông đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ trong không gian vào năm 1965. Sau vụ tai nạn của Gagarin, Liên Xô đã thành lập một ban điều tra với sự góp mặt của Leonov để tìm kiếm nguyên nhân. Họ đã đưa ra kết luận rằng Yuri Gagarin cùng cơ phụ giàu kinh nghiệm Vladimir Seryogin đã cố tránh một vật thể lạ - có thể là một con ngỗng trời hoặc một quả bóng bay, bằng cách chuyển hướng bay đột ngột khiến máy bay của Gagarin lâm vào tình trạng tailspin (mất kiểm soát, lao nhanh theo hình xoắn ốc) và cuối cùng đâm xuống đất. Cả 2 phi công đều thiệt mạng.

Gagarin_Leonov
Người đàn ông đầu tiên bay vào không gian -Yuri Gagarin (trái) và Aleskey Leonov - phi hành gia đầu tiên đi bộ trong không gian.

Phỏng vấn trước Russian Today, Leonov nói: "Kết luận này chỉ khiến một người dân thường tin được còn với một chuyên gia thì không." Trong 20 năm qua, Leonov đã tìm mọi cách để được nói lên sự thật và ông mong muốn ít nhất gia đình của Gagarin được biết sự thật. Vì vậy, ông luôn giữ vững lập trường trước những lời đồn thổi xung quanh cái chết của Gagarin. Ông nhấn mạnh: "Trên thực tế, sự việc đã diễn ra hoàn toàn khác."

Theo một báo cáo được tiết lộ, có một nhân tố khác đằng sau vụ tai nạn của Gagarin - cụ thể là sự có mặt trái phép của một chiếc Sukhoi Su-15 và nó đã bay gần với chiếc MiG-15 của Gagarin trong phạm vi nguy hiểm.

Ngày Gagarin gặp nạn, Leonov được giao nhiệm vụ hướng dẫn thực tập nhảy dù. Điều kiện thời tiết rất xấu, mưa, gió và tuyết khiến bài tập không thể diễn ra. Trong khi đang đợi lệnh hoãn tập chính thức từ ban chỉ huy thì ông bất ngờ nghe được một tiếng ồn siêu âm kèm theo đó là một tiếng nổ cách nhau chưa đầy một giây.

Ông nói: "Chúng tôi biết có một chiếc Su-15 được lên lịch bay thử trong ngày hôm đó nhưng lẽ ra nó phải bay ở độ cao trên 10.000 m, trong khi thực tế nó chỉ bay ở 450 - 500 m. Điều này vi phạm thủ tục bay."
Trong cùng ngày, Leonov đã nói chuyện với những nhân chứng và họ cho biết có một chiếc Su-15 xuất hiện sau màng mây, đuôi phuộc lửa và xịt khói?

Leonov cho biết: "Trong khi thực hiện hoạt động đốt tăng lực, chiếc Su-15 đã giảm độ cao và vượt rất gần Gagarin khiến chiếc máy bay của anh ấy lâm vào tình trạng tailspin - lao xuống theo hình xoắn ốc ở tốc độ 750 km/h."

Theo một báo cáo do chính cơ phụ Seryogin viết, tổ bay đã không thực hiện bài bay nhào lộn hay xoay vòng với chiếc máy bay thử nghiệm MiG-15 dùng động cơ RD-45 mang theo các thùng nhiên liệu phụ dung tích 260 lít mỗi thùng. Các bài thao diễn cơ bản như chuyển hướng, lao lên bổ xuống đã được thực hiện sau đó và Gagarin đã thông báo về trung tâm kiểm soát không lưu: "Mã số 645, bài tập hoàn tất, đang giảm độ cao."

"Đó là thông điệp cuối cùng mà chúng tôi nhận được từ Gagarin. Dữ liệu ghi lại cho thấy lúc phát đi thông báo, Gagarin đang bay ở độ cao 4200 m, 55 giây sau thì máy bay rơi," Leonov giải thích.

Leonov sau đó được gọi trở về căn cứ không quân Chkalovsky và tại đây, ông nhận được thông tin rằng máy bay của Gagarin có thể đã hết nhiên liệu trước đó 45 phút. Những nghi ngờ của Leonov đã được xác nhận khi một số người cho biết hiện trường máy bay rơi nằm gần ngôi làng Novoselovo.

"Chúng tôi đã huy động một nhóm đến đó và tìm thấy những gì còn lại của chiếc máy bay và cơ phụ Seryogin. Không thấy dấu vết của Gagarin đâu ngoại trừ tấm bản đồ và chiếc ví. Vì vậy, ban đầu chúng tôi nghĩ anh ấy đã cố bung ghế nhảy ra khỏi máy bay. Sau đó, chúng tôi huy động cả một tiểu đoàn bộ binh đến sục sạo cả khu rừng trong suốt đêm. Họ vừa tìm vừa la hét với hy vọng Gagarin có thể nghe thấy họ nhưng tất cả những gì họ tìm được là một chiếc dù. Chỉ đến ngày hôm sau, chúng tôi mới tìm thấy phần thi thể của Gagarin. Tôi nhân ra anh ấy nhờ một cái nốt ruồi đen trên cổ mà tôi cũng chỉ tình cờ phát hiện trước đó 3 ngày. Một ủy ban đã được thành lập để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Gherman Titov và tôi được mời tham gia với vai trò là các chuyên viên."

Leonov
Aleskey Leonov trong cuộc phỏng vấn với Russian Today.

Với sự hỗ trợ của máy tính hiện đại, một cuộc điều tra mới dựa trên những chứng cứ thu thập đã được thực hiện để tìm ra chính xác điều gì khiến máy bay của Gagarin mất kiểm soát và lao xuống với tốc độ chết người.

Leonov cho biết: "Chúng tôi đã sử dụng máy tính để tìm ra quỹ đạo rơi của máy bay trong 55 giây cuối cùng. Kết quả cho thấy máy bay đã rơi vào trạng thái rơi xoắn ốc. Một chiếc phản lực cơ có thể lâm vào trạng thái này nếu một chiếc máy bay khác lớn hơn, nặng hơn bay vượt mặt quá gần và làm chao đảo chiếc phản lực cơ bởi luồng không khí xoáy phía sau nó. Và đây chính xác là những gì xảy ra với Gagarin."

Chiếc MiG-15 của Gagarin đã bay vào vùng nhiễu động khí do chiếc máy bay siêu âm Su-15 bỏ lại phía sau khiến nó rơi vào trạng thái tailspin. Gagarin đã không thể lấy lại khả năng kiểm soát bởi lúc này máy bay đang bay quá thấp. Để thoát khỏi tình trạng tailspin, chiếc MiG-15 cần thêm độ cao từ 200 đến 300 m và Gagarin cần có thêm từ 2 đến 3 giây để xử lý.

Leonov đã công bố kết quả điều tra trên trước đại chúng trong một loạt các cuộc họp báo. Một số phi công thao diễn đã được mời đến để xem xét và chứng thực.

Tuy nhiên, tên của người phi công lái chiếc Su-15 gây nên cái chết của Gagarin và Seryogin vẫn không được tiết lộ. Chỉ biết người phi công hiện đã 80 tuổi và sức khỏe rất yếu. Leonov nói: "Tôi được hỏi tại sao không tiết lộ tên của viên phi công. Ông ấy là một phi công giỏi và … cũng chẳng giải quyết được gì nếu biết ông ấy là ai."

Nikolay Stroev, phó trưởng ban quân sự - công nghiệp của Liên Xô từng nói sự việc xảy ra ngoài ý muốn bởi phi công của chiếc Su-15 không thể phát hiện ra một chiếc máy bay khác trong điều kiện mây mù dày đặc. Khi ông ta bay vượt mặt Gagarin "ở tốc độ siêu âm thì chỉ trong một phần vài giây, tầm nhìn có thể chỉ còn 10 đến 20 m".

Vụ tai nạn của Gagarin cuối cùng cũng đã được làm rõ và sự thật có thể sẽ tác động không nhỏ đến nhiều người, trong đó phải kể đến người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian - Valentina Tereshkova.

Tereshkova
Valentina Tereshkova - người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian.

Trong một cuộc họp báo diễn ra ở trụ sở Liên hợp quốc, tại Vienna, VQ Áo, Tereshkova phát biểu: "Điều đáng tiếc duy nhất là mất quá nhiều thời gian để sự thật được phơi bày. Tuy nhiên, cuối cùng thì chúng ta cũng đã được thanh thản."

Cái chết của Gagarin không chỉ là một bi kịch mà còn là thời khắc chấm dứt sự nghiệp của Tereshkova. Trước Gagarin, phi hành gia Vladimir Komarov - bạn thân của ông, cũng đã hy sinh do phi thuyền Soyuz 1 khi trở lại quỹ đạo đã không bung dù. Từ đó, các quan chức Liên Xô đã cấm Gagarin bay vì sợ mất đi một "ngôi sao". Sau này, chính Gagarin đã đấu tranh để lệnh cấm bay được hủy và ông đã được mãn nguyện dù chỉ là bay huấn luyện. Sau vụ tai nạn của Gagarin, đến lượt lệnh cấm được ban hành với Tereshkova.

"Họ đã cấm tôi bay vĩnh viễn, thậm chí là bay huấn luyện. Tác động từ cái chết của Gagarin quá lớn khiến họ muốn tôi được an toàn," bà cho biết.

Tuy nhiên, nỗi buồn lớn nhất của Tereshkova chính là sự thật đằng sau cái chết của Gagarin. Bà nghẹn ngào: "Tôi vẫn nhớ anh ấy. Cái chết của Gagarin không chỉ là một mất mát lớn đối với những người bạn đồng nghiệp mà còn đối với cả cộng đồng quốc tế."