Một số kiến trúc được bầu chọn tại triển lãm World Architecture
Festival 2013
World Architecture Festival (WAF) là một triển lãm và lễ trao giải được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh ngành công nghiệp kiến trúc. Năm nay, triển lãm WAF sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10 tới tại vịnh Marina Bay Sands, Singapore. Tham dự triển lãm sẽ có hơn 300 dự án kiến trúc trải đều trong 29 danh mục và được chia làm 3 nhóm: Các công trình hoàn thiện, dự án ngoài trời và dự án trong tương lai. Hôm nay, danh sách các ứng cử viên của giải thưởng "Kiến trúc của năm" đã được công bố:
Ứng cử viên nặng ký trong danh mục kiến trúc văn phòng là 2 tòa tháp Al Bahar tại Abu Dhabi, UAE. Tòa tháp cao 145 m được công ty kiến trúc Aedas thiết kế. Bao phủ bên ngoài tòa tháp là một lớp lưới đặc biệt, lấy ý tưởng từ thiết kế cửa sổ mắt cáo mashrabiya truyền thống của Ả-rập. Thiết kế hiện đại của lớp lưới mashrabiya tạo bóng mát cho tòa nhà bên trong chủ động theo vị trí mặt trời. Toàn bộ lớp lưới bao gồm 2000 mô-đun hình sáu cạnh mỗi tháp, đóng và mở để thay đổi bóng râm tùy theo các mốc thời gian trong ngày. Mô-đun hoạt động độc lập và được điều khiển bằng một hệ thống quản lý bên trong tòa nhà. Theo Aedas, lớp lưới mashrabiya sẽ giảm thiểu đến 50% nhiệt độ nội thất, qua đó cắt giảm đáng kể năng lượng tiêu thụ của hệ thống điều hòa nhiệt độ. Khi kết hợp, 2 tòa tháp sẽ bao gồm 70.000 m vuông không gian văn phòng, tạo không gian làm việc cho từ 1000 đến 1100 nhân viên mỗi tháp.
Đến với một công trình "mát mẻ" hơn là Blue Planet thuộc danh mục tham quan trưng bày. Blue Planet là công viên hải dương học lớn nhất tại châu Âu nằm tại vùng Øresund, cách thủ đô Copenhagen của Đan Mạch 8 km. Tại đây có hơn 20.000 loài cá và thủy sinh vật được nuôi trong 53 bể kính chứa xấp xỉ 7 triệu lít nước.
Chịu trách nhiệm thiết kế Blue Planet là 3XN - công ty đã trúng thầu dự án này vào năm 2007 thông qua một cuộc thi quốc tế. Tổ hợp công viên hải dương học Blue Planet được xây dựng tại phía bắc vịnh Kastrup, Øresund, hướng thẳng về phía biển. Nước biển cần thiết cho sự sống của thủy sinh vật được bơm trực tiếp từ biển Baltic qua một đường ống dài 1,7 km. Để đảm bảo môi trường tốt nhất cho các loài thủy sinh, nước trong bể được lọc và khử trùng mỗi giờ và sau đó được tái sử dụng. Bể kính lớn nhất tại Blue Planet là Ocean Tank, dài 16 m, cao 8 m, nặng 66 tấn và được làm bằng kính acrylic chịu lực, giữ 4 triệu lít nước bên trong.
Thiết kế của tổ hợp được lấy ý tưởng từ chuyển động của nước và hình dạng của các loài sinh vật biển. Nội thất được trang trí với một loạt các ván lợp bằng nhôm tạo hình kim cương để tạo hiệu ứng nước phản chiếu và chuyển động của bầu trời phía trên. Tổ hợp Blue Planet được chia thành nhiều khu vực bể kính với một phòng lớn tại trung tâm có tên Round Room. Từ đây, khách tham quan có thể chọn các khu vực tham quan như thủy sinh vật từ sông, hồ hay biển. Được biết phức hợp công viên hải dương học Blue Planet được xây dựng với tổng kinh phí 600 triệu DDK (~ 107,6 triệu USD).
Không chỉ có các công trình khổng lồ được xây dựng trên mặt đất, tham gia triển lãm WAF 2013 còn có những thiết kế di động điển hình như trạm nghiên cứu Nam Cực Halley VI của Anh. Hệ thống trạm nghiên cứu này được thiết kế bởi công ty kiến trúc Hugh Broughton và được chế tạo bởi AECOM.
Halley VI được phát triển nhằm thay thế cho hệ thống trạm nghiên cứu Halley V đã 20 năm tuổi được đặt trên tảng băng nổi Brunt Ice Shelf. Kể từ năm 1957, các trạm nghiên cứu của Anh đã được triển khai tại đây nhằm mục đích nghiên cứu từ trường Trái Đất và khí quyển cận không gian.
Để chống chịu với các điều kiện khắc nghiệt bao gồm sức gió trên 145 km/h, nhiệt độ trung bình - 30 độ C, Halley VI được thiết kế siêu bền và có thể đứng vững trên lớp tuyết dày tại Nam Cực. Các mô-đun của trạm được lắp trên những ván trượt thủy lực, cho phép lai dắt đến nơi khác bằng xe ủy chuyên dụng nhằm tránh nguy cơ bị mắc lại trên một tảng băng vỡ ra từ Brunt Ice Shelf.
Ảnh: Hiroyuki Oki
Ngoài ra, trong danh sách này còn có 6 đại diện của Việt Nam trải dài trên nhiều danh mục từ nhà ở, căn hộ, công trình công cộng, công trình tương lai và nhà hàng khách sạn. Một trong số đó là nhà hàng - café Kontum Indochina nằm bên bờ sông Dakbla, thành phố Kon Tum do công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa thiết kế. Điểm đặc biệt của công trình này là hầu như không có bức tường nào, qua đó mang lại một tầm nhìn thoáng, không gián đoạn dọc theo bờ hồ nhân tạo xung quanh. Phần mái được bao phủ bằng tre kết hợp với lá cây lợp và sợi nhựa gia cố. Tại một số vị trí trên mái nhà, các tấm nhựa được để lộ nhằm đưa ánh sáng tự nhiên vào không gian nội thất. Chống đỡ cho phần mái là hệ thống cột cố định được chế tạo bằng tre thay vì thép. Mặc dù không sử dụng điều hòa nhiệt độ nhưng nhờ bao phủ xung quanh là hồ nước cộng với bóng râm tự nhiên nên không gian bên trong vẫn đảm bảo sự thoáng mát, ngay cả trong những ngày hè nóng nực.
Dưới đây là một số hình ảnh về các kiến trúc đáng chú ý tại triển lãm WAF 2013:
Danh sách đầy đủ về các kiến trúc ứng cử viên cho danh hiệu "Kiến trúc của năm 2013", bạn có thể tham khảo tại đây.