Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Moto X sẽ được trang bị camera điều khiển bằng cử chỉ, cảm biến Clear Pixel với độ nhạy sáng cao?

Tinhte_Motorola_Xt912a_Clear_Pixel_camera

Theo Taylor Wimblerly, người sáng lập trang web Android And Me, chiếc Moto X "sẽ sở hữu camera Clear Pixel với khả năng điều khiển bằng cử chỉ". Không có thông tin chi tiết nào được Wimblerly đưa ra về việc điều khiển bằng cử chỉ nhưng trước đây chúng ta từng nghe tin đồn tương tự như thế, rằng Moto X sẽ khởi động máy ảnh khi người dùng vẫy nhẹ máy và tiến hành chụp ảnh ngay sau đó. Về chữ "Clear Pixel", trong một dòng bình luận trên Google+, Wimblerly nói như sau: "Các camera hiện tại thu nhận ánh sáng bằng một mảng các pixel màu đỏ, xanh lá và xanh dương - tức một pixel chỉ thấy được một màu. Điều đó có nghĩa là mỗi điểm ảnh đã bỏ qua 2/3 lượng ánh sáng đi tới. Trong khi đó, cảm biến mới sẽ thêm vào những pixel toàn sắc (panchromatic pixel, hay còn gọi là clear pixel) có khả năng thu mọi bước sóng trong dải ánh sáng khả kiến giúp tăng độ nhạy sáng của camera".

Wimblerly tiết lộ thêm rằng công nghệ này đã được phát triển từ từ bởi Kodak từ năm 2008 và nó sẽ cho ra những tấm ảnh rất đẹp. "Một lợi ích khác nữa đó là độ nhạy sáng cao cho phép tăng tốc độ chụp, nhờ vậy mà hiện tượng mờ sẽ được giảm". Nghe thật tuyệt đúng không các bạn? Trước đây Vic Gundotra - một phó giám đốc kĩ thuật của Google - từng hé lộ rằng máy ảnh trên các điện thoại của hãng sẽ "tuyệt vời một cách điên rồ", và có vẻ như cảm biến Clear Pixel chính là sự "điên rồ" đó.

Và không chỉ có mặt trên Moto X, nguồn tin từ trang Android Community còn cho biết rằng Clear Pixel cũng sẽ được trang bị cho hai chiếc Droid Ultra, Droid Maxx sắp được ra mắt và trong tương lai sẽ là tất cả các smartphone của Motorola.

Nói thêm về điểm ảnh panchromatic

Hầu hết các cảm biến trên máy ảnh hiện tại sử dụng một bộ lọc gọi là Bayer Filter (phát minh năm 1976) với các pixel đỏ, xanh dương và xanh lá xếp xen kẽ, trong đó số pixel xanh lá chiếm đến 50%, phần còn lại chia đều cho hai màu kia. Mỗi pixel sẽ thu nhận ánh sáng đúng theo màu của nó. Sau khi phơi sáng, phần mềm sẽ được dùng để tạo ra một bức ảnh hoàn chỉnh với đầy đủ màu sắc dựa vào tín hiệu từ các pixel trên cảm biến.

Cam_bien_toan_sac

Cảm biến toàn sắc chỉ thì được Kodak giới thiệu từ năm 2007 và theo Wimblerly thì nó bắt đầu được phát triển hoàn thiện từ năm 2008. Công nghệ này cũng dựa trên Bayer Filter nhưng có thêm các pixel toàn sắc, tức những pixel nhạy với mọi màu trong dải ánh sáng khả kiến. Vì không có màu nào bị bỏ qua nên pixel toàn sắc có thể tạo được những bức ảnh trắng đen với độ nhạy cực kì cao. Các pixel RGB còn lại trên cảm biến sẽ làm nhiệm vụ thu nhận màu sắc và thông tin này sau đó sẽ được trộn với tín hiệu trắng đen nói trên để có được bức ảnh hoàn chỉnh. Cách sắp xếp và tỉ lệ của pixel toàn sắc so với pixel RGB trên cảm biến sẽ tùy thuộc vào ứng dụng thực tế mà nhà sản xuất mong muốn.

Cach_sap_xep
Một số cách sắp xếp của pixel toàn sắc